Nga mở rộng tương tác với châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Hai, 02/10/2023, 14:42

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 8 được tổ chức tại Vladivostok từ ngày 10 đến ngày 13/9 vừa qua. Mục đích của diễn đàn này là thúc đẩy phát triển đầu tư và kinh doanh ở vùng Viễn Đông của Nga, mở rộng thương mại cũng như tương tác trong các lĩnh vực khác với khu vực châu Á  - Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu này, các giám đốc điều hành doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu phát triển và đại diện chính phủ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, ASEAN và các quốc gia khác đã tham dự các sự kiện liên quan đến thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, giáo dục và văn hóa.

1-1696221767190.jpg
Một góc cảng Vladivostock của vùng Viễn Đông, Nga.

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Putin lưu ý rằng thương mại của Nga với các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 13,7% vào năm 2022 và tăng 18,3% trong 6 tháng đầu năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt do Nhật Bản, Hàn Quốc áp đặt.

Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ diễn đàn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Ngoại thương giữa vùng Viễn Đông và các đối tác nước ngoài đã tăng 14% về lưu lượng hàng hóa và 11% về doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2023”. Bà nói thêm: “Gần 2.900 tỷ ruble (khoảng 30 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại) đã được đầu tư vào các khu vực phát triển ưu tiên (PDA) và cảng tự do Vladivostok, với vốn nước ngoài trị giá 340 tỷ ruble”.

Tham dự Diễn đàn, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh đã nói với Tổng thống Nga Putin: “Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng mục tiêu tăng thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga lên 200 tỷ USD sẽ đạt được trước thời hạn trong năm nay”. Tính đến tháng 8/2023, tổng thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 155 tỷ USD.

Ngay trong ngày đầu tiên của diễn đàn, Tập đoàn Phát triển công nghiệp Xuân Nguyên của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Cơ quan Thu hút đầu tư vùng Amur để xây dựng khu công nghiệp. Tập đoàn Phát triển công nghiệp Xuân Nguyên có kế hoạch đầu tư 10 tỷ ruble vào các cơ sở sản xuất nhiều loại hàng hóa bao gồm robot, máy in 3D, máy bay không người lái, cánh quạt turbin gió, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), trạm lưu trữ và vận chuyển khí heli cũng như nhiều sản phẩm khác. Kế  hoạch này có thể tạo ra hơn 400 việc làm. Lại có thông tin rằng Tập đoàn Xuân Nguyên cũng đã đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư Nga để xây dựng trạm logistics ở phía Nga cho cây cầu đường sắt Đồng Giang - Nizhneleninskoye bắc qua sông Amur với chi phí từ 600 đến 700 triệu USD. Dự kiến khánh thành vào năm 2027, trạm này sẽ lưu trữ và vận chuyển LNG, khí dầu mỏ hóa lỏng, nhiên liệu hàng không và các sản phẩm khác.

Tập đoàn Xuân Nguyên có trụ sở tại Cáp Nhĩ Tân, được cho là nhà đầu tư Trung Quốc lớn nhất tại Nga. Hoạt động trên toàn thế giới, tập đoàn này còn kinh doanh thép, vật liệu xây dựng, hóa chất, thiết bị đường sắt, cung cấp điện và sưởi ấm đô thị, hệ thống an ninh công cộng và phát triển bất động sản. Một trong những dự án của Xuân Nguyên là khu mua sắm Phố Thương mại Trung Quốc ở Nakhodka.

Phó thủ tướng Nga Yury Trutnev, đồng thời là đặc phái viên toàn quyền của Tổng thống Nga tại Vùng liên bang Viễn Đông, lưu ý rằng vùng Amur thu hút lượng đầu tư lớn nhất thông qua kết nối với Diễn đàn Kinh tế phương Đông. TASS dẫn lời ông, cho biết lượng vốn từ các công ty nước ngoài chiếm khoảng 7% tổng đầu tư vào vùng Viễn Đông và “điều này không tệ”. Và, tỷ lệ này đang tăng dần.

Các quan chức Ấn Độ và Nga cũng đã công bố ý định hiện đại hóa các trang thiết bị cảng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng vận chuyển thương mại dọc Hành lang Hàng hải phía Đông (EMC) nối liền Vladivostok với Chennai. Dự án này được khởi động từ năm 2019, nhưng bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.

Theo Đài RT, Bộ trưởng Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ Sarbananda Sonowal đã đề xuất tổ chức một hội thảo về EMC tại Chennai để thảo luận về “quá trình vận hành suôn sẻ và nhanh chóng” của hành lang này. Còn Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Aleksey Chekunkov nói với giới truyền thông rằng EMC có thể được sử dụng để vận chuyển than, dầu, LNG, phân bón và các hàng hóa khác. Theo hãng thông tấn RIA Novosti, mối quan hệ giữa 2 nước đã được xây dựng bền chặt từ thời Liên Xô (cũ), và dang dần tiến lên cấp độ mới.

Tại diễn đàn, Tổng thống Putin cho biết quận Liên bang Viễn Đông chiếm 40% lãnh thổ Nga. Gần một nửa trữ lượng đất rừng và vàng, hơn 70% sản lượng cá, kim cương và hơn 30% lượng titan, đồng… đều nằm ở đây. Các doanh  nghiệp chiến lược, cảng biển và đường sắt cực kỳ quan trọng đều được đặt tại đây. Để tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu phát triển, các ưu đãi đặc biệt về thuế và thủ tục hành chính đã được triển khai và nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được tiến hành. Một khu dân cư mới được xây dựng ở Vladivostok bên cạnh trường học, bệnh viện cũng như cơ sở công cộng khác trong các khu vực phát triển ưu tiên đang được xây dựng hoặc sửa chữa nhằm thu hút và phục vụ dân số ngày càng tăng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova thì cho rằng vùng Viễn Đông của Nga đang đi đầu trong việc phát triển quan hệ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có chủ quyền và có thể tự quyết định tương lai của mình. “Giữa lúc Nhật Bản hủy bỏ hợp tác song phương với Nga để làm hài lòng phương Tây, thương mại của Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia ở Trung Á và Đông Nam Á đang chứng kiến tăng trưởng bùng nổ”, bà Zakharova nói.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.