Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2023

Thứ Tư, 07/12/2022, 12:20

Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm nay và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ.

Khó khăn phía trước

Ngày 5/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 từ 1,7% xuống 1,4%.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEO) của Fitch Rating cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng”. Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do “triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu”. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 vẫn ở mức 2,8% “do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng gây áp lực lên các hoạt động trong ngắn hạn”.

Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2023 -0
Châu Á được kỳ vọng là bệ đỡ kinh tế toàn cầu năm 2023.

Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro (Eurozone) năm 2023 đã được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu dịu bớt, song việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu. Fitch Ratings cho rằng nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong mùa đông này đã giảm xuống do nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng và tiêu thụ khí đốt giảm. Ngoài ra, lạm phát thời gian gần đây ở khu vực đồng euro và Anh đã đạt 11%, lạm phát cơ bản đã đang tăng lên. Fitch Ratings ước tính lạm phát chung sẽ giảm đáng kể vào năm 2023 khi giá lương thực và năng lượng ổn định.

Báo cáo của Fitch Ratings cũng dự đoán lãi suất cơ bản do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ấn định sẽ đạt đỉnh ở mức 5% và trong trường hợp của ECB là 3%.

Trước đó, trong báo cáo công bố cuối tháng 10/2022, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đều bị giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.

OECD dự báo nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới khi tăng trưởng thu hẹp 0,7% - giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong khi đó, kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023. Đối với toàn cầu, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 3%, song lại hạ dự báo trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát và chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần; dịch COVID-19 dù tạm lắng song vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu... Nhằm kiềm chế lạm phát và đối phó thách thức kinh tế, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, chính phủ các nước đã công bố các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn và các biện pháp tài khóa đơn lẻ không đủ mạnh để phát huy hiệu quả.

Còn trong báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra hành động cân bằng khó khăn mà các chính phủ phải quản lý vì: “Với nhiều người vẫn đang gặp khó khăn, các chính phủ nên tiếp tục ưu tiên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất để đối phó với hóa đơn lương thực và năng lượng tăng vọt cũng như trang trải các chi phí khác - nhưng các chính phủ cũng nên tránh bổ sung vào tổng cầu có nguy cơ làm tăng lạm phát. Ở nhiều nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, hạn chế tài chính có thể làm giảm lạm phát đồng thời giảm nợ”.

Còn theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong khi tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp nhưng dương ròng vào năm 2023, một số khu vực cụ thể sẽ phải đối mặt với sự suy giảm. Đứng đầu trong số đó là châu Âu, nơi IIF dự báo mức giảm 2,0% GDP tích lũy.

Vẫn có điểm sáng

Theo báo The Wall Street Journal, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt khoảng 2% trong năm sau, giảm đáng kể so với năm nay và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng tích cực trong năm 2023 và trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn của châu Á chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023.

Một trong những nền kinh tế được kỳ vọng là Ấn Độ, dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, ở mức 6,6% trong năm 2022 và 5,7% vào năm 2023. Đặc biệt, Saudi Arabia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng số 1 thế giới.

Ấn Độ đang bước vào giai đoạn “vàng” cho tăng trưởng kinh tế nhờ nắm giữ tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đó là nhân tố nhân khẩu học và lao động. Nhờ vậy, họ hưởng trọn lợi thế khi tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với GDP ở Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc. Hiện Ấn Độ là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn với chi phí rẻ. Nước này cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi thực hiện các chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.