Khi thể thao Hà Nội “mở bung” cơ chế thu hút vận động viên, huấn luyện viên đỉnh cao

Thứ Tư, 10/01/2024, 18:29

Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với vân động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Điều này trở thành thỏi nam châm, tạo nên sức hấp dẫn lớn để thể thao thủ đô chiêu mộ hiền tài.

Vấn đề “đầu tiên”

Không phải ngẫu nhiên mà các bộ môn của SEA Games 2021 diễn ra cách đây 1 năm đa phần được tổ chức tại Hà Nội. Hệ thống cơ sở vật chất về thể thao, đặc biệt là khu Mỹ Đình đủ chất lượng để tập luyện, tổ chức các giải thi đấu cho nhiều bộ môn. Thậm chí, một số nhà thi đấu của Hà Nội còn đạt được yêu cầu đăng cai các giải thế giới.

anh 1.jpg -0
Các vận động viên, huấn luyện viên thể thao Hà Nội đạt thành tích cao sẽ có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Xét về yếu tố khách quan, Hà Nội là điểm đến lý tưởng về môi trường tập luyện cho các vận động viên Việt Nam đỉnh cao. Song ở góc độ khách quan, câu chuyện về chế độ đãi ngộ, tiền lương, thưởng cho các vận động viên của Đoàn Hà Nội lại chưa đủ sức hấp dẫn hiền tài. Lấy ví dụ như câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp để người đọc dễ hình dung.

CLB Hà Nội là đội bóng hàng đầu V.League. Đội bóng này cũng sở hữu sân tập, sân thi đấu và trang thiết bị chuyên dụng để nâng tầm trình độ cầu thủ. Song không phải ngôi sao nào cũng tha thiết ở lại CLB Hà Nội. Những trường hợp như Đức Huy, Văn Kiên, Văn Vĩ, Đình Trọng… lần lượt chia tay đội bóng thủ đô để đầu quân cho Nam Định, Bình Định. Lý do rất đơn giản. Họ nhận được lót tay, tiền lương, thưởng cao hơn rất nhiều so với thời điểm còn chơi cho đội bóng thủ đô; ngay cả khi Nam Định hay Bình Định chưa hẳn đã là mảnh đất màu mỡ về môi trường; đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, sinh hoạt, tập luyện, thi đấu như CLB Hà Nội.

anh 2.jpg -0
Đoàn Hà Nội vẫn là lá cờ đầu của Đoàn Thể thao Việt Nam, đặc biệt khi ra đấu trường châu lục.

Quay trở lại với thể thao Hà Nội nói chung, thực tế, phải khẳng định chế độ thu nhập và đãi ngộ, đặc biệt là tiền thưởng cho thành tích thi đấu các giải trong nước, quốc tế dành cho VĐV có tăng lên trong thời gian qua. Nhưng xét bình quân hàng tháng, theo báo cáo, VĐV chỉ có khoảng trên dưới 12 triệu đồng. Đấy là đã tính cả tiền công và tiền ăn. Con số này chỉ nhỉnh hơn mức thu nhập bình quân của mặt bằng chung xã hội. Nhưng đối với đa số ngành nghề khác như hiện nay, con số này thậm chí kém từ 2-3 lần. Dễ hiểu vì sao mà các VĐV sẵn sàng chia tay thể thao đỉnh cao để tìm kiếm một công việc khác. Hoặc nếu không, họ sẽ lựa chọn một địa phương khác có chế độ màu mỡ hơn để đầu quân, thay vì cứ nhẫn nại ở lại thủ đô và chấp nhận chế độ khiêm tốn.

Điều này đã được chứng minh khi trong khoảng 10 năm trở lại đây, có không ít VĐV Hà Nội đã chuyển đến các đơn vị khác để có chế độ đãi ngộ tốt hơn, như đã thấy ở các môn cờ vua, bi sắt, bóng bàn... Rõ ràng, đấy là nỗi trăn trở với nhà quản lý thể thao Hà Nội. 

Cần nói thêm, tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2022, Đoàn Hà Nội vẫn xếp toàn đoàn với 175 HCV. Con số này đã giảm đi 1 huy chương so với 4 năm về trước. Trong khi đó, Đoàn TP.Hồ Chí Minh và Đoàn Quân đội đều có những nhảy vọt đáng khen. Với Đoàn TP.Hồ Chí Minh, họ tăng thêm 10 HCV so với Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2018. Còn với đoàn Quân đội, từ chỗ chỉ giành 59 HCV năm 2018, họ đã đoạt thành tích gấp rưỡi con số kể trên!

Trong bối cảnh các đoàn địa phương khác liên tục thăng tiến, vị thế số 1 của Đoàn Hà Nội không còn “vững như bàn thạch”. Nếu như không có một cơ chế chiêu mộ hiền tài đủ sức hút, thể thao thủ đô sẽ từng bước bị các đối thủ khác bắt kịp hay thậm chí là vượt lên. 

Sự thay đổi lớn về cơ chế

Tin vui với thể thao Hà Nội đến ngay trong ngày đầu năm 2024. Nghị quyết về chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội có sự thay đổi lớn. Theo đó, VĐV, HLV của Hà Nội được triệu tập tập huấn, thi đấu tại đội tuyển quốc gia sẽ nhận chế độ trợ cấp trách nhiệm thường xuyên là 7 triệu đồng/người/tháng; VĐV, HLV được triệu tập tập huấn, thi đấu tại đội tuyển trẻ quốc gia nhận 5 triệu đồng/người/tháng.

anh 3.jpg -1
Các vận động viên thể thao Hà Nội đang hướng đến SEA Games 2025 và Olympic 2024.

Tiếp đến, VĐV, HLV được hưởng chế độ trợ cấp, đãi ngộ đặc thù theo chu kỳ từng đại hội thể thao (Olympic, ASIAD, SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc) và chu kỳ thi đấu của từng môn thể thao. Trong đó, chế độ trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV giành HCV Olympic, ASIAD, SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc lần lượt là 74,5 triệu đồng - 33,5 triệu đồng - 15 triệu đồng - 7 triệu đồng/người/tháng. Với VĐV giành HCB Olympic, ASIAD, SEA Games, khoản tiền này lần lượt là 41 triệu đồng - 18,5 triệu đồng - 8,5 triệu đồng/người/tháng; VĐV giành HCĐ Olympic, ASIAD, SEA Games lần lượt là 33,5 triệu đồng - 15 triệu đồng - 7 triệu đồng/người/tháng.

VĐV giành HCV giải vô địch thế giới, Giải vô địch châu Á các môn nhóm 1 lần lượt nhận 33,5 triệu đồng - 23,5 triệu đồng/người/tháng, môn nhóm 2 là 23,5 triệu đồng - 16,5 triệu đồng/người/tháng; giành HCB giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á môn nhóm 1 lần lượt nhận 18,5 triệu đồng - 13 triệu đồng/người/tháng, môn nhóm 2 là 13 triệu đồng - 9 triệu đồng người/tháng; giành HCĐ giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á môn nhóm 1 lần lượt nhận 15 triệu đồng - 11 triệu đồng người/tháng; môn nhóm 2 là 11 triệu đồng - 7,5 triệu đồng người/tháng. Ngoài ra, mức trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV vượt qua vòng loại Olympic, Cúp Bóng đá thế giới - World Cup là 17 triệu đồng/người/tháng.

Đối với HLV có VĐV đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế, hiện vẫn đang huấn luyện cho thành phố Hà Nội thì được hưởng chế độ bằng 1/2 chế độ của VĐV. Ngoài ra, Nghị quyết còn hỗ trợ VĐV đạt thành tích tại các giải thi đấu và có thời gian tập luyện, thi đấu cho thể thao Hà Nội từ 5 năm trở lên, được cơ quan sử dụng VĐV đánh giá không còn khả năng thi đấu thể thao.

Bên cạnh chế độ đãi ngộ được nâng lên, việc chú trọng khâu ăn, ở, phục hồi, tập thể lực hay tạo điều kiện để VĐV, HLV được đi tập huấn nước ngoài đúng kế hoạch cũng sẽ được tính đến. Nếu như có thể tập trung phát triển những nguồn lực từ chủ quan lẫn khách quan, “đường ray” để các VĐV phát huy hết khả năng, cống hiến hết sức mình cho thể thao Hà Nội sẽ trở thành hiện thực!

anh 4.jpg -2
Hà Nội hứa hẹn là “cái phễu” thu hút người tài về thể thao Việt Nam.

Quả thực, Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội xoay quanh chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao đem đến sự phấn chấn lớn. Ông Đới Đăng Hỷ - Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội nhấn mạnh đây sẽ là bàn đạp để thể thao Hà Nội hướng đến những mục tiêu lớn tiếp theo.

Bản thân các VĐV cũng xem đây như động lực mạnh mẽ giúp bản thân họ gắn bó, cống hiến cho thể thao Hà Nội; cũng như tuyển chọn được những tài năng có trình độ về thủ đô đóng góp trong thời gian tới. Một chi tiết đáng chú ý là thể thao Hà Nội đã và đang hướng đến những tham vọng tại Olympic 2024 và SEA Games 2025.

Hiện tại, các VĐV Hà Nội đã và đang nỗ lực tập luyện để có vé dự Thế vận hội diễn ra tại Paris (Pháp). Trước đó trong năm 2023, thể thao Hà Nội đóng góp 2 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ tại ASIAD 19 cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Đó cũng là lần thứ 3 liên tiếp, thể thao Hà Nội mang về HCV cho nước nhà ở Á vận hội.

Chuyển mình sang giai đoạn quan tâm hiền tài

Thực tế vào cuối năm 2022, kế hoạch 230/KH-UBND về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục, thể thao Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn chính đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành. Trong đó, từ năm 2024 đến năm 2025, cơ chế, chính sách đãi ngộ với HLV, VĐV Hà Nội như đã phân tích kể trên sẽ được thực thi.

Cũng trong giai đoạn này, ngành thể thao thủ đô sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu thể thao; Chế độ, chính sách hỗ trợ một lần tính theo năm công tác, cống hiến trong ngành thể dục thể thao (ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp).

Đối với giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, ngành thể thao thủ đô tập trung vào 2 nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ, hình thức khen thưởng cho các VĐV, HLV khi đạt huy chương tại Olympic và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2022 - 2025; cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một VĐV điền kinh thành tích cao hồ hởi: “Hà Nội là một trong những đơn vị có thực lực mạnh, thường xuyên đạt thứ hạng cao không chỉ ở môn Điền kinh mà còn ở những bộ môn, giải đấu thể thao quốc nội khác. Tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế, ngành thể thao thủ đô cũng đóng góp rất nhiều VĐV, HLV giỏi, góp phần mang về thành tích cao cho đoàn thể thao Việt Nam. Với kế hoạch, mục tiêu rõ ràng thế này, chắc chắn thực lực của thể thao Hà Nội sẽ phát triển mạnh hơn và tiếp tục giữ được vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước ở các kỳ đại hội”.

An Khánh
.
.