Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng

Thứ Tư, 02/11/2022, 18:42

Vào tối 29/10, cả thế giới bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến thảm họa xảy ra tại khu phố Itaewon, ở trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc) làm ít nhất 154 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương do chen lấn, giẫm đạp trong lễ hội Halloween.

Từ thảm kịch đau lòng này, câu chuyện về lễ hội Halloween bắt đầu được dư luận khắp nơi trên thế giới bàn luận. Tại Việt Nam gần đây, lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây này đang bị biến tướng, đẩy sự rùng rợn quá đà. Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm lễ hội Halloween tại các trường học vì nó không mang ý nghĩa giáo dục mà chỉ gây những ám ảnh không đáng có.

Là dịp để “sống ảo”

Lễ hội Halloween có tên gốc gọi là All Hallows' Eve. Trong đó, “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh”, còn trong tiếng Scotland, từ “eve” chính là even (chiều tối) trong tiếng Anh, từ này cũng được viết ngắn gọn thành e'en hay een. Thời gian lễ hội bắt đầu là vào buổi chiều tối ngày 31/10 cho tới 24h.

Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng -0
Nhiều người tham gia lễ hội mà không hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của nó.

Ở Việt Nam, lễ hội này đã được du nhập theo tinh thần mở cửa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa. Thế nhưng, việc tiếp cận và ứng xử với một lễ hội có nguồn gốc từ phương Tây này như thế nào hiện vẫn còn thiếu những định chế cần thiết. Nhiều người cho rằng, tại Việt Nam lễ hội Halloween đã khác với lễ hội nguyên gốc, nó chủ yếu là dịp vui chơi chứ không còn mang màu sắc tôn giáo và nghi lễ đậm nét.

Có thể dễ dàng nhận thấy, những ngày cuối tháng 10, khắp các tụ điểm vui chơi, hàng quán… đều trang trí để chào mừng lễ Halloween. Hầu hết giới trẻ đón nhận ngày lễ Halloween chỉ là ngày lễ hóa trang. Họ sẽ tự do sáng tạo hóa thân thành những nhân vật mang yếu tố rùng rợn, ma quỷ… hoặc dựa trên các bom tấn điện ảnh. Càng độc lạ, càng tạo hiệu ứng sợ hãi thì càng thu hút sự chú ý. Em Lê Minh Tùng (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: “Nếu như lúc này hỏi em ý nghĩa, nguồn gốc của lễ hội Halloween em không thể trả lời được. Thế nhưng khoảng 3 năm nay, cứ đến lễ hội này là em và vài đứa bạn thân rủ nhau đi chơi, những điểm đến chủ yếu là các quán bar, quán cà phê có trang trí theo kiểu rùng rợn. Rồi mỗi đứa đều sắm cho mình một trang phục kinh dị, hóa trang càng rùng rợn càng tốt. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là để có mấy tấm ảnh hay ho sau đó đăng lên Facebook khoe mẽ, đú trend thôi”.

Tối ngày 30/10, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) đã thu hút rất đông người tham dự. Hầu hết những người tham gia đều hóa trang mình thành những nhân vật nổi tiếng, những hình ma quỷ rùng rợn. Trong số đó, một nam thanh niên đã gây sốc với hình ảnh nằm bất động, phía trên phủ chiếu, dưới chân là bát hương khói nghi ngút. Xung quanh, nhiều nam thanh nữ tú khác tỏ vẻ thích thú thi nhau chụp ảnh check-in khoe lên mạng. Nam chính cũng nhiệt tình nằm đó khá lâu để cho mọi người kịp ghi lại khoảnh khắc “vàng ngọc” này.

Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng -0
Nhiều em nhỏ cảm thấy sợ hãi khi mình bắt buộc phải tham gia lễ hội Halloween.

Hình ảnh này sau đó đã lan truyền chóng mặt trên các trạng mạng xã hội và nhận về những phản ứng trái chiều. Số ít thì cho rằng nam thanh niên đã nghĩ ra cách “hóa trang” rất độc đáo, đa số còn lại đều lên tiếng phản đối gay gắt vì thấy hành vi này quá phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. “Dẫu biết sự giao thoa văn hóa là hết sức bình thường nhưng “Tây và Ta” vẫn nên phân biệt rạch ròi. Đặc biệt các bạn trẻ phải hiểu được đó là lễ hội của họ, là tín ngưỡng của họ. Theo tôi nghĩ cần nhanh chóng dẹp ngay những kiểu đú này nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ”, tài khoản Lê Văn Thắng để lại lời bình luận.

Nhiều bậc phụ huynh cũng bức xúc lên án hành vi này vì họ cho rằng việc chụp ảnh với “người qua đời” sẽ tạo tiền lệ cho sự vô cảm, thói quen “sống ảo” của giới trẻ. Một tài khoản có tên Nguyễn Văn Báu không giấu được sự tức giận chia sẻ: “Khi nhìn thấy hình ảnh đó tôi thực sự bức xúc. Nhất là thời gian này, cả thế giới đang xót xa trước thảm kịch xảy ra ở phố Itaewon khiến hơn 100 người thiệt mạng. Phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là địa điểm trung tâm của thành phố. Đó là sự vô cảm của giới trẻ, chưa cần nói đến sự an toàn khi có quá nhiều người tham gia vào lễ hội tối hôm đó trên đường”.

Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng -0
Hình ảnh gây phẫn nộ diễn ra vào đêm 30/10 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chứng kiến những hình ảnh phản cảm mà một số người trẻ chụp rồi đưa lên mạng xã hội nhiều người đã có những phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, không nên cấm những lễ hội truyền thống của các nước du nhập vào Việt Nam nhưng không cho phép đẩy chúng lên tới mức độ kinh dị, quái đản, xa lạ với truyền thống.

Có nên cấm lễ hội Halloween ở trường học?

Ngoài các tụ điểm, quán xá, cửa hàng, thậm chí các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm Anh ngữ, ngoại ngữ (nơi có nhiều học sinh) cũng khá sôi động mỗi khi có lễ hội Halloween. Các trung tâm giáo dục này, với những thông tin mời gọi phụ huynh, học viên tham gia các cuộc thi có thưởng hay trò chơi trải nghiệm về lễ hội Halloween. “Luật chơi” thường giống nhau, cốt để quảng bá, tạo dựng vị thế của các trung tâm dưới vỏ bọc lễ hội Halooween.

Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng -0
Trên fanpage “Giáo viên Việt Nam” cũng đăng tải trạng thái tẩy chay lễ hội này vì hình ảnh phản cảm, không phù hợp.

Một trung tâm ngoại ngữ ở khu vực Hà Đông có tên Sao St cũng tổ chức khá rầm rộ cuộc thi về lễ hội Halloween. Nội dung yêu cầu các thí sinh nhí (là học viên trung tâm) chụp ảnh tại không gian check–in Halloween của trung tâm, sau đó phụ huynh/ học viên đăng ảnh lên Facebook cá nhân, bấm follow theo dõi Fanpage. Bài thi kèm từ khóa/ hastag mang tên trung tâm Anh ngữ, đồng thời yêu cầu thí sinh/ phụ huynh “kêu gọi người thân vào tương tác”, càng tăng tương tác thì thí sinh càng có nhiều cơ hội đoạt giải với các phần quà gồm balo, gối ôm, kể cả hiện kim nếu đoạt giải cao... Những cuộc thi, chương trình “giao lưu văn hóa” này được đặt nhiều tên gọi rất “kêu”, như “Đám cưới ma/ Spooky Wedding”, “Những bóng ma kinh dị...”

Một số cơ sở giáo dục nhìn nhận các cuộc thi và lễ hội như vậy là dịp “giao lưu văn hóa”, “trải nghiệm”, “khám phá” dành cho con trẻ nhưng thực tế có đẹp đẽ như vậy? Sẽ chẳng có gì là giải trí hay giáo dục khi chứng kiến một bé gái 7 tuổi mặc chiếc áo có hình bộ xương người, máu me, rùng rợn hay một bé trai băng bó khắp người với những “vết máu” loang.

Theo TS. Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục, việc tổ chức một lễ hội có nguồn gốc nước ngoài, điều quan trọng là phải hiểu rõ về lễ hội đó. Nếu tổ chức không đúng sẽ có những biến tướng gây hậu quả rất lớn. “Tại sao nước ngoài hay sử dụng quả bí ngô để trang trí Halloween vì quả bí ngô nước ngoài rất to, khi có con sâu ăn trông rất ghê rợn, do vậy người ta hay sử dụng quả bí ngô làm thành những con ma hình thù ngộ nghĩnh để những đứa trẻ bớt sợ ma. Nhưng ở Việt Nam quả bí ngô rất bé, nếu đem trang trí sẽ rất hài hước, không ra hình thù gì”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục này cũng bày tỏ quan điểm: “Việt Nam có rất nhiều những lễ hội dân gian thú vị, chúng ta không nhất thiết phải tổ chức những lễ hội của nước ngoài. Nếu không hiểu rõ về lễ hội của người ta thì không nên làm, chỉ khi hiểu rõ về văn hóa, ý nghĩa giáo dục về lễ hội đó mới nên tổ chức. Có rất nhiều hoạt động để xả năng lượng dư thừa, bức xúc cho học sinh không nhất thiết phải tổ chức lễ hội theo phong trào như vậy”.

Lễ hội Halloween ở Việt Nam: Đừng “đú trend” mù quáng -0
Những hình ảnh như thế này sẽ gây ám ảnh tâm lý non nớt của con trẻ.

Thảm kịch đau lòng xảy ra tại Hàn Quốc khiến vấn đề nên hay không nên tồn tại lễ Halloween ở Việt Nam lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh lên án thậm chí là đề xuất cấm tổ chức lễ hội này ở trường học bởi cho rằng nó chỉ là trào lưu chứ không mang tính giáo dục. Nhiều hình ảnh tại trường học có cảnh ma quỷ, máu me rùng rợn, cách ăn mặc kỳ dị, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam và văn hóa học đường. Không chỉ vậy mà trên thực tế nhiều trẻ khi chứng kiến những hình ảnh ma quái, kinh dị sẽ bị ám ảnh tâm lí, sợ hãi.

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn – người đã và đang tổ chức nhiều chuyến lưu diễn múa rối nước, rối cạn phục vụ trẻ em đã bày tỏ quan điểm về lễ Halloween trên trang cá nhân: “Thật đáng buồn là một số giáo viên, lãnh đạo nhà trường do thiếu nhận thức, thiếu trách nhiệm đã a dua tiếp tay, tổ chức các lễ hội ma mị này ở ngay trong môi trường giáo dục. Đây là điều đáng lo ngại và nguy hiểm. Chính những mái trường, môi trường sư phạm của chúng ta lại đang đầu độc thế hệ trẻ, phá hoại nền văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Phong Anh
.
.