Nâng cấp bảo tàng, từ đâu?
Với hàng triệu hiện vật đang được bảo quản, hệ thống bảo tàng đang bảo quản một khối di sản văn hóa đồ sộ. Nhiều bảo tàng năng động đã bước đầu huy động được nhiều nguồn lực nhằm phát huy khối di sản này.
Bảo tàng tư nhân được thành lập ngày càng nhiều hơn. Dù vậy, huy động nguồn lực xã hội cho các bảo tàng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần sớm được khơi thông nhằm phát huy tốt hơn vai trò của các bảo tàng, kể cả khối bảo tàng công lập và tư nhân.
Nỗ lực đổi mới
Nhiều năm trở lại đây, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm sáng nổi bật trong hệ thống bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh và là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Liên tục từ năm 2022-2015, Bảo tàng được trang web du lịch quốc tế TripAdvisor bình chọn vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2018, Bảo tàng còn được bình chọn là một trong 10 Bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới.
Theo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, với mục tiêu hướng đến giáo dục hòa bình và là nơi sinh hoạt, học tập cho nhiều tầng lớp, đặc biệt là một địa điểm thu hút đối với thế hệ trẻ, Bảo tàng đã từng bước định hình mọi hoạt động của mình trở thành một Bảo tàng vì hòa bình không chỉ đối với khách tham quan trong nước mà còn du khách quốc tế.
Nắm bắt xu hướng chung, Bảo tàng từng bước hiện đại hóa, tăng ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng, đa dạng hóa trưng bày. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thu của Bảo tàng mới chỉ đủ để đơn vị duy trì và thực hiện các nhiệm vụ, chưa đủ kinh phí để hiện đại hóa các phòng trưng bày, đầu tư một cách quy mô cho trang thiết bị công nghệ, phục vụ khách tham quan. Cơ sở vật chất đang bị xuống cấp, quá tải công năng sử dụng và diện tích của Bảo tàng chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động phục vụ khách tham quan. Việc thực hiện các hoạt động dịch vụ liên quan đến tài sản công tại Bảo tàng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do “Đề án quản lý và sử dụng tài sản công” chưa được phê duyệt.
Để chủ động tăng nguồn thu đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, Bảo tàng đã chủ động tự tổ chức các hoạt động dịch vụ theo nhu cầu, song vẫn gặp phải một số khó khăn trong việc vận hành và hạch toán các nguồn thu theo quy định, trong đó có bất cập về tính thuế thuê đất. Theo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nếu tính thuế thuê đất trên diện tích cả Bảo tàng thì hạch toán vào chi phí dịch vụ là quá lớn. Việc tổ chức các dịch vụ bổ trợ như giải khát, hàng lưu niệm… là một nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động bảo tàng.
Hoạt động dịch vụ cũng đã được quy định rõ trong Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thế nhưng, việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập vì vướng phải quy định khác của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ còn chưa chuyên nghiệp dẫn đến kém hiệu quả. Để bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn, trong thời gian tới, rất cần có những chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức các hoạt động dịch vụ của bảo tàng này.
Tọa lạc ngay tại trung tâm Quảng trường 30/10, bên bờ Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới, Bảo tàng Quảng Ninh đang có hơn 30.000 hiện vật, nhiều bộ sưu tập có giá trị, trong đó có 5 bộ sưu tập hiện vật đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện hồ sơ khoa học và 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Nguồn sưu tập và hiện vật đó là cơ sở để Bảo tàng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản lịch sử - văn hóa và thiên nhiên của tỉnh Quảng Ninh và của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Bảo tàng đã trở thành một điểm đến văn hóa, một sản phẩm du lịch đang thu hút được sự quan tâm của khách tham quan trong nước và quốc tế. Số liệu thống kê của Bảo tàng cho thấy, trong 5 năm (2019 - 2023), Bảo tàng đã đón 2.260.810 lượt khách, thu trên 53 tỷ đồng từ nguồn phí tham quan. Với kinh phí thu được từ phí tham quan, đơn vị đã tự chủ được các khoản chi tiền lương và các khoản đóng góp cho toàn bộ viên chức và người lao động, tiền vật tư, văn phòng phẩm và phục vụ du khách, chi phí thuê mướn, một phần tiền điện, toàn bộ tiền nước, nhiên liệu và vệ sinh môi trường…
Ngoài ra, Bảo tàng đã dành một phần kinh phí phục vụ công tác hiện đại hóa bảo tàng nhằm đem lại cho khách tham quan sự trải nghiệm mới mẻ, đa chiều như bố trí các màn hình cảm ứng lớn, giúp khách tham quan truy cập Internet để tìm hiểu về bảo tàng ảo, tương tác tìm hiểu về văn hóa, con người Quảng Ninh, bán vé điện tử và thu phí tự động, thuyết minh tự động …
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên thì việc tự chủ chi thường xuyên tại Bảo tàng Quảng Ninh đã gặp không ít khó khăn. Đề án sử dụng tài sản công là điều kiện, cơ sở cần thiết, bắt buộc để thực hiện các hoạt động thu dịch vụ nhưng lại chưa được phê duyệt, dẫn đến đơn vị không thể triển khai các hoạt động tạo nguồn thu nhằm tăng mức tự chủ. Trong khi đó, một số hệ thống thiết bị máy chiếu, ánh sáng, màn hình led, màn hình tương tác công nghệ cao đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013 đến nay đã xuống cấp, lạc hậu cần phải thay thế, sửa chữa.
Điều chỉnh pháp lý liên quan đến lĩnh vực văn hóa
So với bảo tàng công lập, các bảo tàng tư nhân có nhiều lợi thế hơn trong tự chủ về nhiều mặt hoạt động. Với chủ trương huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống công lập, tại nhiều địa phương, bảo tàng tư nhân được khuyến khích và đã được hỗ trợ nhất định.
Như chia sẻ của GS. TS Thái Kim Lan, chủ sở hữu Bảo tàng Gốm cổ sông Hương thì ngay từ khi thành lập, Bảo tàng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền – TP Huế. Bảo tàng được đặt trên đất của dòng họ nên không gặp khó khăn về đất đai. Hơn nữa, đây còn là một khu nhà rường cổ truyền có tuổi đời hơn 150 năm, với nhà thờ, nhà tăng, hiên trà, sân vườn, bồn hoa, cây cảnh trong đó có những cây cảnh quý hàng trăm năm, tạo nên một quần thể kiến trúc nhà vườn tiêu biểu của Cố đô Huế.
Bảo tàng đang có 2.410 hiện vật. Ngoài hoạt động trưng bày thường xuyên, tại Bảo tàng còn có nhiều hoạt động hội hoạ, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh, văn chương, văn học và cả triết học. Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 12/2024, lịch sinh hoạt tại Bảo tàng đã kín chỗ. Điều đó cho thấy, Bảo Tàng Gốm cổ Sông Hương đang dần nhận được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp quần chúng, trí thức, tầng lớp văn học nghệ thuật, của giới trẻ và công chúng và trở nên một địa chỉ văn hóa quen thuộc tại Huế.
Theo GS.TS Thái Kim Lan, để có kết quả như hiện nay, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được địa phương hỗ trợ khá nhiều, từ hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các thủ tục pháp lý, các hoạt động trưng bày, kiểm kê, bảo quản, tuyên truyền... Chủ trương của Nhà nước đã khuyến khích sự ra đời của bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, bảo tàng tư nhân cũng gặp khó khăn tương tự như bảo tàng công lập là kinh phí eo hẹp, hạn chế về diện tích trưng bày và trang thiết bị chuyên ngành còn yếu. Hơn thế, Bảo tàng chỉ đang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chưa thể thành lập doanh nghiệp xã hội do những yêu cầu của loại hình này…
Trao đổi chung về phát triển bảo tàng tư nhân ở Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cho loại hình này. Nhưng do cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho bảo tàng ngoài công lập chưa nhiều nên các bảo tàng ngoài công lập luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển cho chính bảo tàng mình.
Hầu hết các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật… nhằm phục vụ công chúng đều do các bảo tàng tự trang trải kinh phí nên còn gặp nhiều khó khăn. Các bảo tàng mới thành lập, hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn, diện tích kho bảo quản hiện vật không lớn, thiếu sự hỗ trợ của các chuyên gia và trang thiết bị chuyên ngành. Hiện nay, các bảo tàng đang hoạt động dưới các hình thức khác nhau như công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể và gặp những khó khăn vướng mắc về tư cách pháp nhân để hoạt động như tài khoản, con dấu riêng của bảo tàng…
Thực tế, nhiều vướng mắc của hệ thống bảo tàng cũng là khó khăn chung trong phát huy các thiết chế văn hóa hiện nay. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, để tháo gỡ các nút thắt này, cần có nhiều giải pháp. Trong đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các pháp luật liên quan. Cần bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và có cơ chế, chính sách phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa…