Khi nhạc trẻ tìm đường ra biển lớn

Thứ Ba, 22/03/2022, 08:13

Qua rồi thời hoàng kim của những ca sĩ đình đám “cá chép hóa rồng” từ các cuộc thi như Sao mai điểm hẹn, Thần tượng âm nhạc, Học viện ngôi sao… Khoảng 2 năm trở lại đây, thế hệ ca sĩ trẻ Việt Nam gây tiếng vang bằng cách nỗ lực, tìm kiếm cơ hội ra thế giới. Trong số đó có nhiều cái tên ghi được dấu ấn trong bước đường chinh phục khán giả quốc tế.

Gen Z “xuất xưởng”

Gen Z – Thế hệ Z, là cụm từ để nói đến những người trẻ sinh ra trong khoảng từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000. Đó là thế hệ lớn lên trong thế giới trực tuyến và có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ. Lời miêu tả này có thể đúng, hoặc chưa hoàn toàn đúng, nhưng với riêng âm nhạc thì tương đối chuẩn.

Nếu như trên thế giới, Billie Eilish chính là biểu tượng tiêu biểu nhất của các ca sĩ thế hệ Z thì ở Việt Nam, chứng kiến sự “xâm chiếm” của các nghệ sĩ rất trẻ sinh sau năm 2000 như: Mỹ Anh, AMEE, Han Sara, Kha, Obito hay Xesi, Pháo,... Mỹ Anh – con gái diva Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân là một trong những cái tên Gen Z nổi bật ở thị trường nhạc Việt trong năm qua với màu nhạc mới lạ. Xuất thân là “con nhà nòi”, Mỹ Anh sớm bộc lộ được tài năng của mình. Chưa đầy 20 tuổi nhưng Mỹ Anh đã sở hữu cho mình loạt sản phẩm âm nhạc chất lượng như: “Sống như những đóa hoa”, “Got you”, “Bài hát cho Bi”, “Joy Spring”,...

Khi nhạc trẻ tìm đường ra biển lớn -0
Mỹ Anh đang tìm được nhiều hướng đi mới trên nền tảng số và vươn ra quốc tế

Các nghệ sĩ thuộc thế hệ trước thường có một ê-kíp hùng hậu đứng sau mỗi sản phẩm nhưng ở Mỹ Anh và nhiều nghệ sĩ Gen Z, họ sở hữu nhiều sáng tác tiếng Anh và đi kèm khả năng “full-package” - tự hát, sáng tác và sản xuất nhạc,  nên dấu ấn cá nhân đậm nét hơn cả. Đây cũng là đặc trưng rất lớn của lứa nghệ sĩ này. Chẳng hạn, chỉ với kinh phí khoảng 1 triệu đồng, Mỹ Anh đã tự tay làm tất cả các khâu để MV đầu tay “Got you” ra mắt khán giả. Phần âm nhạc do Mỹ Anh tự sáng tác, tự đảm nhiệm phần hòa âm phối khí. Đến cả phần MV cũng do Mỹ Anh thực hiện. Nhìn thành quả đầu tay của Mỹ Anh với “Got you”, khó ai có thể tin được tất cả các khâu đều được thực hiện bởi một cô bạn sinh năm 2002.

Tương tự, ngoài hát, J97 (Jack) cũng có khả năng sáng tác, tự sản xuất âm nhạc. Đây là gương mặt có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội với lượng người hâm mộ đông đảo. Nam ca sĩ sinh năm 1997 thậm chí còn từng được dự đoán là một trong những người hiếm hoi có thể ngồi vào vị trí của Sơn Tùng M-TP trên thị trường: Đứng đầu về hiệu ứng và thương mại. Những MV của J97 luôn có lượt xem/nghe rất cao và những sản phẩm của anh cũng được nhiều người đón đợi. J97 cũng đa dạng về màu sắc âm nhạc, bên cạnh cách hát và sáng tác rất riêng. Sức ảnh hưởng của anh còn thể hiện ở chỗ, cộng đồng fan từng giúp anh thắng giải “Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất” tại giải thưởng MTV EMA 2020 và nhiều thành tích đáng gờm khác trên các ứng dụng mạng xã hội.

Nhìn nhận thực trạng này, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc thừa nhận, dấu ấn để các nghệ sĩ Gen Z tồn tại trong thời buổi âm nhạc có sự thay thế liên tục này là tìm cho mình nét độc đáo riêng. Hơn nữa, thế hệ gen Z có điều kiện thuận lợi hơn thế hệ  trước rất nhiều về cách tiếp cận với khán giả. Chẳng hạn, chỉ sau một sản phẩm, bạn được nhiều người biết đến và nhanh chóng sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu. Đồng quan điểm, rapper Osad cho rằng, Gen Z có lợi thế khi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh các bậc tiền bối không có được. Đó là thời đại của công nghệ, toàn cầu hóa, Gen Z dễ dàng cập nhật những xu hướng mới, có nhiều cơ hội tiếp xúc với thị trường quốc tế. “Nhưng tất nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn ở âm nhạc của họ. Giữa một thị trường đầy rẫy những màu sắc “hao hao nhau”, cá tính hiển nhiên là dấu ấn của sự độc đáo”, nam rapper bày tỏ.

Công thức chinh phục khán thính giả

Thực tế cho thấy số người nổi tiếng và thành công từ các cuộc thi âm nhạc quốc tế đã không còn nhiều. Gen Z cũng chưa đủ tiềm lực để tiếp cận với thị trường âm nhạc quốc tế như thế hệ nghệ sĩ “già dơ” bằng các liveshow bạc tỷ hay kết hợp với các hãng đĩa lớn như Mỹ Linh, Hà Trần, Hồng Nhung, Mỹ Tâm... đã làm.

Ngược lại, mạng xã hội và Internet lại là sân khấu trực tuyến của Gen Z với hàng triệu triệu khán giả luôn háo hức trước những cá tính âm nhạc thú vị. Họ có nhiều cơ hội nổi tiếng và giàu có hơn. Nghệ sĩ Gen Z cũng không nhất thiết phải quá gai góc, hay khu biệt mình trong thế giới underground, thay vào đó, nhiều người đã chọn đến thẳng showbiz, nhanh chóng gia nhập đường đua âm nhạc trên thị trường.

Khi nhạc trẻ tìm đường ra biển lớn -0
Amee là một trong những ngôi sao trẻ đang lên

Theo khảo sát, công thức chung để Gen Z bứt phá và tạo tiếng vang ban đầu ở việc “tự thân vận động” mang sản phẩm của mình đi chinh phục sân chơi quốc tế. Cụ thể hơn, những nghệ sĩ trẻ tự liên hệ và ứng cử thông qua ca khúc đinh của mình với một lễ hội âm nhạc nào đó; và chính chất lượng âm nhạc đã thuyết phục đối tác ngoại để nhận được lời mời. Mỹ Anh, Xuân Nghi hay Trần Hà My đã kể về hành trình chạm ngõ âm nhạc chuyên nghiệp của mình như thế. Còn nhớ, Mỹ Anh từng thu hút sự chú ý khi trong tháng 11-2021 cô đã đại diện Việt Nam tham dự, trình diễn tại lễ hội âm nhạc Head In The Clouds 2021 được tổ chức bởi 88rising - hãng thu âm, sản xuất danh tiếng của Mỹ. Chương trình này có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng như “hoàng tử lo-fi” Keshi, CL (2NE1), Saweetie, Joji...

Sau đó, cô tiếp tục được chọn là nghệ sĩ đại diện Việt Nam trình diễn tại ASEAN - Korea Music Festival với tên gọi chính thức là Round Music Festival 2021, diễn ra vào ngày 9-1-2022 cùng các ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc và Đông Nam Á. Trước đó, tháng 10-2021, nhóm nhạc O2O gồm 3 cô gái đến từ Việt Nam xuất hiện tại sự kiện Asia Song Festival 2021 cũng khiến khán giả bất ngờ. Tại lễ hội âm nhạc trực tuyến Joy Ruckus Club với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ châu Á hồi tháng 9, các ca sĩ Việt Nam như Xuân Nghi, Đặng Đức Duy (Pixel Neko), Trần Hà My (M Naive)... cũng được mời trình diễn.

Con đường nổi tiếng khác cũng được ưa chuộng của Gen Z hiện nay là lò đào tạo từ các công ty giải trí. Mặc dù hình thức này không mới và vẫn còn bị thị trường Kpop bỏ xa, nhưng lại trở thành bệ phóng hiệu quả với thế hệ nghệ sĩ Gen Z ở Việt Nam. Trường hợp của AMEE là một ví dụ điển hình. Gia nhập làng giải trí từ năm 2019, nữ ca sĩ sinh năm 2000 đến nay đã có gần 10 bản hit và MV chất lượng cùng với album riêng thành công – “DreAME”.

Số lượng sản phẩm nhiều trong một thời gian ngắn mà AMEE có được phần lớn là do công sức của một ê-kíp chuyên nghiệp. Han Sara cũng đi theo con đường công ty giải trí và Hoàng Duyên - tân binh mới gia nhập thị trường với “Chàng trai sơ mi hồng” cũng vậy. Chỉ mới ra mắt khán giả trong nước hơn 1 năm nay nhưng Hoàng Duyên cũng sớm được đại diện Việt Nam và được xướng tên tại lễ trao giải Âm nhạc châu Á Mnet (tiếng Anh: Mnet Asian Music Awards; viết tắt là MAMA), với giải thưởng Best New Asian Artist - Nghệ sĩ mới xuất sắc của châu Á.

Ghi nhận nỗ lực và bước đầu vươn ra thế giới của những nghệ sĩ trẻ tài năng, hiểu biết, năng động, nhạc sĩ Thanh Bùi cho rằng, để đi đường dài, ca sĩ trẻ cần có kế hoạch bài bản, dài hơi hơn, chứ không nên dừng lại ở việc lấy danh tiếng trong một vài sự kiện quốc tế. Điều quan trọng nhất là việc giữ được bản sắc âm nhạc Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới. “Cùng với đó, việc giáo dục, đào tạo âm nhạc cho các nghệ sĩ trẻ và công chúng cần được chú trọng để âm nhạc chuyển động theo hướng văn minh, tích cực hơn”, nam nhạc sĩ nhận định.

Vấn đề cốt lõi vẫn phải là chất lượng

Lớp nghệ sĩ Gen Z đang ngày càng nhiều, nhưng để có được những gương mặt thật sự nổi bật, có lẽ làng nhạc Việt vẫn cần thêm thời gian sàng lọc, thẩm định. Bởi, không phải nghệ sĩ Gen Z nào cũng khiến giới trong nghề ngả mũ về chuyên môn hay độ “bén” trong âm nhạc. Hay nói cách khác, có lẽ chúng ta chưa nên lạc quan quá bởi vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa thế hệ nghệ sĩ trẻ của Việt Nam với thế giới.

Khi nhạc trẻ tìm đường ra biển lớn -0
Ca sĩ Hoàng Duyên

Theo như nhạc sĩ Quốc Trung, nguyên do là bởi tốc độ và sức ép của đời sống âm nhạc tại Việt Nam còn ít, điều kiện phát triển cũng như sự đa dạng, phong phú trong môi trường biểu diễn của nghệ sĩ còn hạn chế. Nhìn sang Hàn Quốc, bên cạnh làn sóng K-pop phủ sóng khắp châu lục, thì hip hop, R&B, rap của họ cũng vô cùng mạnh… “Chúng ta có rất nhiều tiềm năng, nhưng sau đó vì ít môi trường hoạt động, cũng như sự hiểu biết còn hạn chế, họ đã “thui chột” đi rất nhiều. Bản thân nghệ sĩ phải tự vận động để lấp đầy khoảng cách và làm mới mình, không thể cứ trông chờ vào những show truyền hình tìm kiếm tài năng, nó sẽ chẳng tạo ra khác biệt gì cho đời sống âm nhạc”.

Nhìn xa hơn, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, câu chuyện âm nhạc của thế hệ Gen Z đều có thể “xuất khẩu” vẫn còn nằm ở tầm vĩ mô. “Ở những nước mà ngành công nghiệp âm nhạc có thể xuất khẩu được, họ đều có chiến lược rõ ràng và được sự hỗ trợ của nhà nước, nhà quản lý văn hóa và sự chung tay của nhiều bộ phận trong xã hội”, nam nhạc sĩ bày tỏ.

Khi nhạc trẻ tìm đường ra biển lớn -0
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Rõ ràng, cơ hội nào cũng sẽ đi kèm với những thách thức. Đặc biệt khi tuổi nghề của nghệ sĩ Gen Z còn quá trẻ dẫn đến kỹ thuật xử lý ca khúc của nhiều bạn cần cải thiện nếu muốn chinh phục thêm khán giả. Đó là một trong những lý do vì sao nhiều nghệ sĩ Gen Z dù thành công trên thị trường nhạc số nhưng chưa đủ tự tin hát trực tiếp trên những sân khấu lớn. Mặt khác nhạc của gen Z có cá tính riêng nhưng bộ phận khán giả của phân khúc này vẫn bó hẹp so với những ca khúc yêu đương dễ nghe, dễ thuộc. Đời sống của các sản phẩm âm nhạc này cũng chỉ dừng lại khi một trend (xu hướng) mới ra đời, thông thường kéo dài khoảng 2-3 tháng. Hay nói cách khác, như nhạc sĩ Quốc Trung: “Khi “bão trend” qua đi, nghệ sĩ vẫn cần chiều sâu về tri thức, thẩm mỹ, kỹ năng và cả học thức thì mới bền lâu và đi xa được”.

Thảo Dung
.
.