Mắt nắng rừng hoa Tây Yên Tử

Thứ Năm, 08/02/2024, 09:56

Xe chúng tôi đi trong hun hút đường đèo quanh co hướng về thị trấn Tây Yên Tử (xã Tuấn Mậu, Sơn Động, Bắc Giang). Từ ngàn năm trước, đây là vùng lõi có đường bộ ngược dốc duy nhất lên đỉnh núi Yên Tử (chừng hai canh giờ). Theo lịch sử ghi lại, nơi khởi phát của Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng chính từ đây lên tới chùa Đồng. Bởi con đường phía đông Yên Tử (Quốc lộ 18) mới hình thành khi thực dân Pháp tới.

Nghe âm vang dậy sóng Bạch Đằng

Người chúng tôi gặp đầu tiên tại bản Mậu thuộc thị trấn là cô giáo Triệu Thị Xoan. Cô là người Dao dạy học ở tại xã Tuấn Mậu và thuộc vùng rừng núi Tây Yên Tử trong lòng bàn tay. Cô cho biết giờ có ba bản mới nhập vào bản Mậu nằm rải rác trên vùng chân núi Tây Yên Tử. Quả nhiên khi đứng tại đền Hạ chúng tôi đã nhìn thấy chùa Đồng lấp ló trên đỉnh núi cao 1.068 mét.

Xa xa những bông hoa chuối xòe cánh đỏ au bên vườn cây xanh um. Thật đúng cảnh sắc hữu tình: “Bồng bềnh sương vườn dâu chon von/ Mênh mang xanh lam ôm rừng thơm/ Chim gù ru bay nghiêng chuồn chuồn/ Giàng Sao vờn mây buông cô thôn”. (Lời dân ca Dao - Xuân Yến). Cô giáo Xoan say sưa nói, sau hai lần đánh đuổi quân Nguyên trong thời gian trị vì đất nước (1279-1293), Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai rồi xuống tóc đi tu. Khi đó ngài yên tâm và cảm thấy: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. (Trần Trọng Kim dịch). Ngài trọn một đời tâm nguyện hướng Phật trên đỉnh núi cao.

Mắt nắng rừng hoa Tây Yên Tử_ANTG tet_trang33 -0
Chùa đồng Yên Tử.

Nơi ngài về không đâu khác chính là vùng địa linh, không bao xa quê hương gốc tích họ Trần ở Yên Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Hướng Nam nơi ngài thiền trong am Ngọa Vân chính vì lẽ đó. Hiện lăng tẩm Trần Thái Tông và Thánh Tông… đều ở Yên Sinh. Cũng từ trên núi cao này mọi người có thể hướng về non sông biển cả phía Đông và hướng Bắc. Vẫn còn đó âm thanh cuộn sôi trên sóng Bạch Đằng, tại khu Đò Rừng (Quảng Yên - Quảng Ninh). Đại quân thủy chiến giặc Nguyên đã tan tác dưới những bãi cọc bịt sắt. Chiến thắng đánh tan giặc Nguyên xâm lược lần thứ ba đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Nhà vua Trần Nhân Tông là biểu tượng anh hùng cùng với danh tướng Trần Hưng Đạo làm nên chiến thắng vang dội muôn đời. Ngài cởi áo hoàng bào lên Yên Tử (năm 1299) với ý tưởng lớn lao: “Làm Vua chỉ chăn dân trăm họ - Làm Phật cứu độ cả muôn loài”.

Phật hoàng Trần Nhân Tông lấy pháp tu thiền để đạt đạo. Nhưng pháp thiền của ngài không bao giờ tách biệt cuộc đời. Chính vì thế ngài trở thành Thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sống trong sự tĩnh lặng của núi non, cỏ cây cùng mây bay trùng điệp hồn thơ của ngài luôn an yên thanh tịnh. Những áng thơ thiền Trần Nhân Tông hàm súc và tươi sắc thanh tân. Đặc biệt những bài thơ xuân của ngài để lại những dấu ấn khó quên. Một cảm giác thơi thới nét hoang liêu: “Ngủ dậy ngỏ song mây/ Xuân về vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng. Phất phới sấn hoa bay”. (Sớm xuân - Ngô Tất Tố dịch).

Bên cạnh đó còn có sự thức ngộ rộn ràng trong bản ngã: “Thuở trẻ nào hay lẽ sắc không/ Mỗi xuân tâm rộn vạn hoa lòng/ Đông Hoàng bản mặt nay đà ngộ/ Chiếu cọ thiền xem rụng đóa hồng”. (Chiều xuân - Đông A dịch). Đặc biệt với chiêu thức vô ngôn, thơ Trần Nhân Tông gieo sự bâng khuâng với sắc xuân bất chợt trong lòng người: “Năm ngày ngại rét, lười ra cửa/ Gốc lẻ nào ngờ đã gió xuân/ Mặt nước băng tan, cây bóng ngả/ Đầu cành hoa trĩu, ấm chưa phân/ Trăng chìm xóm núi, lời ca bổng/ Mây ướt quan hà, tiếng sáo ngân/ Lạc tới chiêm bao, hoa một nhánh/ Muốn đem tặng bạn, khó vô ngần”. (Hoa mai sớm kỳ 2 - Trần Lê Văn dịch).

Mắt nắng rừng hoa Tây Yên Tử_ANTG tet_trang33 -0
Lễ hội Tây Yên Tử.

Cô giáo Triệu Thị Xoan còn kể cho chúng tôi nghe một huyền thoại đầy thi vị giữa vua Trần Nhân Tông và sự hình thành bản người đẹp bao đời nay. Từ lâu bản Mậu được mệnh danh toàn người đẹp mang dòng giống của cung tần mỹ nữ nhà Trần. Chuyện kể, khi Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông quyết định lên núi tu thiền, triều đình đã cho hàng trăm phi tần đi theo hầu hạ. Đường đi điệp trùng núi non hiểm trở, Thái thượng Hoàng đâu muốn điều đó. Tới lưng chừng núi Yên Tử ai nấy đã mỏi mệt rã rời, có người còn ngất xỉu. Thái thượng hoàng đã khuyên các cô gái trở về quê lấy chồng và làm ăn sinh sống. Rồi ngài cho phép mọi người xuống núi. Những người đẹp chia làm hai đoàn. Một nửa xuống chân núi phía Đông (đất Quảng Ninh), số còn quay về chân núi phía Tây (đất Bắc Giang).

Những phi tần mỹ nữ này sống rải rác quanh hai vùng chân núi. Họ được trở về cuộc sống bình dân và hạnh phúc với gia đình của mình. Từ đó những người con gái được sinh ra ở đây đều mang nét phi tần xinh đẹp di truyền bao đời nay nên ai cũng nõn nà tươi như hoa rừng chớm nở. Bản Mậu nổi danh là nơi có nhiều người đẹp được chọn vào cung vua. Câu chuyện cổ tích ấy chứa đựng sự giàu có của thiên nhiên hòa đồng với con người. Nơi non xanh thủy tú mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã miêu tả: “Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày/ Thềm hoa chiều rợp, bóng mây bay/ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế/ Cùng tựa lan can ngắm núi mây”. (Xuân cảnh - Huệ Chi dịch).

Tay trong tay ríu ran ngày hội

Câu chuyện về những người đẹp bản Mậu cuốn hút chúng tôi sau tâm sự của cô giáo Triệu Thị Xoan. Con gái ở đây xinh hay không cô đều biết vì hầu hết đều là học trò của cô hàng chục năm qua. Rồi bất chợt cô kể một loạt danh hiệu người đẹp mà các cô gái đã đoạt giải cho làng. Chúng tôi ngỡ ngàng vì danh sách được công bố khá dài. Cô giáo Xoan sôi nổi kể, nào là em Bùi Thị Giàng đoạt danh hiệu Người đẹp phía Bắc; rồi tới “Hoa hậu Hoa Cúc” Trịnh Thị Hương năm 2007; lại nữa người đẹp Huyền Trang giành danh hiệu Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model - 2010); còn nữa, người đẹp Trịnh Thị Huyền và Trịnh Thị Tuyết nhận danh hiệu “Người đẹp thân thiện” của Bắc Giang - 2012…

Rồi cô nhấn mạnh rằng xã Tuấn Mậu này xưa có tên gốc là Tuấn Mẫu (Người mẹ đẹp) là vì thế. Con gái bản Mậu vừa đỏm đáng lại hát hay và khéo tay thêu thùa. Nói rồi cô cất tiếng hát như đang vào lễ hội: “Nào nhảy đi nhịp bước em tôi/ Vũ điệu tình ru mời ru gọi/ Tay trong tay ríu ran ngày hội/ Lòng thầm mơ loan phượng thành đôi”. Cô kể đó là lời hát của người bạn trai đã mời cô vào vũ hội bên nhà sàn văn hóa ngày nào. Lúc này hai má cô đỏ ửng như sắc cánh hồng xòe nở.

Mắt nắng rừng hoa Tây Yên Tử_ANTG tet_trang33 -0

Để kiểm chứng thêm cho sự bí ẩn về sắc đẹp của những thiếu nữ bản Mậu, chúng tôi được cô giáo giới thiệu tìm đến trưởng thôn Triệu Hữu Đoàn. Vừa nhắc tới chuyện này lập tức trưởng thôn bản Mậu đã ví von bằng câu thành ngữ truyền miệng dân gian “Nếp làng Gà, đàn bà Tuấn Mậu”. Nghe thế chúng tôi bỗng thấy mùi thơm xôi nếp hương dậy nức mũi. Anh Đoàn cười sảng khoái rồi nói có nhiều tích về người đẹp bản Mậu lắm. Chả phải đâu xa ngay tại trước cửa nhà văn hóa bản Mậu cách đây không lâu còn có một cái giếng nước trong vắt, uống mát lịm và ngọt dịu. Ngày còn chưa làm con đường 293 đi qua xã, con gái bản Mậu thường tắm ở đó.

Phải nói nguồn nước suối Yên Tử như có phép tiên. Nước da đàn bà, con gái ở đây ai cũng trắng nõn. Thêm được dáng người dong dỏng thon thả làm khối chàng trai chết mê mệt. Lại có thời nhiều người ở các xã khác hay tin đều mò tới tìm vợ. Nhiều cô xinh nhất nhì trong bản lần lượt lấy chồng nơi khác làm con trai bản Mậu tức mà không làm gì được. Một số người tìm cách phá nguồn nước giếng. Họ đào núi lấp mạch nguồn. Thậm chí có người còn lấy máu chó đổ xuống giếng. Từ đó giếng cạn dần và ô nhiễm, rồi phải lấp.

Nhưng con gái bản Mậu vẫn cứ sắc nước hương trời. Vì không còn giếng tiên thì họ tắm ở suối hồ trong rừng. Những thung lũng mưa luôn tràn ngập nguồn nước trên Yên Tử đổ về. Trai gái ở đây vẫn “Páo dung” (hát giao duyên) với nhau trong hội thôn rằng: “Gió xạc xào muôn giọt rơi rơi/ Cơn mưa ngọt ủ mầm tình ái/ Em bồi hồi hồn nhiên vụng dại/ Sấm ầm gì vang động rừng mơ”. Chúng tôi quả thực rất ngạc nhiên về những câu hát cuốn hút với những hình ảnh tình tứ của người Dao đến vậy.

Anh Đoàn còn cho biết thực ra trong cánh rừng dưới chân núi Tây Yên Tử còn có một hồ nước lớn nằm sâu dưới lòng đất. Các nhà khảo sát đã đo được hồ nước dài cả cây số và chiều rộng tới 40 mét. Cửa khai nguồn nước chính là giếng bản Miếu Thán. Phải chăng mạch nước ngầm bí ẩn này chính là nước thánh làm cho các cô gái bản Mậu có mái tóc dài đen bóng cùng nước da như trứng gà bóc chăng?

Vương Tâm
.
.