“Ngũ hình” thời xưa

Thứ Ba, 22/08/2023, 09:53

Thời phong kiến, các hình phạt dành cho người phạm tội có năm bậc, gọi là “ngũ hình”, gồm: xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (lao dịch khổ sai), lưu (đày đi xa) và tử.

Bốn hình thức đầu có số lượng nhiều ít tùy vào mức độ phạm tội. Riêng hình phạt “tử” cũng có các hình thức như “giảo” (thắt cổ), “trảm” (chém đầu).

Các sách hình luật các thời đại phong kiến đều được chép, in cùng với phần “Biểu đồ 5 bậc tội” để phục vụ các hình quan thi hành. Theo các nhà nghiên cứu hình luật xưa, thì Lý Khôi (455-395 TCN), học giả nước Ngụy bên Trung Quốc, thầy học của Ngụy Văn Đế, tác giả bộ luật có tên "Pháp hình" (gồm 6 chương: Đạo pháp, Tặc pháp, Võng pháp, Bố pháp, Tạp pháp và Cụ pháp), đã viết rằng, 5 hình phạt này được xác lập từ thời thượng cổ. Từ thời vua Thuấn, nhà vua đã lệnh cho ông Cao Dao rằng: "Ông là bậc sĩ, phải thấu rõ năm hình phạt". Đó chính là nguồn gốc mà 5 hình phạt này đã được thiết lập, lưu truyền sang các triều đại phong kiến Việt Nam.

tra_khao.jpg -0
Hình vẽ minh họa hình phạt trong bộ "Kỹ thuật của người An Nam" của Henri Oger

Năm hình phạt thời cổ đều khá tàn khốc, gồm đánh dấu vào mặt, cắt mũi, cưa chân, thiến và trừng phạt nặng. Đánh dấu vào mặt là khắc chữ vào trán. Còn trong các hình thức trừng phạt nặng thì tử hình là hình phạt cuối cùng. Từ đời Hán Văn Đế, mới bổ sung hình phạt đánh bằng roi, sau đó thêm đánh trượng, thành 5 hình phạt, truyền đến đời vua Hán Cảnh Đế lại có sự gia giảm. Các triều đại sau nối tiếp đã hình thành năm hình phạt là roi, trượng, đồ, lưu và tử. Trong 5 hình phạt này, triều đại nào cũng nói đến án tử.

Theo nguyên tắc trị tội từ thời Hán, thì đánh bằng roi là trừng trị bằng sự nhục nhã, để cho người có tội thấy xấu hổ để tự sửa đổi mình. Hình phạt này từ 10 đến 50 roi.

Hình phạt bằng trượng nặng hơn phạt bằng roi. Hai roi bằng một trượng. Ai phạm tội đến mức phạt hơn 50 roi thì người ta bỏ roi mà xử bằng trượng. Phạt bằng trượng thì bắt đầu là 60 trượng, mỗi bậc là 10 trượng, cao nhất là 100 trượng.

Tội “đồ” tức bắt tội nhân lao động khổ sai, cũng giống cải tạo trong tù về sau. Tội này thời xưa gọi là “thành đán thung” (giã gạo buổi sáng trong thành). Công việc này trói buộc nhân thân phải đem hết sức làm việc nặng nhọc. Đến khi lập quy tắc “bình chuẩn” thì không còn dùng lối “Thành đán thung” nữa, mà đưa phạm nhân về các trạm dịch để chạy trạm bằng chạy bộ hay chạy ngựa, hoặc theo trạm trên sông, tức hình phạt làm việc dưới quyền sai khiến của trưởng trạm dịch.

Với những người bị tội nặng trên 100 trượng, người ta lập ra quy tắc giảm trượng, tăng đồ để đối nhau. Tội nặng hơn 100 trượng thì giảm 40 trượng là thực tội, trở lại khởi điểm lấy roi thay cho trượng, thêm một năm đồ để thay cho 60 trượng phải chịu phạt. Nếu tội nặng tăng tiếp mức phạt lên đến 100 trượng mới thôi.

Còn “nhuận đồ” là đổi 3 bậc lưu ra 4 năm đồ. Các tạp phạm bị treo cổ, tội chém, đổi ra đồ 5 năm.

“Ngũ hình” thời xưa -0
Hình vẽ minh họa cảnh phạt roi thời xưa

Về hình phạt "lưu", theo tác giả Nguyễn Quang Thắng, trong sách "Lược khảo Hoàng Việt luật lệ", thì người đầu tiên áp dụng hình phạt này là vua Thuấn thời cổ đại bên Trung Quốc, nhà vua đã đày ông Cộng Công. Sách cổ chép rằng: "Lưu là giảm nhẹ trong 5 bậc tội", nghĩa là quy tắc tội lưu được giảm trong 5 bậc, theo sự khoan dung khi còn nghi ngờ về sự phù hợp trong 5 bậc tội. Các triều đại tiếp theo, người ta mới nhập gọn điều này vào 1 trong 5 hình phạt.

Theo "Quốc triều hình luật", hay còn gọi là Luật Hồng Đức, ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông (khoảng năm 1470) và còn được sửa đổi, bổ sung trong suốt thời Lê, thì ngay điều đầu tiên trong chương đầu tiên (Chương "Danh Lệ"), có mô tả năm hình phạt như sau:

"Xuy hình", tức đánh roi có 5 bậc: 10 roi, 20 roi, 30 roi, 40 roi, 50 roi; có thể kèm thêm phạt tiền hoặc biếm chức (với người có chức vụ).

"Trượng hình" tức đánh trượng (gậy), có 5 bậc từ 60 đến 100 trượng. Hình phạt này có thể xử cùng tội lưu, đồ, biếm chức, và đặc biệt đàn bà phạm tội thì không phải đánh bằng trượng.

Thời vua Gia Long nhà Nguyễn, trước khi bộ hình luật “Hoàng Việt luật lệ” được ban hành, sử sách (bộ sử “Đại Nam thực lục”) có chép về việc nhà vua định thêm điều luật về xử tội ăn trộm, trong đó có các mức độ trừng phạt bằng trượng như sau: “Vua cho rằng luật chép về điều ăn trộm tính tang kết tội chưa đủ răn bảo kẻ gian. Bèn sai đình thần định thêm. Phàm ăn trộm đã ba lần trở lên mà được của thì không kể có thích chữ hay chưa, không kể số tang nhiều hay ít, đều lấy tội “tích phỉ” (ăn trộm nhiều lần) mà xử (ăn trộm ba lần đánh 60 trượng, đồ 1 năm; bốn lần đánh 70 trượng, đồ 1 năm rưỡi; 5 lần đánh 80 trượng, đồ 2 năm; 6 lần đánh 90 trượng đồ 2 năm rưỡi; 7 lần đánh 100 trượng đồ 3 năm; 8 lần đánh 100 trượng lưu 2.000 dặm. Thêm một lần thêm một bậc, tội chỉ đến đánh trượng 100, lưu 3.000 dặm, đều thích chữ. Đến hai lần thích chữ rồi mà còn phạm nữa thì theo luật xử giảo giam hậu (xử thắt cổ nhưng chưa thi hành án ngay, giam lại chờ xét tiếp)”.

"Đồ hình", tức giam cầm bắt làm việc khổ sai, có ba bậc, bậc đầu tiên gồm "thuộc đinh" (bắt làm việc phục dịch ở công sở), "khao đinh" (bắt phục dịch trong quân đội), "thứ phụ" (dành cho phụ nữ, bắt phục vụ công việc của làng) và "tang thất phụ" (phụ nữ phục dịch ở trang trại nuôi tằm của nhà nước). Bậc "đồ hình" thứ hai gồm đồ làm "tượng phường binh" (phục dịch ở chuồng nuôi voi của quân đội) và "xuy thất tỳ" (nữ tỳ phục vụ ở nhà bếp).

Bậc thứ ba gồm hai hình thức đồ làm "chủng điền binh" (phục dịch ở trang trại làm ruộng của quân đội) và "thung thất tì" (nữ tì phục dịch ở nhà xay lúa, giã gạo của nhà nước). Hình thức "đồ hình" thì kèm theo đánh trượng, đàn ông đánh 80 trượng, đàn bà đánh 50 roi.

Hình phạt "Lưu hình" cũng có 3 bậc, chia làm đày đi địa phương từ gần đến xa. Châu gần, thời Lê tính từ kinh đô Thăng Long, là Nghệ An và Hà Hoa (Hà Tĩnh ngày nay), kèm thêm đàn ông đánh 90 trượng, thích vào mặt 6 chữ, phải đeo xiềng; đàn bà đánh 50 roi. Châu ngoài, như Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), kèm đánh 90 trượng và thích vào mặt 8 chữ, phải đeo xích 2 vòng.

Châu xa, như Cao Bằng, hoặc Yên Quảng (phía Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày nay), thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ. Sử sách chép, đây đều là những vùng rừng thiêng nước độc, người bị lưu đày ra đó “ít người sống sót trở về được”.

Hình luật triều Nguyễn quy định tội lưu có 3 bậc (tam lưu). Theo “Hoàng Việt luật lệ”, hay còn gọi là Luật Gia Long, ban hành dưới thời vua Gia Long, trong quyển I, chương 27, 29, thì tam lưu, tức ba bậc lưu gồm: thứ nhất lưu xa 2.000 dặm, thứ nhì 2.500 dặm, thứ ba 3.000 dặm. Các mức tội lưu lấy địa bàn xử án làm mốc, như trong miền Nam bị tội lưu ở mức thứ ba thì đày ra miền núi phía Bắc và ngược lại.

“Ngũ hình” thời xưa -0
Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hiệp (1834-1902) thời nhà Nguyễn xử án, giai đoạn 1885-1887. Ảnh: ManhHai Flickr

Nguyên nhân của việc phân định này xuất phát từ chuyện vua Nghiêu chia đất nhà vua thành 5 vùng, mỗi vùng đất cách nhau 500 dặm (dặm thời cổ hiện khó xác định tương đương bao nhiêu mét, còn thời trung đại ở nước ta, một dặm tương đương khoảng 0,5km). Hai vùng ngoài cùng là nơi an trí tội nhân. Tội có nặng có nhẹ, nơi đày cũng có xa có gần. Nên 3 bậc tội lưu gồm lưu 2.000 dặm là đưa họ đến ở vùng thứ ba từ kinh đô. Lưu 2.500 dặm là đưa đến vùng thứ 4, còn lưu 3.000 dặm là đưa đến ở vùng xa nhất, nghĩa là không còn dính dáng gì đến chuyện trong nước. Riêng có một tỉnh không có tội nhân bị đày đến đó, chính là kinh đô!

Về hình phải "tử", Luật hình thời Lê có 3 bậc là "giảo" (thắt cổ), "khiêu" (chém bêu đầu) và "lăng trì" (xẻo thịt cho đến chết). Lăng trì là hình phạt ghê khiếp nhất trong các hình phạt ghê khiếp. Quy tắc của hình phạt này là khoét thịt trên thân một tấc, róc cho đến khi hết thịt hoàn toàn. Sau đó, với tội phạm nam thì cắt bộ phận sinh dục, nữ thì lấy vải che bộ phận sinh dục, cắt mổ bụng, moi phủ tạng cho đến chết, rồi cắt tay chân, cắt hết khớp xương, đập vỡ xương sống. Người ta không biết hình phạt này bắt nguồn từ đâu. Thời xưa, ở Trung Quốc, vua nhà Thương mổ bụng phụ nữ có thai và các hiền sĩ, ngâm muối da thịt của Bá Áp Khảo, có lẽ là khởi nguyên của hình phạt này. Hình phạt lăng trì tàn khốc này sau ở Việt Nam cũng bị bãi bỏ.

Thời Hán, khi xử tru di ba họ, khởi đầu bằng khắc dấu vào mặt, sau đó cắt mũi, cắt ngón chân, cắt bộ phận sinh dục, đánh bằng roi cho đến chết, rồi lấy đầu bêu lên, xương thịt ngâm trong nước muối. Cho nên các nhà nghiên cứu thời xưa cho rằng có thể "lăng trì" bắt nguồn từ thời Hán.

Xử chém thì thân thể tội nhân không còn liền; thân và đầu cách biệt, còn treo cổ thì thân thể còn nguyên vẹn. Tử là hình phạt nặng nhất trong các hình phạt thời xưa. Các thiên "Hồng phạm", "Cửu trù", "Lục cực" trong sách xưa đều có chép về việc chấm dứt mạng sống của kẻ hung bạo. Quan niệm xưa cũng cho rằng, nếu kẻ thủ ác chưa bị trừng phạt thì trời cũng trừng phạt. Thời sau chỉ giữ lại hình phạt ghê khiếp nhất là chém những kẻ bất trung, bất hiếu, đại nghịch, đại ác mà thôi.

Ngoài ra thời xưa còn có hình phạt thấp hơn, gọi là tạp phạm treo cổ. Tạp phạm chém đều được đổi thành tội đồ 5 năm, nên lập thêm mức "nhuận đồ". Bậc trên là chém bêu đầu để răn dạy mọi người.

Về hình phạt "bêu đầu thị chúng", tức sau khi chém tội nhân, lấy đầu bêu lên cây sào cắm nơi ngã tư đường kể tội, kể tên tội nhân ra để cảnh cáo cho mọi người biết sợ. Lệnh bêu đầu răn chúng có từ thời vua Chu Vũ Vương, ông đã treo đầu vua Trụ vào cờ hiệu trắng để cho mọi người biết rằng tội nhân đã bị trừng trị. Hình phạt chém bêu đầu còn gọi là "khiêu", mượn tên một loài chim dữ ăn thịt cả mẹ nó.

Về các hình cụ để trừng trị tội phạm, các sách luật Việt Nam thời xưa cũng có quy định cụ thể, như trong “Quốc triều hình luật” ghi rằng: Roi, đầu lớn 3 phân, đầu nhỏ 1 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song, róc bỏ những mấu mắt. Trượng đầu lớn 5 phần, đầu nhỏ 2 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song lớn, không róc bỏ những mấu mắt. Trượng để tra tấn thì đầu lớn 6 phân, đầu nhỏ 3 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song lớn.

Gông để đeo vào cổ tội nhân thời Lê được quy định "dài 1 thước 7 tấc, rộng 5 tấc”. Ngoài ra, tội nhân còn bị trói bằng dây sắt, với quy định "dài một trượng, làm bằng sắt".

Hiện chưa rõ đơn vị đo lường thời Nguyễn và thời Lê khác nhau nhiều không, nhưng theo quy định trong “Hoàng Việt luật lệ” thời Nguyễn thì roi, trượng đều ngắn hơn của thời Lê, như về roi, không phải làm từ cây song, mà là cây mây, và được quy định là “một khúc dài 2 thước 7 tấc (một thước thời Nguyễn bằng 40 cm), bề tròn từ 6 phân trở xuống, 5 phân trở lên”. Roi không quá nặng, dùng để trừng trị các tội và chỉ được đánh đến 50 roi. Nếu bị xử trượng từ 60 trượng đến 100 trượng thì có thể đổi trượng ra roi.

Trượng thời Nguyễn thì dùng tre dài 2 thước, 8 phân, bề tròn 1 tấc 2 phân trở xuống, 1 tấc 1 phân trở lên, không quá nặng. Khi tội nhân bị dẫn giải, sẽ bị đeo gông ở cổ, xích ở chân; còn khi ở trong ngục, tội nhân bị cùm chân trong những chiếc cùm dài, gồm hai tấm ván có khoét lỗ để nhiều tù nhân bị cùm chân cùng vào đó.

Lê Tiên Long
.
.