Khơi dậy sức sống cho di sản
Số lượng di tích đồ sộ, di sản phi vật thể phong phú đang được coi là nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa, cho kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều địa phương từng bước tích cực khai thác nguồn lực này, dù rằng, hiệu quả có trong thực tế có thể chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa hẳn được như kỳ vọng.
Kết nối quá khứ và hiện tại
Những ngày này, Thủ đô rộn ràng cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 với sự nhập cuộc tích cực của hơn 500 nghệ sĩ, nhà thiết kế, người làm sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, từ thiết kế, biểu diễn đến điện ảnh…
Với hàng trăm hoạt động, Lễ hội được cho là góp phần thổi bùng năng lượng sáng tạo trong cộng đồng, chắp cánh cho những ý tưởng mới mẻ và đột phá của lực lượng sáng tạo, đặc biệt là lực lượng sáng tạo trẻ. Nhiều di sản tưởng chừng “ngủ quên”, trong đó có những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, những công trình gắn với lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của đất nước nói chung đã được sống lại, hoặc khai thác tốt hơn nữa thông qua các hoạt động của lễ hội năm nay: Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ); Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung thiếu nhi Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ; Viện Đại học Đông Dương) cùng rất nhiều di tích đặc biệt khác trên phố cổ Hà Nội…
Được biết, những di tích nói trên mới chỉ là một phần rất nhỏ trong khối di sản văn hóa của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Lâu nay, Hà Nội vẫn thường được nhắc đến là "Thành phố di sản". Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố này có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội cũng là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây được coi là nguồn lực lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa, cho phát triển kinh tế của Thủ đô.
Tương tự, tại Ninh Bình - vùng đất cổ của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, hiện còn lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể giá trị được quan tâm đầu tư bảo tồn phát huy giá trị. Theo UBND tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.821 di tích, trong đó có 405 di tích được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An), 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 324 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 393 di sản văn hóa phi vật thể.
Phát huy giá trị di sản, trong giai đoạn tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và không gian kiến trúc văn hóa cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư làm cơ sở nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, xây dựng phim trường. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của tỉnh góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ninh Bình đã xác định di sản văn hóa là tiềm năng và thế mạnh. Thời gian qua, địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Đã có hàng nghìn lượt di tích được trùng tu tôn tạo; nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc; nhiều di tích, danh thắng đã trở thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...
Làm sống lại di sản để phát triển công nghiệp văn hóa
Thực tế, việc khai thác di sản như là nguồn lực nội sinh, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo của nhiều địa phương trên cả nước.
Trao đổi tại hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch" mới đây, tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có 8 di sản được công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Thông qua bảo tồn, tôn tạo, các di tích lịch sử - văn hóa, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và du khách về bản sắc, giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm văn hoá, kinh tế, dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân được đẩy mạnh.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nhận định: Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo và lưu truyền lại một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng, trong đó có hàng vạn di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau. Các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang được Nhà nước, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các địa phương tham gia hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như: việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi chưa bảo đảm các quy định của pháp luật; chất lượng nhân lực quản lý, thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích còn hạn chế. Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp, xác định trách nhiệm, phân chia lợi ích rõ ràng.
Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của các di sản văn hóa. Sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - du lịch, đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo còn hạn chế, bất cập.
Khẳng định di sản văn hóa, bao gồm cả hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đồ sộ trên cả nước và hàng vạn lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống trên cả nước là nguồn lực lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, thậm chí di sản đang là “cơn sốt” tại nhiều quốc gia. Chúng ta nỗ lực đánh thức di sản, di sản gần gũi với cộng đồng, đi vào đời sống, từ đấy làm cho di sản sống lại, đồng hành cùng sự phát triển của địa phương và đất nước trong nền kinh tế bền vững, tuần hoàn. Thế giới đang hướng tới sự tái tạo và phát triển xanh. Vì vậy, việc chúng ta hướng tới phục hồi di sản, đưa vào đời sống một cách sống động, tuần hoàn trong đời sống đang phát triển hôm nay là “cách làm rất xanh”.
Làm được điều này, chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn nữa những sự kiện như là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, qua đó kết nối quá khứ và hiện tại, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong mỗi người, đánh thức những cảm xúc mới, khát vọng, mong muốn sáng tạo. Từ những sự kiện như thế, những sáng tạo có thể là nhỏ bé ban đầu có thêm cơ hội phát triển tiếp thành những sáng tạo lớn hơn, mới mẻ, rất thú vị, rất độc đáo, đồng thời biến thành những sản phẩm hấp dẫn người dân và du khách.
TS.KTS Phan Đăng Sơn cũng gợi ý, để “làm sống lại” những di sản quý của dân tộc, của đất nước, chúng ta phải có những chương trình hấp dẫn và phải có sự kết nối để làm sao huy động được sự tham gia của cộng đồng dân cư. Từ đó, người dân, du khách đến với di sản không chỉ một lần mà nhiều lần.