Làm sao thu hồi tài sản án tham nhũng hiệu quả?

Thứ Hai, 21/10/2024, 14:55

Phát hiện, thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là thước đo của hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác phát hiện, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong những năm qua được đánh giá là còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi có nhiều giải pháp để khắc phục…

Khối tài sản “khủng” khó thu hồi

Thời gian qua, việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ở TP Hồ Chí Minh được đánh giá là đã đạt hiệu quả khá cao. Qua đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế cũng tăng lên. Đơn cử như vụ án in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (sinh năm 1973), Hoàng Ngọc Phượng Trân (sinh năm 1981) cùng đồng phạm thực hiện. Các bị cáo thành lập nhiều công ty “ma”, xuất bán hàng chục ngàn hóa đơn GTGT khống, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước đặc biệt lớn (hơn 389 tỷ đồng).

2.jpg -0
Khối lượng hồ sơ, tài liệu rất lớn liên quan đại án Đăng kiểm.

Kết quả đã thu giữ tại nhà đối tượng 323 triệu đồng, 920 USD; ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng 2 bất động sản, 4 ôtô; ngăn chặn 41 tài khoản của 41 công ty “ma” với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Các bị can và thân nhân bị can nộp khắc phục hậu quả gần 5 tỷ đồng; nộp khắc phục thuế trốn và thuế thất thu của Nhà nước 24,5 tỷ đồng. Đây là một ví dụ cho thấy hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan tố tụng nhằm truy tìm tài sản bất chính kịp thời.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hồ Chí Minh, một trong các biện pháp thu hồi tài sản ở các giai đoạn tố tụng đạt hiệu quả cao là vận động đối tượng, bị can hoặc thân nhân của bị can và người liên quan nộp tiền khắc phục hậu quả để được xem xét tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong giai đoạn điều tra đã thu hồi hơn 38 tỷ đồng. Tới giai đoạn truy tố, sau khi nhận được kết luận điều tra, chỉ trong 30 ngày, các bị can trong vụ án đã tự nguyện khắc phục gần 8 tỷ đồng.

Quan điểm trên được các cơ quan tố tụng áp dụng xuyên suốt trong các năm gần đây trong xét xử các vụ án tham nhũng và kinh tế tại TP Hồ Chí Minh. Điển hình như vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1. Khi vụ án sắp được đưa ra xét xử và trong khi xét xử, các bị cáo tiếp tục tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng để được xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi tuyên án…

Tuy nhiên, hàng năm, số lượng công việc và số tiền thi hành án liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Đơn cử, theo Bản án sơ thẩm số 157/2024 vụ Vạn Thịnh Phát (chỉ tính riêng giai đoạn 1) của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh, cho thấy bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP SCB dư nợ của 1.243 khoản vay tính đến ngày 17/10/2022 hơn 673.000 tỷ đồng; một số tổ chức, cá nhân khác phải trả cho bà Lan gần 23.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các khoản án phí và tịch thu sung công quỹ Nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các tài liệu về giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, biên bản kê biên, lệnh kê biên do Cơ quan Công an chuyển tới hơn 1.300 bất động sản. Trong đó tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1.000 bất động sản; gần 200 bất động sản ở nhiều tỉnh, thành khác; trên 1 tỷ cổ phần; 22 động sản…

Đại diện Cục THADS TP Hồ Chí Minh tính toán, chỉ riêng giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát đã có khối lượng công việc vô cùng đồ sộ - chưa tính đến giai đoạn 2 của đại án này. Cơ quan này dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án vụ án này…

7.jpg -0
Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh cưỡng chế thi hành một vụ án kinh tế.

Theo Cục THADS thành phố, chỉ tính riêng năm 2023, số việc phải thi hành án của Cục là 468/4.879 việc của toàn quốc; số tiền phải thi hành án là hơn 74.000 tỷ đồng (chiếm 76% số tiền phải thi hành án toàn quốc). Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số việc và tiền phải thi hành của các Cục THADS TP Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu cả nước. Theo đó, tổng số việc phải giải quyết là 80.336 việc, tổng số tiền phải thi hành là gần 136.000 tỷ đồng. Trong đó, kết quả thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là 360 việc với số tiền thi hành gần 70.000 tỷ đồng; các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo tại TP Hồ Chí Minh là 39 vụ án. Nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý, có vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai...

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong các vụ án kinh tế và tham nhũng, việc thu hồi được tài sản giúp khắc phục được hậu quả do hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng gây ra, trả lại nguồn lực cho Nhà nước, tổ chức và công dân; hạn chế, triệt tiêu mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm, làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt và phát huy tính nhân đạo trong quá trình xử lý người phạm tội. 

Đề xuất thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án

Tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” do Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 11/10, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết trong giai đoạn 2021-2023, Cơ quan điều tra Công an thành phố đã thụ lý giải quyết, điều tra 208 vụ án/512 bị can và 419 vụ việc về kinh tế, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm như cổ phần hóa, đầu tư công, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu với tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

5.jpg -0
Vụ án Vạn Thịnh Phát có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án.

Điển hình như, vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Sadeco do Tề Trí Dũng và đồng phạm thực hiện với tổng số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn (1.141,8 tỷ đồng)…

Song song công tác điều tra, xử lý, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được chú trọng. Kết quả trong 3 năm qua, Cơ quan điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã thu hồi 1.260 tỷ đồng trên tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Điển hình như, trong vụ án sai phạm, tiêu cực xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các chi cục trung tâm đăng kiểm trong cả nước, Cơ quan điều tra đã thu hồi 43,434 tỷ đồng và 118.800 USD là số tiền các bị can chiếm đoạt thông qua hành vi đưa nhận hối lộ, đạt tỷ lệ gần 92%.

Hay như trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Tân Thuận liên quan đến Dự án Khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè, Cơ quan điều tra đã truy vết, thu giữ và phong tỏa được khối lượng lớn tài sản là tang vật của vụ án gồm 8 thửa đất, phong tỏa 4 tài khoản ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả 283 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát hiện, thu hồi tài sản trong nhiều vụ án nhìn chung tỷ lệ chưa cao, chưa tương xứng với hậu quả, thiệt hại đã xảy ra. Số vụ việc, vụ án có tỷ lệ thu hồi tài sản dưới 60% vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao…

Các đối tượng phạm tội về tham nhũng, kinh tế lại thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị... ngay khi thực hiện hành vi phạm tội đã dùng nhiều thủ đoạn lợi dụng chính sách kinh tế - xã hội để hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, chủ động tẩu tán tài sản ra người ngoài, cá biệt có trường hợp trốn ra nước ngoài dẫn đến công tác xử lý và thu hồi tài sản chưa thực hiện được…

Về phía tòa án, ông Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP Hồ Chí Minh, cũng chia sẻ, các vụ án tham nhũng, kinh tế được phát hiện trong thời gian gần đây có lượng hồ sơ lên đến hàng trăm ngàn bút lục, bản án hàng trăm trang. Trong khi đó, việc phát hành án theo quy định của pháp luật chỉ có 10 ngày nên khó có thể tránh được một số sơ sót nhất định, ảnh hưởng tới tiến độ thi hành án, thu hồi tài sản…

Trước các khó khăn, khúc mắc kể trên, Thượng tá Ngô Thuận Lăng đề nghị cần xây dựng hành lang pháp lý tạo cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phục vụ các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được minh bạch, quyết liệt hơn. Trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị khi không thực hiện phải cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ cho cơ quan xác định các tài sản phạm tội, phục vụ cho công tác kê biên và thu hồi tài sản.

Chánh thanh tra TP Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy đề xuất cần sớm xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần… tập trung, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.

Đặc biệt, cần có quy định về quyền thanh tra, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập).

Theo ông Ngô Phạm Việt, Phó viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh, trong quá trình giải quyết vụ án, tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục, Viện KSND sẽ đề xuất khởi tố tội “Rửa tiền”…

Đặc biệt, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị TP Hồ Chí Minh cần thành lập Hội đồng xử lý tài sản thi hành án đối với các vụ đại án kinh tế, tham nhũng. Thông qua đó có thể tập trung sức mạnh tổng hợp và có cơ chế tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như thủ tục để hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn, ở các vị trí “đất vàng” của thành phố (như dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng; dự án số 8-12 Lê Duẩn, 152 Trần Phú, dự án Mũi Đèn Đỏ…). Kết quả đạt được sẽ có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Giải pháp này sẽ giúp xử lý minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các tài sản bị kê biên, phong tỏa có giá trị lớn, hồ sơ pháp lý phức tạp (các dự án bất động sản còn vướng mắc, chưa hoàn thiện về pháp lý)…

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm, hiện trên thế giới sử dụng 4 phương thức thu hồi tài sản là: dựa trên truy tố hình sự; dựa trên các bản án hình sự; thông qua các quyết định hành chính; thông qua khởi kiện dân sự.

“Chúng ta có thể vận dụng và xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành, xây dựng ban hành hoặc đăng ký tài sản để làm cơ sở pháp lý và minh bạch hơn trong hoạt động của các cơ quan tham gia tố tụng và tiền tố tụng và các cơ quan khác để phục vụ việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả”, Thượng tá Ngô Thuận Lăng kiến nghị.

Phú Lữ
.
.