Mở cửa du lịch quốc tế để đón cơ hội vàng

Thứ Năm, 24/02/2022, 12:26

Dự kiến từ ngày 15-3 tới, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa với khách du lịch quốc tế. Ngày 21-2, Tổng cục Du lịch thông tin những điểm mới nhất trong phương án đón khách quốc tế.

Đây là đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. Trong đó quy định du khách có thể đến Việt Nam bằng đường bộ, đường biển và các chuyến bay quốc tế thường lệ, thay vì chỉ đường hàng không như thí điểm.

Sẽ có nhiều quy định thông thoáng

Về quy định nhập cảnh, du khách từ 12 tuổi đến Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc khỏi bệnh. Kết quả xét nghiệm âm tính nCoV là bắt buộc, song công nhận phương pháp test nhanh trong 24 giờ và RT-PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị COVID-19, mức tối thiểu giảm xuống còn 10.000 USD thay vì 20.000 USD như thí điểm giai đoạn 2.

Mở cửa du lịch quốc tế để đón cơ hội vàng -0
Khi mở cửa, du khách có thể đến Việt Nam bằng đường bộ, đường biển và các chuyến bay quốc tế thường lệ

Sau khi nhập cảnh, du khách đi bằng đường hàng không xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú và nhận kết quả trong 24 giờ. Khách đi đường bộ, đường biển xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu. Trẻ dưới 12 tuổi, người già trên 65 tuổi chưa tiêm vaccine có thể nhập cảnh, song phải đi kèm người giám hộ và áp dụng quy định xét nghiệm, mua bảo hiểm y tế. Sau khi âm tính, có thể du lịch tự do, trường hợp dương tính cách ly, điều trị.

Du khách cần cài đặt ứng dụng về COVID-19 và kết nối liên tục trong thời gian ở Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất miễn thị thực nhập cảnh giống như trước năm 2020.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, chính sách thị thực cởi mở sẽ thu hút du khách trở lại. Quy định về thị thực, ứng dụng khi nhập cảnh sẽ được Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao công bố sau. Theo ông Khánh, du khách sau khi vào Việt Nam có thể du lịch như khách nội địa theo quy định, là không cần xét nghiệm trừ trường hợp điều tra dịch tễ đến từ vùng 3 và 4 của Việt Nam. Hiện nay các địa phương được yêu cầu công bố mở cửa hoạt động du lịch và đón khách theo từng cấp độ dịch. Ông Khánh cho biết đang phối hợp cùng các địa phương kiểm tra, khắc phục lại cơ sở vật chất có thể xuống cấp sau 2 năm, nhằm đảm bảo phục vụ khách du lịch. Đồng thời ngành du lịch tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo, áp dụng chính sách hỗ trợ để thu hút lại nguồn lực.

Địa phương, doanh nghiệp du lịch đang mong từng ngày

Tháng 11-2020, Việt Nam đã triển khai thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định. Tính đến cuối tháng 1-2022, Việt Nam đón 8.900 du khách quốc tế. Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những điểm đến được du khách nước ngoài tìm kiếm và mong muốn trải nghiệm, khám phá.

Tại cuộc Tọa đàm "Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" tổ chức cuối tuần trước tại tỉnh Bình Định, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.

Theo ông Bình, người dân khát khao mở cửa lại du lịch không chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà còn để phát triển đời sống, kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí riêng của ngành mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước và cũng cho thấy năng lực của các bộ, ngành trong việc đáp lại ý chí đó.

"Tới thời điểm này, trách nhiệm đang đặt lên vai các doanh nghiệp du lịch, phải chứng minh chính sách mở cửa là đúng đắn. Chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn", ông Bình nói.

Hiện nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị cho phương án mở cửa toàn diện đặc biệt với thị trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã chủ động xây dựng chiến lược, chương trình mở cửa phục hồi để thu hút mạnh mẽ khách du lịch với quyết tâm đón tối thiểu 9,53 triệu lượt khách, phấn đấu cao nhất để đạt 10 triệu lượt trong năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt.

Còn tại Bình Định, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp đón tiếp khách quốc tế với quy trình đón khách, bố trí cơ sở lưu trú, chương trình tour du lịch, phương án xử lý sự cố khi có trường hợp du khách mắc COVID-19… Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này sẽ khai thác chủ yếu thị trường khách quốc tế tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam. Khách du lịch quốc tế khi nhập cảnh phải đảm bảo các quy định về xuất nhập cảnh và biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom, những ngày cuối năm cả hệ thống đã phải hoạt động hết công suất. Chỉ trong vài ngày đầu năm, FLC đã đón hơn 5 vạn lượt khách tại các quần thể, riêng tại FLC Quy Nhơn là 10.000 lượt khách lưu trú và hơn 20.000 du khách đến thăm quan tại FLC Zoo Safari Park. Một giải golf tổ chức ở Quảng Bình thu hút tới hơn 1.000 golfer trong 4 ngày. "Con số chưa phải lớn so với tiềm năng của hệ thống sân golf FLC, nhưng chúng tôi đánh giá đây là bước khởi động tích cực", ông Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm, năm 2022, FLC sẽ tuyển từ 2.000 - 4.000 nhân sự cho mảng du lịch, hàng không”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ trước lộ trình mới. Thứ nhất là chính sách. Thứ hai là nhân sự. Thứ ba là sản phẩm du lịch vừa

thừa vừa thiếu; thừa những sản phẩm chung chung, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thứ tư là việc xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị được thương hiệu quốc gia. Bốn điểm này cần tháo gỡ sau COVID thì mới khôi phục được hoạt động du lịch.

Đước biết, Tổng cục Du lịch đã làm việc với các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới như CNBC hay CNN để phát triển các chương trình truyền thông quảng bá du lịch và sẽ đẩy mạnh quá trình này trong thời gian tới.

N. Thiêm
.
.