Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa

Thứ Sáu, 27/12/2024, 15:08

Ngựa và chiến binh cưỡi ngựa như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng có lịch sử đáng chú ý trong nghệ thuật phương Tây, kéo dài từ rất lâu trước khi đại danh họa Ý Leonardo có kế hoạch xây dựng tượng đài Francesco Sforza.

Vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên tại Athens, Hi Lạp, một số bức tượng người cưỡi ngựa đã được dựng lên tại đền thờ Nữ thần Athena trên Đồi Acropolis. Không rõ chính xác những tác phẩm này đại diện cho ai.

Tượng trưng cho sự chiến thắng

Chúng có thể có liên quan đến giáo phái Athena Hippia - “Athena của những chú ngựa”. Một trong những bức tượng cưỡi ngựa, có niên đại từ khoảng năm 550 trước Công nguyên và được gọi là Người cưỡi ngựa Rampin,  với tư thế khỏa thân và đội vòng hoa, có lẽ ám chỉ rằng, ông ta là người chiến thắng trong một cuộc thi đấu thể thao. Khi người Athens xây dựng Đền Parthenon, ngôi đền lớn thờ Athena trên Đồi Acropolis, vào khoảng năm 447 đến năm 438 trước Công nguyên, họ đã dành gần ba phần tư bức phù điêu dài 160 foot chạy quanh đỉnh tòa nhà để mô tả đoàn kỵ binh, một đội quân gồm những thanh niên lý tưởng cưỡi ngựa.

Một lần nữa, danh tính của những người cưỡi ngựa vẫn chưa rõ ràng, nhưng một giả thuyết phổ biến cho rằng họ đại diện cho những người đàn ông của Athens đã hy sinh trong trận Marathon năm 490 TCN: thành phố này đang tôn vinh những người anh hùng của mình bằng cách mô tả họ như những chiến binh cưỡi ngựa. Một bản sao thạch cao của bức phù điêu Parthenon có thể được nhìn thấy xung quanh đỉnh tường của Phòng trưng bày 3 ở Fitzwilliam.

Ở Rome, Ý thời đế quốc, hoàng đế thường được miêu tả đang cưỡi ngựa, đánh bại kẻ thù. Bên trái là mặt sau của một đồng xu mô tả Hoàng đế Trajan (53 - 117 CN) đang giẫm đạp lên kẻ thù Dacia. Nhiều bức tượng đồng của các hoàng đế cưỡi ngựa đã bị thất lạc, bị phá hủy khi thế giới La Mã chuyển sang Cơ đốc giáo.

Tuy nhiên, một bức tượng nổi tiếng của Hoàng đế Marcus Aurelius (121-80 CN), vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở Rome, nơi nó tạo thành trung tâm của Quảng trường Piazza del Campidoglio. Người sáng lập Bảo tàng Fitzwilliam đã phác thảo tượng đài này, sao chép từ một bản in của thợ khắc người Pháp thế kỷ XVI Nicholas Beatrizet. Con ngựa giơ chân trước bên phải, giữ thăng bằng trên cơ thể nằm nghiêng của kẻ thù đã bị đánh bại, giờ đã mất tích.

Những bức tượng ngựa nổi tiếng nhất còn sót lại từ thời La Mã là nhóm bốn con ngựa bằng đồng được mua về San Marco ở Venice sau khi quân Thập tự chinh cướp phá Constantinople vào năm 1204. Bản phác thảo của Leonardo trong Fitzwilliam, mô tả hai con ngựa, lấy tư thế của những con vật từ tứ tấu nổi tiếng và thanh lịch này. Một bức tượng đồng nhỏ trong Fitzwilliam, được làm ở Venice, Ý vào đầu thế kỷ XVI, cũng dựa trên những con ngựa của San Marco.

Những hoàng đế Cơ đốc giáo đầu tiên đã sử dụng tư thế của người cưỡi ngựa chiến thắng để tượng trưng cho chiến thắng trước kẻ thù và đối thủ ngoại giáo của họ. Trên thực tế, bức tượng Marcus Aurelius chỉ được bảo tồn vì ban đầu người ta tin rằng nó đại diện cho Constantine Đại đế (274 - 337 CN), vị hoàng đế Cơ đốc giáo đầu tiên. Chủ đề về người cưỡi ngựa chồm lên được các nghệ sĩ Cơ đốc giáo sử dụng để tượng trưng cho Thánh George chiến đấu với rồng. Bên trái là mặt sau của đồng tiền vàng từ thời Nữ hoàng Anh Victoria, có hình George, cũng là vị thánh bảo trợ của nước Anh.

Người cưỡi ngựa trắng cũng có thể tượng trưng cho Chúa Kitô, theo như thị kiến của Thánh John được đề cập trong Sách Khải Huyền, 19, 11: “Và tôi thấy bầu trời mở ra, và kìa một con ngựa trắng; và người cưỡi nó được gọi là Trung thành và Chân thật, và trong sự công chính, người phán xét sự thật và gây chiến”. Từ thế kỷ thứ mười ba ở Ý, bức tượng cưỡi ngựa một lần nữa được sử dụng để tôn vinh các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự. Những ví dụ nổi tiếng có thể kể đến tác phẩm của nhà điêu khắc người Florentine Donatello và chính giáo viên của Leonardo, Andrea del Verocchio.

Những danh tướng nổi tiếng lưng ngựa

Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, Alexander Đại đế, Thành Cát Tư Hãn hay Quan Vũ là những danh tướng nổi tiếng trong lịch sử thế giới, mà tên tuổi của họ gắn liền với những chiến tích lừng lẫy trên lưng ngựa.

Alexander Đại đế

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Alexander Đại đế là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Ông sinh năm 356 trước Công nguyên, là quốc vương thứ 14 của dòng tộc Argead ở Vương quốc Macedonia. Trong thời gian trị vì đất nước, ông chinh phục được rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và vùng Lưỡng Hà.  Ngay từ khi còn nhỏ, Alexander đã theo cha đi chinh chiến khắp nơi.

Năm 18 tuổi, trên lưng con thần mã Bucephalus, ông đã tiêu diệt một lực lượng tinh nhuệ được xem là bất khả chiến bại của quân địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng vẻ vang của cha mình trong trận đánh Chaeronea. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông tiếp tục các cuộc chinh phạt của riêng mình và bách chiến bách thắng. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư được xem là chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại. Năm 323 trước Công nguyên, ông lâm bệnh và qua đời khi mới 33 tuổi.

Napoleon Bonaparte

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Napoleon Bonaparte sinh năm 1769 tại Pháp. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng thế giới. Napoleon trở thành Hoàng đế nước Pháp ngày 6/11/1804. Trong nước, ông đã nhiều lần trấn áp các cuộc bạo loạn của các phiến quân, ban hành "Luật dân sự", "Luật hình sự"..., hoàn thiện hệ thống luật pháp của thế giới, đặt nền móng cho trật tự xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Bên ngoài, ông 5 lần đánh bại sự xâm lược của liên minh chống Pháp, dẹp bỏ chế độ phong kiến ở các nước phương Tây, bảo vệ thành quả của cách mạng Pháp. Trong thời gian trị vì nước Pháp, ông đã nhiều lần phát động Chiến tranh Napoleon, cụm từ để chỉ những cuộc chiến của hoàng đế này. Napoleon đánh chiếm được nhiều nước phương Tây khác, hình thành nên hệ thống Đế quốc Napoleon rộng lớn và lập được nhiều kỳ tích quân sự.

Năm 1814 và 1815, ông hai lần bị bại trận và bị lưu đày. Đến năm 1821, Napoleon chết ở Saint Helena. 19 năm sau, linh cữu của ông được đưa về Paris. Sinh thời, ông hay cưỡi một con ngựa trắng khi ra trận. Con ngựa này được đưa từ Ai Cập về. Ngựa của Napoleon là con ngựa đẹp nhất trong toàn quân và được cho là có tốc độ vượt trội những con khác.

Thành Cát Tư Hãn

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Thành Cát Tư Hãn là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất trong lịch sử thế giới. Ông sinh năm 1162. Năm 44 tuổi, ông lập nên đất nước Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á. Cuộc đời ông gắn liền với những trận chiến trên lưng ngựa. Ông phát động rất nhiều cuộc chiến tranh chinh phục nước khác, bao gồm các nước ở Trung Á và Đông Âu. Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn từng giẫm nát thành Roma (Ý) thành Kiev (Ucraine). Lãnh thổ Mông Cổ được mở rộng từ mọi hướng.

Tương truyền, ông rất thích hai con ngựa được sinh ra cùng một mẹ. Một con gầy, một con béo. Thành Cát Tư Hãn rất yêu quý con ngựa gầy và phong là "Thần ngựa".

Năm 1227, ông qua đời khi đang dẫn quân đi đánh Tây Hạ. Có nhiều giả thiết về cái chết của hoàng đế này. Có người cho rằng, ông bị chết do ngã ngựa vì tuổi già sức yếu, cũng có người nói ông bị chết vì bị kẻ thù hạ độc.

Quan Vũ

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Quan Vũ, tự Vân Trường, là danh tướng cuối đời Hán. Ông sinh năm 160 tại tỉnh Sơn Tây. Quan Vũ là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á. Hình tượng của ông được tiểu thuyết hóa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...

Quan Vũ theo Lưu Bị ngay từ những ngày đầu tiên và được Lưu Bị rất trọng dụng, tin tưởng. Ông nổi tiếng là người trọng nghĩa và trung thành, là người có công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Năm 219, ông bị giết chết trong trận giao chiến với quân Ngô. Trên chiến trường, ông cưỡi ngựa Xích Thố để vào sinh ra tử và đã lập rất nhiều chiến tích. Tháng 5/200, Quan Vũ cùng ngựa Xích Thố giúp Tào Tháo tiêu diệt Viên Thiệu. Năm 201, Quan Vũ trở về với Lưu Bị, trong trận giao tranh với Tào Tháo, ông cưỡi ngựa ra trận, giết chết tướng của Tào là Sái Dương. Đặc biệt, Xích Thố đã cùng ông giành được chiến thắng vẻ vang trong trận chiến Xích Bích nổi tiếng đánh bại Tào Tháo.

Lã Bố

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Lã Bố hay Lữ Bố, là danh tướng thời cuối nhà Đông Hán, quê quán ở Nội Mông Cổ, Trung Quốc. Ông từng làm tướng dưới trướng của Đinh Nguyên, Đổng Trác, sau đó chiếm giữ Từ Châu, cai quản một vùng đất riêng. Ngày 7/2/199, ông bị Tào Tháo đánh bại và giết chết.

Trong cuộc đời mình, Lã Bố dẫn quân tham gia rất nhiều trận đánh, trong những trận đánh này ông thường xuyên sử dụng ngựa Xích Thố. Người ta thường dùng câu "Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố" để ca ngợi sự dũng mãnh của cặp đôi tướng quân - tuấn mã này. Ngựa Xích Thố luôn cùng ông sống chết trong các trận đánh.

Triệu Vân

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Triệu Vân là danh tướng nhà Thục Hán, ông là người có công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán, ông quê ở Hà Bắc, Trung Quốc. Tương truyền ông cao to, hùng dũng uy phong và rất giỏi võ nghệ. Năm 200, Triệu Vân về đầu quân cho Lưu Bị.

Ông có con ngựa quý là Dạ chiếu ngọc sư tử, tương truyền là con ngựa có sức rất lớn, rơi xuống hố sâu vẫn có thể nhảy lên được. Ông đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử. Ông cùng ngựa đã tham gia nhiều trận chiến như trận Bác Vọng, đánh quân Tào, trận Xích Bích… Ông qua đời năm 229.

Lý Quảng

Ngựa và những danh tướng lẫy lừng trên lưng ngựa -0

Lý Quảng là danh tướng dưới thời Tây Hán, nổi tiếng với biệt tài cưỡi ngựa bắn cung, được mệnh danh là Phi tướng quân. Ngựa quý mà ông thường xuyên cưỡi khi ra trận là Thiên lý tuyết, ông đã cùng ngựa tham gia nhiều trận chiến trong lịch sử và giành được nhiều chiến công.

Năm 166 trước Công nguyên, ông tham gia vào đội quân đánh nhà Hồ và ngay lập tức lập được nhiều chiến công nên được phong chức Võ kỵ thường thị. Năm 129 trước Công nguyên, trong trận giao chiến với quân hung nô, Lý Quảng bị quân địch bắt, nhưng sau đó trốn thoát được.

Long Nguyễn
.
.