Kinh tế thế giới ảm đạm vì chiến tranh
Trong báo cáo ngày 26-9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới sắp tới sẽ rất ảm đạm do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine. Trong đó có dự báo kinh tế Đức sẽ suy thoái vào năm 2023 và tăng trưởng ở Trung Quốc giảm mạnh.
Theo OECD, các đợt bùng phát COVID-19 vẫn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong khi tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng. "Một số chỉ số đã chuyển biến theo chiều hướng xấu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên ảm đạm", OECD cho biết. OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống 2,2%, giảm so với 2,8% trong ước tính vào tháng 6.
Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả quốc gia trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) đều giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh được dự báo sẽ không tăng trưởng. Tăng trưởng của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - được dự báo sẽ chậm lại 0,5% vào năm 2023. Dự kiến Đức sẽ rơi vào suy thoái kinh tế vào năm 2023. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga. Mức tăng trưởng dự báo cho khu vực đồng euro nói chung chỉ 0,3%, giảm mạnh so với dự báo trước đó là 1,6%.
Thực tế, hiện nhiều quốc gia đã dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể vào năm tới, trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ suy thoái ngày càng lớn ở nước láng giềng Đức và châu Âu sau những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Trong cuộc họp nội các ngày 26-9, Chính phủ Pháp đưa ra dự báo mức tăng trưởng trong năm tới là 1% - giảm mạnh so với mức ước tính 2,7% trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chỉ ra khi đất nước phải đối mặt với giá năng lượng và lương thực tăng cao, lạm phát ở Pháp dự kiến đạt 6% trong những tháng tới và 4% vào cuối năm sau.
Trong khi đó Italy cũng đang phải đói mặt với lạm phát, suy thoái gia tăng và chi phí năng lượng cao. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Cerved, tại thành phố công nghiệp Terni, có đến 24,5% trong số 16.000 công ty đứng trước nguy cơ phá sản trong tương lai gần. Theo dữ liệu từ Federacci - một cơ quan vận động hành lang cho các nhà sản xuất thép, ngành thép tại Italy đã phải trả chi phí tăng gấp 10 lần so với một năm trước. Tương tự, hầu hết các nước châu Âu, giá năng lượng đang làm tổn hại đến các công ty và gia đình Italy. Tỷ lệ lạm phát đạt 9,1% trong tháng 8, mức cao nhất kể từ năm 1997.
Cục Thống kê Italy ISTAT cho biết số lượng hợp đồng tạm thời trong tháng 7 đạt mức cao nhất kể từ khi số liệu được công bố vào năm 1977. Tình cảnh công việc tạm bợ với mức lương thấp đã khiến hàng nghìn thanh niên Italy tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Các cuộc khủng hoảng năng lượng mới và lạm phát là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề lâu năm của Italy như tăng trưởng yếu, năng suất trì trệ, nợ công khổng lồ, tỷ lệ việc làm thấp và bộ máy quan liêu.
Mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế cũng đã gia tăng mạnh tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong những tuần gần đây. Số liệu công bố ngày 25-8 của Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho thấy GDP của Đức trong quý II đã tăng 0,1% so với quý I - mức tăng nhẹ so với dự báo bằng 0 trước đó. Theo Chủ tịch Destatis, ông Georg Thiel, căng thẳng Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn hiện nay, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả tăng cao. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hauck Aufhauser Lampe thì nhận định các công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá năng lượng tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu và tắc nghẽn nguồn cung. Chỉ số quản lý mua hàng của S&P Global đã giảm 0,5 điểm xuống 47,6 điểm, cho thấy hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chững lại trong tháng 8.
Tại Mỹ, sau một giai đoạn phục hồi ấn tượng, nền kinh tế “đầu tàu thế giới” đang suy giảm tăng trưởng. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 25-8, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm trong quý II-2022 song vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó. GDP quý II của Mỹ đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo giảm 0,9% mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 7 vừa qua. Báo cáo của Chính phủ Mỹ nêu rõ, việc điều chỉnh tăng dự báo trong dữ liệu gần đây nhất chủ yếu phản ánh đà tăng xuất khẩu và mức giảm chi tiêu ít hơn dự kiến của chính phủ liên bang, trong khi chi tiêu tiêu dùng tăng cao. Sau khi giảm mạnh 1,6% trong quý I, dữ liệu GDP cập nhật nêu trên vẫn làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái sau khi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.
Việc các nền kinh tế lớn, đặc biệt là kinh tế Mỹ, suy giảm tăng trưởng đang gây quan ngại cho kinh tế thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái có thể làm xấu đi môi trường tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 3,2%, do sự hạ nhiệt nhanh chóng của kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.