Kinh tế EU trước bước ngoặt lớn

Thứ Hai, 21/11/2022, 14:22

Theo Dự báo kinh tế  mùa thu mới được công bố của Ủy ban châu Âu (EC), sau nửa đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) hiện đã bước vào giai đoạn khó khăn hơn nhiều.

Tăng trưởng giảm mạnh vào cuối năm

Tăng trưởng GDP thực tế ở EU bất ngờ tăng trong nửa đầu năm 2022, khi người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu mạnh trở lại, đặc biệt là cho các dịch vụ, sau khi các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 được nới lỏng. Tăng trưởng vẫn tiếp tục trong quý III, mặc dù với tốc độ yếu hơn đáng kể.

Kinh tế EU trước bước ngoặt lớn -0
Áp lực tăng giá dự kiến sẽ đẩy đỉnh lạm phát vào cuối năm.

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, sức ép từ giá năng lượng tăng cao, sức mua của các hộ gia đình bị suy giảm, môi trường bên ngoài xấu đi và các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn, EU, khu vực đồng euro và hầu hết các quốc gia thành viên có khả năng sẽ bị rơi vào suy thoái trong quý IV. Tuy nhiên, động lực mạnh mẽ từ năm 2021 và tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay có khả năng sẽ nâng mức tăng trưởng GDP thực tế nói chung trong năm 2022 lên 3,3% ở EU (3,2% ở khu vực đồng euro) – cao hơn nhiều so với mức 2,7% được đưa ra trong Dự báo kinh tế tạm thời mùa Hè của Ủy ban châu Âu.

Khi lạm phát tiếp tục khiến thu nhập khả dụng của các hộ gia đình bị sụt giảm, hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong quý I năm 2023. Dự kiến châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại vào mùa Xuân khi lạm phát dần được cải thiện. Tuy nhiên, do những “cơn gió ngược” manh mẽ vẫn kìm hãm tổng cầu của thế giới, hoạt động kinh tế sẽ bị suy giảm, với tăng trưởng GDP đạt mức 0,3% vào năm 2023 ở cả EU và khu vực đồng euro. Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ dần khôi phục, trung bình đạt 1,6% ở EU và 1,5% ở khu vực đồng euro.

Lạm phát đạt đỉnh trước khi dần được cải thiện

Chỉ số lạm phát luôn cao hơn dự đoán trong suốt 10 tháng đầu năm 2022 và áp lực tăng giá dự kiến sẽ đẩy đỉnh lạm phát đến cuối năm và nâng dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm lên 9,3% ở EU và 8,5% ở khu vực đồng euro. Lạm phát dự kiến sẽ giảm vào năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao 7,0% ở EU và 6,1% ở khu vực đồng euro, trước khi giảm xuống lần lượt là 3,0% và 2,6% vào năm 2024.

So với Dự báo kinh tế tạm thời mùa Hè của EC, Dự báo kinh tế mùa Thu đã tăng gần một điểm phần trăm cho năm 2022 và hơn hai điểm phần trăm cho năm 2023. Những thay đổi này chủ yếu phản ánh việc giá điện và khí đốt bán buôn tăng cao hơn đáng kể, gây áp lực lên giá năng lượng bán lẻ cũng như hầu hết hàng hóa và dịch vụ trong giỏ hàng tiêu dùng.

Thị trường lao động mạnh nhất trong nhiều thập kỷ

Bất chấp môi trường đầy thách thức, thị trường lao động vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, với tỷ lệ người có việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đang ở mức cao nhất trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nền kinh tế mở rộng mạnh mẽ đã giúp có thêm 2 triệu người có việc làm trong nửa đầu năm 2022, nâng số người có việc làm ở EU lên mức cao nhất mọi thời đại là 213,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục là 6,0% trong tháng 9.

Tăng trưởng việc làm ở EU sẽ mức 1,8% trong năm 2022, trước khi chững lại trong năm 2023 và tăng nhẹ lên 0,4% vào năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU ước tính ở mức 6,2% trong năm 2022, 6,5% trong năm 2023 và 6,4% trong năm 2024.

Tăng thâm hụt ngân sách

Tăng trưởng trên danh nghĩa mạnh mẽ trong ba quý đầu năm và việc ngừng các gói hỗ trợ liên quan đến đại dịch đang giúp giảm hơn nữa thâm hụt ngân sách của chính phủ trong năm 2022, cho dù các biện pháp mới được áp dụng để giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Sau khi giảm xuống còn 4,6% GDP vào năm 2021 (5,1% ở khu vực đồng euro), thâm hụt ở EU được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,4% GDP trong năm 2022 (3,5% ở khu vực đồng euro).

Tuy nhiên, trong năm 2023, tổng thâm hụt ngân sách của chính phủ sẽ tăng nhẹ trở lại (lên 3,6% ở EU và 3,7% ở khu vực đồng euro) khi hoạt động kinh tế suy yếu, chi phí lãi vay tăng và các chính phủ mở rộng hoặc đưa ra các biện pháp mới để giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao. Sau đó, việc các chính phủ rút tiền ra khỏi nền kinh tế theo kế hoạch trong năm 2023 và nối lại tăng trưởng sẽ làm giảm áp lực lên hầu bao của công chúng. Do đó, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ ở mức 3,2% GDP ở EU và 3,3% ở khu vực đồng euro trong năm 2024.

Tình trạng không chắc chắn ở mức cao

Triển vọng kinh tế vẫn bị bủa vây bởi tình trạng không chắc chắn ở mức độ đặc biệt cao khi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine vẫn tiếp diễn và khả năng nền kinh tế vẫn tiếp tục bị gián đoạn.

Mối đe dọa lớn nhất đến từ những diễn biến bất lợi trên thị trường khí đốt và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là vào mùa Đông 2023-2024. Ngoài nguồn cung cấp khí đốt, EU vẫn trực tiếp và gián tiếp phải hứng chịu những cú sốc tiếp theo đối với các thị trường hàng hóa khác do căng thẳng địa chính trị gây ra.

Lạm phát kéo dài hơn và khả năng sẽ có những điều chỉnh gây hỗn loạn tại các thị trường tài chính toàn cầu dẫn tới một môi trường mới với tỷ lệ lãi suất cao cũng vẫn là những yếu tố quan trọng có thể gây ra rủi ro. Cả hai rủi ro này đều bị “khuếch đại” bởi khả năng sẽ không có sự nhất quán giữa các mục tiêu của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Khánh An (Theo moderndipl macy.eu)
.
.