Khi thần tượng rởm thao túng mạng xã hội
Chỉ trong một tháng qua, những lùm xùm liên quan đến người nổi tiếng trên mạng xã hội gây rúng động dư luận: Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục bị bắt vì cáo buộc lừa dối khách hàng do quảng cáo sai sự thật về kẹo Kera; streamer ViruSs vướng bê bối tình ái; TikToker Thông Soái Ca xuất hiện như ngôi sao ở sự kiện… Chưa khi nào đời sống, văn hóa ứng xử và sức ảnh hưởng của những idol (thần tượng) mạng khiến dư luận ngán ngẩm, lo ngại như hiện nay.
“Thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng…”
Chứng kiến phiên livestream phân trần chuyện yêu đương trong hơn 9 phút, thu hút 4,8 triệu lượt xem, ước tính ViruSs bỏ túi hàng chục triệu đồng hôm 28/3, tiến sĩ, MC Trịnh Lê Anh cũng phải thốt lên: “Một cuộc trò chuyện mang màu sắc đời tư, thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng - lại trở thành trung tâm chú ý quốc gia trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Điều gì đang diễn ra với thị hiếu của giới trẻ và thậm chí, của chính chúng ta?”.

Thống kê của Google trends cho thấy, từ khóa tìm kiếm liên quan đến ViruSs tăng đột biến trong 10 ngày cuối tháng 3. Tỉ lệ tìm kiếm cao nhất vào ngày 29/3 - đạt 100% sau phiên live đối chất giữa ViruSs - bạn gái cũ là Ngọc Kem và rapper Pháo.
Bê bối của nam streamer này khiến nhiều chuyên gia pháp luật, chuyên gia văn hóa - xã hội và dư luận lo ngại về cách người trẻ đang ứng xử với một vấn đề xã hội. “Không một quốc gia nào có thể tiến xa nếu thế hệ trẻ tiêu tốn hàng giờ để theo dõi drama tình ái, thay vì đầu tư vào học tập, sáng tạo, làm chủ tương lai”, MC Lê Anh bày tỏ.
Hiện, vụ ồn ào đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xác minh.
Không chỉ người trẻ cuồng thần tượng, cuốn theo vòng xoáy truyền thông độc hại trên mạng xã hội, mà không ít người kinh doanh, đứng đầu các nhãn hàng cũng cổ súy cho hiện tượng mạng lệch chuẩn. Mới đây, một sự kiện nhằm quảng bá sản phẩm của một thương hiệu nem chua ở Hòa Bình còn “chơi lớn” khi mời dàn TikToker như Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL. Trong đó, Huỳnh Cửu Bảo được biết đến là nhân vật sở hữu kênh mạng xã hội có hàng trăm nghìn người theo dõi - thường sản xuất nội dung ăn chơi, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phát ngôn thô tục... Tương tự, nội dung trên mạng xã hội của Thông Soái Ca cũng được đánh giá là “rác”, nhảm nhí. Đáng nói, sự kiện này còn chưa được cấp phép tổ chức và có đông đảo học sinh, có em vẫn còn mặc áo đồng phục trường học tới dự.

Hiện, Công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo. Đồng thời, xử lý hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến vụ việc trên.
Trong quá khứ, Thông Soái Ca cùng “giang hồ mạng” Phú Lê (từng bị bắt vì tội Cố ý gây thương tích)… còn biểu diễn tại Hội chợ thương mại ẩm thực lễ hội Đền Đô 2022 như một ngôi sao ca nhạc thực thụ, bất chấp giọng hát của Thông Soái Ca được ví như “thảm họa âm nhạc”.
Đến năm 2023, Phú Lê tiếp tục gây tranh cãi khi mặc đồ giống với trang phục của vua nhà Thanh (Trung Quốc) hát trước 500 học sinh tại một trường ở Yên Bái. Đáng nói, sự kiện này còn có sự góp mặt của hiệu trưởng của chính ngôi trường đó, đứng kế bên thần tượng mạng nhiều tai tiếng này. Không dừng lại, Phú Lê thậm chí còn thu âm và sản xuất các MV trên YouTube. Các MV của nhân vật này chủ yếu là nội dung bạo lực, vô bổ nhưng thu hút hàng trăm, triệu người xem.
Quyền lực ảo, hệ quả thật
Khi Quang Linh Vlogs bị bắt, dư luận không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối vì từng được yêu mến là chủ nhân của một mô hình nông nghiệp thành công trên đất châu Phi và là biểu tượng truyền cảm hứng với hàng loạt hoạt động thiện nguyện, nhân văn. Tương tự, trước khi bị bắt và truy nã vì hành vi lừa đảo vào cuối năm 2024, Mr. Pips và Mr. Hunter từng được tôn sùng với hình ảnh “chuyên gia tài chính”, nhờ đầu tư tài chính trên mạng mà trở thành “tỷ phú tự thân”. Quyền lực ảo, hệ quả thật là điều ai cũng cần thấm thía sau những “tấm gương” trên.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, không phải bây giờ môi trường mạng xã hội mới nhiễu loạn và độc hại. Thực trạng này đã tồn tại gần chục năm nay rồi, song gần đây sự phức tạp, khó kiểm soát trong các phát ngôn, hành động của những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trở nên báo động hơn. Từ quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, đến thao túng tâm lý… cũng chỉ giúp họ đạt được các lợi ích về người xem, quyền lực số và cuối cùng là quy ra kinh tế.
“Chúng ta đang phải sống trong một xã hội mà quyền riêng tư đã không còn riêng tư. Việc tự phơi bày đời tư của mình lên mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thì việc “vạch áo cho người xem lưng” theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” như hiện tượng ViruSs không còn đơn thuần là quyền nữa. Đó là thái độ sống xem thường khán giả, là hành vi xả “rác mạng” lên đời sống.
Nếu tôn trọng dư luận, ứng xử văn minh, họ đã không tạo ra các “đợt sóng drama câu view bất chấp” để đạt cho được quyền lực ảo. Những kịch bản này là kết quả của một môi trường tự do sản xuất nội dung, đánh vào tâm lý tò mò của những người trẻ dùng mạng xã hội”, ông Giang bày tỏ.
“Người dùng mạng xã hội thường có tâm lý đám đông. Họ dễ bị định hướng thông tin bởi những bài viết, video, hình ảnh với nhiều lượt tương tác được lan truyền trên mạng. Chẳng hạn, TikTok đã có Tiêu chuẩn Cộng đồng với bộ quy tắc nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo các nội dung phù hợp và công nghệ duyệt nội dung tự động, nhưng nội dung độc hại vẫn tràn lan, thậm chí còn tạo thành xu hướng. Nguyên nhân vì nền tảng được phát triển dựa trên hiệu ứng tâm lý của con người. Nhờ vậy, drama dễ dàng được thổi bùng chỉ trong thời gian ngắn”, một chuyên gia marketing cho hay.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi cũng từng e ngại khi chứng kiến thực trạng hiện tượng mạng được tôn sùng như một nghệ sĩ tại các sự kiện văn hóa, giải trí. Anh bày tỏ: “Những nhân vật nổi tiếng bằng tai tiếng và trò lố trên mạng xã hội ra biểu diễn thực tế có thể làm một số bạn trẻ có suy nghĩ đua đòi, học theo, bắt chước để nổi tiếng kiếm show, rồi lầm tưởng mình là ngôi sao, đi diễn kiếm tiền”.
Ông Ngô Hương Giang cho rằng, sự lan truyền, cổ súy cho thần tượng rởm, thần tượng lệch chuẩn khiến người trẻ hình thành tâm lý dễ dãi khi tiếp xúc nội dung bẩn. Đây là mầm mống gây ra bất ổn an ninh trật tự xã hội. Người trẻ vì thế mất dần khả năng “miễn dịch” những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
“Từ nhận thức sai lệch sẽ kéo người trẻ vào guồng xoáy của quyền lực ảo trên mạng xã hội, dễ hình thành lối sống thiếu trách nhiệm hay “văn hóa drama” bỗng trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Việc cổ súy cho hiện tượng lệch chuẩn không khác gì hợp thức hóa cho những văn hóa độc hại”, ông Giang lo ngại.
Cần làm gì để dọn “rác” mạng?
Làm thế nào để dọn “rác” trên mạng vẫn là câu hỏi được dư luận mong chờ. Tại Họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 3/4, phía Sở Văn hóa Thể thao TP.Hồ Chí Minh cho biết đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên mạng xã hội, không chỉ giới hạn ở người nổi tiếng, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, các nhà văn hóa, xã hội học cho rằng, việc xử phạt trên vẫn chưa đủ sức răn đe với những trường hợp vi phạm. Ông Ngô Hương Giang đề xuất: “Cần phong sát toàn diện nếu người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tái diễn hành vi vi phạm nhiều lần”.
“Ngoài ra, cần định nghĩa lại thuật ngữ “thần tượng”. Ai, cá nhân, người như thế nào được xem là thần tượng? Họ là người làm nghệ thuật chân chính, hay chỉ đơn thuần là dùng chiêu trò cũng có thể trở nên nổi tiếng và trở thành thần tượng? Khi có các tiêu chí chính thống cụ thể, cơ quan chức năng văn hóa sẽ căn cứ vào đó xử lý những trường hợp “thần tượng rởm”, “thần tượng rác” gây độc hại đến xã hội.
Công chúng cần tăng “sức đề kháng” để khước từ những sản phẩm độc hại, phát huy quyền “thanh tẩy” với những trường hợp trên. Cùng với đó, cần có sự cảnh tỉnh từ những người làm quản lý văn hóa”, ông Giang nhận định.
Theo báo cáo điều tra thường niên về thanh thiếu niên Việt Nam năm 2024 của Viện Nghiên cứu thanh niên, thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội của thiếu niên chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 1 đến dưới 3 giờ/ngày (chiếm 44,3%). Khoảng 1/4 số thiếu niên được khảo sát có thời gian sử dụng mạng xã hội dưới 1 giờ/ngày (25,5%). Đáng lưu ý, 6,7% thiếu niên có thời gian sử dụng mạng xã hội từ 5 đến dưới 10 giờ/ngày và đặc biệt là 4,7% thiếu niên sử dụng hơn 10 giờ/ngày.
Theo báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” vừa được Q&Me (công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) phát hành, người trẻ trong nhóm từ 18-29 tuổi có 31% dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3-4 giờ mỗi ngày, 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 giờ mỗi ngày. Đáng chú ý, thời lượng dành cho các nền tảng truyền thông xã hội đặc biệt cao ở những người trong độ tuổi 20.