Loạn giá kit test, thuốc điều trị cúm A
Dịch cúm A đang gia tăng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khiến thị trường kit test và thuốc Tamiflu điều trị khan hiếm. Không chỉ giá ở các nhà thuốc, hiệu thuốc tư nhân tăng mà trên mạng xã hội, giá cả cũng “nhảy múa” với những lời quảng cáo có cánh là hàng ngoại nhập, hàng xách tay này nọ...
Giá thuốc “nhảy múa”, người bệnh hết hơi
Số mắc cúm A tăng nhanh với một số ca biến chứng nặng khiến người dân lo lắng. Nhu cầu của người dân tăng đột biến, giá thuốc Tamiflu và kit xét nghiệm cúm A tại Hà Nội vì thế cũng gia tăng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Nếu như từ tháng 1-4-2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng thì từ tháng 5-2022, số mắc tăng cao. Đặc biệt, trong tháng 6-2022 ghi nhận đến 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca). Trong 2 tuần đầu tháng 7, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm.
Trước tháng 7, thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 đã tăng lên 520.000 đồng/hộp. Có những cửa hàng rao bán với giá lên đến 900.000 đồng/hộp 10 viên Tamiflu.
Cùng với thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng đang là mặt hàng “hot” được rao bán nhiều trên các chợ thuốc online. Trên các sàn thương mại điện tử, test nhanh kháng nguyên virus cúm A, B được rao với giá từ 70.000 đến 110.000 đồng/kit.
Chủ một cửa hàng thuốc trên phố Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết, mọi năm dịch cúm A thường xảy ra vào mùa đông - xuân, lúc này các cửa hàng mới nhập hàng về nhiều. Năm nay, cúm A diễn biến bất thường khi số ca mắc tăng vào mùa hè nên nhiều cửa hàng không có thuốc để bán. Bình thường một hộp có giá hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên bán ra cũng cao hơn. Nhiều người không có để mua, giá có khi lên đến 1 triệu đồng/hộp.
Tại một nhà thuốc Trung Tâm (quận Thanh Xuân), giá Tamiflu của hãng Roche niêm yết 850.000 đồng/hộp 10 viên; một cửa hàng khác niêm yết giá 800.000 đồng/hộp 10 viên. Có cửa hàng đã rao bán 900.000 đồng/hộp.
Một số nơi lý giải giá cao là do nhập khẩu chính hãng, còn hàng xách tay bán giá rẻ. Chẳng hạn thuốc Tamiflu xách tay của Nga tại chợ thuốc Hapulico chỉ bán với giá từ 450.000-500.000 đồng/hộp; nếu là hàng công ty, giá rao bán là 515.000-560.000 đồng/hộp, không giới hạn số lượng. Ngoài bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc Tamiflu tìm mua thì còn một số người mua để “dự trữ” khiến thuốc càng khan hiếm. Thế nhưng, trên mạng xã hội, nhiều người rao bán Tamiflu hàng xách tay, hàng Nga lại giá trên trời 80.000-90.000 đồng/viên.
Không chỉ thuốc Tamiflu, giá kit test cúm A cũng “nhảy múa” khiến nhiều người dân “hoa mắt chóng mặt”. Nhiều người không rõ nguồn gốc chất lượng kit test ra sao, nhưng vì dịch bùng phát, trong nhà có người ốm nên nhiều người không ngần ngại bỏ số tiền lớn mua kit test về dự phòng.
Hơn tuần nay, hai đứa bé nhà anh Trần Thụ (Cầu Giấy, Hà Nội) ho sốt cao cả tuần. Đưa hai bé đi khám thì đều mắc cúm A. Nhiều lần vào viện khám, xét nghiệm, lấy thuốc hai bé đều chưa đỡ, thậm chí còn lây cho cả nhà. Một lần test cúm A của hai bé là 620.000 đồng/bé, chưa kể tiền khám, thuốc, xét nghiệm. Để đề phòng cho cả nhà, anh phải lên mạng tìm mua kit test cúm A và thuốc Tamiflu dự phòng cho cả nhà vì nghe nói Tamiflu rất nhạy. Nghe lời quảng cáo của người bán trong tòa chung cư của mình, anh mua chục kit test cúm A với giá 110.000 đồng/kit. Vì người bán kit kèm cả Tamiflu nên anh đặt mua luôn 2 hộp cho cả nhà với giá 800.000 đồng/hộp 10 viên. Người bán cam kết là hàng chuẩn xách tay từ Nga. Vì tin tưởng là cư dân trong tòa nhà nên anh không ngần ngại mua về dự trữ cho cả gia đình dù lần đầu tiên anh biết đến kit test cúm A. “Tôi chẳng rõ là của nước nào, thấy là cư dân nên tin tưởng mua và làm theo hướng dẫn thôi. Họ khẳng định là hàng xách tay, cho kết quả chính xác 100%”, anh Thụ cho biết.
Còn chị Ngọc Anh (Hà Đông), chia sẻ, chị và con trai bị sốt cao, mệt mỏi. Vì mới mắc COVID-19 nên chị nghi ngờ mình bị cúm A. Đi nhiều cửa hàng không mua được kit test cúm, chị phải mua của một người bạn trên mạng xã hội với giá 110.000 đồng/kit, chưa kể mất 40.000 đồng tiền ship. Nghe theo lời của người bán, chị còn mua một loạt vitamin, Tamiflu, thuốc bổ hàng xách tay về cho cả nhà phòng bệnh, vì ngoài vợ chồng con cái, nhà còn có cả ông bà nội tuổi đã cao nên thà mua đủ còn hơn là thiếu lúc cần.
Khi phóng viên liên hệ với nick Bé Bim để mua kit test cúm A thì người này cho biết, kit test hàng ngoại nhập, có thể test cả cúm A, B. Giá chỉ 110.000 đồng/kit, rẻ hơn nhiều nếu đi ra bệnh viện, phòng khám test, mất vài trăm nghìn đồng/lần. Nhưng, khi hỏi nguồn gốc thì người người này khẳng định yên tâm là hàng ngoại nhập, chính xác 100%.
Nick name Vân Anh quảng cáo: “Dịch cúm A đang bùng phát. Cúm A có triệu chứng giống cúm thông thường nhưng nếu không biết là cúm A để điều trị đúng cách thì rất lâu khỏi và bị biến chứng. Tại các phòng khám phải đợi khá lâu mới có kết quả mà giá 1 lần test khoảng 400.000 đồng, chưa kể sẽ được chỉ định khám một số thứ thêm (mà không cần thiết). Tự test ở nhà vừa dễ lại tiết kiệm chi phí, test được luôn cả cúm A, B, COVID. 1 kit test tại nhà hàng chuẩn chỉ có giá chưa bằng một nửa giá tại phòng khám. Ai mua liên hệ em nhé” nhưng cũng không hề đưa ra thông tin, chất lượng kit. Khi phóng viên liên hệ hỏi mua thì người này cho biết, giá là 90.000 đồng/kit, đảm bảo hàng xách tay, uy tín, chất lượng, thậm chí không còn nhiều hàng để bán.
Bình tĩnh nhưng không chủ quan
Không chỉ rao bán kit test cúm, thuốc Tamiflu với lời cam kết hàng chuẩn, hàng ngoại nhập, nhiều người bán còn tuyên truyền cách chữa cúm kèm theo mà không hề có trình độ, chuyên môn về y tế.
Nick name Huyền Anh rao bán Tamiflu cho biết: “Tamiflu tốt nhất chỉ dùng trong 48 giờ đầu sau khi cúm. Cúm A đang bùng phát trái mùa, mọi người hãy dự trữ Tamiflu để phòng khi cần thiết nhé. Tầm này cũng nên trữ 1-2 hộp trong nhà, giảm tỷ lệ biến chứng cúm cần dùng kháng sinh (viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa). Khi được điều trị dự phòng, Tamiflu hiệu quả đáng kể (giảm 92%) và giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm ở những người tiếp xúc, làm giảm tần suất phân lập virus và ngăn chặn sự lây truyền virus từ thành viên gia đình này sang thành viên khác.
Theo dữ liệu hiện tại, khi dùng Tamiflu với mục đích phòng ngừa sau tiếp xúc (7 ngày) và phòng chống cúm theo mùa (42 ngày), không quan sát thấy tình trạng kháng thuốc. Điều trị cúm ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Dự phòng cúm ở người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi có nguy cơ nhiễm virus (trong các đơn vị quân đội và các đội sản xuất lớn, ở bệnh nhân suy nhược). Dự phòng cúm ở trẻ em trên 1 tuổi. Liều điều trị: Trẻ em 1-8 tuổi: 1v/ngày x 5 ngày. Trẻ 8 tuổi trở lên: (sáng 1, tối 1) x 5 ngày”.
Nick name Hoa Mai cũng quảng cáo những lời có cánh: “Xách về được có ít Tami Nga dự phòng cho cả nhà mà còn dư mấy hộp nên share cho mọi người nha. Dạo này Hà Nội đang bùng dịch cúm A, mọi người săn đón Tamiflu. Hàng ngoài thị trường toàn nhập khẩu cận date, chất lượng, tác dụng như nào không biết. Cả nhà mình cần gì phải đi đâu xa, cứ vào ngay cửa hàng của em để có date mới, hàng bay từ Pharma Nga về uy tín, chất lượng sẵn cho cả nhà nè. Tamiflu thần dược phòng ngừa cúm A, cả Hà Nội đang tranh nhau vỡ đầu từng hộp, hãi thực sự. Chỉ định điều trị bệnh cúm bằng thuốc Tamiflu 75mg: Thuốc Tamiflu được dùng chỉ định trong điều trị bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ em (bao gồm trẻ sơ sinh đã đủ tháng).
Việc người dân tích quá nhiều thuốc Tamiflu và kit test cúm A sẽ vô tình đẩy giá lên cao, giúp người bán trục lợi. Bài học từ kit test và thuốc điều trị COVID-19 vẫn còn nguyên giá trị.
Thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng. Đặc biệt quan trọng là tiêm vaccine cúm hằng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh. Ngoài ra, gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay (khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều...).
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý cho con sử dụng thuốc Tamiflu. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.