Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Định vị thương hiệu mang tầm quốc tế

Thứ Hai, 11/11/2024, 12:57

Với khẩu hiệu “Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII - (HANIFF 2024) diễn ra từ ngày 7/11 đến ngày 11/11/2024 bao gồm 127 phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện không chỉ tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, độc đáo của quốc tế và Việt Nam mà còn góp phần xây dựng thương hiệu liên hoan phim (LHP) mang tầm quốc tế.

Những điểm nhấn thú vị

Được tổ thức định kỳ 2 năm/lần, sau 14 năm với 6 lần tổ chức, HANIFF đã dần trở thành một sự kiện điện ảnh được đông đảo công chúng và những người làm điện ảnh háo hức mong đợi. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định HANIFF là LHP có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

ban tổ chức lhp tặng hoa ban giám khảo lhp.jpg -0
Ban tổ chức Liên hoan phim tặng hoa Ban Giám khảo.

Năm nay, LHP đón nhận một số lượng phim đăng ký kỷ lục là hơn 500 bộ phim (năm 2022 là 300 bộ phim). Điều này không chỉ cho thấy bức tranh điện ảnh sôi động ở cả trong nước và quốc tế mà còn cho thấy uy tín của HANIFF ngày càng nâng cao trong mắt của bạn bè làm phim quốc tế. Với 127 bộ phim được chọn tham dự (65 phim nước ngoài, 57 phim Việt Nam) đến từ nhiều nền điện ảnh phát triển trong khu vực và trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Thái Lan…

Những bộ phim này được tuyển chọn vào các hạng mục như “Phim dài/ ngắn dự thi”, “Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới”, “Tiêu điểm điện ảnh Đức”, “Phim Việt Nam đương đại”, “Phim về Hà Nội”…Trong đó, một hoạt động điểm nhấn là “Tiêu điểm điện ảnh Đức” hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức vào năm 2025.

Tương tự, “Chợ Dự án” năm nay cũng nhận được số dự án đăng ký kỷ lục với gần 70 dự án đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Ban tổ chức quyết định chọn 8 dự án nổi bật đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ vào “Vòng Thuyết trình”. Kết quả chung cuộc là có tới 4 dự án thuộc về những nhà làm phim Việt Nam là “Tôi muốn thuê hoài mãi mãi” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Khôi Nguyên), “Người khóc thuê” (đạo diễn Đỗ Hà), “Memento Mori: Nước” (đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ), “The Hidden Legacy Blood Enigma” - một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Argentina của đạo diễn Nestor Sanchez Sotelo.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thì ở đây không hề có bất kỳ một sự ưu ái nào cho nước chủ nhà. “Chợ Dự án” được thẩm định bởi giám tuyển gồm 4 thành viên: đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình Việt Nam và 3 nhà sản xuất đều những nhà làm phim uy tín, khách quan. Chất lượng các dự án năm nay rất cao và đa dạng. Các dự án phim không chỉ thuộc dòng phim độc lập mà còn giới thiệu nhiều dòng phim với thể loại, đề tài phong phú khác. Với giải thưởng là 1 giải Nhất trị giá 135 triệu đồng cho “Dự án xuất sắc nhất” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ và 1 dự án xuất sắc thứ 2 sẽ nhận giải thưởng của Ban giám khảo, đây thực sự là tín hiệu vui, nhằm khuyến khích và hỗ trợ và mở ra cơ hội cho các đạo diễn trẻ, triển vọng.

ngày xưa có một chuyện tình là phim việt nam dự thi hạng mục phim dài.jpg -2
“Ngày xưa có một chuyện tình” là phim Việt Nam dự thi Hạng mục phim dài.

Là LHP được tổ chức tại Hà Nội, HANIFF lần thứ VII có tính chất dấu mốc khi diễn ra đúng vào thời điểm Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Vì thế, sự kiện mang đậm dấu ấn, không khí Hà Nội. Trước và trong thời gian diễn ra LHP, TP Hà Nội sẽ tăng cường công tác quảng bá cho LHP trên các phương tiện. Các khách mời, đại biểu được tha quan những điểm di tích nổi tiếng của Thủ đô… Đặc biệt, lần đầu tiên có Chương trình Phim về Hà Nội để công chúng có điều kiện được thưởng thức lại 9 tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài Hà Nội như “Em bé Hà Nội”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Truyện cổ tích tuổi 17”…

Điểm nhấn tại LHP là triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh” giới thiệu 120 hình ảnh trong các thước phim của các nhà làm phim trong nước và nước ngoài thực hiện và 40 bức ảnh chụp về các “Di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận”. Ban tổ chức LHP hy vọng vẻ đẹp các di sản của Việt Nam sẽ được giới thiệu qua triển lãm sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng, bạn bè quốc tế tham dự LHP, đồng thời góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút các nhà làm phim quốc tế, thúc đẩy điện ảnh Việt Nam sáng tạo, cất cánh.

Như phát biểu của Thứ trưởng Tạ Quang Đông: “Đất nước Việt Nam với bề dày văn hóa, lịch sử hào hùng cùng những cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ấn tượng, nơi sở hữu một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây chính là lợi thế để phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói và là nguồn tài nguyên hấp dẫn cho các nhà làm phim”. Theo Ban tổ chức, đây cũng là năm đầu tiên HANIFF có bài hát chủ đề sáng tác riêng cho sự kiện. Đây được xem là một phần trong hoạt động định vị sự khác biệt, hướng tới mục tiêu đưa HANIFF trở thành LHP quốc tế uy tín.

Xây giấc mơ quốc tế từ bản sắc Việt

Để mang đến một LHP quốc tế chuyên nghiệp, đẳng cấp thì điều quan trọng là thành phần Ban giám khảo và dàn khách mời quốc tế uy tín. Giống như các lần tổ chức trước, những người “cầm cân nảy mực” của HANIFF cho thấy rõ chất lượng chuyên môn, sự dày dặn trong kinh nghiệm làm nghề như nhà sản xuất William Pfeiffer - Chủ tịch Ban giám khảo HANIFF VII, nhà phê bình phim Tere’z Vincze,  đạo diễn - biên kịch Sophie Linnenbaum, đạo diễn - nhà sản xuất Chartchai Ketnust và diễn viên Hứa Vĩ Văn…

bản sắc văn hóa đậm nét có trong các sự kiện tại lhp.jpg -1
Bản sắc văn hóa đậm nét có trong các sự kiện tại liên hoan phim.

Bên cạnh đó là dàn khách mời như ông Kim Dong Ho - sáng lập và cựu Chủ tịch LHP Quốc tế Busan, ông Philip Cheah - cố vấn chương trình cho nhiều LHP quốc tế và châu Á… Thảm đỏ HANIFF chào đón đông đảo các nhà làm phim, nhà sản xuất đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Diễn viên Hàn Quốc On Ju Wan của bộ phim bom tấn “Penthouse”, nam diễn viên Baek Sung Hyun phim “Tình yêu vĩnh cửu”…

Tuy nhiên, Ban tổ chức HANIFF 2024 cho biết đã có nhiều cố gắng nhưng chưa có nhiều ngôi sao quốc tế đẳng cấp có mặt tại LHP. Chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết có 2 lý do.

Thứ nhất, HANIFF thường diễn ra vào cuối năm đây là thời điểm các đoàn làm phim trên thế giới tập trung cho các dự án phim mới nên khó thu xếp tham gia. Điều này khiến HANIFF có thể nghiên cứu lại về thời điểm tổ chức.

Lý do thứ 2 là việc mời các ngôi sao quốc tế, ngoài yêu cầu về điều kiện đi lại ăn ở đẳng cấp thì ê kíp của họ thường 4-5 người. Với điều kiện kinh phí như hiện nay thì chúng ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Vì thế, đây cũng là một rào cản trong việc mời các ngôi sao quốc tế và đặt ra công tác xã hội hóa công tác tổ chức cần được đột phá hơn nữa.

những-di-sản-văn-hóa-việt-nam-được-unesco-công-nhận-có-mặt-trong-các-bộ-phim.jpeg -3
Những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận có mặt trong các bộ phim.

Không chỉ tập trung vào các hoạt động chuyên môn, HANIFF 2024 xây dựng Lễ khai mạc/ Bế mạc trở thành những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Chương trình khai mạc gây ấn tượng với đồ họa sân khấu bắt mắt, nhấn mạnh vào yếu tố di sản và các đặc sản văn hóa, mùa thu Hà Nội. Các hình tượng Khuê Văn Các, Hồ Gươm, Chùa Một Cột, phố phường Hà Nội, tranh tố nữ Hàng Trống… đều được cách điệu và nghệ thuật hóa qua các màn biểu diễn, nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Đặc biệt là màn trình diễn âm nhạc đương đại kết hợp cùng dàn nhạc bản địa, với tiết mục được dàn dựng riêng cho HANIFF 2024 của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Đó, Nha Trang. Tại Lễ bế mạc, 500 chiếc drone sẽ tạo thành hình những di sản văn hóa độc đáo của Hà Nội và những biểu tượng nổi bật trong thời đại mới. Cùng với đó là những hình ảnh tôn vinh điện ảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với thông điệp điện ảnh đã trở thành một phần của di sản văn hóa. Bằng ngôn ngữ riêng, với nhiều góc nhìn, điện ảnh đã góp phần lưu giữ nét đẹp của mảnh đất và con người Hà Nội, làm sinh động cho bức tranh về thủ đô ngàn năm văn hiến…

Có thể nói, từ khẩu hiệu “Điện nhân văn, thích ứng và phát triển” tại HANIFF lần thứ VI đến “Điện ảnh sáng tạo - cất cánh” của HANIFF lần thứ VII cho thấy sự phát triển và những bước tiến của Điện ảnh Việt Nam trong giấc mơ định vị trong bản đồ điện ảnh quốc tế. Như Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “HANIFF không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, giúp điện ảnh Việt khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới và ghi dấu trong hội nhập quốc tế”.

Tuấn Phong
.
.