Làm phim về cảnh sát hình sự, dễ hay khó?

Thứ Hai, 09/09/2024, 08:45

Trong những năm gần đây, dòng phim cảnh sát hình sự có cả chục bộ phim, trong đó có nhiều dự án đình đám như “Độc đạo”, “Đấu trí”, “Bão ngầm”, “Đội điều tra số 7”…

Tuy nhiên, sau những hành trình điều tra, phá án ly kỳ, rượt đuổi gay cấn, căng thẳng từ nơi rừng sâu, núi cao cho đến biển cả là những hành trình làm phim với không ít câu chuyện thú vị, đôi khi không “kém cạnh” chuyện phim trên màn ảnh nhỏ mà có lẽ chỉ người trong nghề, trực tiếp làm phim mới thấu hiểu và không phải lúc nào khán giả cũng được biết.

Từ phim truyền hình

Mặc dù mới “trình làng” từ những ngày đầu tháng 9 nhưng ngay từ những tập đầu tiên được lên sóng, bộ phim “Độc đạo” đã chinh phục khán giả với nhiều bình luận tích cực. Được ví von là “bom tấn” truyền hình năm 2024 - “Độc đạo” thu hút sự chú ý ngay từ khi mới công bố phát sóng bởi sự hiện diện của dàn diễn viên lão luyện. Đây là thành quả từ hành trình chuẩn bị khá dài, ít nhất là từ 5 năm trước và được “cầm trịch” bởi 2 tên tuổi khá mới với dòng phim này là bộ đôi đạo diễn Phạm Gia Phương, Trần Trọng Khôi.

Làm phim về cảnh sát hình sự, dễ hay khó? -0
Bảo Anh, Hà Việt Dũng - hai diễn viên được yêu thích khi vào vai Công an trên phim.

Đạo diễn Trần Trọng Khôi cho hay, khi mới được tiếp cận kịch bản “Độc đạo”, anh vô cùng tâm đắc nên lập tức gặp đạo diễn Khải Anh - Phó giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Vừa đề xuất làm phim,Trần Trọng Khôi đã bị lãnh đạo của VFC thẳng thừng từ chối vì cho rằng đây là kịch bản rất khó, đạo diễn còn trẻ như anh chưa đủ sức làm. Sau thành công của “Biệt dược đen” - phim cảnh sát hình sự do anh và Phạm Gia Phương đạo diễn, cả hai mới được lãnh đạo VFC tin cậy giao làm phim “Độc đạo”.

Biên kịch Phạm Đình Hải cũng tiết lộ, riêng với phim “Độc đạo”, trong suốt 5 năm qua, anh đã có đến 315 file word các kiểu và luôn trong tâm thế sẵn sàng, lãnh đạo hỏi cái gì là đáp ứng ngay lập tức. Đây cũng là lần đầu tiên anh làm việc theo nhóm biên kịch và “Độc đạo” của ngày hôm nay là thành quả từ trí tuệ của rất nhiều người. Một tiết lộ không kém phần thú vị khác là ca khúc rất được chú ý trong phim - tác phẩm “Linh hồn và thể xác” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Nhiều khán giả nhầm tưởng đây là sáng tác mới vì có vẻ rất hiện đại. Tuy nhiên, theo ê kíp làm phim thì ca khúc này đã ra đời hơn 10 năm trước và được đạo diễn, người phụ trách nhạc phim “Độc đạo” yêu thích ngay từ thời điểm đó, nhưng đến khi làm nhạc phim này thì mới có cơ hội sử dụng.

“Đấu trí” với… nhân vật, bám rừng, xuống biển để làm phim

Có một điểm rất đặc biệt của phim “Độc đạo” và nhiều bộ phim Cảnh sát hình sự khác như “Đấu trí”, “Đội điều tra số 7”, “Bão ngầm”… là trong phim có sự tham gia của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ. Nhiều cảnh cháy nổ, đuổi bắt đều do lực lượng “diễn viên” không chuyên này đảm nhận. Nói theo cách chia sẻ của đạo diễn Mai Hồng Phong - người “cầm trịch” bộ phim “Đội điều tra số 7” phần 1 là các cảnh quay này vừa áp lực, vừa hào hứng, có cảm giác có chút phiêu lưu.

Làm phim về cảnh sát hình sự, dễ hay khó? -0
Một cảnh cháy nổ trong phim do cán bộ, chiến sĩ Công an thực hiện.

Cùng với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất trong các cảnh quay phức tạp gắn với chuyên môn điều tra phá án, nhiều đoàn phim nhận được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng CAND về mặt nghiệp vụ trong suốt quá trình làm phim. Được yên tâm về mặt chuyên môn nhưng đổi lại, ê kíp làm phim, nhất là diễn viên rất vất vả, nhiều khi trầy trật mới có được cảnh quay như ý.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và nhiều diễn viên trong phim “Đấu trí” từng chia sẻ, có những cảnh quay trong phòng hỏi cung rất chật hẹp, nóng nực, mồ hôi túa ra, nhưng vẫn phải diễn cho tròn vai. NSND Trung Anh cũng có một kỷ niệm khá vui. Khi vào vai thủ trưởng cơ quan điều tra, nam nghệ sĩ lão luyện trong nghề vẫn học thoại muốn “trẹo cả mồm” vì lời thoại vừa mang tính chất chuyên môn, vừa phải ngắn gọn, dễ hiểu với khán giả.

Phó giám đốc Điện ảnh CAND - biên kịch Vũ Liêm, tác giả gắn bó với rất nhiều bộ phim Cảnh sát hình sự, trong đó có “Đội điều tra số 7” cho biết, nhiều bộ phim khai thác những câu chuyện, vụ án có thật. Đồng hành cùng ê kíp làm phim luôn có các cố vấn nghiệp vụ và các cố vấn nghệ thuật có uy tín. Bối cảnh phim thường rất rộng, có khi quay ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, từ rừng núi đến đồng bằng, vùng biển, từ thành thị đến nông thôn. Vì phim phát sóng giờ vàng trên truyền hình nên ê kíp làm phim phải tính toán rất kỹ để tìm cách thể hiện phù hợp với mọi đối tượng khán giả. Nhiều phim có hệ thống nhân vật dày dặn, đội ngũ diễn viên hùng hậu, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên nên đôi khi đạo diễn cũng khó thống kê phim của mình có bao nhiêu người tham gia diễn xuất.

Làm phim về cảnh sát hình sự, dễ hay khó? -0
Nhiều cảnh quay trong phim do chiến sĩ Công an “xịn” tham gia diễn xuất.

Đạo diễn Phạm Gia Phương cũng chia sẻ, với bộ phim “Độc đạo”, 80% cảnh quay là ở ngoài trời và vùng rừng núi. Lý do là “Độc đạo” nói về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy với các băng đảng ở vùng biên. Khi lặn lội vào rừng sâu, không ngày nào đi quay về mà diễn viên, ê kíp không để lại trên người vài con vắt. Điều kiện khí hậu rừng núi phía Bắc rất khắc nghiệt, có khi đang nắng nóng 39-40 độ C, cơn mưa đổ xuống, bắt buộc phải dừng quay. Có hôm mưa bão, đoàn đi lên đến nơi rồi lại phải quay về.

Diễn viên Duy Nam kể rằng, với phim “Độc đạo”, Duy Nam được giao vai công tử nhà giàu ăn chơi khét tiếng. Khán giả xem phim sẽ thích thú với những phân đoạn đặc biệt, có những cảnh đi tán gái cùng ngôi sao ca nhạc, rất sang chảnh với siêu xe, du thuyền. Để có những cảnh quay này, Duy Nam phải mượn xe, nhờ du thuyền của người quen. Mượn được xe rồi mà không ai dám lái, vì đây là tài sản lớn, lỡ sơ sểnh một chút là… bán nhà đi để đền cho chủ xe. Duy Nam phải tự lái, ngồi siêu xe nhưng nơm nớp lo sợ chứ không sung sướng gì. Ngay cả cảnh trên du thuyền 5 sao cũng tương tự. Khán giả thấy nhân vật ăn chơi tung trời trên du thuyền vài triệu USD nhưng thực tế ê kíp phải phơi nắng muốn cháy da mới có những cảnh quay như ý…

Đến những nhầm lẫn… đáng yêu

Khán giả thích xem phim Cảnh sát hình sự đã “nhẵn mặt” với Doãn Quốc Đam qua rất nhiều bộ phim nhưng gần như ở phim nào, nam diễn viên cũng để lại những dấu ấn rất riêng, khó trộn lẫn. Nếu với phim “Mê cung”, Doãn Quốc Đam là Fedora - gã tội phạm biến thái có IQ cực cao; với “Sinh tử”, anh là Thượng tá Công an biến chất; với “Hồ sơ cá sấu”, anh là một cựu cảnh sát hình sự bị kỷ luật và buộc nghỉ việc; với “Đấu trí”, anh trở thành Tuấn “nháy” - Giám đốc công ty Khải Tuấn… thì trong “Độc đạo”, anh trở thành Hồng - một ông trùm trẻ, lọc lõi vùng biên, muốn tìm sự thật về gia đình, về cái chết của bố, vừa muốn vươn lên thành ông trùm của một cõi, chấp chới giữa thiện và ác. Như chia sẻ của chính anh thì “có khi là người, có khi là con”. 

Làm phim về cảnh sát hình sự, dễ hay khó? -0
Cảnh ăn chơi trên du thuyền 5 sao là kết quả của những buổi phơi nắng cháy da của diễn viên.

Doãn Quốc Đam nói, đây là lần đầu tiên anh được vào vai chính trong phim Cảnh sát hình sự của VFC và cũng là vai diễn anh mất nhiều tâm sức nhất, từ xây dựng tạo hình, tác phong đều phải cố gắng chỉn chu. Nhân vật Hồng không chỉ có bặm trợn. Hồng sống trong sự thù hận, đau khổ, chịu đựng nhưng tâm hồn rất sáng. Thông thường, mỗi ngày, anh luôn chuẩn bị cho 4 phân đoạn, vừa làm vừa quan sát, nghe ngóng xử lý của đạo diễn để suy nghĩ, sáng tạo cho vai diễn, tính toán phải làm gì tiếp theo cho hiệu quả, đầu tư cho nhân vật. Vì làm việc cật lực trong một ngày nên đòi hỏi diễn viên phải “nảy số” thật nhanh. Nhưng có những hôm trời nóng như đổi lửa rồi đổ mưa, bạn diễn phải đi viện, kế hoạch chuẩn bị làm việc trong ngày coi như thất bại…

Có một chi tiết khá vui và tréo ngoe là nhiều diễn viên như Bảo Anh, Hà Việt Dũng… thành công với vai Công an đến mức nhiều khán giả nhầm tưởng họ là Công an thật, thì nhiều diễn viên là Công an ở ngoài đời như Trung tá, NSƯT Hồ Phong, Đại tá, NSND Nguyễn Hải… lại thường “chuyên trị” vai các tay anh chị, hoặc thường được khán giả nhớ đến với dạng vai này. Gần như bị “đóng khung” với các dạng vai diễn nhưng các diễn viên này cho rằng đây là không chỉ là thách thức mà còn buộc nghệ sĩ phải sáng tạo hơn trên con đường hoạt động nghệ thuật.

Trung tá, NSƯT Hồ Phong cũng chia sẻ, sau mỗi vai diễn là sự nỗ lực không ngừng của diễn viên mà khán giả không thấy được. Ví dụ và gần nhất là với phim “Độc đạo”, anh nhận vai Dương “cơ bắp” ngay khi vừa hoàn tất một vai diễn khác, trong một bộ phim khác. Ngoại hình nhân vật 2 phim này khác xa nhau. Vì vậy, chỉ trong 1 tháng, anh phải gấp rút tập luyện, giảm đến 10kg để phù hợp với nhân vật. Dương “cơ bắp” có vết sẹo dài trên khuôn mặt, nhìn giống y như thật. Để tạo vết sẹo này, anh phải dành nhiều thời gian hóa trang mỗi ngày. Kết thúc một ngày làm việc, bao giờ cũng là làn ra bỏng rát…

Với Bảo Anh, sau các vai Công an trong hàng loạt phim: “Người phán xử”, “Mê cung”, “Mặt nạ gương”, “Hồ sơ cá sấu”, “Biệt dược đen”… khán giả tiếp tục gặp lại anh với hình ảnh người cán bộ điều tra dày dạn kinh nghiệm trong “Độc đạo”. Thế nhưng, Bảo Anh vẫn cho rằng, sau hơn 10 năm đóng vai Công an, vẫn muốn tiếp tục chinh phục vai diễn này nhiều lần hơn, bởi mỗi vai diễn, mỗi vị trí công việc đều có những đòi hỏi rất khác, khiến người diễn viên giàu kinh nghiệm, trưởng thành hơn.

Minh Hà
.
.