Loạn giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ

Thứ Hai, 12/06/2023, 15:08

Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều bậc cha mẹ đều mong muốn con mình có thể phát triển thể chất toàn diện, nên họ không tiếc tiền đầu tư cho con những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt là thực phẩm chức năng (TPCN).

Đánh vào tâm lý các bậc phụ huynh, nhiều loại TPCN được nhập về dưới dạng hàng xách tay, hoặc qua công ty Nhập khẩu, phân phối nhưng không kê khai, đăng ký giá, gây ra những mập mờ khiến người tiêu dùng luôn luôn phải chịu phần thiệt.

Thổi giá, thổi phồng công dụng?

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “Thực phẩm chức năng cho trẻ” hoặc “Thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ”, lập tức sẽ có hàng triệu kết quả: loại cung cấp vitamin, canxi, thực phẩm bổ sung, tăng sức đề kháng, tăng cân khỏe mạnh, tăng chỉ số IQ... sản xuất trong nước và cả hàng nhập khẩu, xách tay, với nhiều mức giá: có loại 300 - 500 ngàn đồng/hộp, đắt có thể lên đến tiền triệu.

Loạn giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ -0
BioAmicus được Con Cưng, Bibomart bán trực tiếp và online.

Quả thật, chưa bao giờ, TPCN dành cho trẻ dưới 6 tuổi được các bà mẹ quan tâm, tìm kiếm như bây giờ. Trên khắp các hội nhóm, các bà mẹ truyền kinh nghiệm cho nhau việc bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin… cho con phát triển toàn diện. Chỉ cần một bức hình bụ bẫm, kháu khỉnh của một bé được đăng lên mạng là một loạt các thành viên vào comment “xin vía” hay bày tỏ mong muốn chủ nhân bức ảnh chia sẻ “bí quyết” giúp bé khỏe, đầy sức sống và thông minh. Và đương nhiên, các chủ nhân bài viết sẵn sàng “bật mí” về kinh nghiệm bổ sung chất dinh dưỡng, TPCN, thuốc tăng đề kháng, tăng cường trí nhớ… , thậm chí là nhắn mọi người nếu cần thì inbox họ. Và hầu hết đều khuyên nên mua các sản phẩm có nguồn gốc nhập ngoại thì sẽ tốt hơn các sản phẩm nội địa.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong hàng loạt sản phẩm TPCN đang gây “bão” trên mạng xã hội, được nhiều bà mẹ “bỉm sữa” truyền tai nhau mua về cho bé sử dụng có thể kể đến một số sản phẩm gồm: BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3, Biolizin Fitobimbi Sonno, Fitobimbi D3K2. Các sản phẩm TPCN được quảng bá rầm rộ trên các fanpage, hội nhóm với những lời quảng cáo có cánh và hiện đang được bày bán công khai ở nhiều hiệu thuốc, chuỗi nhà thuốc lớn cùng các cửa hàng kinh doanh sản phẩm dành cho các bà mẹ và bé trên khắp cả nước như Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza…

Khảo sát tại nhiều hiệu thuốc, cửa hàng mẹ và bé thì sản phẩm TPCN BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3 đang được bày bán với giá lần lượt là khoảng 480.000 đồng và 330.000 đồng cho một lọ chỉ 10ml. Hai sản phẩm này đã được quảng cáo “thần thánh” hóa khi cho rằng nếu sử dụng sẽ giúp bé có hệ tiêu hóa, đường ruột khỏe và giúp bé hấp thu tốt, cao lớn thông minh…

“Combo bé nào cũng cần khi giao mùa. Ăn ngon - cao lớn - đề kháng khỏe. Trời đổi gió cái. Trẻ con, người lớn ốm ngay. Thời tiết độc thật, lại thêm con COVID nữa. E ngày nào cũng phải tăng đề kháng cho 2 thanh niên đi học. Ngày nào đi học về là biết trót lọt ngày đó chỉ mong con đi học đừng ốm thôi. Các mẹ có con hay ốm cứ nghe em bổ sung các loại như hình đỡ phải gặp bác sĩ nhiều đó ạ. Men 10 chủng chứa tới 1 tỷ lợi khuẩn trong 5 giọt, ưu điểm vượt trội so với các dòng men trên thị trường, nhanh chóng "dẹp tan" các vấn đề về đường tiêu hóa của trẻ. VITAMIN D3K2-MK7 với công nghệ bào chế tinh khiết bảo đảm tác dụng tối ưu của vitamin, dễ dàng hấp thu và vận chuyển canxi trong cơ thể. KẼM AMIN BIOLIZIN lần đầu tiên kết hợp bộ 3 ăn ngon kẽm - Lysin - B6 giúp bé ăn khỏe, hấp thu tốt, tăng đề kháng và trí nhớ”, một fanpage quảng cáo những lời có cánh. 

Với việc quảng cáo là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành các sản phẩm này được bán trên thị trường khá cao. Tuy nhiên qua tìm hiểu, một sản phẩm TPCN cho trẻ dưới 6 tuổi như BioAmicus Complete chỉ có giá nhập khẩu từ 1,8 USD (khoảng 42.500 đồng)/sản phẩm, còn BioAmicus Vitamin K2D3 có giá nhập từ 1,5 USD (khoảng 35.000 đồng)/sản phẩm. Có nghĩa giá bán tại thị trường đang gấp khoảng 10 lần giá nhập khẩu.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Ngày 26/6/2017, Bộ Công Thương có Thông tư số 08/2017/TT-BCT Quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa thực hiện đăng ký giá với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Thông tư này trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp đăng ký giá.

Loạn giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ -0
BioAmicus được quảng cáo như thần dược.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và có trách nhiệm thông báo kịp thời mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký đối với hệ thống phân phối sản phẩm của mình. Mức giá bán lẻ phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký. Ngoài ra, mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các sản phẩm TPCN BioAmicus Complete, BioAmicus Vitamin K2D3 do Công ty TNHH dược Hummed phân phối. Hai sản phẩm này liệt kê vào danh sách các sản phẩm thuộc diện kê khai giá từ những năm 2020. Tuy nhiên, phóng viên lại không thể tìm thấy bất kì thông tin kê khai giá nào của công ty nhập khẩu cũng như công ty phân phối các sản phẩm TPCN nói trên tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, cũng như Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương TP Hà Nội.

Việc không đăng ký giá khiến các doanh nghiệp, cơ sở phân phối, kinh doanh… sẽ tự đặt ra mức giá bán khác nhau, người tiêu dùng không nắm được cụ thể, chỉ biết “móc” tiền túi để chi trả. Ngoài ra, mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký còn là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc các đơn vị phân phối bỏ qua bước đăng ký, công bố giá bán lẻ với nhiều sản phẩm TPCN cho trẻ dưới 6 tuổi là khó có thể chấp nhận.

Phóng viên đã liên hệ với đại diện của chuỗi cửa hàng Con Cưng để nhận được câu trả lời khách quan khi công khai bán các loại TPCN này khi chưa được kê khai giá. Trả lời về vấn đề này, đại diện chuỗi cửa hàng mẹ và bé này cho biết: “Bên Con Cưng luôn luôn lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ nhỏ. Các sản phẩm Con Cưng phân phối đều có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, công bố rõ ràng”, còn muốn tìm hiểu thêm thông tin gì thì “liên hệ với đơn vị nhập khẩu trực tiếp”.

Để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bán và phân phối các sản phẩm không được đăng ký giá bán lẻ, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công ty TNHH Dược Hunmed - một trong những đơn vị phân phối nhiều sản phẩm TPCN cho trẻ dưới 6 tuổi đang được bán trên thị trường nhưng không có thông tin đăng ký giá. Thế nhưng, phía công ty Hunmed đã không trả lời chúng tôi về vấn đề này.

Bởi vậy cần làm rõ về việc các sản phẩm TPCN theo quy định phải kê khai giá, nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước mà vẫn được bày bán công khai ra thị trường tại các địa điểm lớn. Bởi, chỉ cần nhẩm một phép tính đơn giản, chỉ bằng ít chi phí chạy quảng cáo, thổi phồng công dụng các sản phẩm TPCN, các sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng với giá cao cả chục lần như vậy thì sẽ mang đến lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối, trong khi chịu thiệt là người tiêu dùng phải trả giá quá đắt.

Bên cạnh đó, các nhà thuốc, chuỗi nhà thuốc lớn và chuỗi cửa hàng mẹ và bé như Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart… cũng nhập và bán lẻ các sản phẩm khi chưa tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm đã vô tình tiếp tay cho những đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm “móc túi” người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm hiện tại Sở Công thương chưa tiếp nhận Biểu mẫu kê khai giá đối với các sản phẩm BioAmicus Complete và BioAmicus Vitamin K2D3 của Công ty TNHH Dược Hunmed. Doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá theo quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 của Bộ Công Thương. Trường hợp Doanh nghiệp không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn”.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó trưởng phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư T.P Hà Nội) cho biết: “Các quy phạm pháp luật của nước ta cũng đã quy định rất rõ về vấn đề “kê khai giá” cho sản phẩm “thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, giúp đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước, bảo đảm được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.

Loạn giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ -0
Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, các sản phẩm mới ngày càng mọc lên như nấm, người kinh doanh ngày càng nhiều phương thức luồn lách trên thương trường, cơ quản quản lý thị trường thì không thể quản lý hết các sản phẩm mới, sản phẩm tự phát mọc ra mỗi ngày, nhiều kiểu kinh doanh phân phối sản phẩm - các cửa hàng bán TPCN, hiệu thuốc cũng ngày càng nhiều, các hình thức bán hàng đa cấp ngày càng đa dạng, người tiêu dùng tin tưởng quảng cáo rầm rộ, có suy nghĩ “tiền nào của đó, giá tiền đi đôi chất lượng” nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đúng, nên vẫn còn một số hiện tượng “nhiều sản phẩm bán ra thị trường không kê khai giá hoặc kê khai chưa thành công nhưng vẫn được bán ra thị trường với nhiều mức giá khác nhau”. 
Hành vi bán tràn lan ra thị trường những sản phẩm TPCN/ TPBVSK chưa được kê khai giá theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án và gây ra các hệ lụy: Nếu các đơn vị kinh doanh bán theo giá tùy thích làm hàng hóa trên thị trường bất bình ổn về giá cả. Các doanh nghiệp không tiến hành kê khai giá khiến cho các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý về giá đối với mặt hàng nhạy cảm này. Đồng thời cơ quan có thẩm quyền không thể tiến hành truy xuất nguồn gốc của hàng hóa, để kiểm soát được chất lượng của sản phẩm, do vậy người tiêu dùng không những mua hàng kém chất lượng với giá cao còn ảnh hưởng đến sức khỏe “tiền mất tật mang”. 
 Nhìn nhận ở mức độ vĩ mô, việc các doanh nghiệp không tiến hành kê khai giá, đưa giá bán tùy thích, đe dọa đến trật tự an ninh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, phá vỡ các quy luật của nền kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh... Sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa theo thời gian có thể dẫn đến lạm phát. 

Trâm Anh
.
.