Mỹ đạt mức thu thuế nhập khẩu cao nhất lịch sử
Tháng 5/2025, Mỹ ghi nhận mức thu thuế nhập khẩu cao chưa từng có, đạt 24,2 tỷ USD - tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Song, nguồn thu tăng mạnh đi kèm lo ngại về thâm hụt ngân sách và gián đoạn thương mại toàn cầu.
Thu thuế nhập khẩu dự kiến vượt 300 tỷ USD trước cuối năm
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết nước này đã thu được khoảng 100 tỷ USD từ thuế quan kể từ đầu năm và con số này có thể tăng vọt lên 300 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Phát biểu trong phiên họp nội các tại Nhà Trắng hôm 8/7 (giờ Mỹ), ông Bessent cho biết nguồn thu lớn từ các mức thuế mới của ông Trump chỉ thực sự bắt đầu từ quý II, thời điểm Tổng thống Mỹ áp dụng mức thuế phổ quát 10% lên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu, đồng thời tăng thuế thép, nhôm và ôtô, theo Reuters.
Ông Bessent cho biết Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính tổng số thu từ thuế quan trong 10 năm tới sẽ đạt khoảng 2.800 tỷ USD, nhưng Bộ Tài chính nước này tin rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.
Theo báo Financial Times ngày 4/7, doanh thu từ thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 24,2 tỷ USD trong tháng 5, cũng là tháng đầu tiên áp dụng hoàn toàn mức thuế toàn cầu 10% do Tổng thống Trump ban hành. So với tháng trước đó, doanh thu từ thuế quan tăng hơn 25%, trong khi tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ gần như không thay đổi.
Đây là mức thu cao nhất từng được ghi nhận, phản ánh tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan cứng rắn mà ông Donald Trump đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đáng chú ý, dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy trong tháng 5, tỷ lệ phần trăm thuế so với tổng trị giá hàng nhập khẩu đã lên tới 8,8%, mức cao nhất kể từ năm 1946. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi 1 USD hàng hóa nhập vào Mỹ, chính phủ thu về 8,8 cent thuế. Riêng với hàng hóa từ Trung Quốc, tỷ lệ này cao gấp nhiều lần, đạt 48 cent/USD.
Mức tăng mạnh về thuế quan một phần bắt nguồn từ việc chính quyền Trump mở rộng diện hàng hóa chịu thuế. Từ ngày 9/4, mức thuế 10% được áp dụng gần như với toàn bộ hàng nhập khẩu, trừ một số nhóm như dược phẩm và chất bán dẫn, đang được tạm miễn. Trong khi đó, nhiều mặt hàng quan trọng như thép, nhôm và ôtô đang phải chịu mức thuế từ 25% đến 50%.
Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào ngày 8/7, ông đã chia sẻ bức thư thông báo mức thuế đối ứng với 14 quốc gia gồm Myanmar và Lào ở mức 40%, Thái Lan, Campuchia 36%; Serbia và Bangladesh 35%; Indonesia 32%; Nam Phi cùng Bosnia và Herzegovina 30%; Tunisia, Kazakhstan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ở mức 25%.
Theo tuyên bố từ ông Trump, ngày 1/8 sẽ là thời hạn áp dụng các mức thuế đối ứng cao hơn đối với hầu hết đối tác thương mại của Mỹ. “Một số tiền khổng lồ sẽ bắt đầu được đổ vào từ ngày 1/8. Điều này đã được nhấn mạnh trong các bức thư mà chúng tôi gửi đi”, ông Trump phát biểu.
Thêm vào đó, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% với mặt hàng đồng nhập khẩu - kim loại thiết yếu trong xây dựng, điện tử, xe cộ, lưới điện và cả thiết bị quân sự. Đồng thời, ông cho biết các loại thuế bổ sung đang được chuẩn bị cho ngành bán dẫn và dược phẩm - những lĩnh vực then chốt trong chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia của Mỹ.
Nguy cơ biến dạng dòng chảy thương mại toàn cầu
Tuy dữ liệu cho thấy thu ngân sách Mỹ tăng mạnh nhờ các biện pháp thuế quan, nhưng đồng thời cũng làm nổi bật nguy cơ các đợt tăng thuế quyết liệt của ông Trump có thể làm biến dạng dòng chảy thương mại toàn cầu. Theo dự báo, dự luật sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ tăng thêm 3.400 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Hơn nữa, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã lao dốc xuống còn 19,3 tỷ USD, giảm 21% so với tháng trước và giảm tới 43% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh sự sụt giảm mạnh mẽ trong thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đầu năm nay, Tổng thống Trump áp mức thuế mới lên tới 145% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, sau đó giảm xuống còn 30% sau các cuộc đàm phán giữa quan chức 2 nước tại London và Geneva. Diễn biến này khiến lượng hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ phục vụ tiêu dùng nội địa xuống mức thấp nhất trong 19 năm.
Ông Trump đặc biệt nhắm tới Trung Quốc trong chiến lược tái định hình thương mại toàn cầu, nhiều lần khẳng định mong muốn đưa sản xuất trở lại Mỹ và cho rằng các khoản thuế sẽ giúp nước này trở nên “rất giàu”.
Dù áp mức thuế cao nhất với Trung Quốc, ông Trump vẫn khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong ngày được gọi là “ngày giải phóng” vào tháng 4, khi ông áp thuế từ 10% đến 50% lên hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, trước khi tạm thời giảm về 10% trong 90 ngày.
Nếu thời gian tạm hoãn 90 ngày kết thúc như kế hoạch vào ngày 9/7, Mỹ sẽ nâng thuế đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia không có thỏa thuận đặc biệt với Washington. Ông Trump thậm chí còn đe dọa áp mức thuế 50% với Liên minh châu Âu (EU) nếu không đạt được thỏa thuận thương mại song phương.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Ngân sách Yale, nếu duy trì chính sách hiện tại, mức thuế suất thực tế sẽ ổn định ở khoảng 15%, ngay cả khi tính đến thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Tính đến các tác động khác nhau của thuế quan lên kinh tế Mỹ, nhóm nghiên cứu dự báo chính sách thuế hiện tại sẽ giúp thu về 2.200 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2034. Tuy nhiên, do các nguồn thu khác bị giảm, tổng thu ròng chỉ còn 1.800 tỷ USD trong cùng kỳ.
Dù đây là con số lớn, nhưng vẫn thấp đáng kể so với mức ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ là 3.400 tỷ USD, dự kiến sẽ làm tăng nợ liên bang Mỹ trong cùng giai đoạn do thực thi dự luật thuế của ông Trump.