Loại bỏ âm nhạc dung tục, phản cảm: Được không?

Thứ Hai, 03/10/2022, 14:54

Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) – ông Phạm Cao Thái khẳng định: “Tất cả MV có nội dung dung tục, phản cảm đều phải chịu xử lý theo đúng quy định pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo”.

Lịch sử cũng ghi lại nhiều sản phẩm bị xử phạt nhưng vấn nạn này vẫn không có dấu hiệu dừng lại và ngày càng khiến dư luận bức xúc. Phải chăng, “chiếc gậy” xử phạt vẫn chưa khiến những người làm văn hóa thức tỉnh?

Nhạc dung dục, nhảm nhí gây bức xúc

Sau 2 năm trải qua đại dịch COVID-19, 9 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của làng nhạc Việt. Tuy nhiên, đây cũng là năm nhiều ồn ào khi loạt tác phẩm gây tranh cãi vì có nội dung phản cảm, dung tục.

Loại bỏ âm nhạc dung tục, phản cảm: Được không? -0
MV “Sashimi” của Chi Pu bị chỉ trích là gợi dục, phản cảm.

Mới đây, Chi Pu trở lại với 2 MV là “Black Hickey” và “Sashimi”. Chưa bàn đến kỹ thuật âm nhạc, sản phẩm lần này có hàng loạt những hình ảnh gợi cảm “nặng đô” nhưng đều không dán nhãn hạn chế đối tượng người xem. Nếu như ở “Black Hickey” (bản tung ra ban đầu - Hiện MV đã được ẩn đi, song, các hình ảnh và video vẫn được chia sẻ lại trên mạng xã hội), khán giả cho rằng ý nghĩa tổng thể của MV nông cạn, mập mờ như một bộ phim 18+ chốn văn phòng. Những chi tiết khiến MV vướng tranh cãi có thể kể tới cảnh Chi Pu leo lên bàn làm việc và có nhiều động tác quyến rũ nhân vật nam.

Đến “Sashimi”, hình ảnh và ca từ thậm chí còn táo bạo hơn. Lời bài hát của “Sashimi” với những câu: “Ở đây chúng em có rất nhiều loại sashimi... Anh muốn ăn tươi nuốt sống thì... (cười)” với những vũ đạo gợi hình tượng phản cảm. Đặc biệt, điệp khúc “Ở đây chúng em có sashimi, sashimi kimochi” được cho là sử dụng từ nhạy cảm “kimochi” trong tiếng Nhật. Theo đó, “kimochi” trong tiếng Nhật còn được dùng để miêu tả sự thỏa mãn của con người trong chuyện ân ái. “Kimochi” thậm chí còn là từ không thể thiếu trong các phim 18+ của Nhật Bản.

Điều này cũng xảy ra tương tự với các sản phẩm âm nhạc của Bình Gold. Tạm bỏ qua các nhan đề “gây sốc”, “Bốc bát họ”, “Ông bà già tao lo hết”, “Trơn”, “Quan hệ rộng”, “Lái máy bay” của nam rapper này đều bị chỉ trích dung tục. Điểm chung của các MV bị chỉ trích có nhiều cảnh quay tiêu cực, khoe mẽ với những nhân vật nữ mặc đồ hở hang, động tác phản cảm. Ca từ các ca khúc cũng được nhận xét vô nghĩa, nhảm nhí.

Ngược thời gian về trước, thị trường nhạc Việt từng “đảo điên” với những bài hát mà mới chỉ nghe qua tên người ta đã “hết hồn” như: “Ô mai chuối”, “Số nhọ”, “Không cảm xúc”, “Như cái lò”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”, “Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu”, “Nắng cực”…

Không dừng lại ở đó, dư luận gần đây cũng được phen ngán ngẩm khi những ca khúc nhạc chế nhảm nhí thậm chí còn được lên sóng gameshow truyền hình: “Nobita luôn ăn hiếp bạn bè/Nobita thầm yêu Xuka hái hoa hồng tặng cho Chaien/Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng/Thì một năm sau Nobito chào đời”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng phải thốt lên: “Ai cũng thích tiếng cười, trong âm nhạc đôi khi cũng cần sự hài hước vì nó mang lại sự vui vẻ cho mọi người. Những danh hài khi xưa đôi khi cũng hát nhạc chế để phục vụ cho tiểu phẩm. Có một thầy giáo trẻ cũng chế khá nhiều bài nhạc nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hào hứng vui vẻ hơn. Đó là điều rất quý. Tuy nhiên, sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm hoàn toàn khác nhau. Phải có một chuẩn mực cho việc đó. Và đó là ý thức và văn hóa cần có đối với một người nghệ sĩ”.

Để mà định nghĩa cụ thể thế nào là nhạc “rác”, nhạc “bẩn” thật không đơn giản. Thế nhưng, theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, âm nhạc là thứ thanh cao, không thể chấp nhận sự dung tục. Cha đẻ ca khúc “Đôi mắt Pleiku” nhấn mạnh, giới làm nhạc trẻ có thể vui đùa nhưng không được phép làm bẩn âm nhạc bằng ca từ “rác”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đưa ra đánh giá, các bản nhạc “rác” đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh có cùng quan điểm. Ông cho rằng hậu quả đáng ngại nhất mà nhạc “rác”, nhạc “bẩn” để lại là sẽ tạo ra một thế hệ trẻ người nghe nhạc mang thẩm mỹ thấp.

Nghệ thuật phải hướng đến cái đẹp, nhân văn

Việc các ca khúc phản cảm, dung tục xuất hiện với hàng triệu lượt người xem và người nghe không khỏi gây ra nỗi lo ngại cho nền âm nhạc Việt. Đáng nói, những sản phẩm này còn được thực hiện bởi những người trẻ, với số lượng người hâm mộ đa phần là thanh thiếu niên.

Nhìn nhận thực trạng này, nhạc sĩ Đỗ Bảo xót xa: “Tôi rất buồn khi thấy bản thân hay lớp trẻ phải chung sống với tình trạng văn hóa méo mó, ứng xử xấu xí trên mạng hay thông tin độc hại lan tràn như bây giờ. Chuyện lớp nghệ sĩ trẻ non trẻ về âm nhạc nhưng lại già dặn sự thực dụng ngày nay cũng vậy thôi, bước trượt dài của một cộng đồng dễ dãi sẽ làm ảnh hưởng và gây khó khăn cho các thế hệ sau này.

Nếu những thứ nhảm nhí như một đoạn nhạc chế gây cười, một video bóc phốt, những lời hát ngớ ngẩn, bạo lực hay trần trụi đáng xấu hổ thu hút được hàng triệu lượt xem còn các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật tử tế có khi lại không được mấy ai quan tâm, thì dù chỉ do hình thức, bao nhãn thì đời sống văn hóa nơi đó hẳn có vấn đề nghiêm trọng nào đó”.

Loại bỏ âm nhạc dung tục, phản cảm: Được không? -0
Luật sư Trần Xuân Tiền.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) khẳng định: “Hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những em nhỏ thay vì ngân nga câu hát với giai điệu dễ thương, ca từ ý nghĩa,... thì lại thi nhau hát những bài hát sáo rỗng phản cảm như: “Ông bà già tao lo hết”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”,... thậm chí, có những bài hát còn gián tiếp gây ra những vụ án thương tâm với nạn nhân là trẻ em. Như vậy, những hậu quả từ những tác phẩm “rác” gây ra không thể lường trước được. Người lớn có thể nhún vai bỏ qua. Nhưng với trẻ em tuổi teen, lứa tuổi nhạy cảm, đây lại là câu chuyện đáng nói. Thực trạng này cực kỳ nguy hại cho trẻ em. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý thật nghiêm và buộc gỡ, xóa bỏ toàn bộ những tác phẩm “rác” trên mạng xã hội”.

Trên Peoples Daily, Phạm Kinh Nhận - người sáng lập Trung tâm bồi dưỡng tâm lý Tâm Ngạn ở Bắc Kinh thừa nhận, việc nghe những ca khúc thô tục là tác nhân kích thích cảm xúc tiêu cực. “Đối với người trẻ, nó giống như ma túy, một khi thất vọng, không hài lòng, họ rất dễ chìm đắm trong những bản nhạc rác này, làm tê liệt bản thân, thậm chí tấn công người khác”, ông nói.

Loại bỏ âm nhạc dung tục, phản cảm: Được không? -0
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Ở góc độ người sáng tác nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hiểu được nỗi trăn trở về việc sáng tạo, thể hiện cái tôi của nghệ sĩ thông qua tác phẩm của mình. Nhưng anh cho rằng, sự sáng tạo không thể đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Bản thân anh làm nghệ thuật và anh yêu vẻ đẹp của nghệ thuật. Anh cũng không phản đối việc nghệ sĩ có thể sử dụng ngôn từ đẹp và cả ngôn từ gai góc, trần trụi nhưng đến cuối cùng vẫn phải hướng người nghe đến một điều tốt đẹp, cái thiện lành hơn chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Việc sáng tạo vì thế mà không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hóa.

“Nếu bạn sống và viết chỉ cho 1 mình bạn thì bạn làm gì cũng được, viết gì cũng được miễn không vi phạm pháp luật, nhưng khi bạn được công nhận hay muốn được công nhận là “nghệ sĩ” hoặc “nghệ sĩ thần tượng”,  bạn phải chịu sự giới hạn khuôn khổ về nền văn hóa mà bạn đang sống và làm việc trong đó. Bởi, mỗi lời bạn nói hoặc viết đều ảnh hưởng đến rất nhiều người trong xã hội đó, đó là trách nhiệm xã hội mà chúng ta ai cũng phải mang”, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” bày tỏ.

Hình phạt đã đủ răn đe?

Thực trạng ca khúc lệch chuẩn đã xuất hiện tràn lan trong nhiều năm gần đây. Cơ quan quản lý từng xử phạt nhiều trường hợp. Gần đây nhất, hồi tháng 4-2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã có văn bản xử phạt về việc xử lý tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình “Theres no one at all” của Sơn Tùng M-TP trên môi trường mạng. Theo đánh giá, Cục NTBD nhận thấy nội dung biểu diễn của MV mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em. Sơn Tùng M-TP bị yêu cầu nộp phạt 70 triệu đồng và phải gỡ video ca khúc khỏi các nền tảng số. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sau đó liên hệ phía Google, nền tảng đăng tải MV, yêu cầu sớm gỡ sản phẩm.

Năm 2021, rapper Chị Cả bị xử phạt 45 triệu đồng vì “Censored” có quan điểm lệch lạc và không đúng với truyền thống, văn hóa của người Việt Nam. Cùng thời điểm, nhóm Rap Nhà Làm bị phạt 45 triệu đồng vì có hành vi lưu hành sản phẩm có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. “Thích ca mâu Chí” của rapper Chí đăng trên kênh của nhóm Rap Nhà Làm gây tranh cãi dữ dội vì sử dụng một sự tích và chế lại theo nghĩa phản cảm. Khi tranh cãi nổ ra, Rap Nhà Làm xin lỗi và xóa ca khúc trên YouTube.

Mức phạt cho các hành vi vi phạm đều được quy định rất rõ. Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý đã quyết định xử phạt theo đúng quy định, tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra. Điều này đặt ra vấn đề rằng, phải chăng các hình phạt chưa đủ sức răn đe(?).

Thử dạo một vòng các kênh YouTube của Chi Pu, Sơn Tùng M-TP, Bình Gold… con số thu nhập bạc tỷ mỗi tháng, dường như, con số xử phạt vài chục triệu đồng vẫn “chưa thấm vào đâu”. Cụ thể, theo thống kê của Social Blade, với hơn 10 triệu người đăng ký, ước tính mỗi tháng kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP có doanh thu từ 4.500 - 71.900 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng - hơn 1,6 tỷ đồng). Trong khi đó, với hơn 1,3 triệu người đăng ký, Chi Pu cũng bỏ túi khoảng 1.400-21.700 USD (khoảng 33,4 triệu đồng – 517 triệu đồng) mỗi tháng.

Nền âm nhạc Việt Nam từng chứng kiến thế hệ nhạc sĩ nối tiếp thế hệ “cây đa cây đề” của Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… như Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Sa Huỳnh… Tuy nhiên, đến thế hệ gen Z, âm nhạc, kể cả mảng âm nhạc hàn lâm như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn rất mờ nhạt nhưng lại nhiều tranh cãi. Giới chuyên môn nhận định nhạc nhảm phổ biến do khâu phát hành dễ và sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội.

Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định: “Muốn loại bỏ “rác âm nhạc” trước hết công chúng phải là những người chủ động dẹp bỏ trong nhận thức của mình. Gia đình, trường học, đoàn thể tăng cường giáo dục, quản lý thành viên của mình - không xem, không tham gia các hoạt động xấu. Có thể sử dụng các biện pháp về công nghệ để phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm vi phạm trên mạng. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần phát huy hết khả năng, quyết liệt xóa bỏ “rác nhạc” trong cộng đồng”.

Thảo Dung
.
.