Lợi dụng hình ảnh bất nhân để câu view trên mạng xã hội: Thị hiếu đáng báo động!
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước loạt clip về cô gái có tên Đ.T (hay còn được gọi là “cô gái đi bộ”), có vẻ ngoài ngây ngô, bất cần… được tài khoản có tên S.M thường xuyên chia sẻ lên nền tảng mạng xã hội Tik Tok. Đó là một trong những vụ việc điển hình cho thấy một xu hướng xấu mà giới trẻ bất chấp để câu view trên mạng xã hội.
Không chỉ dừng lại ở những clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, một bộ phận giới trẻ hiện nay còn bất chấp những giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa… lợi dụng những người có vấn đề về tâm thần để trục lợi, quay clip câu view với mục đích thu hút sự tương tác, quan tâm của người dùng mạng xã hội, xưng danh “Idol”. Những sự việc này cũng đặt ra vấn đề đáng báo động về thị hiếu của người dùng mạng hiện nay: chỉ thích những thứ giật gân, câu khách.
Sự nổi tiếng bất đắc dĩ của “Idol Tik Tok”
Trong các clip có nội dung về “cô gái đi bộ” Đ.T, cô có những chia sẻ về chuyện tình yêu, thực hiện những hành động lạ, hoặc đôi khi vừa đi vừa độc thoại, đáp vài câu với người quay hình. Với những đoạn clip tưởng như vô thưởng vô phạt của cô gái này, tài khoản S.M dễ dàng thu hút gần 10 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn. Tiếp đó, từ những clip của S.M, nhiều tài khoản khác đã sử dụng lại để cắt ghép, gây tiếng cười. “Em muốn uống cho thật say, để quên hết sự đời”, câu nói của cô gái trẻ được nhiều Tik Toker sử dụng, cắt ghép trở thành hiện tượng trên Tik Tok.
Đáng nói, sự nổi tiếng bất đắc dĩ này lại không hề nằm trong tầm kiểm soát hay một kế hoạch bài bản mà Đ.T vạch ra, khi bản thân cô chỉ là nạn nhân, trò đùa cợt của những “idol Tik Tok”.
Sau khi Đ.T phát hiện nổi tiếng trên mạng xã hội, một người thân của Đ.T là Q (ở Rạch Giá, Kiên Giang) đã lên tiếng cầu cứu. Q cho biết, Đ.T (22 tuổi) là em họ mình, bị bất ổn thần kinh và thường đi lòng vòng trong xóm, nói chuyện một mình. Thấy Đ.T bị quay lại, phát tán lên mạng xã hội, Q buộc lên tiếng để mọi người ngưng chế giễu, dừng hành động chia sẻ hay “chế” thêm bất cứ clip nào. Sau lời khẩn cầu từ người thân của cô gái trẻ, chủ tài khoản S.M đã lên tiếng thừa nhận là hàng xóm và là người ghi clip về cô gái. S.M cho biết sau khi nói chuyện với gia đình cô gái, anh đã gỡ bỏ toàn bộ clip gây tranh cãi trên, đồng thời mong cư dân mạng ngừng chỉ trích bản thân mình.
S.M cũng phủ nhận việc ép Đ.T quay clip, mớm lời quay hình. “Bạn ấy không thể đủ nhận thức để nghe mình hướng dẫn rồi nói theo ý mình được, tất cả các đoạn clip đều là T tự nói ra. Sau khi chị họ T lên tiếng, mình đã gỡ hết clip", S.M nói.
Những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook và đặc biệt là Tik Tok trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho giới trẻ vốn hiếu kỳ khai thác. Không chỉ là môi trường sáng tạo, nơi giải trí thư giãn, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh… đây còn là nơi đem lại tài chính bằng cách trả tiền cho những sản phẩm đăng tải thông qua việc quảng cáo hiển thị trên các video, trong nội dung clip.
Với thao tác tải và sử dụng dễ dàng, thời gian vỏn vẹn vài chục giây, cùng với sự bắt mắt về hình ảnh, nhạc nền sôi động, nội dung “bắt trend”, giới trẻ đã biến nhiều bạn trẻ trở thành “idol Tik Tok” chính hiệu. Tuy nhiên, thay vì chọn cách đưa thông tin giá trị, có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung, hình ảnh… một bộ phận lại lựa chọn con đường câu view khi sáng tạo nên những nội dung nhảm, xấu độc… đi trái với thuần phong mỹ tục.
Báo động tình trạng bất chấp đạo đức để câu view
Dạo một vòng quanh nền tảng ứng dụng này, việc bắt gặp clip người trẻ diện đồ ngắn cũn nhảy múa, ngôn ngữ dung tục… trở thành điều bình thường, thậm chí lỗi thời. Giờ đây, “kim chỉ nam” của một bộ phận TikToker không còn dừng lại ở nhảm, xấu mà còn xuất hiện thêm những hình thức trục lợi câu view trên nỗi đau người khác, tung tin nhảm, cắt ghép hình ảnh sai sự thật.
Một tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc nữ diễn viên Thái Lan Tangmo Nida (phim “Chiếc lá cuốn bay”) tử nạn trên sông Chao Phraya. Điều đáng nói, tối 1-3 loạt ảnh chụp cận cảnh thi thể không tấm vải che chắn, lộ cả mặt của nữ diễn viên này bị chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Những tấm hình xuất phát từ một vài tài khoản Instagram, sau đó dần sang Facebook và Tik Tok. Sự tò mò của độc giả về cái chết của Tangmo Nida, cùng với sự vô cảm, lợi ích cá nhân của những người lan truyền hình ảnh đã khiến hình ảnh thi thể nữ diễn viên xuất hiện tràn lan.
Hành động không tôn trọng người đã khuất, bỏ mặc lời cầu xin, nỗi đau của phía người thân người gặp nạn, câu view bất chấp đạo đức của một bộ phận khán giả Thái - Việt khiến nhiều người phẫn nộ. Rất nhiều fanpage kêu gọi khán giả ngừng việc chia sẻ, đồng thời chung tay báo cáo tài khoản đăng ảnh, ngăn chặn, lên án bài trừ của những “con kền kền trên mạng" này.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc xuất hiện nhiều chiêu trò câu view bất chấp đạo đức thuộc về vấn đề nhận thức, văn hóa, kinh tế, và cả triết lý sống của một nhóm người trong xã hội hiện nay. Đó là những kẻ ích kỷ cá nhân, luôn đặt quyền lợi của bản thân lên trên và sẵn sàng làm đủ mọi cách để có thể đạt được mục đích. Bên cạnh đó, những clip diện đồ hở hang, phản cảm, những phát ngôn gợi dục, trào lưu vén áo lắc hông… không còn “sức hấp dẫn” để khiến người xem phải kích vào nên buộc những người làm clip phải chuyển hướng, tìm nội dung gây sốc khác.
“Tâm lý của con người là thích mới, lạ, độc đáo… việc mặc đồ hở hang nhún nhảy, phát ngôn gợi dục… đã “quá no, quá chán” nên giờ đây khán giả chỉ lướt qua, không còn truy cập. Để phát triển, họ phải lợi dụng sang một tâm lý khác, trạng thái khác để kiếm lời, ví dụ như những trường hợp bị tai nạn, bị thần kinh, bệnh xã hội… để đưa ra tin giật gân, câu view, thậm chí bịa đặt cắt ghép hình ảnh. Một bộ phận người trẻ hiện tại kiếm ăn trên mạng xã hội, luôn tìm ra cách thể hiện mới thu hút sự chú ý cộng đồng mạng, càng truy cập, chia sẻ thì họ càng kiếm ra tiền nên họ sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm của người khác, vi phạm luật pháp để thực hiện mưu đồ của mình”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho hay.
“Đừng vì bộ lông của mình mà làm ngơ trước nỗi đau đồng loại”
Ngoài việc lợi dụng nỗi đau của người khác, một bộ phận còn tung tin giả, cắt ghép câu chuyện xứ người biến thành chuyện xứ ta, tạo nên những sự việc mang tính bịa đặt để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, đáp ứng thị hiếu dư luận, tăng người theo dõi, hưởng ứng… Nhiều nghệ sĩ Việt đã trở thành nạn nhân của những “con kền kền” kiểu này. Cứ dăm bữa nửa tháng, mạng xã hội lại xuất hiện thông tin có tựa đề như “nghệ sĩ A qua đời”; “nghệ sĩ B nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đồng nghiệp đang cầu nguyện”; “nghệ sĩ C qua đời tại Mỹ, để lại khối tài sản 1 triệu USD”… Để tăng thêm độ tin cậy, những kẻ tung tin còn cắt ghép hình ảnh các sao nằm viện, ghép ảnh tang lễ… một cách vô nhân tính.
"Có mấy người nhắn tin hỏi thăm em thực sự chết chưa, vì ngày nay trên các kênh Youtube họ báo Thúy Nga đã chết tại Mỹ và gia tài để lại 1 triệu đô luôn. Cứ lâu lâu đồn chết miết, vui hết biết", "Cứ bị Youtube làm video đồn tôi chết hoài, mấy hôm nay bị khán giả hỏi chết chưa mãi"…. Thúy Nga từng lên tiếng khi liên tục bị đồn qua đời tại Mỹ.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết những thông tin trên đánh trúng vào tâm lý tò mò, kích thích con người truy cập vào đường link để tìm hiểu. Thậm chí, ngay cả những người tạo ra tin giả cũng có những “thú vui riêng” của mình, chưa kể tới việc bỏ túi khoản tiền kha khá nhờ mạng xã hội. Dù đã có luật an ninh mạng, các bộ luật, văn bản nhưng một bộ phận vẫn sẵn sàng vi phạm bởi hiện nay có rất nhiều vấn đề mà nhà quản lý an minh mạng chưa thể xử lý ngay và xử lý hết được. Trong khi đó, nhiều người lợi dụng kẽ hở, luồn lách pháp luật nên nếu bị “sờ gáy” cũng chỉ phạt hành chính vài triệu đồng.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube đều có quy định về nội dung clip đăng tải. Dù vậy, các nền tảng này vẫn còn khá nhiều clip vi phạm, do quy trình kiểm duyệt nội dung clip đăng tải lên mạng xã hội vẫn còn nhiều kẽ hở. Theo luật sư Trần Minh Hùng, các tổ chức này cần quy định cụ thể các điều kiện, chuẩn mực của nội dung thông tin trước khi cho phép chúng được chia sẻ lên mạng xã hội.
Cần phải nâng cao việc giám sát, kiểm tra kỹ từng nội dung clip trong khâu kiểm duyệt. Hơn hết, chế tài xử lý cần phải nghiêm khắc hơn, có thể cân nhắc đến việc cấm tài khoản vi phạm đăng clip lên mạng xã hội trong khoảng thời gian dài nhằm mục đích hạn chế tối đa nội dung không chuẩn mực, vi phạm quy định đăng tải, chia sẽ rộng rãi đến mọi người.
Theo Điều 32, Bộ luật dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh. Ngoài ra, Điều 34, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp, những cá nhân này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc ghi hình ảnh của họ phải được sự đồng ý của người giám hộ theo pháp luật. Mục đích của việc ghi hình này không được dùng để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người đó. Ngoài hành vi trên, pháp luật nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn hay thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, …
Những đoạn ghi hình, clip có nội dung lợi dụng sức khỏe, vấn đề tâm thần của người khác hay các đoạn ghi hình cận cảnh cái chết, tai nạn kinh dị của người khác,… để thu hút nhiều người vào xem. Hành vi này đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP, người có hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp, việc cung cấp, chia sẻ các đoạn ghi hình, clip có nội dung, tính chất, mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.