Một gia đình khốn khổ ở bản Pá Bó

Thứ Tư, 20/07/2022, 14:05

“Có một bệnh nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh mà hoàn cảnh khó khăn lắm. Các anh chị xem có thể giúp đỡ anh ấy được không?”. Một bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội đã chuyển thông điệp đến Chuyên đề An ninh thế giới trong một ngày nắng như đổ lửa. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân phải về quê, điều trị tiếp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Nhưng, tính mạng thì mong manh như cánh chuồn chuồn đang trong cơn giông bão.

Những giọt nước mắt trong bệnh viện

Theo hướng dẫn của bác sĩ ở Bệnh viện Tim Hà Nội, tôi tìm anh Lò Văn Nhương (32 tuổi, quê ở bản Pá Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La.

anh 2.jpg -0
Chị Lò Thị Khỏa chăm sóc chồng những ngày điều trị tại bệnh viện

Anh nằm xẹp lép trên giường bệnh, bên cạnh là người vợ - chị Lò Thị Khỏa, 29 tuổi – nét mặt buồn rười rượi. Làn da của Nhượng tái nhợt đi vì đau đớn và thiếu máu. Anh thều thào kể lại cho tôi nghe hành trình khám chữa bệnh và những ước muốn bình dị nhất giờ trở nên khó khăn và xa xôi nhường nào.

Nhương bị khó thở và kèm ho khan đã lâu, nhưng vì xa xôi lại không có tiền nên mãi tháng 4-2022, anh mới vượt quãng đường gần 100 cây số lên Bệnh viện lao và bệnh phổi Sơn La. Điều trị tại đây gần 1 tháng không tiến triển, anh được chuyển lên Bệnh viện Tim Hà Nội. Sau khi khám, anh được các bác sỹ chẩn đoán ban đầu: “Hở van động mạch chủ nhiều nghi do thủng van - Áp-xe gốc động mạch chủ - Hở van hai lá nhiều”.

Ngày 13-5, Nhương được phẫu thuật thay van động mạch chủ cơ học, sửa van hai lá có đặt vòng van vào. Tuy nhiên đến ngày 21-6, Nhương được phát hiện “Hở cạnh chân van động mạch chủ, hở cạnh chân van hai lá”. Mọi điều tồi tệ cứ thế nối tiếp nhau đến với người đàn ông nghèo bản Pá Bó ấy. Nhương được phẫu thuật thay van động mạch chủ OnX25, sửa van hai lá có đặt vòng van đồng thời dùng kháng sinh đường tĩnh mạch điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và điều trị suy tim.

Chị Lò Thị Khỏa chẳng thể giấu nổi những giọt nước mắt khi nói về sự khốn khó của gia đình. Chị tự nhủ, mạnh mẽ và cùng nhau cố gắng mới là điều cần làm trong thời điểm này. Thế nhưng, chị lại không thể ngăn được dòng nước mắt khi kể chuyện. Hai vợ chồng thế chấp nhà, vay tiền ngân hàng 100 triệu đồng, vay họ hàng, làng xóm mỗi người một ít cũng hơn 50 triệu. Đến nay anh chị đã cố gắng trả được 80 triệu và còn một món nợ 70 triệu đồng chưa biết đến khi nào mới trả hết. Ngô, thóc thì cũng đã bán hết sạch. Trong khi ngày ngày ở viện, không có thời gian để đi làm nuôi thân nữa là tính đến chuyện trả nợ. Nhiều lúc chị nản chí, chỉ muốn buông xuôi. Nhưng động lực để bước tiếp của chị là 2 con còn thơ dại đang mong mỏi từng ngày ngóng bố về để cả nhà cùng ăn một bữa cơm đủ bốn người, chứ không phải cảnh chị nuôi em như trong thời gian qua.

Nhắc đến con, Khỏa lại khóc, thương 2 con nhỏ còn ngây dại, chẳng biết những ngày này bữa đói hay bữa no. Thêm nữa, cháu lớn là Lò Thị Duyên, 11 tuổi, năm nay vừa bước lên lớp 6 lại cũng đang mang bệnh.

Hai đứa trẻ ở Pá Bó

Tôi ngược ngàn đến bản Pá Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai. Từ TP Sơn La về Quỳnh Nhai hết gần 100 cây số, còn con đường từ trung tâm xã đến bản Pá Bó chỉ hơn chục cây mà nhiều đoạn gặp khó như bị “giời hành”. Ngôi nhà của vợ chồng anh Nhương tuềnh toàng giữa bản người Thái. Hai đứa trẻ vừa dạy nhau học bài xong và đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Bên trong căn nhà trống hoác, không có một thứ đồ đạc gì ngoài cái ghế tự làm bằng cây rừng. Đồ đạc có giá trị đã “đội nón” ra đi cùng với những trận bạo bệnh của người đàn ông trụ cột.

Ngay khi thấy tôi, bé Lò Thị Duyên và em trai Lò Tiến Lăng lễ phép, ngoan ngoãn và mời tôi vào nhà. Duyên năm nay 11 tuổi, người nhỏ nhắn và có nét “chín ép” hơn so với những đứa trẻ lên 11 cùng trang lứa. Đợt này Duyên và Lăng đang được nghỉ hè nên hai chị em tranh thủ dạy nhau học bài để không bị quên kiến thức. Duyên tâm sự: “Bố cháu đi viện suốt nên hai chị em quen rồi. Cháu và em cố học để sau này thành người có ích, được đi Hà Nội học”.

Khi tôi hỏi ước mơ của Duyên sau này là gì, Duyên nói rằng ước mơ của em duy nhất đó là sau này học thật giỏi để được làm bác sỹ, sau này chữa bệnh cho bố để bố khỏe mạnh, bố về nhà không phải đi bệnh viện nữa. Trong suy nghĩ của đứa trẻ 11 tuổi ấy, điều hạnh phúc nhất lúc này đó là không phải bỏ học giữa chừng, học thật giỏi để giúp gia đình những lúc khó khăn như thế này. 

Tạm biệt Pá Bó, tạm biệt bé Duyên và em trai trong cơn mưa tầm tã, tôi trở về thành phố Sơn La khi trong suy tư vẫn còn những day dứt. Lúc này tôi chỉ cầu mong có một phép màu giúp gia đình nhỏ ấy, để những hoàn cảnh khốn khó như gia đình nhà anh Nhương sẽ thêm bớt những nhọc nhằn.

Trước khi bài báo lên khuôn, chúng tôi liên hệ lại với chị Khỏa và giật mình thảng thốt. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị thông báo anh vừa mất hôm 9-7. Không có phép màu nào dành cho anh và gia đình bé mọn ấy. Tôi lặng người khi nhớ lại ước muốn giản dị của người đàn ông bản Pá Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La khi ở trên giường bệnh: “Tôi muốn chóng khỏi bệnh để đi làm có tiền mua quần áo mới, mua sách giáo khoa cho hai con vào năm học mới, đưa con đi khám bệnh”. Thế mà…

Cao Thiên
.
.