Kỳ vọng lớn cho hàng Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Thứ Tư, 11/01/2023, 16:14

Từ ngày 8/1, Trung Quốc quyết định mở cửa thông quan tại các cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) tại các cửa khẩu biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh diễn ra sôi động trở lại sau 3 năm tạm đóng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp Việt kỳ vọng năm 2023 sẽ tạo sức bật cho hoạt động XNK, đặc biệt là xuất khẩu nông sản và thủy sản.

Rộng cửa cho hàng nông sản Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trong đó có rau quả, đặc biệt quả sầu riêng có nhiều kỳ vọng khi Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư với Trung Quốc là sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây (thí điểm).

Kỳ vọng lớn cho hàng Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa trở lại -0
Hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra sôi động qua cửa khẩu Hữu Nghị.

Năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán thêm 8 mặt hàng (thanh long, dưa hấu, xoài…) từ xuất tiểu ngạch sang xuất chính ngạch theo nghị định thư đi Trung Quốc. Đây là những yếu tố tích cực trong năm 2023. Tập đoàn Vina T&T và Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông – Trung Quốc) ký kết hợp tác chiến lược xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Mục tiêu của 2 bên là năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 4.500 container, tương đương 90.000 tấn.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 60-70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Từ 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa trở lại giúp thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi hơn trước. Hàng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Úc, EU,... cũng tốt hơn bởi giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Do đó, giá thanh long đang dần phục hồi. Từ tháng 1/2023 lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc này sẽ tăng 25 – 30%. Khi tình hình thị trường phục hồi, dự báo giá thanh long xuất khẩu sẽ tăng lên và dần đi vào ổn định.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn có tới 1,5 tỷ dân, nhập khẩu 15 tỷ USD rau quả/ năm. Việt Nam hiện mới xuất khẩu 2 tỷ USD, chiếm thị phần rất nhỏ tại thị trường này. Do vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của ngành rau quả Việt Nam. Dự báo năm 2023 nhà vườn trái cây "ăn Tết lớn" vì thị trường Trung Quốc hút hàng dịp Tết, tình hình thông quan tại các cửa khẩu thông suốt. Năm nay, Việt Nam có thêm loại quả tỷ đô là sầu riêng nên giá trị xuất khẩu dịp Tết sẽ rất cao. Ông Nguyên dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc. Cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột vẫn chưa đến hồi kết. Năm 2022, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021. Do đó, khi mở cửa thì sẽ tạo thuận lợi cho thủy sản, trong đó, các mặt hàng này dự kiến sẽ tăng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 80% tổ yến toàn cầu. Sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến.

8 nhóm ngành được hưởng lợi

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang và nhập khẩu từ Trung Quốc về là hàng hóa dùng cho sản xuất hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra 8 nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Đứng đầu là các doanh nghiệp ngành hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, gạo. VNDirect cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023. Riêng thủy sản, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm gần 30%, đạt 638 triệu USD trong 10 tháng năm 2022, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, với ngành dệt may, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam (chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu sợi của Việt Nam). Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may tại Việt Nam. Tương tự, ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngành du lịch cũng có nhiều cơ hội để được hưởng lợi.

Các chuyên gia cho rằng, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác. Trong đó, doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng để chiếm lĩnh thị phần, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, với công tác xúc tiến thương mại, với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần hướng tới việc tìm kiếm đối tác sâu trong nội địa.

Lưu Hiệp
.
.