Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội
“Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, tôi đã gặp nhiều điều trái ngược. Nhưng, tôi tin dưới bề sâu của thế giới sống đất Thủ đô - những giá trị tinh hoa văn hóa Hà Nội vẫn trường tồn. Dẫu sao, mặc lòng, tôi vẫn nhìn thấy cốt cách văn hóa Tràng An nằm trong mạch sống của người Hà Nội...
“Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu” (Phạm Duy).
Từ xưa tới nay, có biết bao văn sĩ đã thả tâm hồn đi “tìm” Hà Nội. Và rồi, biết bao áng văn hay về Hà Nội đã ra đời. Nhưng, sự hay kia cũng có “ba bảy đường”. Hà Nội thì cứ lặng lẽ đẹp những vẻ đẹp “đầy bí ẩn” với bao lớp trầm tích văn hóa của một thành phố nghìn năm tuổi. Tôi có người bạn thân, là nhà phê bình văn chương “gạo cội”, sống giữa đất Hà thành non nửa thế kỷ. Mỗi khi tôi hỏi: sao bác không viết một cái gì về Hà Nội, ông lắc đầu, chép miệng: mình không dám viết về Hà Nội, vì rất khó “chạm” đến Hà Nội. Một người như thế mà trả lời như thế! Đủ biết, viết một cái gì cho “ra chất” Hà Nội, khó lắm thay!
Biết là khó nhưng mỗi độ thu về như trời đất hôm nay, lòng tôi cứ nao nao muốn “đưa bút” loanh quanh Hà Nội tìm một “chút Hà Nội” cho mình. “Chút Hà Nội” là gì ư? Lẽ đương nhiên là những “chút” đẹp của trời đất Hà Nội và là “chút” đẹp của những gì nằm trong cách gọi rất quen thuộc của một cụm từ có vẻ đao to búa lớn nhưng rất khó tìm cụm từ nào khác thay thế: “Văn hóa Hà thành”. Gặp “chút” nào thì lượm nhặt “chút” ấy, không sắp xếp, không định trước, miễn là đẹp, đẹp của Hà Nội và đẹp cho lòng mình.
Hà Nội bình dị đó thôi. Cốc bia hơi, bát phở, tô bún ốc, sấu, hồng, cốm... theo mùa... Mọi thứ gần gũi, thực một cách “sít sống” với đời sống hằng ngày của ta đó, mà sao mỗi thứ lại cứ như gợi lên một bầu trời xa xăm riêng của nó. Đụng vào mỗi thứ của Hà Nội như vừa nói là ta như nghe có “tiếng ngày xưa vọng nói về”. Sờ được vào cái bánh cốm Hà Nội nhưng khó mà chộp bắt cái hương hạt lúa non, cái hương của cả non nước, trời thu đất Bắc mà người Hà Nội - bằng một cách thần tình đã gửi vào trong đó. Ăn một bát phở ngon Hà Nội, thật khó mà đoán định cái mùi hương phở lan tỏa ngạt ngào trong “góc phố mùa đông” kia đã bắt nguồn từ đâu. Mùi hương phở cứ như đã bay ra từ trong sương khói câu văn của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân... để phở nối cái nghìn xưa của phở đến nghìn sau.
Kỳ lạ thay, hương phở lại làm người ăn mơ khúc “Hương xưa” của chàng Cung Tiến, đưa tâm trạng về một quá khứ nào đó có “chiều nắng tơ vàng hiền hòa”, “thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha” mà ca điệu buồn thanh nhẹ, mơ hồ, xa vắng: “Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi?/ Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?”. Ngắm một cô gái bán hàng tạp hóa nơi hẻm sâu phố cổ với gương mặt mộc - thanh tao, diệu vợi, không phấn son, không dao kéo... hồn ta phiêu bồng trở về những bóng hình thiếu nữ xa xôi trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn, trong thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... Nhìn làn khăn mỏng “lả lơi” trên vai người thiếu phụ, xõa tóc mềm dưới trời thu Hà Nội, lòng ta bỗng nhiên dìu dặt, theo nhịp sóng “Gửi người em gái” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh”. Tất cả cứ như vậy. Gần và xa, mơ và thực. Như nước sông Hồng đỏ ngầu cuộn chảy, lại như màu sương mờ trên mái phố thâm nâu... Tìm nét đẹp tinh anh văn hóa Hà Nội, chỉ cần “thô thiển” một chút là chẳng khác nào “chộp bắt tia nắng mặt trời” (chữ của L. Tolstoy). Làm cách nào để chạm được vào hồn Hà Nội? Câu hỏi ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, thách thức bao “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”.
Hà Nội là một đề tài chưa bao giờ có thể “tát cạn” của các nhà khoa học, nhà lịch sử, nhà văn hóa, nhà nghệ thuật... Văn hóa người Hà Nội nằm trong chiều dài lịch sử Thăng Long. Văn hóa người Hà Nội gửi trong nghìn năm văn vật Hà Nội. Văn hóa người Hà Nội cũng ẩn ngay trong những sự vật, sự việc sinh hoạt thường ngày trước mắt ta... Tôi đã tìm thấy cả một phong độ tự tại của người Hà Nội, nơi cụ bà tóc bạc, bán chè chén ở góc phố Tràng Thi. “Phong độ văn hóa” ấy hóa thân trong cái cách bà cụ pha trà, cái dáng khoan thai đợi cho trà ngấm, cái cách tráng chén, rót trà rất đều tay, cái cách bà cụ cẩn thận gập tư chiếc khăn thẩm màu đất, màu trà cũ kỹ đã được giặt phơi thật sạch sẽ, rồi đặt chén trà nóng lên đó mà xoay nhè nhè cho sạch chút nước còn vương sót, trước khi đưa chén trà vào tay khách. Với một chén trà thôi - bên hè phố, người Hà Nội đã âm thầm tự nhiên gửi vào đó vẻ đẹp ứng xử văn hóa của người Tràng An, mộc mạc mà tinh tế, bình dị mà thanh lịch được kết đọng tự bao đời. Ai dám bảo “chè chén vỉa hè” không chứa đựng tinh hoa văn hóa người Hà Nội?
Thật khó chạm vào hồn Hà Nội nhưng vẻ đẹp của Hà Nội gắn với từng mốc lịch sử trên mỗi chặng đường dân tộc thì luôn là sự thật rõ mười mươi. Năm nay Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. 70 năm đã là cả một đời người (nhân sinh thất thập cổ lai hi). Nhưng, tất cả vẫn còn tươi rói. Người Hà Nội kháng Pháp, người Hà Nội tiếp quản Thủ đô, người Hà Nội đánh Mỹ - với 12 ngày đêm rực lửa, người Hà Nội trụ vững trong thời bao cấp, người Hà Nội trong thời kinh tế thị trường. Tìm vẻ đẹp của Hà Nội Ngày Giải phóng Thủ đô, hãy để cho con người trở về xúc cảm phố phường rợp cờ hoa. 70 năm, hình ảnh của đoàn quân giải phóng vẫn sừng sững, uy nghi, đầy hào khí chiến thắng như đang nhịp bước giữa lòng Hà Nội bên những bó hoa của người dân Thủ đô đón chào tươi thắm, những nụ cười rạng rỡ mừng vui.
Những ngày đẹp đẽ tuyệt vời đó tô đậm thêm bề dày truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của người Hà Nội trong truyền thống mấy nghìn năm giữ nước. Niềm tự hào ấy không bao giờ phôi pha. Đọc lại mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi, ngâm lên một chút khúc “Ngày về” của nhà thơ Chính Hữu, ta gặp lại những chàng trai Hà Nội rất đỗi hào hoa lãng mạn mà cũng rất hào hùng, dũng cảm, bước chân dứt khoát, lên đường theo kháng chiến. Ai có thể quên được những ban mai: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Tiêu thổ kháng chiến, chặn đường, tiêu diệt giặc Pháp, cả Hà Nội đã “ầm ầm rung”, cả “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời”.
Người ra đi đầy hùng tâm, tráng chí, cảm hứng dạt dào. “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương/ Nguy nga sao cái buổi lên đường/ Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc” (Ngày về - Chính Hữu). Những ngày này, người Hà Nội muốn tìm lại bóng dáng cha anh trong âm vang những khúc nhạc hào hùng, muốn “lắng hồn núi sông ngàn năm” trong những bài ca bất diệt, như: “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Hà Nội yêu dấu” của Hoàng Cầm, “Hà Nội giải phóng” của Nguyễn Văn Quỳ, “Về Thủ đô” của Tô Vũ, “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, “Đêm trăng nhớ Hà Nội” của Nguyễn Đức Toàn, “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi...
Loanh quanh Hà Nội, dừng chân nhấp một ngụm trà sen bên bờ Hoàn Kiếm, ngắm áng mây trời soi đáy nước hồ Gươm, tôi ngẫm nhiều về lời ông Đại tá Dương Niết (sinh năm 1934, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia tiếp quản Thủ đô): “Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn... Tôi mong rằng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ để họ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”. Trong cái âm vang chiến thắng - như lời ông Dương Niết, đã chứa bao nhiêu máu và nước mắt của lớp lớp người Hà Nội? Có bao nhiêu chàng trai, cô gái Thủ đô đã hi sinh? Bao nhiêu ngôi nhà Hà Nội đã đổ, đã cháy?
70 năm trôi qua, Hà Nội đã bước vào nền kinh tế thị trường. Hà Nội đã mở rộng thêm nhiều quận, huyện. Nhiều khu nhà cao tầng hiện đại đã mọc khắp nơi. Hà Nội đã thông thương quốc tế. Ẩm thực Hà Nội đã thêm nhiều nhà hàng Tây, Hàn, Nhật... Hà Nội đã thêm nhiều người nói giỏi tiếng Anh. Người Hà Nội đã làm việc khắp nơi trên thế giới. Không ai phủ nhận được sự đổi thay, phát triển toàn diện của đời sống kinh tế - xã hội Hà Nội trong mấy chục năm qua. “Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, tôi đã tìm thấy được rất nhiều vẻ đẹp thật là phong phú, hấp dẫn của đời sống hiện đại ở “thành phố vì hòa bình” này, cho lòng thêm yêu Hà Nội.
Nhưng, “loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội” tôi cũng gặp dòng sông Tô Lịch - vốn là một dòng sông cổ đẹp quanh co nối với sông Hồng, lâu nay đã thành dòng sông chết, nồng nặc mùi làm ô nhiễm môi trường. Tôi cũng gặp mùi hôi thối của cá chết ở hồ Tây, rác đổ đầy bên bờ bãi sông Hồng, rác vứt bừa bãi trên những lối phố, người đi... Rất nhiều khi, tiếng chửi thề, chửi tục trên đường, nơi quán xá, trong trường học... lấn át những tiếng thưa, vâng của cô gái Tràng An.
“Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội” tôi đã gặp các bậc phụ huynh tiểu học đôn đáo chạy trường, chạy lớp cho con trong hoang mang, bế tắc. Lạ lùng thay, có thứ giáo dục “chụp giật” ở chính giữa đất Thủ đô? Chạnh lòng thương nhớ Hà Nội của thời “Quốc văn giáo khoa thư”. Cái thời trẻ em đến trường nô nức trong nhịp khoan thai, “tuần tự nhi tiến” mà hình thành dần nên những nhân cách văn hóa, hài hòa tri thức Đông - Tây, những con người có ích, đã đóng góp thật sự cho quê hương, dân tộc này.
“Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, tôi đã gặp nhiều điều trái ngược. Nhưng, tôi tin dưới bề sâu của thế giới sống đất Thủ đô - những giá trị tinh hoa văn hóa Hà Nội vẫn trường tồn. Dẫu sao, mặc lòng, tôi vẫn nhìn thấy cốt cách văn hóa Tràng An nằm trong mạch sống của người Hà Nội.
Tinh hoa văn hóa Hà Nội sẽ mai một hay ngày càng rạng ngời? Cốt cách văn hóa của người Tràng An sẽ “cùn” đi hay ngày càng sắc nhạy, tỏa sáng? “Loanh quanh Hà Nội tìm Hà Nội”, tôi đã nghe những câu hỏi như vậy xoáy giữa lòng tôi. Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào ý thức của từng công dân Hà Nội và đặc biệt phụ thuộc vào ý thức và tầm nhìn, tầm tư duy, cách khai thác, tổ chức, vận hành văn hóa của những người đứng đầu chính quyền Hà Nội.
Loanh quanh Hà Nội, lòng tôi đã mong cho người Hà Nội - như ông Dương Niết hằng mong: “Xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”. Tôi đã mong như vậy! Ấy vậy mà, hồn tôi sao vẫn cứ trào dâng một nỗi: “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”!