Ngày sách Việt Nam: Văn hóa đọc cần một chiều sâu

Thứ Hai, 15/04/2024, 19:28

Đây là lần thứ 3 “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” được tổ chức. Nhiều hoạt động về sách diễn ra khắp cả nước để lan tỏa tri thức đến mọi người. Tuy nhiên, để văn hóa đọc thực sự thấm sâu vào đời sống, không chỉ cần một ngày sách hay những hoạt động phong trào. Sách - nền tảng của tri thức  - vẫn còn là hành trình gian khó khi tiếp cận với bạn đọc Việt Nam.

Rầm rộ các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam

Dẫu vậy, điều đáng ghi nhận là sau nhiều năm nỗ lực của các cá nhân và cơ quan, đoàn thể, hai từ “văn hóa đọc” đã được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đến hẹn lại lên, năm nay, rất nhiều hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) diễn ra khắp cả nước.

Nếu trước đây, các hoạt động này chỉ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay, nó đã tiếp cận đến các tỉnh vùng sâu, xa hơn. Một trong số đó là Hội sách xuyên Việt diễn ra từ 9-14/4. Đây là sự kiện thường niên do các thương hiệu Thái Hà Books, Cửa hàng sách Nhà xuất bản Trẻ, Saigon Books, Nhã Nam, Đinh Tị và Minh Long Books phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa tổ chức, với chủ đề “Lan tỏa tri thức”.

Ngày sách Việt Nam: Văn hóa đọc cần một chiều sâu -0
Đối tượng để khuyến đọc không chỉ là trẻ em mà cả người lớn.

Năm nay, sự kiện sẽ được tổ chức tại công viên Biên Hùng, đường 30 tháng 4, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng cũng như nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách. Tại sự kiện này, các thương hiệu trên cũng sẽ giới thiệu những tựa sách mới, dành cho nhiều đối tượng khán giả. Đặc biệt Hội sách xuyên Việt năm nay cũng có 10.000 tựa sách đồng giá 10.000 đồng cũng như các ưu đãi hấp dẫn đối với những tác phẩm nổi tiếng trên mạng xã hội Tiktok.

Bên cạnh các sự kiện được tổ chức chung, các công ty và nhà xuất bản cũng sẽ có các hoạt động riêng. Công ty sách Nhã Nam cho biết sẽ tổ chức “Hội sách Nhã Nam - Chào hè 2024” diễn ra từ ngày 9 - 14/4 tại cả Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các đầu sách mới với mức chiết khấu hấp dẫn sẽ được ra mắt. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 cũng sẽ được tổ chức tại đường Công xã Paris (đoạn từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn) và Đường sách thành phố (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) từ ngày 17 - 22/4, với sự tham gia của nhiều đơn vị như: Nhã Nam, Phương Nam Books, Sbooks, Zenbooks, Saigon Books, NXB Phụ nữ Việt Nam...

Năm nay, ngoài các hoạt động truyền thống như tổ chức các tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành sách trọng tâm tri ân khách hàng, các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành còn được khuyến khích tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách, song hành cùng các chương trình tặng sách đến các đối tượng yếu thế; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc, để sách lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống.

Cần đẩy mạnh những tri thức nền tảng

Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người vẫn miệt mài theo đuổi hành trình “gian nan vạn dặm”, để quảng bá sách và văn hóa đọc so với khoảng 10 năm trước thì quả thật văn hóa đọc ở Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Cái đáng kể nhất là thái độ của người dân, cán bộ nhà nước đối với văn hóa đọc. Họ coi trọng sách hơn và thừa nhận giá trị của sách thay vì bỏ qua hoặc đánh giá thấp như trước đó. Việc tặng sách trở nên phổ biến hơn và được tiếp nhận tích cực hơn rất nhiều. Trước kia việc tặng sách làm cho cả người tặng và người nhận trở nên ngượng ngùng, nay phần lớn mọi người đều coi đó là chuyện bình thường, ít nhất các trường học, công sở khi tiếp nhận sách đã không còn cảm thấy lạ lẫm. Các chỉ số như số lượng bản sách được phát hành, doanh thu của ngành xuất bản cũng liên tục tăng cũng là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc cải thiện này vẫn chậm, thiên về bề nổi, chưa đạt được độ sâu và bền vững.

Ngày sách Việt Nam: Văn hóa đọc cần một chiều sâu -0
Những cuốn sách tri thức nền tảng cần nhiều bạn đọc hơn nữa.

Anh cũng cho rằng: “Người lớn chiếm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế, cơ sở giáo dục, cơ quan văn hóa… Người lớn còn là cha mẹ, thầy cô giáo. Vì vậy nếu người lớn không đọc sách, không yêu sách thì sẽ khó trở thành tấm gương, thành người khuyến khích trẻ em đọc sách. Do vậy không nên hiểu các hoạt động khuyến đọc là chỉ dành cho học sinh, sinh viên. Tỉ lệ người lớn đọc sách như một thói quen, sở thích hiện nay tôi nghĩ là không cao so sới tỷ lệ những người không hề đọc gì kể cả trong các cộng đồng lẽ ra cần phải đọc rất nhiều như giáo viên, nhà báo, nhà văn, kĩ sư, luật sư, bác sĩ… Tính chung cả nước tôi nghĩ 10-15% người lớn đọc sách thường xuyên là một con số lạc quan. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó thì sự cải thiện nhỏ, từ từ vẫn là sự khích lệ. Ngày càng có nhiều cha mẹ quan tâm hơn đến việc đọc sách và quay lại với sách”.

Tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 4,98%. Tuy nhiên, NXB Giáo dục chiếm hơn 2.000 tỷ. Doanh thu sách giáo khoa vẫn chiếm 60% sản lượng và 65% doanh số. Chuyển đối số trong lĩnh vực xuất bản cũng có thành tựu, tăng 15,3% so với chỉ tiêu 12%”. Những con số này phản ánh vấn đề bất cập của ngành sách và tình trạng của văn hóa đọc dù có cải thiện vẫn “thiếu và yếu” như bà Kim Thoa, CEO của Tân Việt Books từng chia sẻ.

Vậy làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam vẫn là một câu hỏi được đặt ra. Không phải chỉ là các hoạt động mang tính phong trào vào dịp tháng 4 mà văn hóa đọc cần được triển khai một cách bền bỉ và sâu rộng.

Ngày sách Việt Nam: Văn hóa đọc cần một chiều sâu -0
Nhiều hoạt động diễn ra nhân Ngày sách Việt Nam.

Tôi nhớ, hơn 10 năm trước, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã khẳng định rằng, xã hội không thể tiến bộ bằng những cuốn sách làng nhàng. Theo ông, phát triển văn hóa đọc đi liền với nó là xuất bản những cuốn sách mang tính khai sáng, kiến tạo xã hội và cần nhiều người đọc mảng sách này. Nhưng dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, hiện nay, với truyền thống, nền tảng văn hóa đọc của ta thì sách làng nhàng, sách dành cho đại chúng xuất bản với lượng lớn hơn, tiêu thụ tốt hơn. “Để tiêu thụ được sách tinh hoa, sách có hàm lượng tri thức cao, sách kinh điển, sách nền tảng… thì cần phải kiên nhẫn đổi mới giáo dục, thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong kinh tế, đời sống xã hội và cần cả một lớp tác giả có khả năng viết lại, diễn giải các sách kinh điển, tri thức nền tảng thành sách “khai sáng”- những sách có dung lượng vừa phải, dễ hiểu, phù hợp với đại chúng. Ở nước ngoài sách này tiêu thụ rất mạnh và có vai trò lớn”.

Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Books, trong buổi ra mắt cuốn sách “Ả đào” của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng khẳng định giá trị của dòng sách mang tính “khai sáng”, kiến tạo xã hội mà đơn vị xuất bản của bà đang theo đuổi, dù dòng sách này còn chưa có nhiều dấu ấn trong xuất bản ở Việt Nam. Theo bà, ở các quốc gia phát triển, cấu trúc về tri thức của họ luôn có những rường cột và đó là những tri thức nền tảng có tính hệ thống trong các lĩnh vực căn cốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, xuất bản đang phát triển mạnh, nhưng dòng sách kinh điển, khoa học, mỹ thuật, âm nhạc, lịch sử, văn hóa vẫn trong tình trạng nhỏ bé, phân tán. Những đơn vị theo đuổi dòng sách này âm thầm và đơn độc trong hành trình khó nhọc của mình.

Nhà văn Hàn Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter cũng cho rằng,  sách là nền tảng của tri thức và luôn là bệ đỡ cho các lĩnh vực nhưng dư luận lại ít quan tâm. “Và nếu biết có một thứ gọi là “tri thức nền tảng”, nhiều độc giả sẽ than rằng: Sách gì mà đau đầu thế! Nhiều người sẽ chọn các cuốn sách đơn giản, dễ đọc, ứng dụng ngay. Nhưng khi gặp nhiều biến động xã hội như giai đoạn vừa qua, độc giả sẽ thấy tri thức nền tảng vô cùng cần thiết. Nếu đọc từ ngọn, chúng ta chỉ có thể bắt chước, khi có tri thức nền tảng, ta mới có thể ứng biến”, chị nói.

Nền tảng của một xã hội phát triển, văn minh, cần những con người có nền tảng tri thức, hiểu biết và từ đó, chính họ sẽ có những đóng góp mang tính kiến tạo cho xã hội. Vì thế để phát triển văn hóa đọc thực sự lâu bền và sâu sắc “cần phải phối hợp cả chính sách vĩ mô và vi mô trong đó tập trung vào hình thành lối sống, lối sinh hoạt và nền kinh tế gắn bó, trân trọng tri thức, đổi mới, sáng tạo. Nhìn từ dưới lên thì từng thầy cô và cha mẹ học sinh sẽ có vai trò rất lớn trong việc tạo ra thói quen đọc sách trong đời sống thường ngày ở mỗi gia đình” - Dịch giả Nguyễn Quốc Vương khẳng định.

Việt Linh
.
.