Khi TikToker ảo tưởng quyền lực
TikTok đang trở thành nền tảng mạng xã hội được giới trẻ khá yêu thích ở Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh những video ngắn có nội dung phong phú, diễn xuất tốt, cũng không ít những video nhảm nhí, bóp méo sự thật hoặc cố tình gây sốc để câu view.
Với lượng follow (theo dõi) lên đến cả triệu người trên TikTok, Youtube, nhiều TikToker, Youtuber tự cho mình là người nổi tiếng, là chuẩn mực, có quyền phê phán, lên án mọi việc bằng những đánh giá tiêu cực.
Tự cho mình quyền nói xấu người khác
Mới đây, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với nữ streamer Nguyễn Thị Thanh L., có liên quan phát ngôn, bình luận sai sự thật về lãnh đạo cấp cao. Đây là mức xử phạt cao nhất do nữ streamer này đã có những phát ngôn gây sốc, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.
Những lời lẽ xúc phạm của L. nhanh chóng bị cộng đồng mạng phản ứng, tẩy chay và đề nghị cơ quan chức năng xử lý. Sau khi bị cộng đồng mạng lên án, L. bỏ về quê ở xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình để tránh bão dư luận cho đến khi bị cơ quan Công an triệu tập.
Ngày 22-8-2022, TikToker Nguyễn Hoàng Minh, 23 tuổi, cũng bị Công an tỉnh Lâm Đồng xử phạt mức cao nhất vì đăng tải video có nội dung chê bai, nói xấu người miền Trung. Video với nội dung phản cảm này có hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều người bức xúc phản ứng gay gắt vì cho rằng hành động của Minh là kỳ thị vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bị triệu tập, Minh thừa nhận quay video phỏng vấn nhiều người tại Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, bình luận bóp méo về người miền Trung. Để câu view, câu like, sớm thành người nổi tiếng, Minh đã cắt bỏ những đức tính tốt đẹp của người miền Trung, giữ lại những tính xấu rồi đăng tải trên mạng xã hội.
Quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng là quyền của cá nhân trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của bản thân đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên hiện nay một số TikToker, Youtuber đang lợi dụng “tự do ngôn luận” để phán xét, coi mạng xã hội như một nơi để thể hiện quyền lực. Đặc biệt là trong việc review (nhận định sơ bộ), nhận xét về những địa điểm ăn chơi, du lịch…
Hiện nay nghề reviwer đang trở nên hot hơn bao giờ hết. Tâm lý giới trẻ thì lại thường theo đám đông. Một cửa hàng ăn uống, một địa chỉ vui chơi, nghỉ dưỡng… khi được các TikToker nổi tiếng review sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm, tăng tương tác cho TikToker, tăng doanh thu cho các chủ hàng. Thế nhưng bên cạnh việc nhiều TikToker được các nhà hàng thuê với giá vài chục triệu thì được khen “tận mây xanh”, nhưng ngược lại một số quán không bỏ tiền ra để PR thì bị dìm thảm hại, dẫn đến một số quán treo ảnh cấm cửa các TikToker này. Những màn review đồ ăn của các TikToker có tiếng đã gây ra không ít tranh cãi, thậm chí khiến nhiều người thấy phẫn nộ. Cũng từ đó mà xuất hiện một số biệt danh của cư dân mạng dành cho họ như “Chiến thần review”, “thánh ăn đâu chê đó”, “reviewer xéo xắt”.
Mới đây, trong một chương trình về du lịch - ẩm thực Hàn Quốc, việc một TikToker phát ngôn gây tranh cãi về việc “chê” cá Việt, dù vô tình (hay hữu ý) nhưng cũng tạo nên làn sóng tranh cãi lớn trong khán giả. Nhiều người cho rằng TikToker sính ngoại khen ẩm thực Hàn, trong khi ẩm thực Việt đa dạng, phong phú, nhưng do người này không có sự tìm hiểu kỹ càng, nên phát ngôn thiếu kiểm soát…
Một vụ việc cũng rầm rộ gần đây là clip trải nghiệm và đánh giá một quán chè của một TikToker nổi tiếng. TikToker này chê bai chất lượng, cho rằng quán đang làm truyền thông quá lố. Dĩ nhiên, chủ quán chè cũng đăng đàn phản pháo, cho rằng anh lợi dụng quyền tự do ngôn luận để “chơi xấu”, khiến vụ việc bị đẩy đi quá xa. Kết quả, TikToker này bị nhiều người kêu gọi tẩy chay…
Mới đây nhất, mạng xã hội cũng rầm rộ vụ việc reviewer N. trên nền tảng TikTok đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình để đưa ra những thông tin không chính xác về người khác, đặc biệt là chia sẻ mức thu nhập của nghề review không đúng sự thật.
Theo chị Trần Thị Quỳnh, chủ thương một thương hiệu cà phê và trà sữa có tiếng, thì mỗi người có một cảm nhận, khẩu vị về ẩm thực khác nhau. Một món ăn ngon hay không tùy thuộc vào từng cảm nhận của mỗi người. Quan trọng nhất vẫn là đạo đức kinh doanh của người chủ quán. Với quán ăn ngon, nơi nghỉ đẹp hãy giới thiệu, chia sẻ, còn nếu không ngon cũng không nên chê trách một cách đại khái, nhất là với những người nổi tiếng, người của công chúng, vì như thế sẽ không khiến cho mọi việc tốt lên, mà đôi khi là tác dụng ngược.
Lấn sân showbiz
Còn rất nhiều vụ ảo tưởng sức mạnh của các TikToker đang diễn ra hằng ngày trên mạng xã hội. Nhiều TikToker thu hút nhiều lượt xem, lượt theo dõi thì tự cho mình có quyền “nói gì thì nói”. Ðiều đáng lo ngại hơn là từ người ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội, nhiều người trong số họ lại được tung hê, “mang” ra ngoài đời thực như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, với sự giúp sức của các đài truyền hình, phương tiện truyền thông.
Hiện nay số lượng các TikToker lấn sân sang showbiz ngày càng nhiều. Điển hình, mới đây nhất có trường hợp của Lê Bống, một TikToker có hơn 9 triệu lượt người theo dõi, ghi danh đăng ký thi và lọt vào Top 10 chung cuộc của Hoa hậu Thể thao Việt Nam tạo nên tranh cãi, vì trước đó cô từng vướng nhiều lùm xùm như tạo dáng phản cảm trên chùa, gài điện thoại ở cửa sổ để quay cảnh máy bay cất cánh đã khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo vì hành vi thiếu ý thức… Vì thế nhiều người cho rằng giải thưởng “Người đẹp nhân ái” dành cho Lê Bống là không phù hợp. Điều này cũng khiến công chúng đặt câu hỏi về việc lựa chọn thí sinh của ban giám khảo lẫn đơn vị tổ chức.
Trần Thanh Tâm (sinh năm 2000), được biết đến sau clip thả thính đăng tải trên TikTok với câu nói: “Trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ. Yêu không cần cớ, cần cậu cơ”. “Hot girl trứng rán” cũng là hot TikToker tai tiếng với những phát ngôn gây sốc: “Thà học ngu mà kiếm ra tiền còn hơn những người thi 25, 30 điểm nhưng mà không kiếm được đồng nào”; và cả những hoạt động PR cho game cờ bạc trá hình, ồn ào lộ clip nóng, ảnh nhạy cảm… Bất chấp tai tiếng, thị phi, Trần Thanh Tâm vẫn đăng ký dự thi The Face Vietnam và lọt vào chung kết Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Chưa kể, Thanh Tâm còn lấn sân sang làm MC truyền hình, nhưng khán giả cho rằng, giọng nói của cô hơi khó nghe, mắc vài lỗi nhỏ, trang phục cũng không phù hợp khi lên sóng.
Trước đó, hàng loạt TikToker khác như Ngô Đình Nam, CiiN, Mỹ Mỹ, Choco Trúc Phương, Luke D, Long Chun, Đạt Villa... cũng “đổi nghề” bằng cách thử sức với âm nhạc, ra MV… Tuy nhiên, cuối cùng MV ra mắt cũng nhanh chóng chìm nhanh giữa “làn sóng mạng”.
Sự “tràn ngập” của các TikToker dễ thấy nhất ở các show truyền hình và thảm đỏ sự kiện ra mắt phim, giới thiệu MV. Tại sự kiện công chiếu phim “Vô diện sát nhân” vào cuối tháng 8-2022, các hot TikToker chiếm quá nửa dàn khách mời, trong đó có cả những TikToker tai tiếng, không liên quan gì đến điện ảnh. Chưa kể nhiều hot TikToker chỉ đến check-in ở thảm đỏ rồi bỏ về trống ghế trong rạp chính rất nhiều. Thậm chí, ở một sự kiện văn hóa khác, một hot TikToker còn vô tư nhún nhảy, hú hét trên thảm đỏ khiến nghệ sĩ tham dự chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Còn ở các show thời trang có tiếng, hàng ghế đầu lại dành cho không ít TikToker dù họ chẳng có chuyên môn thời trang hay hoạt động trong showbiz…
Thực tế vẫn không thiếu những hot TikToker có thực tài và việc họ tham gia showbiz, theo đuổi con đường nghệ thuật rất cần được công chúng ủng hộ. Không ít nghệ sĩ cũng đã nổi tiếng từ mạng xã hội và ghi được dấu ấn. Nhưng trong số những hot TikToker lấn sân showbiz hiện nay, người có thực tài thì ít, còn ồn ào, thị phi thì có thừa. Nhiều hệ quy chuẩn trước đây của một nền giải trí có nguy cơ bị phá vỡ với làn sóng TikToker chưa đủ chuyên môn và tài năng nghệ thuật.
Nhiều người cho rằng, TikToker muốn lấn sân sâu vào trong các lĩnh vực xã hội nói chung và nghệ thuật nói riêng cũng cần phải được đào tạo bài bản hoặc không ngừng nâng cao năng lực bản thân trong lĩnh vực mà mình đang lấn sân. Muốn tồn tại và phát triển trong thế giới showbiz khắc nghiệt quan trọng vẫn là tài năng, chứ không phải những chiêu trò đầy thị phi.
Với những người làm quản lý không gian mạng cần phải có sự thẩm định đánh giá và quản lý chặt chẽ bởi đó là môi trường giáo dục với giới trẻ. Bởi giới trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn sự giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó xã hội của giới trẻ hiện nay chủ yếu là trên không gian mạng.
Theo tiến sĩ Bùi Thị Phương Thảo, chuyên gia tâm lý học, giảng viên Trường đại học Thủy lợi, hiện nay việc quản lý và định hướng giá trị văn hóa trên không gian mạng đang bị thả nổi. Những người sử dụng mạng xã hội như TikTok, Youtube... phần lớn là người trẻ, những người mà bản thân cũng chưa định hướng được giá trị văn hóa, chưa có văn hóa thấm nhuần, sự hiểu biết còn non, còn nông.
Trong khi nhiều gia đình bận rộn, không dạy những giá trị truyền thống, cũng như giá trị về mặt văn hóa xã hội. Nên giới trẻ thường cố tạo ra sự khác biệt bằng nhiều cách, nhưng không phải sự khác biệt nào cũng có giá trị, mà đôi khi là sự khác biệt chỉ để gây sự chú ý của người khác bằng cách gây sốc. Điều đó làm cho người xem ấn tượng và theo dõi, follow họ trên mạng xã hội.
Khi đã có ấn tượng thì TikToker nói gì cũng thấy hay, thấy đúng, thấy tin tưởng và làm theo, coi đó là trend, dù trend đó không có giá trị gì. Có thể nhiều người trưởng thành không biết đến TikToker đó là ai, nhưng nếu hỏi các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 thậm chí là cấp 1 thì đều biết hết, vì nếu không xem, không theo dõi sẽ bị bạn bè chê cười, cho rằng lạc hậu, không bắt kịp trend? Lứa tuổi học sinh, bạn bè cực kỳ quan trọng. Bạn bè chơi gì thích gì là cũng theo, cũng thích cho bằng được để được chơi cùng. Vì thế mà giới trẻ theo nhau follow các hot TikToker. Điều đó làm cho những hot TikToker cũng là những người trẻ nhầm tưởng rằng, được nhiều người chú ý là trở thành nghệ sĩ, thành người nổi tiếng. Trong khi không gian mạng là ảo. Ngoài đời thực, họ không là gì cả.