Khi phim Việt “chết yểu”

Thứ Hai, 13/06/2022, 21:09

Tháng 5-2022 chứng kiến màn “so găng” giữa 3 bộ phim có kinh phí hàng chục tỷ đồng là “Kẻ thứ 3” (33 tỷ đồng), “578: Phát đạn của kẻ điên” (60 tỷ đồng) và “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” (30 tỷ đồng). Song, cả 3 phim ngỡ “bom tấn” đều hóa “bom xịt” ở phòng vé. Phim Việt đang được đầu tư mạnh hơn, nhưng tại sao vẫn thua lỗ cay đắng ngoài rạp?

Vỡ trận

Theo thống kê của Box Office Việt Nam, phim hợp tác Hàn Quốc do Lý Nhã Kỳ sản xuất mang tiêu đề “Kẻ thứ ba” (đạo diễn Park Hee-jun) đầu tư hơn 33 tỷ đồng, chỉ thu về vỏn vẹn 962 triệu đồng, sớm lặng lẽ rút lui khỏi tất cả các rạp. Ra rạp sau đó 1 tuần, “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) được công bố kinh phí 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về vỏn vẹn khoảng 3 tỷ đồng, theo Box Office. “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” (đạo diễn Hàm Trần), ra rạp nhằm hướng đến đối tượng thiếu nhi trong mùa hè. Nhưng, đến nay mới chỉ thu về được 4,7 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu - chưa bằng 1/6 kinh phí sản xuất là 30 tỷ đồng. Mặc dù, phim nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.

Khi phim Việt “chết yểu” -0
“Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” – nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn, nhưng doanh thu không  như mong đợi.

Đếm sơ, từ đầu năm đến nay, hàng loạt “bom tấn” dù doanh thu khả quan nhưng vẫn vẫn loay hoay ở mức vài chục tỷ đồng. Con số phim trăm tỷ vẫn là giấc mơ chưa chạm tới của rạp Việt trong 6 tháng đầu năm nay. Đơn cử, “Bẫy ngọt ngào” kinh phí 20 tỷ đồng, thu về 83,3 tỷ đồng (chiếu dịp lễ Tình nhân); “Nghề siêu dễ” một mình một “chợ” dịp 30/4-1/5 chỉ thu về 68,6 tỷ đồng. Chiếu dịp Tết Nguyên đán, “Chìa khóa trăm tỷ” chỉ đạt 65,3 tỷ đồng, “Chuyện ma gần nhà” thu về 58,7 tỷ đồng.

Tất nhiên, bức tranh buồn của phim Việt trong 6 tháng đầu năm không thể thiếu các phim “chết yểu” khi vừa ra mắt như “Mến gái miền Tây” thu về 8 tỷ đồng, “Người lắng nghe” - từng đoạt giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế New York nhưng chỉ thu về 2,5 tỷ đồng, “Người tình” doanh thu 1,2 tỷ đồng...

Không phải đến bây giờ rạp Việt mới có phim kinh phí vài chục tỷ đồng và chịu cảnh thua lỗ. “Trạng Tí” từng tiêu tốn 43 tỷ đồng nhưng thu về 22 tỷ đồng trước đây là một ví dụ. Trong khi 50 tỷ đồng là số tiền để hoàn thành dự án “Sám hối” - nhưng sau đó rời rạp với con số 900 triệu đồng doanh thu. Tuy nhiên việc 3 bộ phim có kinh phí “khủng” liên tiếp dính “dớp” thất bại là điều chưa từng có trong lịch sử rạp Việt.

Nhà sản xuất đổ cho rạp, rạp đổ tại… phim

Lý giải cho sự thua lỗ đó, Lý Nhã Kỳ quy trách nhiệm về rạp chiếu phim vì xếp lịch chiếu oái oăm. Cô bức xúc cho rằng không có khán giả nào bỏ làm để xem phim lúc 8h sáng hay “ngủ trong rạp” chờ tới 23h để xem phim. Lý Nhã Kỳ cho rằng chính các rạp đang bóp nghẹt phim nội địa. Cùng quan điểm, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng các rạp đang tạo điều kiện cho phim nước ngoài nhiều hơn phim Việt Nam khi hạn chế số lượng suất chiếu khung giờ đẹp. Anh cho biết, trong khoảng 1.000 suất của phim, chỉ khoảng một nửa được bố trí ở các khung giờ đẹp, khán giả dễ tiếp cận.

Khi phim Việt “chết yểu” -0
Lý Nhã Kỳ gây thất vọng với phim “Kẻ thứ 3”.

Trước đó, bà Võ Thị Thùy Trang - Đại diện đơn vị phát hành Galaxy khẳng định, các rạp chiếu luôn đứng trên tinh thần ủng hộ phim Việt. Nhưng họ cũng sẽ sắp xếp suất chiếu theo thị hiếu và lựa chọn của khán giả. Những phim không có doanh thu buộc phải nhường chỗ cho các tác phẩm được nhiều khán giả lựa chọn hơn. Do đó, việc quy kết trách nhiệm cho nhà phát hành khi phim không đạt doanh thu như mong muốn là không công bằng.

Thực tế, việc thất thu của phim Việt dường như đã nằm trong dự báo. Kiểu khán giả ngẫu nhiên đi qua rạp thấy có phim thì xem đã không còn tồn tại, ít nhất từ thời điểm COVID-19 bùng phát. Trước đây, khán giả có thể chọn xem phim này trước, phim kia sau nhưng bây giờ họ sẽ chọn một phim mà họ nghĩ mình nên xem.

Điều này đã thể hiện ngay ở doanh thu các rạp. Ông Thái Dương - trưởng phòng marketing của Lotte Cinema cho biết, so với hai năm trước, doanh thu rạp phim hiện chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc nội dung của CGV cũng từng thốt lên, tổng doanh thu 4 tháng đầu năm 2022 của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ đồng, tức chỉ bằng 50% so với thời kỳ đỉnh cao trước dịch là năm 2019 và bằng 70% so với năm 2018. Con số này cũng thua xa năm 2020 và 2021, dù đây là hai năm thị trường điện ảnh Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Theo ông Dương, trong bối cảnh thực tế, khi giá cả leo thang, lạm phát kiến đời sống giải trí bị ảnh hưởng. Đặc biệt, sau gần 2 năm điêu đứng vì dịch bệnh, kinh tế sa sút, khán giả ngày càng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, sau tất cả, nội dung phim có đáp ứng được nhu cầu khán giả hay không mới là yếu tố quan trọng. “Nếu đúng sở thích khán giả chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ phim Việt. Nhìn lại, các phim đạt doanh thu cao nhất thời đại đều thuộc về phim Việt”, ông Dương cho hay.

Khi phim Việt “chết yểu” -0
“Bố già” được nhiều lời khen về chiến lược truyền thông khôn ngoan.

2 trong số 3 bộ phim kinh phí hàng chục tỷ đồng thất bại ở phòng vé vừa qua là một ví dụ. Phim “Kẻ thứ ba” mặc dù có sự xuất hiện của tài tử phim Hàn “Giày thủy tinh” nhưng bị chê cốt truyện không mới lạ. Nội dung phim xoay quanh về cuộc sống hôn nhân viên mãn của chàng họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) và nữ bác sĩ Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Biến cố ập tới, một vụ tai nạn đã cướp đi sinh mệnh của Thiên Di, từ đó khiến Quang Kha luôn sống trong đau khổ với nỗi nhớ không nguôi về cô vợ của mình.  Một ngày, anh phát hiện có thể trò chuyện với Kelly Đào (Kim Tuyến) - cô gái sống ở quá khứ. Anh quyết định đề nghị Kelly giúp ngăn chặn vụ tai nạn cướp đi vợ anh và được cô nhận lời.

Từ một kịch bản cũ bị “bỏ xó”, “đại gia kim cương” Lý Nhã Kỳ vốn được kỳ vọng sẽ khiến khán giả hứng thú. Nhưng sau cùng, “Kẻ thứ ba” lại gây thất vọng bởi lối diễn xuất đơ cứng, thiếu cảm xúc của nhân vật nữ chính do Lý Nhã Kỳ đảm nhiệm. Ở buổi ra mắt phim hồi cuối tháng 4, Lý Nhã Kỳ tự chấm bản thân chỉ 3 điểm trên 10 về diễn xuất, là bước lùi so với cách đây 14 năm – khi đóng “Kiều nữ và đại gia”. Cô giải thích do bản thân nói ngọng bẩm sinh, đài từ còn kém. Thời điểm diễn viên đồng ý tham gia dự án đến khi phim khởi quay chỉ hai tuần, không đủ để tập dượt thoại lẫn diễn xuất. Ngoài ra, cô cho biết còn bị phân tâm do phải đảm nhận vai trò sản xuất chính, sau khi mua lại dự án vì nhà đầu tư cũ vỡ nợ.

Tương tự, “578: Phát đạn của kẻ điên” với sự quy tụ gương mặt đình đám như: hoa hậu H’Hen Niê, siêu mẫu quốc tế Jessica Minh Anh, nam vương Ngọc Tình… nhưng vẫn chưa đủ “ép phê” cho kịch bản rối rắm, diễn xuất gượng gạo, lời thoại cứng nhắc. Tất nhiên, vẫn phải ghi nhận, phim mãn nhãn với sự đầu tư công phu, hoành tráng của bối cảnh, những màn so găng hành động mãn nhãn. Nhưng những điều này, khán giả đã quá quen thuộc ở các bom tấn nước ngoài. Rõ ràng, đây là một sự tiếc nuối đối với bộ phim có mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Cần những công thức mới

Nhìn vào thị trường rạp Việt trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, các phim đạt doanh thu cao nhất thời đại đều thuộc về phim Việt, thuộc top phim trăm tỷ. Những công thức chung theo từng thời kỳ cũng được đưa ra, chẳng hạn: Hài nhảm + ngôi sao; hài nhảm + danh hài + nội dung đơn giản; danh hài + nội dung hài có thông điệp; ngôn tình + gương mặt mới + hài hước; showbiz + ngôi sao mới + các yếu tố khác xoay quanh.

Khi phim Việt “chết yểu” -0
Hoa hậu H’Hen Niê đóng vai chính trong “578: Phát đạn của kẻ điên”.

Nhưng đấy là câu chuyện đã cũ, và thực tế, chẳng có công thức nào cả, bởi thị hiếu khán giả vốn là bài toán chưa có đáp số chung. Mà nói như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là: “Thị trường thì thuộc về số đông, còn hay thì quan niệm của mỗi người. Phim hay chưa chắc là phim ăn khách và ngược lại. Đó là chuyện hết sức bình thường”.

Trở lại câu chuyện của các phim Việt kinh phí hàng chục tỷ đồng “đội sổ” doanh thu, sự thất bại này liên quan nhiều đến khâu truyền thông và phát hành của chính người đứng đầu sản xuất.

Theo chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn, “Bố già” của Trấn Thành là một ví dụ điển hình. Bởi, không phải ngẫu nhiên phim vượt qua bom tấn “Avengers: Endgame” xác lập kỷ lục phòng vé mọi thời đại tại Việt Nam với doanh thu 400 tỷ đồng. Trấn Thành vốn được coi là “già rơ” trong lĩnh vực quảng bá thương hiệu, anh vận dụng rất tốt điều này. Sau thành công từ 5 tập phim webdrama cùng tên với tổng 165 triệu lượt xem, đội ngũ truyền thông chính thức mở cuộc “đổ bộ” về phim trên mọi nền tảng như báo chí, mạng xã hội, với nhiều hình thức như: First Look, Teaser Trailer, Trailer Chính thức, poster phim… Ê-kíp còn kéo gần khán giả khi tổ chức thi cover “Sao cha không”, hoạt động Cinetour ba miền mang tính tương tác cao… Trong suốt thời gian phim trụ rạp, để tăng độ viral và thuyết phục khán giả đến rạp, những cuộc phỏng vấn, đánh giá từ giới chuyên môn cũng mang lại hiệu ứng truyền miệng cực tốt.

“Tất nhiên, “Bố già” không phải là một kiểu mẫu truyền thông cho tất cả bộ phim khác, nhưng cho thấy chiến lược khôn ngoan của Trấn Thành và ê-kíp. Trong thời đại 4.0, người kéo khán giả đến rạp chính là khán giả. Cùng với đó những kênh review phim trên nền tảng số. Những bài viết, clip bình luận, giới thiệu phim tạo hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội sẽ là công cụ đắt giá giúp tiếp cận trực tiếp với khán giả”, bà Hằng Nguyễn cho hay.

Câu chuyện phim Việt thành – bại ở phòng vé chưa bao giờ là bức tranh tĩnh và còn đó nhiều băn khoăn. Người ta có thể xót xa khi chứng kiến những bộ phim bạc tỷ “chết yểu”, cũng có thể lạc quan khi thấy những người táo bạo trong cuộc dạo chơi với nghệ thuật.

Thảo Dung
.
.