Mùa hè diệu kỳ của nước Đức
Giữa những rối ren và bất ổn, người Đức đang hy vọng ngày hội bóng đá của châu Âu - EURO 2024 sẽ mang đến một “Mùa hè diệu kỳ” như những gì đã xảy ra 18 năm trước, với World Cup 2006.
Bên ngoài tòa thị chính ở khu vực trung tâm Munich nhuốm màu cổ kính với những vết tích lịch sử, giai điệu hùng tráng của quốc ca bất giác vang lên. Đó là màn trình diễn âm nhạc đầy xúc động đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt từ những người dân Bavaria tò mò dừng lại để thưởng thức. Nhưng chàng nhạc công tạo nên giai điệu hùng tráng ấy không phải là người Đức. Anh chàng ấy là người Scotland, còn nhạc cụ tạo nên thứ âm thanh khiến tất cả phải cuốn theo kia là kèn túi.
Thực tế là bạn khó có thể tìm thấy một người Đức nào đó sẵn sàng biểu diễn quốc ca của chính họ như thế này. Những màn trình diễn yêu nước đầy hùng tráng hay ngẫu hứng vốn không phải là phong cách của người Đức. Giai điệu của chàng nhạc công Scotland phản ánh một cách tinh tế cách mà người hâm mộ bóng đá từ khắp nơi đổ về nước Đức đang truyền năng lượng và thúc đẩy tinh thần cho chính những người sắm vai chủ nhà, những người dường như khá thờ ơ với bữa tiệc mà đất nước họ tổ chức vào mùa hè năm nay.
"Tất cả mọi người đều hy vọng có một “Mùa hè diệu kỳ”, chờ đợi không khí sôi động của năm 2006 trở lại vào năm 2024, nhưng tôi hoài nghi điều đó", nhà báo bóng đá nổi tiếng Philipp Koster nói. Ông chỉ ra một số lý do khiến bản thân cảm thấy như vậy: "Hoàn cảnh bây giờ rất khác, bởi chúng ta đang có chiến tranh ở Ukraine, chúng ta vừa trải qua đại dịch, xã hội bị chia rẽ, khiến nhiều người dường như mất đi phương hướng".
Liên minh ba đảng “Đèn giao thông” của Đức, được thành lập để nắm quyền từ năm 2021, đã thông qua các luật quan trọng, nhưng những cuộc tranh luận không hồi kết khiến chính quyền chưa hoàn toàn được người dân tin tưởng. Bên cạnh đó, Đảng AfD cực hữu với chính sách chống nhập cư đã nhận được sự ủng hộ rất lớn và đạt được thành công chưa từng có, đứng thứ hai trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần trước. "Sẽ rất thú vị để xem liệu giải đấu này có làm mọi người xích lại gần nhau, trở thành những người chủ nhà tốt và có thể tự tìm ra hướng đi cho mình hay không", Philipp Koster nói.
Dĩ nhiên không phải tất cả đều như vậy, như tại câu lạc bộ bóng đá ESV Freimann ở phía bắc Munich. Các huấn luyện viên tình nguyện nơi đây đang truyền động lực mạnh mẽ cho hàng chục cầu thủ trẻ vẫn hàng ngày miệt mài tập luyện trên mặt cỏ xanh mướt được giữ gìn kỹ lưỡng. Hơn 300 cầu thủ trẻ chơi bóng ở đây mỗi tuần với tổng cộng 18 đội, trong đó đội nữ hiện là thành công nhất. Nếu sự háo hức dành cho EURO 2024 không có ở nhiều người lớn thì trái lại, các cậu nhóc, cô bé ở đây lại khác. Tất cả đều hào hứng trước việc đất nước nơi mình sinh ra, lớn lên là chủ nhà của EURO 2024.
"Cháu nghĩ EURO 2024 sẽ đưa mọi người lại gần nhau vì đây không chỉ là giải đấu dành cho những người yêu bóng đá, mà là một sự kiện lịch sử với cả cộng đồng”, Samuel, một cầu thủ nhí mới 14 tuổi nói. Nhưng cậu nhóc ấy đồng thời cũng không tin rằng đội tuyển Đức đủ mạnh để giành chức vô địch trên sân nhà.
Đó cũng là quan điểm của người đồng đội Ryan, mặc dù cậu nhóc này tin rằng chức vô địch trên sân nhà sẽ tạo nên tác động cực lớn: "Nếu đội tuyển Đức vô địch thì sẽ có thêm rất nhiều người chơi bóng đá, mong muốn trở thành cầu thủ và đó là điều thực sự tốt. Nhưng cháu chỉ đơn giản là không thể tin điều này sẽ xảy ra trên quê hương mình".
Không khó để lý giải cho việc niềm tin của người hâm mộ đội tuyển Đức bị lung lay. Từ sau khi vô địch World Cup 2014 và vào đến bán kết EURO 2016, Đức đã tụt dốc không phanh. Đội tuyển này bị loại từ vòng bảng hai kỳ World Cup liên tiếp, chật vật vượt qua vòng bảng rồi bị Anh đá bay ngay từ vòng knock-out đầu tiên ở kỳ EURO gần nhất.
Đức thậm chí còn không nằm trong Top 15 trên bảng xếp hạng FIFA trước thềm EURO 2024. Đội tuyển này đã phải thay thế huấn luyện viên, trao trọn niềm tin vào một chiến lược gia mới 36 tuổi, trẻ hơn thủ môn Manuel Neuer và kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Nhưng đó cũng là thực tại mà Đức từng trải qua trước thềm World Cup 2006 cũng trên sân nhà. Dù là á quân kỳ World Cup 4 năm trước đó nhờ sự tỏa sáng khó tin của thủ môn Oliver Kahn nhưng Đức đã “hiện nguyên hình” tại EURO 2004 khi bị loại ngay từ vòng bảng và gần như phải xây dựng lại tất cả từ đầu. Niềm tin dành cho đội tuyển quốc gia của người Đức trước khi bước vào World Cup 2006, có lẽ cũng có chút tương đồng EURO 2024.
Tuy nhiên, cuối cùng thì tại World Cup 2006, Đức khởi đầu tưng bừng và trình làng một dàn cầu thủ trẻ trung đầy tài năng. Họ khép lại “Mùa hè diệu kỳ” với vị trí hạng Ba cùng một bộ khung mà sau đó liên tục tiến sâu tại các giải đấu lớn, rồi kết thúc bằng chức vô địch thế giới 2014. Nhìn vào EURO 2024, người hâm mộ Đức dù tỏ vẻ bi quan, nhưng thực tế lại tràn đầy niềm tin khi họ sở hữu những cái tên như Jamal Musiala hay Florian Wirtz. Sự háo hức của người hâm mộ Đức, vì thế là có, chỉ là cách họ thể hiện ra ngoài có phần thơ ơ.
Còn đối với Ban tổ chức giải đấu, vấn đề đảm bảo an toàn cho tất cả người hâm mộ là ưu tiên hàng đầu. EURO 2024 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng do chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và xung đột mới tại Trung Đông. Bên ngoài trụ sở cảnh sát ở trung tâm Munich, Phó ủy viên Michael Dibowski cho biết, từ trung tâm điều hành này, ông sẽ chỉ huy các hoạt động xung quanh 6 trận đấu được tổ chức tại Munich. Michael Dibowski chia sẻ, mục tiêu của ông là đảm bảo mọi người hâm mộ có được niềm vui tối đa, nên ông cùng các cộng sự phải chuẩn bị phương án cho mọi mối đe dọa có thể xảy ra tại một sự kiện lớn mang tính chất toàn cầu như EURO 2024.
"Trong vài tuần trở lại đây, chúng tôi đã nhận được một số bài đăng trên mạng xã hội từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo”, Michael Dibowski nói. "Chúng tôi đã kiểm tra những bài đăng này nhưng không nghĩ rằng có một mối đe dọa thực sự nào. Dù vậy, vẫn xuất hiện khả năng một ai đó có thể bị kích động bởi bài đăng này nên chúng tôi phải luôn có mặt trong tình trạng sẵn sàng". Nước Đức đã chứng kiến một số vụ tấn công mang động cơ chính trị gần đây. Đầu tháng trước, một sĩ quan cảnh sát đã bị đâm chết ở Mannheim, phía tây nam đất nước khi cố ngăn chặn một cuộc biểu tình của phe cực hữu.
Phần lớn khâu chuẩn bị của giải đấu diễn ra ngoài tầm mắt của công chúng nên có thể hiểu được ở một mức độ nào đó rằng sự hào hứng chưa đạt đến đỉnh điểm. Dù vậy, đừng quên rằng trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa hè vàng của Đức năm 2006, mọi thứ cũng có thể trầm lắng hơn mong đợi. Nhưng sau đó, khi giải đấu chính thức bắt đầu, câu chuyện cổ tích cũng được viết nên. Nhà báo kỳ cựu Philipp Koster nói rằng sức hút tiềm ẩn của bóng đá là thứ không bao giờ có thể bị nghi ngờ. "Nếu có thứ gì có thể đem nước Đức, con người ở đây lại gần nhau, thì đó là bóng đá", ông nói. "Niềm hy vọng lớn cuối cùng của quốc gia, nơi mọi người có thể cảm thấy như ở nhà bất kể khác biệt chính trị hay tôn giáo của họ".
Làm tốt mọi thứ là điều quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Philipp Koster kết luận: "Tất nhiên, chúng tôi muốn là những người chủ nhà tốt. Khi 100.000 người Scotland, người Anh, người Hà Lan, người Tây Ban Nha, người Ý đến đây, chúng tôi không muốn là những người Đức mang bộ mặt lạnh lùng. Đây là cơ hội không thể tuyệt vời để cho cả thế giới thấy bộ mặt thân thiện của nước Đức".
Đội tuyển Đức nói không với những câu chuyện ngoài chuyên môn
Trong trận ra quân tại World Cup 2022 gặp Nhật Bản, 11 tuyển thủ Đức đều thực hiện hành động che miệng khi chụp ảnh toàn đội. Đây là động thái thể hiện thông điệp "không được tự do lên tiếng", nhằm phản đối sau khi FIFA đưa ra lệnh cấm đeo tấm băng tay “One Love” ủng hộ cộng đồng LGBTQ trong các trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, việc dành quá nhiều sự quan tâm cho các vấn đề ngoài lề đã khiến đội tuyển Đức không thể tập trung hoàn toàn vào việc thi đấu. Sau hành động khiến cả thế giới chú ý, Đức thua ngược Nhật Bản dù mở tỉ số và có cơ hội nhân đôi cách biệt khi được hưởng 11m. Thất bại này mở ra hành trình thảm họa của Đức, với kỳ World Cup thứ hai liên tiếp bị loại từ vòng bảng.
Để tránh đi vào vết xe đổ, Liên đoàn bóng đá Đức đã thông báo sẽ không để đội tuyển liên quan hay tham gia vào bất cứ câu chuyện ngoài chuyên môn nào tại EURO 2024.
Ngay cả những tranh cãi có liên quan tới bóng đá, bao gồm việc Ilkay Guendogan tiếp tục giữ băng đội trưởng thay Manuel Neuer cũng được HLV Julian Nagelsmann giải quyết nhanh gọn trong một buổi họp báo để tránh làm cầu thủ phân tâm. Bản thân các tuyển thủ cũng ý thức được việc phải đoàn kết, cũng như tập trung tối đa cho tập luyện, thi đấu nên không để những xích mích cá nhân hay va chạm tạo thành “vết nứt” trong phòng thay đồ.