Khiêu vũ thể thao và lằn ranh mong manh giữa nghệ thuật, thể thao
Ở kỳ họp Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6 vừa qua, nỗ lực tách khỏi Liên đoàn của Khiêu vũ thể thao đã thất bại. Nhưng phải khi những người trong cuộc công khai lên tiếng, công chúng mới biết nhu cầu cấp thiết để xã hội hóa Khiêu vũ thể thao.
Thật khó tin khi biết Khiêu vũ thể thao có chi phí đào tạo hàng năm cho một cá nhân còn lớn hơn cả ngân sách hoạt động của Liên đoàn Thể dục Việt Nam. Nhưng vì một số lý do cả trong lẫn ngoài chuyên môn, Khiêu vũ thể thao chưa thể thành lập Liên đoàn riêng, mà vẫn là một phần của Liên đoàn thể dục.
Bán nhà đi học nhảy
Trong khuôn khổ Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6 diễn ra tháng 12/2022, đơn vị này đã công bố con số thu chi giai đoạn 2018-2021. Theo đó, Liên đoàn thu về 8 tỷ đồng trong 4 năm, với số tiền giảm dần đều theo từng năm: 2,9 tỷ, 2,8 tỷ, 1,5 tỷ và chỉ còn 667 triệu đồng trong năm 2021.
Liên đoàn Thể dục Việt Nam hiện đang quản lý nhiều môn thể dục khác nhau, bao gồm Khiêu vũ thể thao. Nhưng khác với Thể dục dụng cụ hay Thể dục nhào lộn, Khiêu vũ thể thao có thể chưa nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic, nhưng lại có hơi hướng nghệ thuật cùng chi phí đào tạo hoàn toàn khác biệt.
Với những người hâm mộ thể thao đơn thuần, Khiêu vũ thể thao dường như là một khái niệm xa lạ. Chỉ những người trong nghề mới hiểu để theo đuổi Khiêu vũ thể thao, chỉ có đam mê là chưa đủ. Bởi đây là môn thể thao cá nhân có kinh phí đầu tư rất lớn, vượt xa cả những môn quý tộc như quần vợt và golf.
"Tôi không muốn sau này có vận động viên nào như tôi trước kia, để bố mẹ phải bán nhà cho đi học nhảy". Huấn luyện viên (HLV) Chí Anh đã thẳng thừng phát biểu như vậy khi đề đạt nguyện vọng muốn tách Khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn. Thật vậy, chi phí để đào tạo một vận động viên (VĐV) Khiêu vũ thể thao hàng năm còn lớn hơn ngân sách hoạt động của Liên đoàn Thể dục.
Lướt qua những trang bán hàng trực tuyến quốc tế như eBay hay Amazon, chúng ta có thể tìm thấy những bộ trang phục khiêu vũ được bán với giá 40-50 triệu đồng. Nhưng trang phục Khiêu vũ thể thao thậm chí còn cao hơn nhiều, bởi nó phải vừa đẹp, vừa dễ vận động cho người mặc. Vì thế, mỗi bộ trang phục thi đấu Khiêu vũ thể thao có thể lên tới 200-300 triệu đồng tùy loại.
Bên cạnh đó, để tập luyện nâng cao và tăng cường trước giải đấu quan trọng, VĐV Khiêu vũ thể thao cần tập huấn nước ngoài, thuê thầy riêng. Tính ra, một VĐV khiêu vũ thể thao thành tích cao tiêu tốn khoảng 2-3 tỷ đồng/năm để theo đuổi môn này. Con số có thể còn lớn hơn với những người muốn đạt thành tích ở đấu trường quốc tế.
Tại SEA Games 31, Khiêu vũ thể thao Việt Nam giành 5 HCV, sánh ngang với Philippines. Cặp VĐV Phan Hiển - Thu Hương có thành tích tốt nhất khi mang về 3 HCV trong số đó. Đằng sau những tấm HCV SEA Games là rất nhiều tiền phải bỏ ra, khi họ ước tính đã chi 4 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 để tập huấn nước ngoài.
Vì những lý do kể trên, ngân sách hiện tại của Liên đoàn Thể dục Việt Nam, cũng như tiền thưởng thi đấu quốc tế theo quy định nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu phát triển Khiêu vũ thể thao. Với những người trót theo đuổi đam mê cùng bộ môn này, họ phải chi rất nhiều tiền, làm nhiều công việc khác nhau cùng lúc để nuôi nghiệp nhảy.
Nỗ lực bất thành của 3.000 chữ ký
Việc cố gắng tách Khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục Việt Nam không phải ý định nhất thời của những người có tâm huyết với bộ môn này. Chí Anh, Khánh Thi và nhiều HLV khác đã làm đơn xin tách Khiêu vũ thể thao trở thành một Liên đoàn riêng từ năm 2019. Đến năm 2022, Chí Anh thậm chí còn âm thầm thu thập chữ ký của những VĐV, HLV trên khắp cả nước để bày tỏ nguyện vọng.
Trong một cuộc họp thuộc khuôn khổ Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6, Chí Anh mang theo 3.000 chữ ký có xác minh của VĐV, HLV muốn tách Khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn. Số chữ ký này được thu thập từ 300 câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao lớn nhỏ trên địa bàn cả nước, cho thấy những người trong ngành thực sự muốn có môi trường phát triển môn thể thao nghệ thuật này.
Trước thềm Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có công văn gửi Bộ Nội vụ về ý kiến tách Khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục hiện tại. Công văn có ghi chú việc thành lập một Liên đoàn Khiêu vũ thể thao riêng biệt là điều cần thiết, đặc biệt xét trong bối cảnh thực tế.
Tuy nhiên, nỗ lực của những người muốn tách Khiêu vũ thể thao thành một liên đoàn riêng biệt đã không trở thành hiện thực. Trong cuộc bỏ phiếu kín lấy ý kiến, chỉ có 33,78% số đại biểu tán thành việc tách Khiêu vũ thể thao thành một liên đoàn riêng. Có tới 60,81% số phiếu bầu phản đối, muốn giữ Khiêu vũ thể thao ở lại Liên đoàn Thể dục Việt Nam trong nhiều năm tới.
Vì sao không thể "ra riêng"?
Tại Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ 6, các đại diện của Bộ Nội vụ và Tổng cục TDTT đều ủng hộ tách Khiêu vũ thể thao khỏi Liên đoàn Thể dục. Chủ tịch Liên đoàn Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng nói muốn tách Khiêu vũ thể thao. Nhưng cuối cùng, mọi thứ vẫn giữ nguyên như cũ.
Con số chênh lệch lên tới gần 30% giữa số phiếu tán thành và phản đối cho thấy phần lớn đại biểu Liên đoàn Thể dục Việt Nam không muốn để Khiêu vũ thể thao "dứt áo ra đi". Đâu là nguyên nhân dẫn đến quyết định đó? Câu trả lời nằm ở khả năng xã hội hóa, huy động nguồn lực từ bên ngoài rất khác biệt của Khiêu vũ thể thao so với những môn còn lại đang được Liên đoàn Thể dục Việt Nam quản lý.
Với 300 câu lạc bộ đang hoạt động trên khắp cả nước, Khiêu vũ thể thao đã xây dựng mạng lưới rộng khắp để chờ ngày thành lập một Liên đoàn chính quy. Nguồn lực xã hội hóa đổ vào môn thể thao kiêm nghệ thuật này sẽ rất mạnh khi họ nắm trong tay quyền tổ chức sự kiện. Thể dục dụng cụ và những môn khác lại không thể huy động nguồn vốn xã hội hóa, bởi đây là môn thể thao thuần Olympic, rất kén người xem.
Một lý do khác là việc Khiêu vũ thể thao mới xuất hiện ở 2 kỳ SEA Games gần nhất nhưng đã trở thành mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Khiêu vũ thể thao Việt Nam đang phát triển rất nhanh so với các nước trong khu vực.
Việc Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhất quyết không cho phép Khiêu vũ thể thao tách ra dẫn tới một nghịch lý. Đơn vị này không có kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng phát triển Khiêu vũ thể thao, khiến VĐV, HLV phải tự bỏ tiền túi ra nuôi nghiệp. Dù vậy, họ vẫn cố giữ môn thể thao này ở lại với lý do "có động cơ lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết trong việc vận động thành lập Liên đoàn Khiêu vũ thể thao Việt Nam".
Khác với cuộc chiến ở những Liên đoàn Jujitsu hay Boxing, HLV Chí Anh vẫn rất lịch sự chia sẻ nguyện vọng trên các kênh truyền thông. Việc Chí Anh vào Nam ra Bắc, ngược xuôi thu thập 3.000 chữ ký đã phần nào cho thấy điều đó. Nhưng với những nỗ lực bất thành suốt 3 năm qua, có lẽ những người hoạt động trong môn thể thao nghệ thuật này vẫn sẽ phải tự lực nuôi thân trong thời gian tới.
Ước mơ tự làm tự ăn với những người hoạt động Khiêu vũ thể thao nghe tưởng như vô cùng đơn giản, nhưng hóa ra lại vô cùng xa vời.
Liên đoàn Thể dục Việt Nam làm gì khi đội tuyển thể dục dụng cụ không thể xuất ngoại?
Liên tiếp trong tháng 9 và 10/2022, đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam đã 2 lần không thể xuất ngoại tham dự các giải đấu quốc tế ở Anh và Pháp. Đây lẽ ra là cơ hội vàng để các tuyển thủ Việt Nam so tài, học hỏi kinh nghiệm từ những đối thủ hàng đầu thế giới. Nhưng cuối cùng, họ đều không thể xuất ngoại dù đã mua vé máy bay bởi cùng một lý do: Không xin được visa xuất cảnh.
Tương tự đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam, năm 2022 chứng kiến thành viên của nhiều đội tuyển thể thao như Boxing, Cầu lông không thể thi đấu quốc tế vì không xin được visa. Lý do được những người có trách nhiệm giải thích "đã gửi email xin visa đến đại sứ quán nhưng không nhận được phản hồi, do đó visa không được duyệt kịp thời cho vận động viên".
Không thể lên đường xuất ngoại như dự kiến, nhiều tuyển thủ thể dục dụng cụ Việt Nam đành chấp nhận ở nhà tập chay. Giải đấu duy nhất họ có thể tham dự trong 4 tháng cuối năm 2022 là Đại hội Thể thao toàn quốc, nơi Đinh Phương Thành, Trương Khánh Vân, Trần Đoàn Quỳnh Nam... tỏ ra quá vượt trội so với phần còn lại và không thể học hỏi điều gì từ những đối thủ trong nước.