Nghịch lý bảo tàng: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống bảo tàng trên cả nước liên tục tăng về số lượng. Nhiều bảo tàng được đầu tư xây mới. Nhiều bảo tàng được đầu tư tu sửa, nâng cấp. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị bảo tàng đang có nhiều vấn đề.
Trùng lặp và đầu tư thiếu đồng bộ, thống nhất
“Qua hơn 1 thế kỷ kể từ bảo tàng đầu tiên do Pháp xây dựng tại Việt Nam đến nay chúng ta có khoảng 200 bảo tàng, trong đó có 127 bảo tàng công lập, 73 bảo tàng ngoài công lập. Nếu so sánh với nhiều quốc gia thì số lượng này còn khiêm tốn. Nếu so với các quốc gia đã có truyền thống bảo tàng từ nhiều thế kỷ như nhiều nước châu Âu, Mỹ, thậm chí so với khu vực như Đông Nam Á, bảo tàng của chúng ta đã tụt hậu khá nhiều.
Ngay cả khi so sánh với Myanmar, chất lượng bảo tàng chúng ta đã có sự chênh lệch khá lớn. Từ 5 năm trước, khi đến thăm một bảo tàng địa phương ở Myanmar, chúng tôi thấy bảo tàng này đã hơn Việt Nam về chất lượng”. Đây là nhận định thẳng thắn của TS Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa khi chia sẻ về đổi mới nội dung, hình thức trưng bày bảo tàng hiện nay.
Ông Phong cũng cho rằng, rất nhiều bảo tàng của chúng ta đang có sự trùng lặp về nội dung trưng bày. Có đến 90% bảo tàng công lập là bảo tàng lịch sử, xã hội. Chúng ta rất thiếu bảo tàng lịch sử tự nhiên, khoa học công nghệ, trong khi ở trên thế giới, các bảo tàng này đang có sức hút rất lớn, đang được quan tâm.
Xác định nâng cao chất lượng bảo tàng là nhu cầu cấp bách, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều kiến nghị các cấp có thẩm quyền để đến năm 2030, xa hơn là năm 2045, chúng ta sớm có bảo tàng tiệm cận với trình độ các bảo tàng trong khu vực và thế giới. Bộ cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về định hướng việc xây dựng bảo tàng. Tuy nhiên, thực tế đầu tư xây dựng bảo tàng vẫn có nhiều vấn đề. Cụ thể, khi xây dựng bảo tàng, chúng ta cần phải đầu tư khá cân đối giữa xây dựng công trình và xây dựng nội dung, hình thức trưng bày. Thế nhưng, chúng ta tách thành 2 mảng rõ ràng là phần xây dựng công trình do ngành xây dựng phụ trách, phần xây dựng nội dung, hình thức trưng bày do ngành văn hóa phụ trách. Khi hai bên thiếu sự phối hợp nhịp nhàng đã dẫn đến những công trình được đầu tư xây dựng quy mô, đồ sộ nhưng sau một thời gian khá dài vẫn chưa triển khai được dự án trưng bày như mong muốn.
Chúng ta từng có nhiều bài học về vấn đề này ở các địa phương như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng ở tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý do là khi đầu tư xây dựng bảo tàng, một số địa phương thường nặng về hình thức bên ngoài - thiết kế công trình, chưa chú trọng đúng mức cho xây dựng trưng bày của bảo tàng. Địa phương có rất nhiều ý tưởng cho một công trình xây dựng, bảo tàng có kiến trúc rất đẹp nhưng công năng bên trong lại bất cập với hoạt động trưng bày, thậm chí không có cả kho lưu giữ, bảo quản hiện vật.
Nhiều vấn đề băn khoăn khi đầu tư xây dựng bảo tàng
Thực tế, câu chuyện của bảo tàng như trên không hẳn là mới phát sinh trong đầu tư xây dựng bảo tàng những năm gần đây. Nhiều năm trước, lãnh đạo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh từng “than trời” vì tiếp nhận công trình chỉ vì công trình được đầu tư xây dựng nhưng có nhiều công năng “làm khó” cho đội ngũ làm chuyên môn về bảo tàng, đặc biệt là về nội dung trưng bày. Trong khi đó, việc đầu tư nội dung hết sức quan trọng với các bảo tàng. Đây cũng là nỗi lo lắng của nhiều đơn vị khi đầu tư xây mới hoặc cải tạo bảo tàng.
Mới đây nhất, tại tọa đàm khoa học “Định hướng cấu trúc trưng bày Bảo tàng CAND”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng khi tiến hành chuẩn bị triển khai xây dựng Bảo tàng CAND mới.
Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Bảo tàng CAND đã được xếp hạng I theo phân cấp hệ thống các bảo tàng Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 1/4 thế kỷ và trong bối cảnh mới với rất nhiều thay đổi hiện nay, Bảo tàng CAND đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, cả về nội dung, giải pháp trưng bày, các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đều không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng mới Bảo tàng CAND. Dự kiến, Bảo tàng có quỹ đất khoảng 6,5 ha, xây dựng trong khu quy hoạch xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Bảo tàng này phải có quy mô và công năng hiện đại, lâu dài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa CAND đến với công chúng trong nước và quốc tế, trở thành địa chỉ hấp du khách, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước.
Trong quá trình triển khai nghiên cứu, khảo sát xây dựng nội dung trưng bày, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị cũng đã xác định sẽ xây dựng Bảo tàng CAND có bản sắc riêng, không trùng lặp các bảo tàng khác; có nội dung trưng bày hấp dẫn, mang tính giáo dục cao; phản ánh lịch sử phát triển và những chiến công, đóng góp to lớn của CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Cách tiếp cận và tư duy từ hiện vật để xây dựng câu chuyện gây cảm xúc; thỏa mãn nhu cầu khác nhau của công chúng. Các hoạt động trải nghiệm được tăng cường ngay tại không gian trưng bày và phải tạo các không gian trải nghiệm, giáo dục dành riêng cho công chúng trẻ tuổi. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó nên cơ quan chủ trì phải tổ chức tham vấn ý kiến rất cẩn trọng từ các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng.
Cần đầu tư kỹ lưỡng cả về hình thức và nội dung cho bảo tàng
Trao đổi quanh các vấn đề trên, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc xây dựng bảo tàng mới rất hệ trọng, mang tính chính trị, văn hóa, khoa học rất lớn. Việc xây dựng bảo tàng mới thực chất là xây dựng một nơi trưng bày mới với những quan điểm mới, tư duy mới, cách làm mới, phương pháp mới và phải hơn hẳn bảo tàng cũ. Vì vậy, việc chuẩn bị trưng bày là công việc rất khó khăn, phức tạp, mang tính khoa học to lớn, quy trình qua nhiều bước, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất về quan điểm, sự kiện và nhân vật.
“Xây dựng bảo tàng, xây dựng trưng bày phải là sự kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các lực lượng kiến trúc sư, họa sĩ, kỹ thuật, cán bộ khoa học để đảm bảo sự kết nối đồng bộ. Trong xây dựng bảo tàng thì nội dung trưng bày phải đi trước một bước, phải làm được quá trình bài bản, khoa học, để làm cơ sở cho thiết kế kiến trúc phù hợp với yêu cầu của bảo tàng. Đây là bài học xương máu. Nhiều địa phương cứ xây dựng cái nhà trước, rất hoành tráng mà không tính xây dựng để làm cái gì, trưng bày như thế nào. Thực tế, nội dung trưng bày phải đi trước một bước với các trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở đó mới thiết kế xây dựng bảo tàng, hệ thống kho, xưởng, trung tâm trưng bày... Xây dựng nội dung trưng bày được xác định là công tác khoa học rất lớn, rất khó khăn, mất nhiều thời gian, gắn liền với tài liệu hiện vật, bởi nếu không có tài liệu, hiện vật thì không thể trưng bày được.
Quy trình xây dựng nội dung trưng bày phải qua nhiều bước. Về cơ bản có những bước chính: Xây dựng đề cương trưng bày, xây dựng đề cương chi tiết trưng bày, xây dựng kế hoạch trưng bày. Trên cơ sở đó, chúng ta phải có những thiết kế mỹ thuật cho nội dung trưng bày. Đây là vấn đề lớn, phải có kiến trúc sư trưởng, có ê kíp đồng bộ, song song với trưng bày ngay từ đầu, không phải làm nội dung trưng bày xong rồi mới mời họa sĩ. Trong quá trình chuẩn bị nội dung trưng bày thì hoạ sĩ phải được tiếp cận và hiểu nội dung trưng bày, tức là phải tích cực nhập cuộc ngày từ đầu, sát sao với nó thì mới có ý tưởng trình bày được”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ chia sẻ.
Ông Trụ còn chỉ ra một vấn đề khác là từ trước đến nay Việt Nam có thói quen như là truyền thống rằng chúng ta cứ lấy một ngày kỷ niệm nào đó để ép tiến độ thực hiện cho đúng. Như thế sẽ khó đảm bảo chất lượng tốt cho công trình. Ngoài ra, xây dựng bảo tàng lớn nhưng chưa có đội ngũ nhân lực tương xứng thì rất khó phát huy giá trị bảo tàng.
TS Phạm Định Phong cũng lưu ý, hiện nay, Hội đồng Bảo tàng thế giới đã đưa ra định nghĩa mới về bảo tàng, trong đó nhấn mạnh về vai trò, sự tiếp cận của công chúng. Hiện nay, một số bảo tàng của Việt Nam đã thực hiện khá tốt nhưng nhiều bảo tàng chưa thu hút được công chúng, thậm chí còn mang tính chất nội bộ, giống như nhà truyền thống hơn là bảo tàng. Riêng về những bất cập trong xây dựng công trình nhưng công năng không phù hợp với hoạt động bảo tàng, ông Phong cho biết, hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi nên hy vọng sẽ khắc phục được nhiều vấn đề trong xây dựng bảo tàng. Đối với xây dựng và trưng bày bảo tàng mới và bảo tàng được cải tạo, dự thảo Luật quy định dự án được triển khai sau khi đề cương trưng bày được các cấp thẩm quyền phê duyệt; thiết kế công trình phải tính công năng phù hợp và thực hiện song song với thiết kế nội dung trưng bày…