Kinh tế Nhật Bản qua sự sụt giá của đồng Yen

Thứ Hai, 05/12/2022, 12:17

Bất chấp xu hướng lạm phát mạnh trên toàn cầu hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục giữ vững đặc thù của mình là lạm phát thấp, một thực trạng đã duy trì suốt từ những năm 1990. Mặc dù lạm phát của nước này đã tăng lên 3% vào tháng 9/2022, nhưng con số này là tương đối thấp so với mức 8% ở Mỹ và 10% ở Anh.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) coi tỷ lệ lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và vẫn duy trì chính sách tiền tệ của mình. Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhật Bản lại ghi nhận mức lạm phát thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trên toàn thế giới trong một thời gian dài?

Có hai vấn đề kinh tế vĩ mô ám ảnh Nhật Bản, thứ nhất là việc đồng tiền mất giá mạnh dẫn đến lạm phát và thứ hai là mức tăng tiền lương yếu.

Kinh tế Nhật Bản qua sự sụt giá của đồng Yen -0
Cuối tháng 10/2022, đồng Yen Nhật tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 33 năm qua, với tỷ giá cán thủng mốc 150 Yen đổi 1 USD.

Với vấn đề đầu tiên, ảnh hưởng của việc đồng yen suy yếu đối với lạm phát và nền kinh tế Nhật Bản ít hơn nhiều so với các dự đoán phân tích kinh tế vĩ mô. BOJ vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất âm trong khi ngân hàng trung ương tại các nước phát triển khác trên toàn cầu phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, khiến đồng yen giảm 30% so với USD.

Tháng 9/2022, đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm, khiến Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp để nâng đỡ đồng tiền này lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản hồi cuối quý III vừa qua cho thấy tâm lý kinh doanh của các hãng chế tạo lớn ở Nhật Bản đã ghi nhận sự tiêu cực trong 3 quý liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải vật lộn với tình trạng giá tiêu dùng tăng, đồng tiền suy yếu và nhu cầu toàn cầu trì trệ.

Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp vào đầu tháng 10, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết đặt vấn đề kinh tế lên ưu tiên hàng đầu và thúc đẩy các biện pháp “tối đa hóa giá trị của đồng yen đang ngày càng yếu đi” để thu về khoảng 5 nghìn tỷ yen (34,5 tỷ USD) hàng năm mà khách du lịch ngước ngoài chi tiêu ở Nhật Bản.

Về lý thuyết, tiền tệ mất giá sẽ gây ra lạm phát do làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, đồng yen suy yếu nhưng lại không xảy ra tình trạng lạm phát cao, cho thấy điều này có tác động rất nhỏ tới lạm phát. Tháng 9/2022, chỉ số giá nhập khẩu dựa trên đồng yen đã tăng 48%, nhưng giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức khiêm tốn. Tương tự trong các đợt đồng tiền mất giá khác - chẳng hạn như khi chính sách Abenomics có hiệu lực, lạm phát trong nước của Nhật Bản đã không tăng.

Những năm qua, Nhật Bản đã nỗ lực chống giảm phát và duy trì tỉ lệ lãi suất gần bằng 0. Giá tiêu dùng dù tăng đều đặn nhưng vẫn ở mức độ khiêm tốn hơn so với các nều kinh tế lớn khác, và BOJ đã không noi gương các ngân hàng trung ương trên thế giới để tăng lãi suất.

Trong khi đó, mức tăng lương thấp lại là một bài toán khác. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2022 của Nhật Bản là 2,6%, nhưng tiền lương vẫn không theo kịp lạm phát.

Ở những nơi khác, thông thường, việc tăng giá hàng hóa luôn gây ra một vòng xoáy giá - tiền lương. Ví dụ tại Mỹ, khi các công ty tăng giá để phản ánh chi phí đầu vào cao hơn, người lao động yêu cầu và được tăng lương do lợi thế đàm phán mạnh mẽ của họ trong thị trường lao động chặt chẽ hiện nay, và điều này lại khiến các công ty phải tăng giá hơn nữa. Thế nhưng tại Nhật Bản, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ tỷ lệ lạm phát, nhưng động lực tiền lương ở Nhật Bản không tuân theo mô hình này.

Để giải đáp cho những vấn đề trên, có thể phân tích thực trạng hiện nay của Nhật Bản. Thứ nhất, Nhật Bản hiện ghi nhận nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Sự phục hồi sau COVID-19 của Nhật Bản diễn ra chậm chạp, GDP mới chỉ phục hồi sau quý II/2022. Mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh thời kỳ trước COVID-19, trước khi tăng thuế tiêu dùng năm 2019.   

Thứ hai, trong khi bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân đã được phục hồi đáng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 1990, các khoản tiết kiệm tư nhân vẫn rất lớn. Các hộ gia đình thường tiết kiệm tiền và tích trữ tiền tiết kiệm. Tiết kiệm của doanh nghiệp tăng trong khi tỷ trọng lao động giảm, trong đó các doanh nghiệp lớn có tỷ trọng lao động giảm mạnh nhất. Ngoại trừ chính phủ, không có lĩnh vực nào khác trở thành “người đi vay ròng” kể từ cuộc khủng hoảng. Nhật Bản được nhiều người coi là ví dụ đầu tiên của thời đương đại về tình trạng trì trệ kéo dài, cũng như là nơi thử nghiệm để phát triển chiến lược thoát ly. Sau khi nền kinh tế “bong bóng” sụp đổ gây ra khủng hoảng tài chính vào những năm 1990, Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp được gọi là “thập kỷ mất mát” với tỷ lệ tăng trưởng GDP không bao giờ đúng với tiềm năng.

Tuy nhiên, nếu tính đến việc dân số ngày càng giảm thì hiệu suất của Nhật Bản trong suốt “thập kỷ mất mát” không tệ như người ta tưởng. Kể từ những năm 2000, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Nhật Bản không thua các nước tiên tiến khác, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp.

Vấn đề thách thức nhất là ở khu vực tư nhân, nơi cả hộ gia đình và doanh nghiệp đều tiết kiệm quá mức, dẫn đến tình trạng thiếu người đi vay. Thâm hụt ngân sách thay vào đó đã hỗ trợ nền kinh tế. Tiết kiệm tư nhân có thể coi là quá mức do thiếu cơ hội đầu tư và thay đổi nhân khẩu học, cả hai điều này đều góp phần vào "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản. Lãi suất thấp là kết quả của việc có quá nhiều người cho vay trong khi rất ít người đi vay, vì nhiều người thích tiết kiệm cho tương lai hơn là chi tiêu ngay bây giờ. 

Tiếp theo, tuổi thọ cao hơn đã làm tăng tiết kiệm hưu trí cá nhân, trong khi nhu cầu tiêu dùng hiện tại giảm tương đối, khiến giá cả giảm xuống, dẫn đến thặng dư tiết kiệm cho tương lai và giảm lãi suất. Cũng có trường hợp dân số già đôi khi được cho là đồng nghĩa với tỷ lệ cao hơn của những người bất đồng chính kiến. Tình trạng này cũng được cho là làm giảm tiết kiệm tổng thể, nhưng điều này đã không xảy ra. Xu hướng tiết kiệm tư nhân có khả năng tiếp tục duy trì.

Bích Vân
.
.