Nga nỗ lực thoát đồng USD

Thứ Hai, 12/09/2022, 14:40

Câu chuyện về việc phá vỡ vị thế thống trị của đồng USD và thay thế nó bằng những loại tiền tệ khác không phải là mới, song nó đã trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây khi Trung Quốc và Nga “liên thủ” với nhau để dần loại bỏ đồng bạc xanh.

Nỗ lực này vừa đạt được một bước tiến mới khi hai bên đã ký một thỏa thuận thanh toán các hợp đồng mua bán khí đốt bằng đồng ruble của Nga và nhân dân tệ của Trung Quốc.

Nga nỗ lực thoát đồng USD -0
Liệu vị thế thống trị của đồng USD có bị “Liên minh Tài chính” Nga-Trung lật đổ?

“Đôi bên cùng có lợi”

Ngày 6-9, hãng tin Reuters dẫn nguồn tập đoàn dầu khí Nga Gazprom cho biết vừa ký một thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu thay đổi loại tiền tệ dùng để thanh toán cho các hợp đồng bán khí đốt cho Trung Quốc, theo đó chuyển sang đồng ruble và nhân dân tệ thay vì USD như trước đây. Sự thay đổi này được thúc đẩy một phần bởi mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào đồng USD, euro và các loại tiền tệ mạnh khác trong hệ thống ngân hàng và các giao dịch thương mại – một chủ trương được Moscow đẩy nhanh kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng để đáp trả các hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller cho biết, việc cho phép thanh toán bằng đồng ruble của Nga và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một quyết định "đôi bên cùng có lợi" cho cả Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước.

Trước đó, hồi đầu quý II năm nay, những chuyến hàng chở than đá và dầu thô đầu tiên của Nga được trả bằng đồng nhân dân tệ đã đến Trung Quốc, và truyền thông Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội này để hạ thấp đồng bạc xanh, với tuyên bố rằng vị thế quốc tế của đồng USD đang “lâm nguy”. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Albert Song, người có kinh nghiệm 27 năm về ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc, chuyên nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc, nhận định rằng nỗ lực này của Nga và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới vị thế dẫn đầu của đồng USD trong hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế, “bởi đây chỉ là những giao dịch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc, không phải là thương mại đa phương bao gồm nhiều quốc gia khác”.

Không chỉ có Trung Quốc

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy trong nỗ lực dần loại bỏ đồng bạc xanh, Nga không chỉ có một mình Trung Quốc là đối tác tiềm năng.

Theo giới chuyên gia, một trong những hệ quả không mong muốn của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga, ngoài tình trạng tăng giá khí đốt hiện nay và nguy cơ khủng hoảng khí đốt tại châu Âu vào mùa Đông tới, đó là sự củng cố của hệ thống quan hệ đối tác “phi đô-la hóa”. Việc tham gia một “liên minh” như vậy cũng có thể hấp dẫn Ấn Độ.

Ấn Độ được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cùng Nga và Trung Quốc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Mạng lưới Viễn thông Tài chính liên ngân hàng (SWIFT) để cho phép nước này giao dịch với các quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ hiện không có hệ thống tin nhắn tài chính nội địa của riêng mình, nhưng nước này có kế hoạch liên kết một dịch vụ hiện đang được phát triển với SPFS của Nga (Hệ thống tin nhắn tài chính, tương đương với SWIFT, của Nga), có thể kết nối với CIPS (Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới) của Trung Quốc – một phiên bản Trung Quốc của SWIFT.

Mặc dù Ấn Độ không quá tích cực ủng hộ cho mối quan hệ đối tác phi USD hóa như thế này, nhưng quốc gia Nam Á này đã phát triển các cách thức né tránh các lệnh trừng phạt để giao thương với Nga. Ấn Độ đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại giao dịch bằng rupee/ruble với Nga sau khi phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga.

Một đối tác còn tiềm năng hơn Ấn Độ chính là Iran, quốc gia cũng giống như Nga,  đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Hồi đầu tháng 7, Thị trường Ngoại hối tích hợp (Integrated Forex Market) của Iran đã ra mắt cặp đôi tiền tệ ruble/rial ngay sau chuyến thăm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Ali Saleh-Abadi đến Moscow.

Tạp chí tài chính nổi tiếng của Mỹ “Forbes” cũng đã thừa nhận rằng Iran và Nga đang thực hiện các bước quan trọng để loại bỏ đồng USD khỏi hệ thống thương mại song phương của họ, theo đó tung ra một hệ thống thanh toán để sử dụng đồng tiền quốc gia của họ trong các trao đổi kinh tế.

Theo thỏa thuận mới mà Thống đốc CBI Ali Saleh-Abadi vừa đạt được, hai quốc gia Nga và Iran hiện có thể thanh toán các khoản nợ bằng tiền tệ của nhau. Giao dịch đầu tiên theo phương thức này đã diễn ra vào ngày 19-7, ngày mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Iran để hội đàm với Lãnh tụ Cách mạng Hồi giáo Seyyed Ali Khamenei và Tổng thống Ebrahim Raisi.

Hệ thống giao dịch kiểu mới này có thể làm giảm đáng kể nhu cầu đối với USD của cả hai bên. Thương mại song phương giữa Iran và Nga đã đạt mức 4 tỷ USD vào năm 2021, nhưng hai nước cho biết họ đang hy vọng sẽ tăng thương mại song phương lên 8 tỷ USD trong ngắn hạn. Thỏa thuận mới cho phép họ tránh sử dụng USD và bằng cách đó, họ cũng giảm nhẹ được sự tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt.

Mehdi Safari, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách mảng kinh tế của Iran cũng đã đưa ra ý tưởng phát triển một hệ thống nhắn tin liên ngân hàng mới giữa Iran và Nga để thay thế cho SWIFT.

Phát biểu với giới truyền thông vào cuối tháng 7, ông Saleh-Abadi cho biết: “Hai quốc gia muốn loại bỏ USD thì các giao dịch của họ phải có một hệ thống đặc biệt tương tự như SWIFT… Chúng tôi thực tế đã đạt được một thỏa thuận rất tốt”.

Ngân hàng Trung ương Nga hiện cũng đang cân nhắc thu mua tiền tệ của các quốc gia thân thiện, ngoài nhân dân tệ của Trung Quốc và rupee của Ấn Độ, còn có đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước những diễn biến này, một số chuyên gia bắt đầu thay đổi những nhận định của mình khi cho rằng từ nay không nên đặt câu hỏi là liệu đồng USD có mất đi vị thế thống trị không, mà phải là bao giờ thì đồng bạc xanh sẽ không còn là đồng tiền dự trữ quốc tế mạnh nhất nữa? Tương lai của đồng USD hiện nay dường như kém an toàn hơn so với cách đây 10 hoặc thậm chí 5 năm. Các biện pháp trừng phạt gay gắt áp đặt lên nền kinh tế Nga nhắc nhở các quốc gia rằng họ dễ bị tổn thương như thế nào trước các chính sách của chính phủ Mỹ, nhất là khi họ phải phụ thuộc quá nhiều vào USD. Trước thực tế này, kỳ vọng từ bỏ USD của Nga và Trung Quốc dường như đang tươi sáng hơn bao giờ hết.

Ngọc Bích
.
.