Người “lạ” ở VFF

Thứ Năm, 23/06/2022, 11:14

Có thể ví cố Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là nhân vật có một không hai của bóng đá Việt Nam. Đến với môn thể thao vua như một sở thích tay ngang, nhưng trong hơn 1 thập niên gắn bó, chính ông Lê Hùng Dũng đã xây dựng nền móng để bóng đá Việt Nam phát triển vươn tầm châu Á, cũng như hướng ra thế giới.

Người đưa Ronaldinho đến Việt Nam

Lần gần nhất người hâm mộ bóng đá chứng kiến một đội bóng đẳng cấp thế giới thi đấu tại Việt Nam đã diễn ra từ 7 năm trước. Ngày 27-7-2015, trên sân Mỹ Đình, các cầu thủ Man City đã ghi đến 8 bàn thắng vào lưới đội tuyển Việt Nam. Chúng ta có bàn danh dự ở phút bù giờ cuối hiệp 2, khi Văn Quyết lập công trước khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu.

Trước Man City, Arsenal và đội Olympic Brazil là những đội bóng từng ghé thăm Việt Nam đấu giao hữu. Trong vòng chưa đầy một thập niên, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã có dịp chứng kiến Ronaldinho, Pato, Giroud hay Sterling bằng xương bằng thịt chơi bóng trên sân Mỹ Đình. Đó là trải nghiệm có một không hai với những người vốn chỉ xem cầu thủ thế giới thi đấu qua màn ảnh nhỏ.

Người “lạ” ở VFF -0
Ông Lê Hùng Dũng là người đưa Olympic Brazil với Ronaldinho, Marcelo, Anderson, Pato… đến Việt Nam

Ít ai biết người mở đầu trào lưu đưa các đội bóng quốc tế đến Việt Nam du đấu chính là ông Lê Hùng Dũng. Trên cương vị Phó chủ tịch VFF, ông Dũng đã đích thân tới Singapore đàm phán khi thấy có cơ hội đưa Olympic Brazil đến Việt Nam. Chẳng rõ các bên mất bao lâu để đạt đồng thuận về các điều khoản hậu cần và phí ra sân, nhưng cuối cùng, Selecao đã chơi với đội hình mạnh nhất trên sân Mỹ Đình.

Chứng kiến những cầu thủ như Ronaldinho, Anderson, Diego và Pato chơi bóng ở Việt Nam, chúng ta mới có ý niệm về chênh lệch đẳng cấp trong bóng đá. Các tuyển thủ Olympic Brazil không mất quá nhiều sức vẫn thắng đội tuyển Việt Nam 2-0. Ronaldinho lười chạy nhưng có một pha kiến tạo giúp đồng đội lập công. Với nhiều cầu thủ Việt Nam, đây rõ ràng là một trận đấu để đời trong cuộc đời họ.

Đến năm 2013, ông Lê Hùng Dũng trở thành người đàm phán đưa Arsenal đến Việt Nam du đấu. Nguồn tiền hỗ trợ cho VFF thực hiện thương vụ lịch sử này đến từ Ngân hàng Eximbank, nơi ông Dũng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị giai đoạn 2010-2015. Đây cũng là khoảng thời gian Eximbank tài trợ hàng trăm tỷ cho các đội tuyển quốc gia và V.League.

Người “lạ” ở VFF -0
Ông Lê Hùng Dũng gắn với giai đoạn nhiều biến động của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hữu Phạm

Hiệu ứng Arsenal đến Việt Nam trở thành nguồn động lực để bầu Hiển và Tập đoàn T&T sau đó đưa Man City đến Việt Nam du đấu. Tỷ số trận đấu không phải điều quá quan trọng, bởi cầu thủ Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với những ngôi sao hàng đầu thế giới. Người hâm mộ cũng được xem bóng đá đẳng cấp châu Âu ngay trên quê nhà, thay vì bỏ cả trăm triệu đồng ra nước ngoài theo dõi.

Mạnh tay với tiêu cực

Giai đoạn ông Lê Hùng Dũng làm việc ở VFF cũng là khoảng thời gian bóng đá Việt Nam rúng động với những đại án tiêu cực. Bi kịch Bacolod, nơi lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng bán độ không phải chấm đen duy nhất. Không lâu sau đó, câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á vướng vào bê bối mua chuộc trọng tài ở giải hạng Nhất, khiến hàng loạt lãnh đạo câu lạc bộ (CLB) vướng vòng lao lý, còn đội bóng phải giải thể.

Không nổi cộm bằng đại án Bacolod, nhưng bê bối "cả đội bán độ" ở CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình lại trở thành vết nhơ bởi nhóm cầu thủ này sẵn sàng dàn xếp tỷ số ở một trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Cup. Ít lâu sau, CLB Đồng Nai nối gót khi bị phát hiện bán độ ở V.League. Điểm chung của những vụ việc này là mọi đối tượng có liên quan đều bị đưa ra ánh sáng và phải nhận bản án rất nặng.

Người “lạ” ở VFF -0
Ông Lê Hùng Dũng tiếp Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018.  Ảnh: VFF

Khi U23 Việt Nam, CLB Ninh Bình, rồi Đồng Nai vướng vòng lao lý, không ít người từng đặt câu hỏi: Có nên "xử hết" những người có liên quan hay không? Nếu phạt Văn Quyến, Quốc Vượng và nhiều ngôi sao khác thì đội tuyển Việt Nam lấy đâu ra cầu thủ để đá, bao giờ mới vượt qua Thái Lan? Nhưng thực tiễn đã chứng minh bóng đá Việt Nam không cần nhẹ tay với tiêu cực để hướng về phía trước.

Năm 2008, chỉ 3 năm sau đại án Bacolod, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên giành chức vô địch AFF Cup. Điều tương tự diễn ra sau đó tròn 1 thập niên, khi HLV Park Hang-seo và các học trò nâng cúp ngay trên sân vận động Mỹ Đình. Rõ ràng việc làm sạch tiêu cực, chứ không phải nhân nhượng, thỏa hiệp với cái xấu, mới là động lực giúp bóng đá Việt Nam phát triển.

Điểm trừ hiếm hoi trong cuộc chiến với tiêu cực, dàn xếp tỷ số của cố Chủ tịch Lê Hùng Dũng tại VFF là ông có lúc làm quá mọi chuyện. Năm 2014, ngay sau khi đội tuyển Việt Nam thua tức tưởi Malaysia tại bán kết lượt về AFF Cup, ông Dũng đã hỏi đội trưởng Công Vinh: "Con nghĩ liệu trong đội tuyển có ai bán độ không?". Chủ tịch VFF sau đó cũng phát biểu yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc.

Kết quả điều tra sau đó cho thấy không có tiêu cực, không có cá nhân nào dàn xếp tỷ số ở đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2014 cả. Bản thân Công Vinh sau đó nói anh cảm thấy rất buồn khi ông Dũng tỏ ra thiếu niềm tin vào toàn đội.

Mang tiền về cho VFF

Nghĩ về quãng thời gian ông Lê Hùng Dũng nắm quyền ở VFF, không ít người nói đây là vị Chủ tịch quyền lực cả trong lẫn ngoài khán phòng. Phía sau cánh gà, ông từng chịu chỉ trích vì sự độc đoán trong việc ra quyết định. Nhưng ngay cả những người có hiềm khích với ông Dũng đều phải thừa nhận dưới nhiệm kỳ ông làm Chủ tịch, VFF bắt đầu biết kiếm tiền và trở thành nguồn nuôi sống các đội tuyển quốc gia.

Người “lạ” ở VFF -0
Ông Lê Hùng Dũng và huyền thoại bóng đá thế giới Micheal Platini năm 2000.

Bước ngoặt kiếm tiền của VFF đến vào năm 2011, khi Eximbank do ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch ký hợp đồng tài trợ V.League kéo dài 3 năm, mỗi năm 30 tỷ đồng. Con số 90 tỷ được rót vào VFF ở thời điểm chất lượng V.League dần đi xuống là hiện tượng có một không hai với bóng đá Việt Nam. Trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính, rồi Chủ tịch VFF, ông Dũng sau đó mang về những bản hợp đồng lớn hơn cho đội tuyển quốc gia.

Là người mang tiền về cho VFF, ông Lê Hùng Dũng được kính nể dù trong thời gian ông làm Chủ tịch, đội tuyển quốc gia không có thành tích như kỳ vọng. Đó là cơ sở để ông thẳng thừng nhận xét, thậm chí chỉ trích không ít ông bầu ở cuộc “nổi loạn” 11 năm trước. Ở thời điểm ấy, bầu Kiên, bầu Đức và nhiều lãnh đạo CLB khác từng muốn ly khai VFF để tổ chức một giải đấu mới mang tên Super Liga. Chia sẻ trong một bài phỏng vấn, ông Dũng từng tuyên bố: "Bầu Đức và các doanh nhân khác hưởng lợi rất nhiều, nên không thể nói là họ thua thiệt khi bỏ tiền làm bóng đá".

Người “lạ” ở VFF -0
Ông Lê Hùng Dũng tại sự kiện đưa câu lạc bộ Arsenal sang Việt Nam du đấu năm 2013. Ảnh: VFF

Câu chuyện với bầu Kiên cũng tương tự. Ông Lê Hùng Dũng và Kiên "bạc" vốn là đối tác kinh doanh lâu năm. Khi ông Dũng làm Chủ tịch Eximbank, bầu Kiên cũng là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng này. Đó là cơ sở để bầu Kiên lớn tiếng phát biểu chỉ trích VFF hồi năm 2011. Ông nói mình sẵn sàng đề xuất Eximbank rót thêm tiền cho VFF và V.League, với điều kiện giải không còn xảy ra tiêu cực nữa.

"Bầu Kiên khôn lắm", ông Lê Hùng Dũng hóm hỉnh nhận xét. "Anh ấy cứ đứng ở bên ngoài chỉ trích, phê bình chúng tôi, nhưng được mời đảm nhiệm một vị trí ở VFF thì từ chối". Sau này, khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, bầu Đức trở thành người thay thế ông Lê Hùng Dũng làm Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Không lâu sau khi ông Dũng rời ghế, bầu Đức cũng "mất chức" vì... không có bằng đại học như quy định của VFF.

Cha truyền con nối

Ông Lê Hùng Dũng hoạt động trong ngành kinh doanh và bóng đá dù xuất thân là một cán bộ của ngành Du lịch. Đây có thể là tố chất ông được thừa hưởng từ cha mình, ông Nguyễn Quyền Sinh. Lúc sinh thời, ông Nguyễn Quyền Sinh từng đảm nhiệm cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau đó làm Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.

Ông Lê Hùng Dũng không mang họ cha mà mang họ mẹ. Khi ông mới chào đời, ông Nguyễn Quyền Sinh phải tập kết ra Bắc, cả gia đình ở lại Nam Bộ. Để tránh kẻ địch nhòm ngó, thân mẫu ông Lê Hùng Dũng quyết định chuyển họ cho ông sang họ mẹ. Phải đến sau khi miền Nam được giải phóng, ông Lê Hùng Dũng mới gặp cha lần đầu trong đời. Các con của ông sau này đều mang họ Nguyễn như ông nội, lấy họ Lê làm tên đệm.

Ông Lê Hùng Dũng bắt đầu lấn sân sang bóng đá từ năm 1997, thời điểm ông tổ chức thành công giải U21 quốc gia. Đó là bước đệm giúp ông làm Trưởng ban Tài chính - Vận động tài trợ VFF nhiệm kỳ 1997-2001. Đến năm 2005, ông trở lại VFF cùng tuyên bố thưởng U23 Việt Nam 6 tỷ đồng nếu giành Huy chương vàng SEA Games.

Ở thời điểm đắc cử ghế Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng từng khẳng định mục tiêu mang về 400 tỷ tiền bản quyền truyền hình cho V.League. Dấu mốc này không thể đạt được ở thời điểm ông Dũng nắm quyền, nhưng đang dần trở thành hiện thực khi tiền bản quyền V.League năm sau đều cao hơn năm trước.         

Đơn Ca
.
.