Lạm phát dai dẳng thách thức các hệ thống tài chính

Thứ Hai, 27/03/2023, 20:22

Nhiều chuyên gia cho rằng lạm phát dự kiến sẽ giảm nhanh chóng trong năm nay, đặc biệt là phụ thuộc vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ mà hầu hết các ngân hàng trung ương đã bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, đã gần hết tháng 3/2023, các số liệu đang kể một câu chuyện khác.

Nhìn chung, tốc độ giảm phát toàn cầu chậm hơn dự kiến. Vào tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát thế giới tăng từ mức 4,7% của năm 2021 lên 7,4% sau cuộc xung đột tại Ukraine. Đến tháng 1/2023, IMF ước tính lạm phát năm 2022 là 8,8%.

Lạm phát dai dẳng thách thức các hệ thống tài chính -0
Lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao tiếp tục thúc đẩy FED tăng lãi suất  (Nguồn: AP/Eduardo Munoz Alvarez).

Tại Mỹ, lạm phát tiếp tục thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (FED) tăng lãi suất, bất chấp những nguy cơ đối với ngành ngân hàng. Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED vào ngày 22/3 đã quyết định tăng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (tương đương 0,25 điểm %). Động thái này đã nâng mức lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ lên mức 4,75% - 5,00%. Đây là lần thứ 9 liên tiếp FED tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Quyết định này được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi thị trường tài chính bắt đầu hỗn loạn do sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Các chuyên gia kinh tế đã thúc giục FED ngừng tăng lãi suất vì cho rằng sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng gần đây do tác động của việc FED liên tiếp tăng lãi suất. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 3, FED cảnh báo rằng Mỹ vẫn phải đối mặt với áp lực lạm phát lan rộng và Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương sẵn sàng đẩy mạnh nhịp độ tăng lãi suất với mức tăng có thể cao hơn dự đoán nếu cần thiết.

Trước đó, mặc dù FED ngày 1/2 quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, song lạm phát trong tháng 2 tại Mỹ vẫn cao hơn 6% so với một năm trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm đáng kể so với mức cao nhất 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022, nhưng vẫn còn cách xa vùng an toàn FED.

Trong khi đó tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng có kế hoạch nâng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp, sau khi lạm phát tại nước này bất ngờ tăng mạnh đẩy lùi những dự đoán rằng BoE sắp dừng chu kỳ tăng lãi suất. Hầu hết các chuyên gia kinh tế tin rằng lạm phát tại Anh đang trên đà giảm xuống, sau khi chạm mức cao nhất 41 năm qua, hơn 11%, vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng số liệu được công bố ngày 22/3 cho thấy lạm phát tại Anh tăng lên mức 10,4% trong tháng 2 đã củng cố gần như chắc chắn dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 23/3.

Còn tại Canada, Ngân hàng Trung ương nước này (BoC) đã không thảo luận về việc tăng lãi suất vào đầu tháng 3. Các thành viên của hội đồng quản trị, bao gồm Thống đốc BoC Tiff Macklem và các Phó Thống đốc, cảm thấy lạc quan khi chứng kiến nền kinh tế và lạm phát tại Canada đều chậm lại, ủng hộ quyết định giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 4,5%. Tuy nhiên, hội đồng quản trị vẫn lo ngại về nguy cơ lạm phát bị kẹt ở mức trên 2% và đồng ý rằng cầu vẫn vượt cung trong nền kinh tế.

Nhìn sang châu Á, diễn biến cũng không khả quan hơn so với phần còn lại của thế giới, thậm chí lạm phát ở khu vực này dường như có phần “dai dẳng” hơn. Châu Á không chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng vọt như phương Tây trong năm ngoái, song chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ và chưa có mức giảm đáng kể nào.

Ngoại trừ Thái Lan, tất cả các nền kinh tế lớn của châu Á đều có chỉ số giá tiêu dùng duy trì như cũ hoặc tăng trong năm nay. Lạm phát tháng 1/2023 của khu vực này đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn nửa điểm phần trăm so với mức đỉnh đạt được vào tháng 9/2022.

Giá thực phẩm là lý do chính khiến lạm phát khó giảm. Thực phẩm, chiếm hơn 1/4 chỉ số giá tiêu dùng châu Á, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lạm phát. Bất chấp các khoản trợ cấp cao hơn và chính phủ có thêm các biện pháp khác để giảm giá cả, lạm phát lương thực trong tháng 1 vẫn gấp đôi mức trung bình 5 năm trước  là 3,1%. Tại Nhật Bản, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Singapore, tỷ lệ này ghi nhận mức cao mới. 

Ngoài ra còn một nhân tố quan trọng khác cần xem xét. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến khiến các nhà kinh tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của châu Á. Thông thường, đây được coi là một diễn biến tích cực, nhưng trọng tâm đã nhanh chóng chuyển sang những tác dụng phụ tiềm ẩn của việc duy trì nhu cầu cao trong một thời gian dài.

Với nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2021, giá cả hàng hóa có thể sẽ duy trì mức cao. Điều này không có nghĩa là giá cả sẽ thiết lập các mức đỉnh mới, nhưng chúng cũng không có khả năng giảm xuống thấp như một số dự đoán trước đây. Chỉ số giá kim loại và khoáng sản mà Ngân hàng Thế giới (WB) theo dõi đã phục hồi gần một nửa mức sụt giảm mạnh trước đó.

Sức ép dai dẳng từ cả phía nguồn cung và nhu cầu đồng nghĩa với việc lạm phát tại châu Á sẽ có xu hướng giảm chậm và gập ghềnh, các ngân hàng trung ương càng có nhiều vấn đề phải giải quyết. Do đó, các ngân hàng trung ương sẽ cần nhiều thời gian và cân nhắc quyết sách sao cho phù hợp. Một số ngân hàng trung ương đã lựa chọn tạm dừng tăng lãi suất do nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu suy yếu cũng như những lo ngại về ổn định tài chính. Nhưng điều này có thể chỉ mang tính tạm thời nếu FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ.

Nếu FED duy trì việc tăng lãi suất, châu Á và nhiều quốc gia ở các khu vực khác sẽ cần phản ứng nhanh chóng để tránh nguy cơ đồng nội tệ suy yếu, dẫn tới một nguồn gây lạm phát khác. Dường như hầu hết các ngân hàng trung ương đều sẵn sàng chấp nhận những tác động của việc thắt chặt tiền tệ và tăng trưởng thấp để tránh việc “bóng ma” lạm phát dai dẳng bủa vây nền kinh tế.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.