Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản

Thứ Tư, 12/01/2022, 09:58

Những ngày này, nông dân tại thủ phủ trái cây miền Tây đang đứng ngồi không yên, lòng nóng như lửa đốt khi nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Nhiều chủ vườn bất lực, tuyệt vọng khi phải bán tháo hàng hóa với giá rẻ như cho. Đau đớn hơn là không bán được đồng nào mà phải đổ bỏ vì hàng bị hư hỏng. Những cuộc giải cứu nông sản lại nổi lên khắp cả nước, nơi nơi treo băng rôn kêu gọi sự ủng hộ. Tết đã cận kề, mà nỗi buồn giải cứu cứ thênh thang…

Nông sản rẻ như cho

Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi được xem là thủ phủ của thanh long miền Tây, nông dân đang khóc ròng vì thanh long ruột đỏ, loại 1 chỉ có giá 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Riêng các loại thanh long khác, hiện giá chỉ còn 500 đồng/kg. Loại xấu hơn thì phải đổ bỏ cho gia súc ăn. Tình trạng này đang xảy ra tại hầu hết các vựa nông sản trước việc Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng, chống dịch COVID-19 khiến hàng nghìn xe vận chuyển hoa quả bị ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Thanh long giải cứu có mặt ở khắp mọi nơi

Bên vườn thanh long của mình, bà Lê Thị Hường vừa mếu vừa khóc, bà cho biết, giờ muốn ăn một tô phở cũng phải hết 60kg thanh long. Gia đình bà Hường có 10 công, tương đương 1ha đất trồng thanh long. Nếu như xuôi chèo mát mái, giá thanh long xuất khẩu dao động từ 20-30 ngàn/kg, mỗi vụ mùa gia đình bà thu về 200-300 trăm triệu đồng. Đùng một cái, thanh long mắc kẹt tại cửa khẩu, giá lao dốc không phanh. Giờ tính ra, mỗi công đất, bà Hường chỉ thu về vỏn vẹn 1 triệu đồng cho hơn 1 tấn thanh long. Trong khi đó, giá thuê nhân công là 35 ngàn đồng/1h.  “Có làm cách nào thì nhà vườn chúng tôi cũng lỗ nặng không thể cứu vãn nổi. Tôi đành thuê người cắt những trái loại 1, còn lại bỏ đống ngoài ruộng. Ai có trâu bò xin thì cho họ tới chở về”, bà Hường buồn rầu cho biết.

Không chỉ nhà vườn khóc ròng, mà các đại lý, lái buôn đều chung số phận. Ông Trần Văn Cảnh, một thương nhân có nhiều năm buôn bán nông sản xuất khẩu đã thẫn thờ ngồi nhìn kho lạnh chứa hàng chục tấn thanh long, mít không thể xuất khẩu được. Ông Cảnh quyết định mở kho, bán tháo cho các đại lý với giá bằng 1/3 chỉ mong thu về chút tiền xăng cộ, điện nước và chấp nhận mất trắng hàng trăm triệu. “Tôi mua vào 10 đồng, giờ bán ra có 2 đồng, số còn lại hư hỏng không bán được. Những tưởng qua cơn đại dịch, năm nay được mùa được giá nông sản sẽ phần nào cứu vớt nông dân chúng tôi. Ai ngờ, nông sản ùn ứ, chúng tôi như bị rơi xuống vực. Sống không nổi mà chết cũng không xong”, ông Cảnh đau xót bộc bạch.

Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Những vựa thanh long đang vào mùa chín rộ nhưng không bán được

Theo ông Cảnh, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để có giải pháp lâu dài, tăng chế biến, mở rộng hơn nữa thị trường. Nhưng trước mắt, cần kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp bán do hàng ùn tắc cửa khẩu, dù khó bao tiêu tất cả nhưng sẽ đỡ cho nông dân một phần không nhỏ, giúp tháo gỡ cảnh bế tắc như hiện nay.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: “Người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất để có thu nhập trang trải dịp tết và bù đắp lại thiệt hại trong cả năm qua. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, tuy nhiên từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã ngưng nhận hàng. Mấy ngày gần đây các thương lái đã gần như biểu tình yêu cầu các kho phải bồi thường vì số tiền họ bỏ ra đầu tư sản xuất thanh long cả 100 tỉ đồng.

Hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đó là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn, đáp ứng khoảng ¼ sản lượng dự kiến.

Kiệt quệ tìm lối thoát

Chủ vườn kiệt quệ sức lực và tiền bạc cùng gánh nặng nợ nần chồng chất đã ngất xỉu ngay tại vườn. Bát cơm mong chờ cả năm mới cho thành quả thì lại rơi vào cảnh thảm hại chưa từng có. Ông Trần Văn Cảnh cho biết, những lần “giải cứu” trước đây là do được mùa mất giá, mất giá được mùa thì cũng phần nào cứu vãn được chút ít, có lỗ cũng không nặng nề. Lần này, trăm thứ đổ dồn vào. Vừa không xuất khẩu được, vừa giá rẻ, hàng hóa thì hư hỏng.

Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Nông dân vẫn gồng mình tự xoay xở để cứu mình

Một số chủ vườn tại Long An đã thuê hẳn xe tải chở thanh long lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tại các chợ đầu mối, họ đổ cho từng tốp người bán lẻ bằng xe đẩy với giá cào bằng 5.000 đồng/kg. Từ đây, các xe đẩy tỏa đi tới cổng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư bán cho công nhân và người lao động với giá từ 5.000-7.000 ngàn/kg.

Ông Lê Công Mạnh, chủ vườn thanh long tại huyện Tân Trụ từ một tuần nay liên tục chạy đi chạy về giữa Long An và TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ gần 5 tấn thanh long ruột đỏ của gia đình. Trước đó, thương lái đã đặt cọc toàn bộ vườn thanh long của ông Mạnh, nhưng sau đó thì “bỏ của chạy lấy người”. Vợ chồng ông Mạnh kêu gọi, năn nỉ, van xin các chủ kho lạnh mua giúp nhưng họ đều lắc đầu. Không thể ngồi nhìn vườn thanh long chín rục thối rữa ngoài ruộng, ông Mạnh quyết định thuê một chiếc xe tải 2 tấn cùng tài xế đi kèm với giá 1 triệu/ngày cho hành trình đưa thanh long lên thành phố. Xe của ông Mạnh đậu ở khu chợ, lề đường, ngã tư, ngã bảy, dọc trục đường quốc lộ rồi bán “xổ” với giá 3.000 đồng/kg, người mua tha hồ lựa chọn.

Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Nhiều xe tải đã quay đầu, tháo hàng bán tháo ngay tại cửa khẩu

Chuyến đầu tiên, ông Mạnh bán hết hơn 8 tạ thanh long, số hư hỏng và dập nát phải đổ bỏ khoảng 2 tạ. Ông thu về gần 3 triệu đồng, trừ tiền thuê xe vẫn còn bỏ túi hơn 1 triệu. Vậy là chỉ trong vòng 1 tuần, ông Mạnh đã tiêu thụ được hết 5 tấn thanh long, thở phào nhẹ nhõm mặc dù vẫn thua lỗ. Ông Mạnh cho biết, tổng cộng mùa thanh long năm nay ông bán được ngót 10 triệu cho 5 công đất, cộng với 50 triệu thương lái bỏ cọc, ông bị lỗ khoảng 40 triệu.

Cùng cảnh ngộ với nông dân Long An là thủ phủ Thanh Long lớn nhất nước Bình Thuận. Nông dân Bình Thuận đang vắt chân lên cổ chào bán thanh long bằng tất cả những cách có thể. Nhiều nhà vườn nhỏ ở Bình Thuận chọn cách bán hàng trực tuyến, livestream rộng khắp cả nước. Chị Nguyễn Thị Băng Tâm, chủ vườn Thanh Long tại Hàm Thuận Nam đã mạnh dạn kết nối với các kênh bán hàng online có lượng theo dõi nhiều nhờ họ bán giúp sau đó chia lợi nhuận với tỷ lệ, bán được 10 đồng thì chủ shop được chia 5 phần. Trong vòng 3 ngày, chị Tâm bán được 2 tấn thanh long mà không phải vất vả chuyên chở đi xa. Hễ có đơn hàng, chị sẽ đóng hộp rồi chuyển cho khách hàng, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Chị Tâm vui mừng chia sẻ: “Năm nay chắc chắn là không có lời rồi, chỉ mong lỗ ít thôi là mừng”.

Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Lại nỗi buồn “giải cứu” nông sản -0
Các xe hàng “giải cứu” đậu trên quốc lộ thâu đêm để bán nông sản

Tuy nhiên, không phải chủ vườn nào cũng nhanh nhẹn, hoạt bát, đi theo xu thế như chị Tâm. Rất nhiều nhà vườn là những nông dân chân lấm tay bùn, cả đời lam lũ không hề biết tới online là gì. Nay hàng không bán được đành chôn chân tại chỗ, không biết phải kêu gào ra sao. Gia đình ông Lê Văn Hiếu, 58 tuổi vẫn còn khoảng 7 tấn thanh long nằm trên cây mà chưa biết phải bám víu vào đâu. Mọi năm, thương lái đặt cọc rồi khi vào mùa có người tới hái, ông Hiếu chỉ việc ngồi đếm tiền. Nay chủ vựa bỏ cọc khiến ông chơi vơi, hoảng loạn tìm đường đi cho trái thanh long của mình. Ông Hiếu đang ngồi trên đống lửa, nói mà run rẩy: “Cả đời tôi là nông dân, làm sao mà đi bán hàng được. Bây giờ gặp tình cảnh này mới thấy oái oăm chỉ biết ngồi khóc mà thôi. Mọi người đang bàn cách “giải cứu” nông sản, tôi không biết nên vui hay buồn nữa”. 

Ông Hiếu và những người nông dân khác đều không hề muốn nông sản của mình rơi vào cảnh “giải cứu”. Dù là lý do gì đi nữa thì nó vẫn khiến cho người bán lẫn người mua xót xa. “Khi được mùa, được giá thì mình hưởng, mình vui sướng. Còn những người nghèo lại không đủ tiền để mua hàng hóa của mình. Đến lúc rớt giá hoặc gặp bất trắc nào đấy lại chính những người nghèo giang tay cứu giúp. Tôi thấy buồn và xấu hổ với chính bản thân mình”, ông Hiếu tâm sự.

Thanh long và các loại nông sản khác bị ùn ứ đã quay đầu về “ao nhà”, tỏa đi các khu chợ, siêu thị thậm chí là vỉa hè hay bất cứ nơi nào tiêu thụ được. Doanh nghiệp, nhân dân cả nước đang chung tay “giải cứu” bằng tất cả tấm lòng sẻ chia và cảm thông.

Ông Lê Thanh Hùng, Chuyên gia nông nghiệp và ứng dụng cây trồng - Viện Nghiên cứu chuyển đổi số bày tỏ quan điểm: “Bên cạnh tác động từ dịch bệnh thì hầu hết các vùng nông sản chờ giải cứu thời gian qua chưa chủ động làm thị trường. Nông dân chỉ chờ thương lái đến mua. Giải cứu nông sản cho nông dân trong quá trình chuyển đổi là cần thiết, nhưng đây không thể là giải pháp chủ yếu, tích cực mà cần có những giải pháp phát triển cơ bản, căn cơ, lâu dài, đòi hỏi nông dân và nhà nước phải chủ động, tích cực hơn nữa.

Ngọc Hoa
.
.