Kinh tế thế giới 2023 tiếp tục đối mặt với khó khăn

Thứ Sáu, 06/01/2023, 08:13

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/1 nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu.

Phát biểu trên Đài Truyền hình CBS, bà Kristalina Georgieva dự đoán năm 2023 sẽ còn “khó khăn” hơn so với năm 2022, do các nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn giảm tốc. Người đứng đầu IMF nêu rõ, đối với phần lớn nền kinh tế thế giới, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn cả năm chúng ta bỏ lại phía sau.

Theo bà Georgieva, lần đầu tiên sau 40 năm, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Đặc biệt, sự bùng phát các ca nhiễm COVID-19 theo như dự báo ở nước này trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ tác động hơn nữa đến nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay và khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực và thế giới chậm lại.

imf.jpeg -0
Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva dự đoán năm 2023 sẽ còn “khó khăn” hơn so với năm 2022.

Bà Georgieva cho rằng nền kinh tế Mỹ là kiên cường nhất, có thể tránh được suy thoái, trong khi đó một nửa Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy thoái trong năm sau. Theo bà Georgieva, triển vọng của các thị trường mới nổi thậm trí còn tồi tệ hơn vì mức nợ và việc đồng USD mạnh. IMF dự đoán một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm 2023.

Trước đó hồi tháng 10/2022, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2023 sẽ chỉ tăng trưởng 2,7%, thấp hơn mức dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7/2022.

Nhưng không chỉ IMF đưa ra nhận định về những khó khăn của kinh tế thế giới trong năm 2023. Đây cũng là nhận định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, khi cả 2 đều thừa nhận những khó khăn này sẽ không mất đi trong năm tới trong bài phát biểu năm mới 2023 của mình. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán năm 2023 nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,2%, so với mức 3,1% của năm 2022. Còn các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2023 do lạm phát dù có giảm nhưng vẫn kéo dài. Động lực thúc đẩy kinh tế từ việc nới lỏng hạn chế COVID-19 sẽ giảm đi ở các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Trung Quốc. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát. Trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn diễn ra ở Ukraine, ảnh hưởng tiếp tục của đại dịch COVID-19 và lạm phát cao vốn dẫn tới một trong những chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong thời gian gần đây, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2023.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) cũng dự báo thế giới phải đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2023, khi chi phí đi vay cao hơn nhằm giải quyết lạm phát khiến một số nền kinh tế bị suy giảm. Theo CEBR, nền kinh tế toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022 nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cuộc chiến chống lại giá cả tăng vọt. Báo cáo của CEBR nhận định cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa thắng lợi. “Chúng tôi dự báo các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 bất chấp các chi phí kinh tế. Cái giá của việc đưa lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là triển vọng tăng trưởng kém hơn trong những năm tới”.

2.jpeg -0
Giá cả tăng cao đang khiến cho đời sống người dân nhiều quốc gia thêm khó khăn.

Không chỉ các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp ở một số quốc gia cũng bày tỏ lo ngại trước những khó khăn trong năm 2023. Kết quả khảo sát của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy cứ 5 hiệp hội công nghiệp tại quốc gia này thì khoảng 3 hiệp hội cho rằng hoạt động sản xuất trong năm 2023 sẽ giảm tốc do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. Khoảng 30 trong số 49 hiệp hội tham gia khảo sát của IW cho rằng sản xuất của các doanh nghiệp thành viên sẽ giảm sút trong năm 2023, trong khi 13 hiệp hội khác lạc quan rằng sản lượng trong lĩnh vực của họ sẽ gia tăng. Theo kết quả, gần 40 hiệp hội cho biết tình hình đối với các công ty thành viên hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với 1 năm trước, thời điểm mà nhiều người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 gần như đã trôi qua.

Thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng, cho tới thời tiết cực đoan... Những thách thức này tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể tạo ra những biến động ngoài dự đoán trên các thị trường vốn, tài chính, tiền tệ trên toàn cầu.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.