Loay hoay xiếc Việt
Từ lâu xiếc đã được coi như là một nghề “nguy hiểm”, đòi hỏi năng khiếu nhưng cũng phải vô cùng dũng cảm và sẵn sàng gặp rủi ro, thậm chí ở một số trường hợp có thể đối mặt với cái chết. đã có nhiều nghệ sĩ bị chấn thương nghiêm trọng, vĩnh viễn phải ngồi xe lăn, và đôi khi phải trả bằng cả tính mạng.
Vậy có ai còn dám theo nghề xiếc, và hiện nay cung có đủ cầu? Chế độ đãi ngộ đã thực sự hợp lý để thu hút nhân tài?
“Sinh nghề tử nghiệp”
Một lần, tôi gặp NSƯT Minh Vượng đang nói chuyện vui về nghề, đột nhiên chị dừng lại và hai mắt ăm ắp nước, chị bảo: “Chị vừa sang thăm Ngô Tuyết Hoàn, nghệ sĩ xiếc bị tai nạn trong quá trình luyện tập. Em ấy bị nặng quá, bây giờ phải nằm liệt rồi mà 2 vợ chồng vừa mới cưới...”. Sau đấy, tôi tìm đến thăm Hoàn tại ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể Liên đoàn xiếc Việt Nam. Nhà Hoàn nhỏ xíu như chuồng chim, từ ngày bị chấn thương, Hoàn phải nằm bất động một chỗ. Chồng Hoàn cũng là một nghệ sĩ xiếc nên anh rất thông cảm cho vợ. Vì Hoàn phải nằm liệt nên mọi sinh hoạt cá nhân anh đều phải làm cho vợ. Hoàn kể chuyện với tôi về những tai nạn trước đây về nghề mà em gặp phải nhưng đây là lần nặng nhất, lần này có nguy cơ bị liệt vĩnh viễn.
Bẵng đi 7 năm sau ngày Hoàn gặp tai nạn, tôi gặp lại tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSƯT Ngô Tuyết Hoàn ngồi xe lăn và hằng ngày trên chiếc xe lăn đấy đến phòng tập hướng dẫn cho các nghệ sĩ trẻ. NSND Tạ Duy Ánh (Giám đốc Liên đoàn Nghệ thuật xiếc Trung ương) nói: “Sau tại nạn, tuy không còn có thể sinh hoạt trở lại bình thường được nữa nhưng Hoàn vẫn rất yêu nghề, cơ quan tạo điều kiện để Hoàn làm giảng viên”.
Nói đến nghề xiếc, quả thật với tôi xiếc không quá hấp dẫn so với những bộ môn nghệ thuật khác, nhưng có một câu truyện ngắn về xiếc mà tôi đã đọc từ tuổi thơ, (tập truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam) khiến tôi bị ám ảnh. Tôi cũng không còn nhớ nổi tác giả của truyện ngắn ấy là ai nhưng đó là một câu chuyện khiến tôi vô cùng ấn tượng về một nữ nghệ sĩ xiếc thú, mà cho đến tận hôm nay khi gặp NSND Tạ Duy Ánh tôi mới biết đấy là câu chuyện hoàn toàn có thật. Câu chuyện có thật ở đất nước xa xôi đấy đã từng làm rúng động những nghệ sĩ theo nghiệp xiếc thú hồi đó.
Chuyện rằng trong đoàn xiếc có nữ nghệ sĩ chuyên dạy hổ, hằng ngày chị vẫn vào chuồng thú, cùng đùa nghịch với nó. Mỗi khi dạy “người bạn đồng hành” cùng mình xong, trước khi ra về chị thường xà xuống vuốt ve nó, thậm chí chị dựa cơ thể mềm mại của mình lên thân hình uyển chuyển, hùng dũng của chú hổ. Chị hiểu rằng để cho hơi thở và mùi của cơ thể hai bên người và vật hòa quện vào nhau sẽ làm cho chú hổ có cảm giác thân thuộc, như vậy cũng dễ dàng để cảm hóa và thuần thục loài động vật đầy tính hoang dã này. Và mỗi tối sau khi từ chuồng thú về nhà, chị lại tắm gội rồi đêm xuống nằm cùng chồng trên một tấm ga trắng phẳng phiu.
Nhưng chồng chị mỗi lần gần bên vợ, anh ta lại cau mày, nhăn trán. Mùi của con hổ đực xồng xộc khắp cơ thể vợ mình, lắm lúc nó nồng nặc đến độ anh ta có cảm giác con hổ đó đang ở trên giường chứ không phải là người vợ mình nữa. Sự hụt hẫng đó tạo nên một rào cản lớn cho hai vợ chồng. Làm sao có thể biến mất cái mùi đậm đặc của con hổ đực chết tiệt đó? Một lần sau khi đi từ chuồng hổ về lần này khác với mọi khi. Để chiều chồng, chị vào buồng tắm, ngâm mình dưới làn nước mát lạnh và mở van nước xối thật mạnh. Chị chà xát xà phòng thơm lên khắp cơ thể. Trước khi lên giường cùng chồng, lôi ra lọ nước hoa mà chị đã kịp mua để khử mùi con hổ còn vương lên cơ thể. Hai vợ chồng cùng hòa hợp ân ái. Sáng hôm sau chia tay chồng, chị nở một nụ cười mãn nguyện trên môi.
Khi chị bước vào lồng sắt, mắt con hổ vằn lên những tia giận dữ. Nó gầm lên rồi chồm tới, lao vào, những móng sắc nhọn liên tục bập vào cơ thể chị. Máu chảy ra loang lổ, ướt sũng. Nữ nghệ sĩ gục ngay xuống. Lúc người ta đưa chị ra khỏi con thú dữ, thân thể chị mềm nhũn và nhịp đập tim dần yếu ớt rồi vài phút sau thì tắt hẳn. Con hổ không chấp nhận mùi nước hoa. Nó nghĩ đấy không phải là chị hoặc là chị đã phản bội nó. Chị đã mất như vậy.
Nghệ sĩ xiếc thú người Nga đó đã mất từ lâu, nhưng tiếp tục những năm tháng sau này nhiều nghệ sĩ xiếc thế giới cũng đã ra đi vì nghề. Ngay vào đầu năm 2018, nghệ sĩ xiếc người Nga Anton đã ngã từ độ cao 6 m khi đang trình diễn với người anh em song sinh của mình. Cú chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu và tủy sống là cơ nguyên khiến 3 tháng sau anh mãi mãi ra đi. Cũng chịu cảnh tương tự, nghệ sĩ Yann Arnaud (38 tuổi) của đoàn xiếc danh tiếng Cirque du Soleil (Canada) đã ngã từ trên cao trong khi đang biểu diễn tiết mục đu dây từ trên không và tử vong ngay sau đó. Yann Arnaud không phải phải là người duy nhất thiệt mạng trong lúc trình diễn của đoàn xiếc danh tiếng Cirque du Soleil (Canada) mà trước đấy, năm 2013, nữ nghệ sĩ nhào lộn trên không Sarah Guyard Guillot đã mất ngay khi trình diễn đu dây tại Las Vegas. Tất cả các nghệ sĩ qua đời đều là những nghệ sĩ lâu năm và dầy dạn kinh nghiệm.
Ở Việt Nam, nghề xiếc cũng được xếp vào danh sách nghề nguy hiểm. Cách đây mấy năm, một nghệ sĩ xiếc khi đang biểu diễn ở Hà Nam đã bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng mặt khi anh cho đầu vào miệng cá sấu. Người nghệ sĩ phải trải qua một ca phẫu thuật đau đớn nhưng dung mạo đã bị biến đổi. Ngay cả “hai hoàng tử xiếc” Quốc Cơ- Quốc Nghiệp cũng đã từng bị chấn thương và tưởng chừng như có lúc phải giã từ sàn diễn. Năm 2009 khi đang biểu diễn tiết mục chồng đầu đã làm nên danh tiếng, Quốc Nghiệp đã bị chấn thương ở phần cổ và bác sĩ khuyên anh để giữ tính mạng thì nên bỏ nghề. Nhưng anh vẫn say nghề và dấn thân đến cùng, tiếp sau đó là đốt sống cổ bị vẹo, bác sĩ đã tiên đoán khả năng bị liệt rất cao nhưng nhờ sự say nghề và kiên trì rèn luyện đến cùng nên hai anh em đã có những thành tích vang dội như ngày hôm nay.
Tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trường hợp nghệ sĩ bị chấn thương rất nhiều: Trần Ngọc Mỹ Hạnh, Lê Văn tài, Lan Hương, Bùi Nhị Linh, Dương Lệ Quyên, NSƯT Ngô Tuyết Hoàn, NSƯT Kim Hạnh... Những chấn thương xiếc có thể dẫn người nghệ sĩ đến tàn phế, ngồi xe lăn, vẹo cột sống, bị liệt... Vào năm 2015, vụ 12 diễn viên xiếc đang công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam xin nghỉ việc tập thể đã gây nên nhiều ồn ào. Con đường theo nghệ thuật xiếc thật lắm gian nan, vậy cho đến giờ có còn ai muốn theo nghề này?
Khó khăn từ khâu tuyển sinh…
Ông Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kĩ Việt Nam, chiếc nôi đào tạo những nghệ sĩ xiếc, nằm ở khu Văn Công - Mai Dịch - Hà Nội, cho biết: mỗi kì tuyển sinh ở vòng sơ tuyển gửi ảnh qua mạng có đến 6.000 cháu tham gia tuyển, sang vòng chung tuyển lấy còn 400 cháu. Qua các khâu đỗ vào trường còn 50 cháu mỗi khóa. Và khoá học đấy đến khi học xong ra trường giảm xuống còn một nửa. Con gái chuyên ngành xiếc tuyển từ 11 đến 13 tuổi. Chuyên ngành tạp kĩ thì tuyển từ 11 đến 15. Con trai thì 11-18. Số tuổi chênh nhau nên em 11 đến em 18 lại học cùng một khóa.
Tuyển làm 3 vòng. Vòng thứ nhất là chỉ tuyển hình thể. Nghề xiếc đòi hỏi ngoại hình tay phải thẳng, vóc dáng cân đối, khuôn mặt ưa nhìn. Khi trúng tuyển vòng 1 rồi thì lại phải hẹn tất cả về tập trung tại trường để tuyển vòng chung tuyển. Vòng chung tuyển mới xem kĩ hơn về tỉ lệ. Tỷ lệ giữa lưng và chân, chân có dài không hay chân ngắn quá. Hoặc là xem những cái cụ thể là vai cháu có cứng không, cột sống có vẹo không. Trên cơ thể không được có sẹo, kể cả sẹo mổ ruột thừa. Nhiều cháu mặt rất xinh nhưng dáng đi lại tập tễnh nên cũng đành đánh trượt…
Ông Ngô Lê Thắng cho biết: “Tuyển những cháu lớn nhiều khi thấy các cháu rất đẹp, nhìn rất thích nhưng cháu lại xăm một hình to tướng trong người. Như vậy phải loại ra”. Công đoạn cuối cùng là sau khi trúng xong hết, lúc ấy nhà trường mời bác sĩ trực tiếp về trường để khám sức khỏe tổng thể. Xảy ra một tình trạng trong mấy năm trở lại đây thành một hiện tượng, do xã hội phát triển các cháu nhỏ tiếp xúc với công nghệ từ sớm quá, rất nhiều cháu đến khi khám sức khỏe lại trượt vì mắt có 3/10 với 5/10. Mắt cận, mắt viễn, loạn thị những bệnh mà những năm gần đây rất hay bị.
Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng kể: “Nhiều cháu đang học nhưng vì lý do khách quan mà cũng phải buộc thôi học. Một cháu đang học xiếc bị đau ruột thừa, với người bình thường thì không sao, nhưng ở xiếc mà mổ ruột thừa như thế thì gia đình phải cho về rồi. Vì cháu mổ ruột thừa xong bác sĩ ghi vào y bạ: “Tránh vận động 6 tháng”. Xiếc thì làm sao mà đúp được, vì đang tập 1 tiết mục 7 người với nhau, mà 1 bạn lại nghỉ 6 tháng, thì các bạn kia tập đến chỗ nào rồi? Còn đợi cho xong 6 tháng để vào khóa sau cũng không được. Hoặc là cận thị, loạn thị vào trường học vài năm đến tuổi phát triển sinh lý mới bị, nhưng số đấy ít. Chủ yếu các cháu đang học phải về là do không phát triển được năng khiếu.
Có học sinh thì rất có năng khiếu, ham học, nhưng bố mẹ lên lại ép về không cho đi học nữa. Hỏi làm sao lại như vậy? Thì ra là không chịu được áp lực. Cha mẹ bắt về, con khóc tức tưởi xin ở lại. Nhà trường cũng không can thiệp được, vì ở độ tuổi ấy vẫn phải chịu sự quản lý của bố mẹ”.
… cho đến tương lai của nghề xiếc
Thực trạng xiếc Việt bây giờ xã hội hóa tốt, những năm gần đây trường xiếc đào tạo ra cung không đủ cầu. Hiện nay, nhiều khu du lịch được mọc lên như nấm, từ Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... kéo theo đó là các công ty tư nhân nghệ thuật có nhu cầu tìm nguồn về xiếc để hoạt động trong các khu vui chơi giải trí. Ông Thắng còn cho biết, có trường hợp vài năm trở lại đây, học sinh thi tốt nghiệp xong từ cuối giờ sáng thì ngay đầu giờ chiều các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã trực sẵn, mua vé cho học viên đó bay luôn vào trong miền Trung, miền Nam, vào đoàn của người ta.
Ông Thắng quả quyết: “Thậm chí đấy còn là vấn đề, nếu không có chế độ ưu đãi nhất định thì những đơn vị nghệ thuật nhà nước không có người để mà nối tiếp, chứ không phải học sinh ra trường xin không được việc đâu. Những công ty nghệ thuật tư nhân, các đoàn nghệ thuật, hay các chương trình nghệ thuật của các khu vui chơi giải trí này nhận học sinh vừa mới ra trường là người ta nuôi ăn, cho chỗ ở, và lương cứng học sinh vừa mới tốt nghiệp ra trường, họ trả 16 triệu. Lương trong đơn vị nghệ thuật nhà nước thì 3 triệu, 5 triệu thì làm sao có người về?”.
Theo ông Thắng, tâm lý trẻ con thích bay nhảy, làm nghệ sĩ ở trong khu resort chế độ thì sướng, lương cao. Mấy năm gần đây để giữ người lại là khó. Mà các công ty tư nhân họ tự liên hệ với học viên. Trường chỉ có trách nhiệm đào tạo nghệ sĩ cho xã hội, chứ không phải là cho một đơn vị nhà nước cụ thể nào.
Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng nói: “Ra trường học viên về đâu là việc của cá nhân học viên đó, nhà trường không can thiệp được. Nếu như không có chế độ chính sách tốt, nếu nói là chảy máu nhân tài thì hơi quá, nhưng những em có khả năng là sẽ ra ngoài làm hết. Nhất là nghệ thuật xiếc, thầy giáo già con hát trẻ. Diễn viên phải trẻ, phải sung, thì mới cống hiến được. Chứ diễn viên nhào lộn xiếc ngoài 30 tuổi thì nhào làm sao được nữa.
Còn theo NSND Tạ Duy Ánh thì,“các nghệ sĩ xiếc phải vất vả khổ luyện, nguy hiểm luôn rập rình thậm chí có thể phải đối mặt với chấn thương, và thậm chí đánh đổi bằng tính mạng nhưng cho đến nay vẫn chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý. Ở Liên đoàn xiếc Việt Nam có quy định mới là không có chỉ tiêu kí hợp đồng lao động dài hạn, không được trả bảo hiểm cho các học sinh mới ra trường. Kí hợp đồng lao động không thời hạn như ngày xưa thì không kí nữa, mà chỉ kí hợp đồng ngắn hạn. Việc chảy máu chất xám về nhân lực khi đồng lương thu nhập của các nghệ sĩ xiếc còn quá thấp là một bất cập. Nhà nước cần xem xét lại chế độ chính sách đối với lĩnh vực đặc thù của nghệ sỹ xiếc”.