Mong một mùa hè an toàn
Theo thống kê, khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm, tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao.
Đuối nước cũng là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5 - 14 tuổi. Tai nạn đuối nước đối với trẻ em hiện nay là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình và tạo sự bất an trong toàn xã hội…
Ám ảnh đuối nước
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, khiến nhiều trẻ em tử vong. Vào ngày 24/3, hai cháu Tr., và T. cùng 12 tuổi, trú tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến tắm tại khu vực đập Đăk Yên thuộc thôn 1, xã Hòa Bình thì bất ngờ bị đuối nước.
Thời điểm đó, người dân phát hiện đã hô hoán ứng cứu và thông báo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, do mực nước sâu nên việc tìm kiếm 2 học sinh bị đuối nước gặp rất nhiều khó khăn. Sau 1 tiếng tiến hành công tác tìm kiếm, đến khoảng lúc 15h cùng ngày, lực lượng đã tìm thấy thi thể của hai cháu gần khu vực bị đuối nước.
Cách đó không lâu tại tỉnh Đắk Lắk, em N. 14 tuổi, học sinh lớp 7 tại Trường THCS Buôn Trấp đi chơi với nhóm bạn tại khu vực Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana thì bị trượt chân ngã xuống hồ. Nghe tiếng kêu cứu, một số người dân đi qua khu vực trên đã ứng cứu nhưng em N. không qua khỏi.
Trước đó tại tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước khiến 4 cháu nhỏ tử vong, các nạn nhân chỉ từ 4 - 6 tuổi.
Những cháu nhỏ được cha mẹ cho ở nhà chơi với nhau để đi làm rẫy, chiều tối trở về không thấy các cháu ở đâu, hai gia đình chạy đi tìm kiếm, tại hồ chứa nước của một gia đình trong thôn có nhiều dấu hiệu bất thường nên kiểm tra thì phát hiện thi thể của cả 4 cháu nhỏ dưới hồ trong tình trạng đã tử vong. Hai cháu cùng sinh năm 2017 và 2 cháu cùng sinh năm 2019, đều là người dân tộc Nùng.
Những vụ việc thương tâm kể trên đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng đuối nước trẻ em tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, không có hoặc có nhưng sơ sài các hình thức rào chắn, bảo vệ, cảnh báo khu vực đuối nước.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng hơn một tháng qua, các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố liên tục tiếp nhận cấp cứu trẻ bị ngạt, đuối nước tại nhà.
Vào ngày 8/5, Bệnh viện Nhi đồng I tiếp nhận bé N.T.H, 3 tuổi, ngụ Long An bị ngạt nước. Gia đình cho biết trong lúc lấy nước để chơi súng nước trong chiếc xô cao 50 cm, không may bé H. bị ngã chúi đầu vào xô. Dù xô chỉ đựng một ít nước nhưng đến khi gia đình phát hiện bé đã tím tái, bất động và được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch và huyết áp bằng 0. Tại đây, bé được các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay đến TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Dù được các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng I tích cực điều trị suốt 3 ngày nhưng bé không qua khỏi.
Không riêng bé H., cách đây khoảng 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận liên tục 4 trẻ bị ngạt nước. Trong đó, một trường hợp bé gái 2 tuổi cũng nguy kịch vì ngã chúi đầu vào xô nước cao 50 cm. Thời gian bé bị ngã khoảng 5 phút dẫn đến bất tỉnh, tím tái. May mắn, bé được cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng I cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra tại hồ bơi, ao hồ và ngay cả trong nhà với các vật dụng như xô, chậu. Khi trẻ đuối nước ngưng tim, phổi cần được hồi sức tim, phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu ôxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng.
Còn theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi trẻ ngạt nước, cha mẹ cần tránh thực hiện các cách sơ cứu sai lầm như xốc nước, hơ lửa. Khi trẻ đuối nước cần nhanh chóng đặt nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bị ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá xem nạn nhân có thở lại được không. Nếu không thì vẫn phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn tự thở hoặc đã tự thở lại sau khi sơ cứu thì vẫn cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
Tai nạn con trẻ đuối nước hiện hữu hơn khi mùa hè đang bắt đầu. Trẻ em nông thôn, miền núi là đối tượng chịu nhiều nguy cơ nhất, khi cuộc sống khó khăn, người lớn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, thường cho trẻ ở nhà một mình hoặc đi chơi khắp nơi. Trẻ nhỏ hiếu kỳ, tăng động, thích sông nước bơi lội nhưng hầu hết không có khả năng bơi và đối phó với nước một khi gặp tai nạn.
Trẻ em ở thành phố lớn, đặc biệt ở các vùng ven có nhiều sông ngòi, kênh rạch cũng không nằm ngoài vùng an toàn. Điều đó đòi hỏi cấp thiết phải có chương trình bơi lội nghiêm túc, bài bản và phổ cập cho trẻ em trên cả nước.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa và hướng dẫn phòng chống đuối nước cho trẻ em ở phường Long Phước, TP Thủ Đức. Tại đây, CSGT phổ biến nội dung liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trong đó chú trọng đến hành vi, thói quen của người dân trong di chuyển, sử dụng phương tiện giao thông thủy là nguyên nhân ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy nội địa. CSGT đường thủy cũng hướng dẫn người dân về việc phòng chống đuối nước cho trẻ em, xây dựng ý thức bảo vệ trẻ. Đặc biệt là phụ huynh học sinh tiểu học có con em đi học bằng phương tiện thủy đưa rước ngang sông.
Trăn trở của “nàng tiên cá” Ánh Viên
Đọc báo nhiều, thấy các vụ đuối nước thương tâm, cựu vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên cho biết, bản thân rất trăn trở và thương xót, nhiều đêm không ngủ được. Ánh Viên đã tích cực tham gia dạy bơi cho trẻ em ở TP Hồ Chí Minh và thành lập một kênh dạy bơi qua mạng xã hội. Cô còn khát khao đi khắp cả nước dạy bơi và xem đó là điều ý nghĩa nhất cho cuộc đời mình.
“Mở lớp dạy bơi là ước mơ từ lúc tôi còn thi đấu. Tôi rất mong muốn sau này mình có được một kế hoạch, một lộ trình giảng dạy bài bản hơn. Tất cả mọi người đều nắm được việc học bơi cần có những bước đầu tiên như thế nào, điều gì là tốt nhất cho mình và mọi người sẽ hiểu rằng bơi lội rất đơn giản. Nếu chúng ta đều lái xe được, thì bơi lội cũng phải làm được", Ánh Viên chia sẻ.
Theo Ánh Viên, những chương trình phòng chống đuối nước có vai trò rất quan trọng trong việc phổ cập bơi lội. Cô nghĩ cần phải làm nhiều chương trình như vậy nữa, không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Điều này sẽ giúp không chỉ trẻ em, mà người lớn, mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc học bơi. Ánh Viên chắc chắn một điều rằng, nếu có thời gian, cô sẽ tham gia, góp mặt ở những hoạt động phổ cập bơi trên khắp cả nước.
Khi mở kênh TikTok dạy bơi, điều duy nhất Ánh Viên muốn chính là lan tỏa suy nghĩ mọi người cần đi học bơi. Những video clip của “nàng tiên cá” Ánh Viên - một thời huyền thoại trên đường đua xanh khiến mọi người trở nên hào hứng hơn trong việc học bơi, góp phần nâng tỷ lệ người biết bơi.
Trong các clip, Ánh Viên nhiệt tình hướng dẫn người xem những kỹ thuật bơi cơ bản như cách thở nước, cách để cơ thể nổi lên mặt nước, cách lặn, đứng nước... một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Chính sự yêu mến dành cho các bạn nhỏ là động lực lớn thôi thúc Ánh Viên nhận lời tham gia các hoạt động hè, hưởng ứng Tháng hành động "Vì trẻ em" năm 2023, trong đó có nội dung khai giảng lớp dạy bơi miễn phí dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Nhà thiếu nhi huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Với Ánh Viên, việc mở lớp dạy hay tham gia các hoạt động tuyên truyền về bơi lội đều xuất phát từ mong muốn tỷ lệ người bị đuối nước sẽ giảm dần.
Là chuyên gia trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục thể thao cũng có quan điểm tích cực và cần thiết trong vấn đề phổ cập bơi lội cho trẻ em. Theo ông Minh, muốn tạo ra phong trào, phải huy động được sự đóng góp của tổ chức xã hội, tương tự như các giải chạy. Chúng ta cần những biểu tượng thể thao. Họ xuất phát từ những đứa trẻ, được huấn luyện thành những VĐV xuất sắc, trở thành thần tượng bơi lội như Nguyễn Thị Ánh Viên, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng... Họ trưởng thành từ phong trào bơi lội, có tài năng và được tập trung. Những thần tượng là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.
Thật đáng quý khi Ánh Viên mở trung tâm bơi để phát triển môn bơi trong trẻ em. Cần kêu gọi cá nhân, tổ chức phát huy phong trào bơi lội, bởi điều này mang lại lợi ích to lớn, ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên. Trong khi đó, công tác tổ chức phong trào bơi lội của các nhà quản lý phải gặp nhau ở một điểm: Có chủ trương đúng và có biện pháp hợp lý. Hiện tại, biện pháp tổ chức theo con đường xã hội hóa là phù hợp nhất để phát triển bơi lội trên khắp mọi miền đất nước, đóng góp cho chiến lược phòng, chống đuối nước trong học sinh, sinh viên nói riêng và nhân dân nói chung.