Nghệ thuật biểu diễn “đánh bạc” với COVID-19

Thứ Hai, 17/01/2022, 13:35

Sau 4 đợt liên tiếp liêu xiêu vì dịch bệnh, nghệ thuật biểu diễn dần bắt nhịp tốt hơn, linh hoạt hơn, thích ứng tốt hơn trong điều kiện “bình thường mới”. Cùng với hàng loạt sự kiện, chương trình, vở diễn được hoàn thiện, ra mắt, nghệ thuật biểu diễn lập không ít những “kỷ lục” mà ngay cả người trong cuộc  cũng không ít lần “toát mồ hôi hột” khi nhìn lại hành trình một năm chạy đua cùng thời gian, đại dịch COVID-19 để duy trì hoạt động.

Vở diễn dựng kéo dài kỷ lục và vai diễn “1 ngày”

“Phải sau đêm nay, khi vở diễn tổng duyệt thành công, chúng tôi mới được yên tâm ngủ thẳng giấc đến sáng”. Lời chia sẻ của NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong đêm chạy tổng duyệt vở xiếc – cải lương “Thượng Thiên Thánh Mẫu” khiến không ít người ái ngại, dù rằng, trong khu vực sân khấu, không khí vẫn đang nóng sừng sực, bất chấp tiết trời giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Có lẽ, đã khá lâu rồi, kể từ ngày dịch bệnh do COVID-19 bùng phát, tại rạp xiếc Trung ương mới có một đêm diễn tưng bừng như thế.

Nghệ thuật biểu diễn “đánh bạc” với COVID-19 -0
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam

“Thượng Thiên Thánh Mẫu” là 1 trong các vở diễn đặc biệt kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc thuộc dự án Huyền sử Việt do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là vở diễn lập “kỷ lục” về khoảng thời gian dàn dựng kéo dài khi liên tục dựng – hoãn – dựng từ đầu năm 2021 sang đầu năm 2022. Tạm tổng kết hành trình dựng tác phẩm này, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, đây là lần đầu tiên, đơn vị có một vở diễn bị trì hoãn lâu như thế.

Theo kế hoạch, “Thượng Thiên Thánh Mẫu” dựng vào đầu năm 2021, dự kiến hoàn thiện, khai thác vào dịp lễ 1-6 – một trong những thời điểm vàng biểu diễn của xiếc hàng năm. Tuy nhiên, vừa khởi dựng thì dịch bệnh bùng phát trở lại. Khi dịch bệnh tạm lắng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại phải tập trung cho Liên hoan Tài năng xiếc toàn quốc.

Đây là sự kiện lớn, là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc giao lưu, thể hiện bản lĩnh, tài năng và chỉ có trong một thời điểm nhất định nên lãnh đạo 2 đơn vị thống nhất ưu tiên hàng đầu. Liên hoan kết thúc cũng là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại. Thời điểm này, mật độ tiêm phủ vaccine phòng chống COVID-19 chưa cao nên vở diễn lại tạm dừng. Kế hoạch hoàn thiện và ra mắt vở diễn được lùi lại vào Tết Trung Thu. Khi nghệ sĩ 2 đơn vị tập luyện được ít buổi, Hà Nội thực hiện giãn cách.

Sau mấy tháng liên tiếp nghỉ vì dịch, luyện tập gần như về mốc xuất phát, Liên đoàn Xiếc phải tranh thủ làm chương trình theo đơn đặt hàng từ trước, tranh thủ chạy show biểu diễn tại Quảng Ninh, tạo thu nhập cho nghệ sĩ. Chương trình biểu diễn chưa thành thì có ca F0. Sự cố này khiến chuyến đi kéo dài 17 ngày. Cả lãnh đạo và 73 nghệ sĩ, cán bộ tham gia đợt lưu diễn bị cách ly tại Quảng Ninh. Mặc dù được địa phương thông cảm, hỗ trợ, nhưng chuyến đi thiệt hại nặng về kinh tế. Sau Liên đoàn Xiếc lại đến lượt Nhà hát Cải lương Việt Nam có ca F0. Sự cố khiến lãnh đạo và nghệ sĩ 2 đơn vị lo lắng rã rời. Phải đến 3-4 ngày sau, khi test PCR cho các nghệ khác đều cho kết quả âm tính, tâm lý mới được giải tỏa.

“Chúng tôi quyết tâm phải làm cho xong trước Tết, vừa test nhanh định kỳ, vừa thực hiện 5K nhưng trường hợp thành viên tham gia vở diễn dính F0 vẫn không thể tránh khỏi. Thời điểm này, mọi người đều được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, áp lực tâm lý giảm nhưng tập xiếc mà đeo khẩu trang là một “cực hình”. Rất may là đến buổi thử chạy vở không có sự cố gì thêm. Khi đo thời gian, ê kíp thực hiện thấy vở diễn dài 2h15 phút. Hội đồng nghệ thuật đề nghị cắt còn khoảng 2h. Tập luyện vất vả, khổ cực, cắt đoạn nào cũng tiếc nên xoay sở mãi, cận thời gian tổng duyệt chính thức mới cắt xong”, đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Với biên đạo múa – NSƯT Kim Chung, việc tham gia vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” cũng là khoảng thời gian khó quên trong cuộc đời làm nghề. “Biểu diễn múa có tính tập thể rất cao. Chỉ một thành viên trong nhóm là F0 hay F1, phải thay thế 1 diễn viên là gần như toàn bộ ê kíp phải luyện lại từ đầu. Hết nghệ sĩ xiếc đến nghệ sĩ cải lương thay nhau làm… F0 với F1, nên ê kíp cứ như “đi trên dây”. Ngày tổng duyệt, lượng nghệ sĩ tham gia phần vũ đạo chưa như mong muốn. Chúng tôi buộc phải tạm bằng lòng. Hy vọng, khi vở diễn chính thức ra mắt, những hạn chế còn tồn tại sẽ được khắc phục”, NSƯT Kim Chung bộc bạch.

Thực tế, việc thay đổi xoành xoạch trong dàn dựng, biểu diễn vì dịch bệnh diễn biến khó lường trong suốt năm 2021 là tình trạng chung, không chỉ với riêng nghệ sĩ cải lương, xiếc, hay ca múa nhạc.

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân cho biết, mặc dù đơn vị quán triệt cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ nghiêm túc thực hiện yêu cầu phòng chống dịch, bố trí tiêm sớm và tiêm đầy đủ cho cán bộ chiến sĩ, nhưng cũng không tránh khỏi đôi lần thay đổi kế hoạch vì dịch. Lần thứ nhất là thông tin 1 cộng tác viên thành F0 khiến công việc của cả Đoàn Ca múa nhạc và các thành viên liên quan phải tạm dừng. Lần thứ 2 là 1 diễn viên của Đoàn Kịch nói CAND tham gia vở “Trái tim thành phố” – 1 trong 2 tác phẩm của Nhà hát CAND dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, trở thành thành F1 ngay trước Liên hoan. “May mắn là vai của diễn viên này là công an. Diễn về chính lực lượng của mình nên các nghệ sĩ lâu năm của Nhà hát đều có khả năng vào vai “rất ngọt”.

Việc tìm người thay thế không khó. Cái khó là khoảng thời gian tập luyện và phối hợp với các bạn diễn quá ngắn, chỉ trong hơn 1 ngày. Người được chọn là Đội phó Đội Tổng hợp – hành chính nhưng cũng là 1 diễn viên chuyên nghiệp, lâu năm, đã bắt nhịp rất nhanh. Khi tham gia Liên hoan, vở diễn được đánh giá cao, mang về một số huy chương cho cá nhân tham gia”, NSND Thuý Hiền chia sẻ.

Nghệ thuật biểu diễn “đánh bạc” với COVID-19 -0
Nghệ sĩ Hoàng Công nhập vai cảnh sát khu vực trong “Trái tim thành phố” chỉ sau 1 ngày luyện tập

Diễn viên Hoàng Công – người diễn thế đồng nghiệp trong vở kịch trên nói vui, đây là “vai diễn 1 ngày” vì tập luyện trong 1 ngày, diễn trong liên hoan xong, anh lại quay trở về với công việc hành chính của Nhà hát. Vai diễn cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Bởi lẽ, khi được giao diễn thế đồng nghiệp, anh chỉ có hơn 1 ngày để chuẩn bị, tập luyện. Vai diễn trong kịch là một cảnh sát khu vực mẫn cán, thời lượng diễn xuất và phần thoại tuy ít nhưng thời gian chuẩn bị quá ít. Hoàng Công từng diễn vai công an khá nhiều, công việc hiện tại cũng đòi hỏi phải theo dõi sát vở diễn nên anh nhập vai rất nhanh, phối hợp ăn ý với các bạn diễn. 

Linh hoạt thích ứng với “bình thường mới”

Với vợ chồng tác giả sân khấu Lê Thế Song và Xuân Hồng, “năm COVID” 2021 vẫn là một mùa bội thu. Ngoài các dự án sân khấu, bộ đôi này còn thực hiện và tham gia thực hiện nhiều MV ca múa nhạc, trong đó có 2 MV đạt giải Nhì và giải Ba của cuộc Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 do Cục Nghệ thuật - Biểu diễn tổ chức.

Nghệ thuật biểu diễn “đánh bạc” với COVID-19 -0
Vợ chồng tác giả Lê Thế Song – Xuân Hồng

Nhớ lại hành trình thực hiện các MV, tác giả Lê Thế Song cho hay, sau khoảng thời gian đầu hoang mang vì dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ, trong đó có vợ chồng ông đã trao đổi và quyết tâm làm điều gì đó đề góp phần cùng với cộng đồng xã hội chống dịch. Ý tưởng làm MV được đông đảo nghệ sĩ hưởng ứng. Mọi người thống nhất tự thực hiện ghi âm ghi hình, tập trung về một đầu mối để hoàn thiện sản phẩm, phát hành trên Internet, cổ vũ tinh thần cộng đồng.

Khoảng nửa đầu năm 2021, độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 chưa cao. Hai vợ chồng ông mới được tiêm mũi 1. Với quyết tâm làm cho đến nơi đến chốn, họ cùng một số thành viên trong ê kíp xoay sở tranh thủ xin phép đi quay ngoại cảnh. Điểm đến là 1 toà nhà ở khu đô thị Ecopark ở ngoại thành Hà Nội. Ban đầu, bảo vệ khu vực này nhất định không cho đoàn vào quay. Sau một hồi nằn nì, trình bày rằng đây là MV cổ vũ chống dịch, các bảo vệ đồng ý hỗ trợ. Một ngày làm việc cật lực tưởng chừng kết thúc êm đẹp thì đêm hôm ấy, cả nhóm tá hỏa khi nhận điện thoại thông báo 1 trường hợp trong tòa nhà khu Ecopark nghi F0. Gần 2 đêm thức trắng chờ kết quả, cả nhóm như trút được gánh nặng khi nhận thông báo trường hợp nói trên test RT-PCR cho kết quả âm tính.

Hau_truong_NT_covid_3-1642386946489.JPG
Nghệ sĩ xiếc và cải lương có cuộc phối hợp ngoạn mục ngay trong năm dịch bệnh căng thẳng

Sau này, khi tỷ lệ tiêm vaccine đủ 2 mũi cao hơn, sự lo lắng bị nhiễm bệnh giảm bớt, thêm nhiều MV ca múa nhạc tiếp tục được thực hiện với sự tham gia góp sức của đông đảo nghệ sĩ cả nước. “Có những cuộc phối hợp tưởng chừng không thể thực hiện trong điều kiện bình thường vì họ là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng đang là lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp lớn tại các địa phương, công việc rất bận rộn. Nhưng vì dịch bệnh, hoạt động biểu diễn bị ngừng trệ và bản thân các nghệ sĩ đều mong muốn được đóng góp vào công cuộc chống dịch chung của đất nước nên đều tự nỗ lực hơn nhiều lần. Kết quả là nhiều MV ra đời đã biến những điều không thể ấy thành hiện thực ngay trong điều kiện dịch bệnh rất phức tạp”, tác giả Lê Thế Song chia sẻ.

Việc tận dụng mọi cơ hội để làm nghệ thuật ngay giữa đại dịch để làm ra những sản phẩm nghệ thuật giàu ý nghĩa và giá trị được đông đảo các nghệ sĩ triển khai thành công thời gian qua. Trong đó, vở múa đương đại về công cuộc phòng chống dịch “Ánh sáng tâm hồn” với sự tham gia của hơn 100 biên đạo, nghệ sĩ cả nước thực hiện cũng là một “kỷ lục”. Nói như nhận định của PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam thì đây là sự kiện chưa từng có trong nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, những thành công nói trên chưa phải là tất cả và những thiệt hại từ dịch bệnh đối với nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa thể “đo đếm” được trong thời điểm hiện tại. Có thể trong tương lai gần, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn và sẽ còn rất nhiều những chuyến lưu diễn, hợp đồng biểu diễn bị hủy, hoãn, nợ. Nhiều dự án, chương trình chất lượng cao chưa được triển khai như mong muốn. Nhiều cuộc chia tay buồn mà trường hợp 3 diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam bị phụ huynh lặn lội từ quê lên tận Hà Nội chỉ để xin cho con nghỉ làm, chuyển sang chạy xe thuê, làm thuê việc khác để có thu nhập tháng 12-2021 chỉ là một ví dụ. Nhưng, như chia sẻ chung của nhiều nghệ sĩ thì không phải tất cả đều đầu hàng trước khó khăn. Rất nhiều đơn vị, nhiều nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực từng ngày để duy trì tập luyện, hoạt động nghệ thuật, bằng nhiều phương cách khác nhau, ngay cả khi dịch bệnh chưa biết bao giờ chấm dứt.

Minh Hải
.
.