Mong ước của Chủ tịch KFA với bóng đá châu Á
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Hàn Quốc (KFA) Chung Mong-gyu, một người bạn thân thiết của bóng đá Việt Nam, đã có những chia sẻ thẳng thắn và khách quan về thực trạng bóng đá châu Á, đồng thời chia sẻ tầm nhìn cần có của một nền bóng đá trong khu vực, đặt trong bối cảnh quan hệ ngoại giao bóng đá giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Cơ sở vật chất là kim chỉ nam
Tháng 4 năm nay, KFA khởi công công trình trung tâm bóng đá quốc gia Cheonan. Đây là đề án chiến lược của KFA dưới sự chỉ đạo của ông Chung Mong-gyu sau khi trung tâm Paju bắt đầu có dấu hiệu “quá tải” và không còn là địa chỉ ưu tiên hàng đầu được các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) trong khu vực lân cận tìm tới.
Với tổng mức đầu tư lên tới 103 tỉ won (khoảng 75 triệu USD), tức xấp xỉ chi phí hoạt động của KFA trong năm tài chính 2021, tổ hợp Cheonan hứa hẹn sẽ là điểm đến mới của ĐTQG Hàn Quốc mỗi dịp tập trung, đồng thời là “vũ khí” quan trọng của KFA trong công tác đối ngoại, tìm kiếm tài trợ.
Trong câu chuyện với phóng viên, ông Chung nhấn mạnh sự ra đời của Cheonan là yếu tố bản lề đảm bảo cho thành công lâu dài của bóng đá Hàn Quốc. Trong hai thập kỷ qua, kể từ sau kỳ World Cup 2022, vị thế bóng đá Hàn Quốc thay đổi. Nhiều cầu thủ giỏi ở Nam Mỹ và châu Âu tìm tới K.League. Các liên đoàn đối tác như Malaysia, Việt Nam và một số quốc gia ở Bắc Trung Mỹ luôn tìm tới Paju khi cần tập huấn. Nhưng không phải lúc nào, Paju cũng có thể đáp ứng mọi mong muốn của đối tác. Xã hội phát triển, công nghệ ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống và chỉ cần đảo qua một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam với trung tâm PVF, nên Paju không còn là cái gì quá mới lạ, quá hiện đại với bóng đá đỉnh cao.
“Năm 2017, tôi từng tham dự một hội nghị hàng không tại Doha và nghe kể câu chuyện về cách Qatar tiếp cận những tầng lớp siêu giàu khắp thế giới. Tầm nhìn của họ 15 năm trước là phải biến Doha thành trạm trung chuyển của thế giới. Mở rộng sân bay, tăng cường kết nối để mở đường bay tới nhiều nơi, thậm chí chấp nhận lỗ để xây dựng những đường bay vắng khách, tới các quốc gia ít được lựa chọn làm điểm đến du lịch. Về nước, tôi chợt nghĩ muốn nâng tầm bóng đá Hàn Quốc, KFA phải có trách nhiệm xây dựng, chuyển đổi Hàn Quốc thành trạm trung chuyển bóng đá, ngắn hạn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương rồi sau đó từ từ tiếp cận châu Âu. Muốn như vậy, KFA phải có một trung tâm tập huấn vệ tinh, bổ trợ cái Paju còn thiếu sót và bổ sung cái Paju chưa có. Mất rất nhiều thời gian để thu hẹp trình độ bóng đá với các cường quốc, nhưng trong điều kiện tài chính cho phép, đầu tư vào cơ sở vật chất là con đường nhanh nhất đưa kiến thức bóng đá đỉnh cao, đưa những con người đỉnh cao của bóng đá đỉnh cao du nhập vào Hàn Quốc”, ông Chung giải thích.
Quyết tâm của KFA là tới tháng 9/2024, Cheonan sẽ đi vào hoạt động. Với hệ thống 20 sân tập tiêu chuẩn FIFA và 76 phòng chức năng khác nhau phục vụ khoa học – kỹ thuật – công nghệ, Cheonan sẽ là điểm check-in mới của bóng đá châu Á.
Chuyện về Park Hang Seo và tầm nhìn thực tế
Nói về thành công và sự phát triển của bóng đá Việt Nam, ông Chung đề cập tới câu chuyện của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo. Theo chủ tịch KFA, bổ nhiệm ông Park là “quyết định mang tầm thế kỷ” của VFF, bởi VFF không chỉ chọn đúng một HLV có tài năng chuyên môn mà còn chọn đúng một người phù hợp với văn hóa và thực tiễn của bóng đá Việt Nam.
“Ở Hàn Quốc, những HLV trên 55 tuổi rất khó kiếm công việc đỉnh cao tại hệ thống bóng đá nhà nghề, ngay cả khi tài năng của họ là thứ không phải bàn cãi. Hiệp hội các CLB nhà nghề Hàn Quốc đã sớm thống nhất vào cuộc họp đầu tiên tôi chủ trì với tư cách chủ tịch hồi 2013, rằng Hàn Quốc sẽ liên tục thay đổi công nghệ huấn luyện, tạo điều kiện cho HLV trẻ tuổi. Tại sao? Bởi mục tiêu của Hàn Quốc không gói gọn ở góc độ châu Á, nơi Hàn Quốc và Nhật Bản đã giữ vị thế lá cờ đầu trong ba thập kỷ. Chúng tôi kỳ vọng ĐTQG phải thường xuyên vào sâu tại World Cup, phải đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng nếu được mời tham dự một giải đấu như Copa America, hoặc xa hơn là đủ sức chơi ngang ngửa các đội bóng châu Âu, Nam Mỹ tại một siêu giải đấu nào đó FIFA tổ chức. HLV ở cấp ĐTQG sẽ là HLV nước ngoài, còn HLV nội địa cần trẻ trung, thành thạo công nghệ và giao tiếp tiếng Anh tốt”, ông Chung giải thích về tiêu chuẩn lựa chọn HLV tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam là câu chuyện khác, vì tiêu chí và điều kiện bóng đá không giống nhau. “Tôi đã quan sát bóng đá Việt Nam nhiều năm và thấy rằng trong quá khứ, các HLV ngoại tới đây thường không am hiểu về văn hóa người Việt. Thậm chí một số trường hợp dù được tư vấn kỹ càng vẫn không thể hấp thụ văn hóa của người Việt, chỉ vì họ luôn nghĩ họ là người nước ngoài và cần được ưu tiên tuyệt đối. Nhưng người Hàn Quốc thì khác. Đất nước chúng tôi đã có hàng thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao sâu sát với Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc liên tục đầu tư vào Việt Nam trong 15 năm qua. Tôi tới Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thấy người Hàn Quốc có chỗ đứng, có công việc và rất quen thuộc với phố xá Việt Nam. Ông Park là một người Hàn Quốc điển hình, và ông ấy không mất chút thời gian nào để thích nghi với Việt Nam. Ông Park có thể chưa phải người tốt nhất, nhưng là người phù hợp nhất với dự án phát triển bóng đá Việt Nam”, ông Chung nhấn mạnh.
Năm 2019, khi hai người gặp nhau tại Hàn Quốc, ông Chung hỏi ông Park: “Ở Việt Nam, ông thích gì nhất?”, ông Park đã trả lời: “Tôi thích cảm giác uống trà chanh ở phố cổ Hà Nội”. Người Việt Nam giống người Hàn Quốc ở điểm này như đánh giá chủ quan của ông Chung, khi hai dân tộc đều dễ thích nghi với các điều kiện sống khác nhau, thích những điều gần gũi và không gặp vấn đề với văn hóa vỉa hè – một thứ các HLV châu Âu khó thích ứng.
Có điều, bóng đá Việt Nam hậu giai đoạn Park Hang-seo mới là thách thức thật sự cho những người điều hành. Ông Chung cho rằng, làm thế nào để duy trì và phát huy thành quả ông Park để lại mới là nhiệm vụ khó khăn.
“Tôi không thể đưa ra lời khuyên nào cụ thể nhưng có thể nói lên một số quan điểm, đứng từ góc độ của một người điều hành bóng đá 20 năm qua. Với một nền bóng đá đang phát triển, bạn phải hoàn thành mục tiêu thực tế. Chỉ khi bạn thực tế và làm tốt việc thực tế, bạn hẵng nghĩ tới những thứ xa hơn. Ở Hàn Quốc, tất cả đều kỳ vọng ĐTQG phải vào tới tứ kết World Cup. Nhưng đã ai kiểm tra xem có bao nhiêu ĐTQG nằm ngoài châu Âu và Nam Mỹ liên tục vào tứ kết ở 3 kỳ World Cup gần nhất? Vì vậy, thực tế của bóng đá Hàn Quốc là duy trì vị thế ở châu Á và vượt qua vòng bảng World Cup đều đặn. Khi World Cup mở rộng lên 48 đội, mục tiêu ấy càng khó hoàn thành bởi sự cạnh tranh là rất cao. Tuần này, World Cup 2022 khởi tranh và KFA nói rõ với HLV Paulo Bento rằng thứ duy nhất chúng tôi hướng đến là qua vòng bảng. Qua được đã, rồi chuyện khác tính sau”, ông Chung chia sẻ.
Theo ông Chung, bóng đá Việt Nam cần giữ vững vị thế ở Đông Nam Á. Tức là, bóng đá Việt Nam phải là vô đối trong khu vực của mình tối thiểu 5 năm nữa. Sau đó, phải đặt mục tiêu liên tục góp mặt ở Asian Cup, rồi đều đặn vượt qua vòng bảng Asian Cup. Với một nền bóng đá có tham vọng đi World Cup, nền bóng đá ấy cần hiện diện liên tục tại tứ kết Asian Cup. Ông Park rất hiểu thực tế này, nhưng người kế nhiệm ông ấy nghĩ sao lại là điều chưa ai biết được. “Dù sao, tôi luôn chúc bóng đá Việt Nam thành công bền vững”, ông Chung nói.
Công tác hậu cần, thứ phân định đẳng cấp của nền bóng đá.
Tại World Cup 2022, KFA mang theo 78 nhân sự (chưa bao gồm cầu thủ và ban huấn luyện) nhằm đảm bảo điều kiện đi lại, ăn ở và an ninh tốt nhất cho ĐTQG Hàn Quốc. Tại Qatar, Hàn Quốc sẽ thuê 3 xe bus cỡ lớn, 4 xe thương mại nhỏ và 3 xe tải chuyên chở đồ đạc, hàng hóa. Riêng đội bếp sẽ có 7 người kiểm soát chất lượng thực phẩm và chế biến hàng ngày.
Nhưng nếu so với một đội tuyển như Argentina, sự chuẩn bị của KFA chưa thấm vào đâu. Hướng tới chức vô địch thế giới tại Qatar, LĐBĐ Argentina bố trí tới 202 nhân sự hậu cần, bay chuyên cơ riêng tới Qatar. Đáng chú ý, toàn bộ cán bộ, chuyên viên của LĐBĐ Argentina sẽ tới Qatar nhằm đảm bảo mọi yêu cầu của ban huấn luyện và cầu thủ đều được đáp ứng nhanh nhất có thể. Có thể thấy, bóng đá đỉnh cao tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, chi phí và thành công, đôi khi, được đo bằng tiềm lực kinh tế.