Lê hoa đới vũ
Không như tuyết mai, nở trong những ngày lạnh nhất của mùa đông, hoa lê nở độ giữa xuân, khi những tia nắng bắt đầu mang trở lại chút hơi ấm với đất trời phương Bắc.
Người Hà Nội chơi hoa xuân, ngoài những bình cắm xen nhiều loại hoa vườn còn có thú chơi hoa cành, trong đó có cả những loài hoa đem về từ núi rừng biên viễn. Cuối đông, khi còn vài tuần nữa mới đến Tết cổ truyền, những khu vườn xưa ngoài bãi sông Hồng đã lác đác tuyết mai. Mai trắng nhỏ bé, mong manh nhưng nở đầu tiên trong những loài hoa xuân, một mình đương đầu với giá lạnh, khi “đông phong xuy nhạn” (gió đông đuổi nhạn) vẫn đùng đùng thổi. “Số điểm mai hoa, thiên địa xuân” - chỉ một nhành mai nở, đất trời đã vào xuân là như vậy.
Trong Tết thì phổ biến là hoa đào, dù bích hay phai. Mấy năm gần đây, xuất hiện thêm bạch đào, bông nhiều cánh như đào Nhật Tân nhưng trắng muốt. Lạ thôi chứ không thịnh được. Không đẹp như bạch sơn đào - loài hoa trắng muốt, năm cánh nhẹ nhàng, khoáng đạt. Và, cơ bản là trong những ngày Tết, nhiều người vẫn quen với sắc ấm hoa đào, tượng trưng cho sum vầy, hạnh phúc.
Cuối cùng, khi Tết đã qua, đào đã rụng, khi mùa lễ hội của làng quê phía Bắc diễn ra với những xe lọng, đèn hoa, áo the, khăn xếp màu lam, màu đỏ nơi chùa chiền, đền phủ… trong mưa bay lất phất là lúc xuân đã vượng, hoa xoan tím nở dọc đường quê và hoa lê trắng rừng phía Bắc. Về xuôi, cành lê được bó chặt như củi, không chút lá, dựng nơi triền đê chợ hoa Quảng An hay các bờ tường đường Nghi Tàm, Yên Phụ. Cành chắc khỏe, xù xì, khúc khuỷu, chứa đầy nhựa sống nên có thể tồn tại và làm đẹp những căn nhà phố suốt một, hai tháng. Đầu những cành mộc mạc, thô cứng đó là nụ hoa nhọn như búp măng, xòe tựa dáng san hô. Càng lởm chởm bao nhiêu, khi nở, hoa sẽ càng dày đặc bấy nhiêu. Cành lê trong tay người bán chỉ ngâm gốc trong chút nước, chờ đợi. Khi gió bấc vẫn thổi miết, ai nấy co ro trong giá lạnh thì hoa im lìm không nở. Lúc này người bán lê thơ thẩn cắt tỉa, đốt những cành vụn, gốc thừa hơ tay cho đỡ cóng. Ai đó mang về cắm trong nhà, ấm áp vài hôm là những búp măng đầu cành khẽ nứt, nụ trắng tròn vo xuất hiện.
Tôi có anh bạn ngụ cư tại Paris hoa lệ mấy chục năm, từ thời thanh niên, rồi về Hà Nội lập nghiệp. Xuân năm ngoái, tặng anh một cành lê, cắm vừa quán cafe ca nhạc trên phố cổ. Là người rất tinh tế và kĩ tính nhưng “nhất kiến khuynh tâm” - yêu từ cái nhìn đầu tiên - anh cảm hoa lê ngay từ đó. Năm nay, vừa qua rằm tháng Giêng, anh đã lên Nghi Tàm tìm lê. Anh bảo, cành đào chỉ đẹp được một, hai tuần nhưng cành lê được hai tháng. Anh mua hai cành, một cắm nơi quán nhạc. Khi hoa rộ, trắng xóa, nổi bật trên trần quán màu xanh tím, anh thắng độ vui nhiều nhạc khách vì họ cho rằng đó là hoa giả mới sum sê và đẹp như vậy. Cành còn lại, anh đem về căn gác phố Hàng Khay, lớn đến mức, cắm trong chum nước mà vẫn đổ soài ngang phòng, đầu dựa vào cửa tủ lạnh. Ở một mình, anh khó xử lí. Với cả, thuận theo tự nhiên, anh cứ để vậy. Tủ lạnh hai tháng trời không mở. Anh coi lê như bạn, tâm sự buồn vui mỗi đêm trong căn nhà đó.
Hoa lê trắng muốt, khi mới nở, cánh dày và cong. Khi “bung hết lụa”, bông lê to như miệng chén, mỏng manh, một làn gió nhẹ có thể khiến cánh lê lay động. Lúc này, đào, lý đã lùi xa, vẻ đẹp lộng lẫy kinh ngạc của hoa lê ngự trị, may chăng có hải đường sánh kịp. Xưa, các bậc vua chúa đưa lê từ rừng núi vào trồng trong cung cấm cũng vì lẽ đó. Hoa lê xuất hiện từ thi ca cổ đến thi ca hiện đại, từ hoàng cung cho đến dân gian. Nổi tiếng nhất là bài “Tả Dịch lê hoa” của Khâu Vi (thời Trung Đường):
“Lãnh diệm toàn khi tuyết,
Dư hương sạ nhập y.
Xuân phong thả mạc định,
Xuy hướng ngọc giai phi”.
Dịch nghĩa: Vẻ đẹp lạnh lùng, coi thường cả tuyết/ Hương hoa lồng vào áo/ Vả chăng, gió xuân không định trước/ Thổi bay về phía thềm ngọc.
Hải Đà dịch thơ:
Đẹp lạnh thua chi tuyết
Áo lộng ngát thơm hương
Gió xuân nào biết được
Thổi về hướng quân vương.
Chỉ với hai câu thể thơ năm chữ, Khâu Vi đã mô tả những nét tượng trưng nhất về hoa lê. Câu đầu của bài thơ dùng chữ "lãnh diệm", thể hiện xương cốt băng giá của hoa lê, toát ra một khí chất thanh cao, thoát tục. "Lạnh" bổ nghĩa cho "đẹp", hoa lê trong trắng nhất định phải tốt hơn bách tuyết thông thường. “Tuyết trắng” trong câu này không chỉ là hình ảnh ẩn dụ mà còn là nền làm nổi bật vẻ đẹp khác thường của hoa lê. Gió thoảng qua mang hương hoa lê nhẹ nhàng phả vào áo, hình như hương hoa cũng đa cảm. Hoa thơm và đa cảm nên tác giả muốn nhắn gửi gió xuân, đừng để hoa lê nở rồi lặng lẽ rơi, hãy thổi nó vào thềm ngọc hoàng cung.
Những bông lê trắng muốt được so sánh với hoa tuyết và các đặc điểm của hoa lê được phản ánh trong vật thực vẫn là điều phổ biến trong thơ cổ. Thực tế thì dường như không gì có thể sánh được với sắc trắng của hoa tuyết, ngay cả hoa mận (hoa lý) cũng không. Nhưng, Khâu Vi cho rằng sắc trắng của bông lê còn hơn cả hoa tuyết. Có lẽ, điều này là do sự kiêu hãnh của nhà thơ, nhưng sự cao quý và vô tư của bông lê liệu có như hoa tuyết, bị tan chảy dưới ánh mặt trời? Khâu Vi có thể nghĩ như vậy, hoa lê quá trong trắng nên dễ làm người ta hờ hững. Nhưng, ở đây xuất hiện chi tiết đáng quý, nếu khiến người ta hờ hững thì hương thơm của hoa lại tỏa ra bù lại. Vì vậy, Khâu Vi mong rằng quân vương có thể biết được phẩm chất ưu tú của hoa lê, để ông thực hiện lý tưởng phục vụ quốc gia của mình. Ở đây, có thể hiểu là gió xuân đã cảm nhận và thưởng thức hoa lê. Dùng gió xuân để tả quân vương khiến quân vương có vẻ nhân từ, gần gũi hơn.
* * *
Cũng thời Trung Đường, trong “Trường hận ca”, Bạch Cư Dị miêu tả hình ảnh Dương Quý Phi rơi lệ bằng hai câu thơ:
“Ngọc dung tịch mịch
lệ lan can
Lê hoa nhất chi xuân
đới vũ”.
Dịch nghĩa: Khuôn mặt xinh đẹp lặng lẽ thấm đầy nước mắt/ Như cành hoa lê đẫm hạt mưa xuân.
Yã Hạc Trịnh Nguyên dịch thơ:
Âm thầm mặt ngọc
lưa thưa lệ
In một cành lê
điểm điểm mưa.
Dương Quý Phi là một trong tứ đại mỹ nhân. Đường Minh Hoàng vì mê đắm mà cất nhắc anh em, họ hàng của nàng làm trụ cột triều chính dẫn đến loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh. Cuộc nổi loạn đem đến sự tàn phá trên quy mô rất lớn, làm suy yếu đáng kể nhà Đường. Khi xa giá Đường Minh Hoàng chạy loạn vào đất Thục, đến trạm Mã Ngôi, tướng sĩ dừng lại, đòi nhà vua phải xử tử Dương Quý Phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Hai câu thơ của Bạch Cư Dị mô tả Dương Quý Phi trong thời khắc biệt li với cõi trần mù mịt.
Từ đấy, hình ảnh “lê hoa đới vũ” (hoa lê đẫm mưa) trở thành kinh điển, xuất hiện trong thi ca để mô tả vẻ đẹp trắng trong, diễm lệ trong sự điêu linh của những giai nhân, tuyệt sắc.
* * *
Cành lê sau vài tuần bung lụa, hoa đã tàn rụng là lúc mầm cây hé lộ rồi trở nên xanh mướt, tận hiến cho người cả hương, hoa, lá cho đến độ xuân tàn. Chiều về, bên chén trà thơm, an tĩnh đối ẩm với hoa lê, trong căn phòng tịch mịch, nghĩ về năm tháng đổi thay, như thấy hồn xưa đâu đó quanh đây. Mỗi năm chỉ một mùa duy nhất. Hoa rồi sẽ trở lại nhưng thanh xuân của đời người không trở lại. Trân trọng những gì đã qua.