Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 6: Giấc mơ mang tầm quốc tế
Trở lại sau 2 năm phải hoãn lại vì dịch bệnh COVID – 19, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (LHPQTHN) lần thứ 6 (từ ngày 8 đến 12/11/2022) không chỉ là ngày hội tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc trong và ngoài nước mà còn mang đến khát vọng xây dựng một liên hoan phim (LHP) mang tầm quốc tế.
“Bữa tiệc” điện ảnh nhiều màu sắc
Với khẩu hiệu “Điện ảnh – Nhân văn, Thích ứng và Phát triển”, LHPQTHN lần thứ 6 đã thu hút hàng trăm bộ phim đăng ký tham dự. Cuối cùng, Ban tổ chức đã chọn được 123 phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có 11 phim dài dự thi, 20 phim ngắn dự thi, 7 phim trong chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”, 63 phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh Thế giới cùng 22 phim Việt Nam đương đại. Theo chia sẻ của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thì đây là thành công bước đầu của LHP. Bởi chỉ trong một thời gian ngắn, sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, LHP vẫn nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của những người làm điện ảnh trong nước và trên thế giới.
Bên cạnh số lượng, chất lượng các phim tham dự LHP cũng là điều đáng chú ý. Điện ảnh Việt Nam có 45 bộ phim tham gia các chương trình phim. Trong số 11 phim dài dự thi, Việt Nam có đại diện duy nhất là bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, đây có thể là bộ phim cuối cùng của ông vì hiện tại ông đã bước vào tuổi 84. Phim là bức tranh lắp ghép những mảnh đời khác nhau: cậu bé đánh giày tên Đức, ông thợ cắt tóc 3 đời làm nghề trên vỉa hè Hà Nội, ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca của các em học sinh khiếm thị, chị nông dân lên Hà Nội làm nghề giúp việc… Họ cùng nhiều mảnh ghép khác khắc họa cuộc sống của những người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân, cho thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình phát triển.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Người ta thường nói trong nền kinh tế thị trường hiện nay người Hà Nội không còn như xưa nữa. Họ trở nên thực dụng hơn, ích kỷ hơn… Nhưng theo tôi, đó chỉ là bề ngoài. Sâu thẳm bên trong từng con người, từng gia đình, từng con ngõ những vẻ đẹp truyền thống của người Hà Nội vẫn còn được lưu giữ hết đời này qua đời khác”.
Bên cạnh đó, khán giả Hà Nội sẽ có cơ hội xem miễn phí những bộ phim Việt nổi bật, có doanh thu cao trong thời gian qua như: “Bố già”, “Chị Mười Ba 2: Ba ngày sinh tử”, “Tiệc trăng máu”, “Em và Trịnh”… Cùng những bộ phim được ghi nhận bằng những giải thưởng chuyên ngành như: “Đêm tối rực rỡ” từng đoạt “mưa” giải thưởng tại Cánh diều 2021. Trước đó, đầu tháng 3 phim đã đạt giải Câu chuyện xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Độc lập Santa Fe (Mỹ).
Trong hạng mục phim ngắn dự thi, đại diện của Việt Nam là những bộ phim từng nhận được giải thưởng điện ảnh uy tín như “Ánh sáng của con” với giải Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ XXII năm 2021, Quay phim xuất sắc tại giải Cánh diều. “Bà của Đỗ Đỏ” với Cánh diều Vàng 2021, “Cuộc sống tuyệt đẹp” với giải Cánh diều Bạc 2021…
Điện ảnh quốc tế cũng góp mặt với những bộ phim được sản xuất bởi những nhà làm phim chuyên nghiệp đến từ những nền điện ảnh tiêu biểu trên thế giới như Ấn Độ, Ba Lan, Iran, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha… Mỗi bộ phim đề cập đến một chủ đề khác nhau, thể hiện các giá trị văn hóa, con người của từng quốc gia, dân tộc, tạo thành bức tranh sinh động và hấp dẫn. Đơn cử như bộ phim “Ghép tủy” (Iran) được làm bởi đạo diễn Hamid Reza Ghorbani từng là trợ lý đạo diễn thứ nhất cho nhà làm phim nổi tiếng Asghar Farhadi từng có phim đoạt giải Oscar. “Maariya” của đạo diễn Aruna Jayawardana (Srilanka), người có phim đầu tay tham gia nhiều LHP quốc tế như Busan, Mumbai, Kerala, Dubai… “Người phụ nữ trên tầng áp mái” của đạo diễn Anna Jadowska, người từng nhận giải thưởng đạo diễn trẻ Ba Lan xuất sắc, “Paloma” đạo diễn Marcelo Gomes (Ba Lan) là đạo diễn, biên kịch nghệ sĩ thị giác đạt nhiều giải thưởng tại các LHP Venice, Cannes, Berlin.
Chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới tại LHPQTHN năm nay là sự hội tụ của những bộ phim đặc sắc, chất lượng đã giành một số giải thưởng tại các LHP Quốc tế Cannes, Venica, Toronto… Như bộ phim “Năm 1976” (Chile/ Argentina) được đề cử Máy quay vàng dành cho phim đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes năm 2022. Phim “Chiếc thuyền Luzzu” (Malta) từng tham dự Oscar năm 2021, “Chiếc hộp” (Mexico) đề cử giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 2021, phim “Lằn ranh” (Pháp, Thụy Sĩ) đề cử giải Gấu vàng LHP Berlin 2022…
Khán giả hâm mộ điện ảnh xứ sở kim chi cũng sẽ có dịp được mãn nhãn với 7 bộ phim đặc sắc của các đạo diễn tiêu biểu của Hàn Quốc trong chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”. Trong đó, “Bộ phim của tiểu thuyết gia” (đạo diễn Hong Sang Soo) từng giành giải Gấu bạc của Ban giám khảo tại LHP Berlin năm 2022, “Khoảnh khắc mùa hè” (đạo diễn Jo Gun shik), hiện là giám đốc điều hành Học viện Điện ảnh Hàn Quốc, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc. “Quyết tâm chia tay” (đạo diễn Park Chan Wook) giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes 2022, “Tổ của chim ruồi” (đạo diễn Kim Bora) giảnh giải NETPAC tại LHP Busan và 1 số giải thưởng tại LHP Quốc tế như Berlin, Tribeca.
Giấc mơ xây dựng thương hiệu LHP mang tầm quốc tế
Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2010, tới nay, LHPQTHN đã trải qua 5 kỳ tổ chức. Với mục tiêu tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, mỗi kỳ LHP thực sự là cơ hội quý báu để những người làm điện ảnh trong nước có điều kiện giao lưu, học hỏi với các nhà làm phim quốc tế. Đồng thời cũng mang đến cho khán giả yêu nghệ thuật thứ 7 những tác phẩm điện ảnh xuất sắc.
Có thể nói, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, LHP được xác định như một trong những yếu tố quan trọng thuộc lĩnh vực điện ảnh có thể tạo nên những giá trị to lớn. Với nhiều nền điện ảnh phát triển trên thế giới, nơi xây dựng được những LHP danh giá, có lịch sử lâu đời đã mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho đời sống văn hóa, kinh tế bên cạnh việc thúc đẩy điện ảnh phát triển. Nhưng xây dựng được thương hiệu cho LHP là điều không dễ dàng. LHP uy tín phải quy tụ được những bộ phim hay, những nhà làm phim xuất sắc, giải thưởng chất lượng… Bên cạnh đó, cần có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn giàu chất điện ảnh.
Với một nền điện ảnh đang phát triển, còn nhiều khó khăn thì việc tổ chức LHPQT quy tụ đông đảo các nhà làm phim trên thế giới cho thấy nỗ lực của Ban tổ chức. Năm nay, LHPQTHN cũng đã mời được Ban giám khảo là những nhà làm phim chuyên nghiệp, uy tín. Bên cạnh những đại diện Việt Nam như đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Lâm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn Lương Đình Dũng thì Chủ tịch Ban giám khảo phim dài là ông Janusz Jikowski – đạo diễn, nhà biên kịch Ba Lan, giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội người làm phim Ba Lan, thành viên Hội đồng Viện phim Ba Lan, thành viên Viện phim Châu Âu (EFA). Bà Wakai, nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh Nhật Bản làm Chủ tịch Ban giám khảo phim ngắn. Ngoài ra, thành viên Ban giáo khảo là ông Joh Gunshik, Giám đốc điều hành Học viện nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc; ông Mark Schilling, nhà báo, nhà phê bình điện ảnh, cố vấn biên kịch Mỹ; Bà Fatemah Motamed, diễn viên Iran - người từng xuất hiện trong hơn 70 bộ phim và hợp tác với một số đạo diễn gạo cội của điện ảnh Iran…
Năm nay, với chương trình tiêu điểm là điện ảnh Hàn Quốc thực sự thiết thực, hữu ích với những người làm điện ảnh. Là một đất nước trong khu vực châu Á, điện ảnh Hàn Quốc đã tạo được dấu ấn đặc biệt trên thị trường điện ảnh thế giới. Không chỉ có những bộ phim doanh thu ngang ngửa phim bom tấn quốc tế, gần đây, điện ảnh Hàn Quốc còn nhận được những giải thưởng danh giá nhất đáng ngưỡng mộ. Những chia sẻ của các nhà làm phim Hàn Quốc sẽ là những bài học, kinh nghiệm quý giá cho các đạo diễn, các nhà sản xuất cũng như các nhà quản lý Việt Nam trong việc phát triển điện ảnh. Năm nay, LHPQTHN cũng ghi nhận lần đầu tiên có thêm giải thưởng phim xuất sắc về Hà Nội. Đây không chỉ là việc tôn vinh bộ phim hay về Hà Nội, ghi dấu bản sắc riêng cho LHP mà còn khuyến khích các nhà làm phim trong và ngoài nước tiếp tục khai thác đề tài về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, muốn LHPQTHN trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế cũng cần phải có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú hơn trong khuôn khổ LHP. Như ông Vi Kiến Thành thừa nhận, mặc dù số lượng, chất lượng phim tham gia LHP năm nay không thua kém những lần trước nhưng các hoạt động không xôm tụ bằng. Nguồn tài trợ giảm đi rõ rệt do các đơn vị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch. Việc mời khách quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế eo hẹp... Có lẽ vì thế, tại sự kiện thảm đỏ năm nay thiếu sự xuất hiện của các ngôi sao điện ảnh quốc tế để có thể tạo sức hút truyền thông.
Dù còn nhiều khó khăn trên con đường xây dựng LHP mang thương hiệu quốc tế, nhưng chúng ta có quyền hy vọng, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: “Sự tham gia đông đảo của các nền điện ảnh tại LHP lần này cho thấy uy tín của LHP ngày càng tăng lên. Và có thể khẳng định trong khu vực ASEAN, LHPQTHN là LHP được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp nhất”.