“Ngôn tình 18+” và “bóng ma” khiêu dâm trá hình

Thứ Năm, 03/07/2025, 09:16

Trong không gian mạng đầy hấp dẫn của thế giới đọc sách trực tuyến, nơi những Wattpad, Enovel, Webnovel… được giới trẻ xem như “thiên đường sáng tạo”, đang diễn ra một nghịch lý nguy hiểm. Đó là sự phát triển bùng nổ của dòng truyện “ngôn tình 18+”. Nó được khoác lên chiếc áo văn chương nhưng thực chất là vỏ bọc cho những nội dung khiêu dâm trá hình.

Bùng nổ và vượt kiểm soát

Chưa bao giờ thị trường sách điện tử tại Việt Nam lại phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát như hiện nay. Những cái tên như Wattpad, Webnovel, Enovel, MangaToon… vốn từng được kỳ vọng là không gian sáng tạo văn chương cho thế hệ trẻ thì nay đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho một thứ “văn hóa đồi trụy trá hình” nảy nở không ngừng. Hàng triệu người dùng, phần đông là học sinh, sinh viên ngày ngày cày cuốc theo dõi từng chương truyện mới, bình luận, donate, gửi quà tặng… không phải cho tác phẩm mang giá trị nghệ thuật mà cho những sản phẩm ngập tràn dục vọng.

“Ngôn tình 18+” và “bóng ma” khiêu dâm trá hình -0
Chỉ với một chiếc điện thoại kết nối mạng, các bạn trẻ có thể đọc truyện 18+ khắp mọi nơi.

Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của các nền tảng này kéo theo một hiện tượng bệnh lý: dòng truyện “ngôn tình 18+” bùng phát như dịch bệnh, cuốn phăng mọi chuẩn mực đạo đức, luân lý và kiểm duyệt truyền thống. Không còn những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, nhân văn. Thay vào đó, các nền tảng đọc truyện đang trưng bày công khai hàng trăm ngàn “tác phẩm” với nội dung dung tục, bệnh hoạn, nơi tình yêu chỉ là cái cớ rẻ tiền để dẫn tới tình dục vô độ.

Trên Wattpad, Enovel, Webnovel hay các ứng dụng phổ biến như Mê Truyện, Truyện Full, chỉ cần tìm từ khóa “18+”, “H+”, “Smut”, “giường chiếu”, “nội dung nhạy cảm”… là người đọc có thể tiếp cận vô số truyện với tiêu đề gợi dục, hình minh họa khiêu khích và nội dung ngập ngụa thể xác. Tất cả những cảnh báo tuổi tác chỉ tồn tại cho có lệ. Không một nền tảng nào buộc xác minh tuổi thật, không yêu cầu căn cước công dân, không chặn quyền truy cập người chưa đủ tuổi. Một học sinh lớp 6 chỉ cần cầm điện thoại kết nối mạng là có thể đọc thoải mái các cảnh tình dục chi tiết đến từng tư thế, như thể đang lướt phim khiêu dâm trá hình.

Cứ nhìn vào loạt “truyện hot” là thấy: “Đêm tân hôn: Chồng tôi là sói hoang” trên Enovel mở đầu bằng cảnh cưỡng bức hôn nhân với dòng miêu tả sống sượng: “Anh lao vào tôi như kẻ đói khát lâu ngày, xé toạc chiếc váy cưới trắng muốt. Tôi đau đớn nhưng lại không thể kháng cự...”.

Hay truyện “Chồng tôi là kẻ cuồng dục”, đang xếp hạng cao trên bảng “Truyện tình cảm được yêu thích”, miêu tả mỗi chương là một đêm hoan lạc kéo dài sáu tiếng, khiến nhân vật nữ “mềm nhũn vì bị vắt kiệt sinh lực”. Đây không còn là tiểu thuyết, mà là sách khiêu dâm dưới vỏ bọc văn học mạng.

Sự suy đồi không dừng lại ở dị tính. Truyện đồng tính nam  “boy love” cũng bị kéo thẳng vào quỹ đạo trục lợi dục tính. Truyện “Tổng tài lạnh lùng và tiểu mỹ thụ ủy mị” miêu tả cảnh quan hệ giữa hai nhân vật nam xuyên suốt các chương: “Cậu rên rỉ trong vòng tay hắn, tấm lưng trần mướt mồ hôi va vào tường, mỗi cú đẩy của hắn khiến cả hai chìm trong khoái cảm tột độ…”.

Tệ hại hơn cả là truyện “Em trai tôi là người tình cấm đoán” có nội dung loạn luân giữa chị gái và em trai cùng cha khác mẹ, với hơn 3 triệu lượt đọc, được đưa lên mục “truyện hot tháng 5” của nền tảng. Không những không bị gỡ, tác phẩm này còn được cổ vũ bởi hàng ngàn bình luận với lời lẽ dung tục như: “Phê như con tê tê”, “Cảnh nóng đỉnh quá”, “Ra thêm chương giường chiếu đi chị ơi!”.

Vấn đề nằm ở chỗ, các nền tảng không chỉ làm ngơ, mà còn tích cực thúc đẩy xu hướng viết truyện đồi trụy. Các cuộc thi viết trên Enovel thản nhiên đăng thể lệ: “Ưu tiên truyện có yếu tố tình cảm sâu sắc, hấp dẫn, tình tiết nóng bỏng…”, một lời nhắn ngầm để các cây bút nhồi thêm cảnh sex.

Trong các group Facebook như “Thế giới ngôn tình H+” (với hơn 250.000 thành viên), mỗi ngày đều nhan nhản những bài chia sẻ với tiêu đề đầy khiêu khích như: “10 cách viết tình dục không bị Facebook chặn”; “Cách mô tả khoái cảm mà không tục”, “Bí quyết khiến sex scene lên top tìm kiếm”, hay thậm chí “Viết cảnh nóng để khán giả donate nhiều”. Không còn dấu vết nào của tinh thần văn chương, những nội dung ấy đang đào tạo một cách có hệ thống kỹ năng mô tả tình dục để câu view, câu tiền bất chấp hệ lụy văn hóa và đạo đức.

Không chỉ dừng lại ở đó, các hội nhóm như: “Tổng hợp truyện H văn”; “Truyện 18+ không che”; “Đại bản doanh của dân viết H”, hay “Thánh địa BL đam mỹ cấp cao”… cũng hoạt động công khai với hàng chục nghìn thành viên, trong đó không ít người là vị thành niên. Tại đây, người dùng được khuyến khích chia sẻ “kinh nghiệm dựng cảnh nóng”, “từ điển miêu tả các tư thế”, “tuyệt chiêu gây nghiện từ dòng mở đầu truyện sex”, hay “kịch bản tình dục giữa thầy - trò, chú - cháu, chị - em…” - tất cả được bàn thảo một cách công khai, chi tiết, thậm chí còn được “gắn sao đánh giá hiệu suất”.

Rõ ràng, đây không còn là sáng tác văn học theo bất kỳ nghĩa nào. Đây là nghiệp vụ kỹ thuật tình dục trá hình, được vận hành bài bản trong một hệ sinh thái “sáng tạo nội dung khiêu dâm” dưới vỏ bọc ngôn tình, đam mỹ. Nó không chỉ làm suy thoái chất lượng văn hóa đọc mà còn góp phần định hình lệch lạc nhận thức giới tính, tình dục của một thế hệ đang lớn lên giữa hỗn loạn ngôn từ và sự thờ ơ quản lý.

Việc các nền tảng mạng xã hội dung dưỡng các cộng đồng như vậy mà không kiểm duyệt, không cảnh báo, không rào chắn độ tuổi chẳng khác nào gián tiếp tiếp tay cho một chiến dịch đầu độc tư duy non trẻ. Những hội nhóm đó đang trở thành “lò luyện sex scene”, nơi nội dung kích dục được mài giũa như một công cụ thương mại, được hợp pháp hóa bằng sự im lặng của các bên có trách nhiệm.

“Ngôn tình 18+” và “bóng ma” khiêu dâm trá hình -1
Không chỉ ngôn ngữ mà hình ảnh kèm theo cũng rất phản cảm.

Kết quả là gì? Trên bảng xếp hạng Top donate tuần, Top tương tác, Top truyện yêu thích… gần như 9/10 truyện thuộc thể loại “ngôn tình người lớn”, lấy sex làm trục xoay chính. Một vòng luẩn quẩn độc hại được hình thành: Càng dung tục càng nổi, càng nổi càng được đề cử, càng được đề cử càng sinh lợi.

Các nền tảng cũng không giấu giếm mục đích thương mại. Nhiều truyện “hot” có thêm tính năng “truyện VIP”, “mở khóa bằng xu”, “gói đọc truyện giới hạn”… và điều kiện để được chọn vào mục này thường là: phải có lượng sex scene đủ nhiều, mô tả đủ chi tiết và lôi cuốn. Nội dung càng nhơ nhớp tiền đổ về càng nhanh.

Thật khó tưởng tượng rằng, trong bối cảnh pháp luật vẫn còn loay hoay định danh ranh giới giữa văn học và khiêu dâm, thì một thế giới truyện online ngập tràn dục tính đã mặc nhiên trở thành một phần của đời sống văn hóa thanh thiếu niên. Và càng khó chấp nhận hơn khi toàn bộ hệ thống, từ nền tảng đến người quản lý đang im lặng, hoặc ngầm tiếp tay.

Chúng ta không chỉ đang chứng kiến một trào lưu nguy hiểm. Chúng ta đang bị cuốn vào một quá trình tha hóa có hệ thống, nơi việc kích dục được đóng gói dưới nhãn mác “văn học mạng”, và sự xuống cấp đạo đức được hợp thức hóa bằng lượt view, donate và bảng xếp hạng. Đây không còn là câu chuyện về thị hiếu cá nhân, mà là một vấn nạn xã hội cần báo động đỏ.

Lỗ hổng pháp lý và sự buông lỏng kiểm duyệt

Vấn đề nằm ở chỗ, phần đông độc giả những truyện “18+” lại là học sinh, sinh viên, nhiều em chưa đủ 16 tuổi. Việc truy cập, tiếp cận các tác phẩm này gần như không cần xác minh độ tuổi, chỉ cần một tài khoản Facebook hoặc số điện thoại là có thể mở khóa mọi nội dung.

“Ngôn tình 18+” và “bóng ma” khiêu dâm trá hình -2
Những truyện thế này ngày càng phổ biến, thu hút nhiều người đọc và bình chọn.

Em Hoàng Kim T, học sinh lớp 9 ở Cầu Giấy, Hà Nội kể: “Em đọc truyện BL (boy love) trên Enovel mỗi tối. Có nhiều truyện khiến em bị ám ảnh, nhưng lại không dứt ra được. Bạn bè em đứa nào cũng đọc. Có truyện một tuần cập nhật vài lần, toàn cảnh ân ái”.

Không chỉ đơn thuần là văn chương, nhiều truyện đã dẫn dụ độc giả vào thế giới của những giá trị lệch chuẩn: bình thường hóa mối quan hệ bất chính, tôn vinh cuộc sống “sugar baby - sugar daddy” hoặc thậm chí mô tả tình yêu giữa người trưởng thành và trẻ vị thành niên. Nghiêm trọng hơn, một số tác phẩm còn đi xa hơn nữa khi đưa các hành vi bạo lực tình dục, cưỡng ép, loạn luân… vào câu chuyện như một yếu tố “drama” thu hút. Ranh giới giữa văn học và khiêu dâm bị xóa nhòa một cách nguy hiểm.

Luật pháp Việt Nam chưa có chế tài rõ ràng với hình thức xuất bản trên nền tảng số không qua nhà xuất bản chính thống. Các nền tảng như Wattpad, Webnovel đặt máy chủ ở nước ngoài còn Enovel dù là một sản phẩm Việt cũng chưa có cơ chế kiểm duyệt nghiêm túc.

Về phía các nền tảng, đa số chỉ có quy định “chung chung” như “không đăng nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục” nhưng lại không kiểm duyệt đầu vào, không có thuật toán lọc nội dung khiêu dâm. Đặc biệt, chức năng “truyện VIP”, “truyện donate” khiến việc viết nội dung gây sốc càng trở nên sinh lợi.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nhận định: “Việc để cho giới trẻ, đặc biệt là tuổi thiếu niên tiếp xúc với những tác phẩm ngôn tình mang tính khiêu dâm là mầm họa cho sự phát triển nhân cách. Các em dễ hiểu sai về tình yêu, tình dục, có thể dẫn tới hành vi lệch chuẩn, mất kiểm soát bản thân, thậm chí phạm pháp”.

Vấn đề không chỉ dừng ở việc “giải trí cá nhân”. Nó đã và đang tạo ra một thị trường ngầm, nơi các giá trị độc hại được hợp pháp hóa dưới danh nghĩa văn học. Đó là lý do vì sao, dù bị nhiều phụ huynh lên tiếng, dòng truyện ngôn tình 18+ vẫn phát triển, thậm chí trở thành “trào lưu” trong giới trẻ.

Thực tế cho thấy, không ít kẻ đã phải trả giá vì coi thường giới hạn pháp luật. Vụ “Truyện sex Minh Hồng” là minh chứng: tác giả bị khởi tố vì viết và phát tán truyện đồi trụy trên mạng. Gần đây, cơ quan chức năng đã mạnh tay yêu cầu gỡ bỏ hàng loạt website và ứng dụng phát tán truyện tranh, truyện chữ mang yếu tố khiêu dâm trá hình như Webtruyen.com, Truyensex.vn, Manhwa18… Các quản trị viên vi phạm bị xử phạt hành chính thậm chí bị điều tra hình sự. Những chiến dịch này gửi đi thông điệp rõ ràng: tự do sáng tạo không bao giờ là lá chắn cho việc gieo rắc văn hóa phẩm đồi trụy trong cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường mạng, nơi người trẻ dễ tổn thương nhất.

Trả lời báo chí, Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Theo Điều 253 BLHS quy định về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy: người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp có số lượng lớn; Phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Bên cạnh đó, theo Luật Trẻ em 2016 (Điều 100) cũng cấm tuyệt đối mọi hành vi cung cấp, phát tán nội dung đồi trụy có khả năng gây tổn hại đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. Luật An ninh mạng 2018 và Luật Xuất bản 2012 tiếp tục khẳng định giới hạn này, với các quy định nghiêm cấm hành vi lan truyền nội dung khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian số.

Viết truyện “người lớn” không tự thân là hành vi phạm pháp. Nhưng một khi nội dung mang tính kích dục, truyền bá công khai, hướng đến trẻ vị thành niên hoặc sử dụng để trục lợi, thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng, cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc. Đã đến lúc các nền tảng công nghệ, giới sáng tác và cả cộng đồng cần thức tỉnh: ranh giới giữa sáng tạo và tội lỗi là có thật, và nếu chúng ta tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, những đứa trẻ sẽ là người đầu tiên phải trả giá. Và sau đó, cả xã hội sẽ phải gánh hậu quả từ sự buông lỏng vô trách nhiệm ấy.

Phong Anh
.
.