Người viết trẻ với khát vọng “ra thẳng thế giới”
Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố kết quả Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, năm 2021. Các tác giả đoạt giải có những người là hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên văn đàn, có những tác giả xuất hiện với tác phẩm đầu tay.
Trong đó, tác giả Nguyễn Bình với Giải thưởng Văn học dịch cho bản dịch tiếng Anh kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du mới 20 tuổi, đang du học tại Mỹ ngành Thiên văn học.
Giải thưởng đầu tiên của Hội dành cho cây bút trẻ
Giải thưởng Tác giả trẻ nằm trong hệ thống giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1-10 năm trước đến 30-9 năm trao giải) của các tác giả tuổi từ 35 trở xuống (tính tại thời điểm xuất bản sách). Giải thưởng trao cho bốn thể loại văn học, gồm: Thơ, Văn xuôi, Lý luận - phê bình và Văn học dịch. Năm 2021, từ gần 20 tác phẩm được đề cử, Hội đồng sơ khảo đã đọc, thảo luận và bỏ phiếu để chọn ra sáu tác phẩm có số phiếu quá bán, giới thiệu lên Hội đồng Chung khảo.
Kết quả, các tác giả đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 gồm: Thơ: Lý Hữu Lương (tập thơ “Yao”), Phương Đặng (tập thơ “Con người”); Văn xuôi: Đinh Phương (tiểu thuyết “Nắng thổ tang”); Lý luận phê bình: Vũ Thị Trang (tập sách lý luận phê bình “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật”); Văn học dịch: Nguyễn Bình (Bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều).
Các tác giả đoạt giải năm nay có những người là hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, đã khẳng định được chỗ đứng trên văn đàn (Đinh Phương, Lý Hữu Lương); có những tác giả lần đầu xuất hiện với tác phẩm đầu tay (Phương Đặng, Vũ Thị Trang, Nguyễn Bình). Giải thưởng Tác giả trẻ thể hiện một phần quan điểm, thái độ định hướng của Hội Nhà văn Việt Nam trước những tư tưởng, xu hướng sáng tác đa dạng của đông đảo người viết trẻ hiện nay và dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền sáng tạo, cởi mở trong thẩm định, ủng hộ những cá tính sáng tạo độc đáo, phát hiện những tác giả tiềm năng, đồng thời đòi hỏi tinh thần xây dựng nhân văn, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội.
Đánh giá về Giải thưởng Tác giả trẻ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Đây là lần đầu tiên Hội tổ chức được giải thưởng này. Thông qua những cuốn sách vào chung khảo, chúng tôi thấy ở đó các tác giả trẻ đã mang đến những giọng điệu mới, những thi pháp mới và trí tuệ. Điều quan trọng nhất, họ đã đặt vấn đề của đất nước, con người, xã hội một cách sống động. Nổi bật trong các giải thưởng là Văn học dịch. Từ trước đến nay, tác phẩm văn học dịch thường trao cho các tác phẩm của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt.
Song, giải thưởng lần này lại trao cho cuốn sách dịch từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du ra tiếng Anh của dịch giả Nguyễn Bình mới 20 tuổi. Điều đó cho thấy thái độ của người trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc thật đáng trân trọng và đáng nể. Các lĩnh vực khác cũng vậy, tất cả mang lại niềm hy vọng về một thế hệ các nhà văn mới. Chúng tôi mong rằng những năm tới, các tác giả trẻ sẽ tham dự đông đảo hơn nữa, hy vọng nền văn học mới được làm sáng tỏ hơn, được động viên nhiều hơn và đặt lòng tin vào đó”.
Tài năng vẫn cần khát vọng
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Thời tôi còn là người viết trẻ là những năm chống Mỹ, đất nước đầy gian lao, nhưng thế hệ trẻ ngày ấy luôn được quan tâm. Ví dụ, những tác giả trẻ được tập hợp để ra những cuốn sách như tập “Sức mới” in những năm 1960 do các nhà thơ lớn tập hợp. Những người được giới thiệu là: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lê Phương Liên... Sau đó là tập “Ca bình minh” của 5 tác giả trẻ, trong đó có những cây bút được coi như một hiện tượng thơ bấy giờ”.
Trước câu hỏi, các trang báo bây giờ hầu như không còn góc dành cho sáng tác trẻ, liệu những cây bút có còn sân chơi khác không, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, tuy sự thiếu vắng này để lại nhiều đáng tiếc nhưng không vì thế mà lực lượng và chất lượng của sáng tác văn học trẻ bị giảm đi tính tương tác hay “đất” để đăng đàn. Cụ thể, thời buổi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, các nhà xuất bản hoạt động mạnh mẽ và người viết cũng có một nhà xuất bản riêng đó là mạng xã hội. Người viết trẻ có thể tự công bố được tác phẩm, “một bước ra thẳng thế giới”. Có nhiều người viết lợi thế về ngoại ngữ, truyền thông… còn tự dịch và quảng bá tác phẩm của bản thân, đồng nghiệp ra thế giới. Có thể nói, người viết trẻ chưa bao giờ gặp nhiều cơ hội thuận lợi như hiện nay. Như nhà thơ Trần Đăng Khoa ví von, “cả thế giới trong lòng bàn tay” họ, chỉ cần thêm khát vọng trong sáng và lớn lao.
Người viết trẻ đã có những thành tựu tạo nên điểm sáng ban đầu, mang đến hy vọng cho nền văn học, nhưng họ còn thiếu điều gì? Theo các nhà văn thế hệ trước, người viết trẻ cần tiếp tục tích lũy vốn sống, sự hiểu biết, kể cả những suy nghĩ cũng phải “chín” hết. Lịch sử văn học đã chứng minh, những cây bút tài năng thường lặng lẽ đi lên bằng thành tựu, chiếm lĩnh văn đàn bằng những cá tính, lối đi không lẫn với ai.
Những năm gần đây, sự góp mặt của các cây bút trẻ thế hệ 8x, 9x với những tác phẩm tâm huyết để cao trách nhiệm công dân, tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp giá trị văn hóa truyền thống… đã trở thành điểm sáng của nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng; Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam; Cuộc thi “Cây bút vàng” của Nhà xuất bản Công an Nhân dân. Đó như tín hiệu cho sự trưởng thành, khao khát chinh phục đề tài lớn.
Đối diện với thách thức về đề tài, thể loại, các cây bút trẻ vẫn có hướng khai thác tạo nên dấu ấn. Với trường ca, thể loại đòi hỏi tích lũy về trải nghiệm, vững vàng trong bút pháp, các tác giả thế hệ 8x vẫn nhập cuộc sôi nổi. Có thể kể như: “Sóng trầm biển dựng” (Đoàn Văn Mật), “Nước non mặt biển” (Nguyễn Quang Hưng), “Ngang qua bình minh” và “Chư Tan Kra mây trắng” (Lữ Mai), “Bình nguyên đỏ” (Lý Hữu Lương), “Từ phía sương buông” (Nguyễn Thị Kim Nhung)… Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đánh dấu sự trưởng thành của nhiều cây bút trẻ: Đoàn Văn Mật, giải Tôn vinh với trường ca “Sóng trầm biển dựng”; Nguyễn Quang Hưng, giải Nhì với trường ca “Nước non mặt biển”; Lữ Mai, giải Ba với trường ca “Ngang qua bình minh”. Những tác phẩm trên đều viết về đề tài người lính và chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc, được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác.
Điểm nổi bật trong tác phẩm của những người viết trẻ hiện nay là trên nền tảng đề tài lớn, họ đã nỗ lực đổi mới về nội dung, hình thức nhằm truyền tải tới độc giả những góc nhìn, tâm thế đương đại. Nhà thơ Lý Hữu Lương (sinh năm 1988) - một người lính dân tộc Dao đã tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Pa-thét Lào trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Nỗi day dứt khôn nguôi giữa người ra đi và người ở lại được tác giả tập trung khắc họa qua cảm xúc và thi ảnh lạ.
Trường ca “Nước non mặt biển” của Nguyễn Quang Hưng lấy cảm hứng từ hình ảnh người chiến sĩ hải quân với lối viết kỹ lưỡng, giàu tính chiêm nghiệm, làm bật lên được vẻ đẹp ngàn đời của biển, đảo Tổ quốc và lịch sử hào hùng bi tráng của cha ông và thế hệ mai sau. Trường ca “Sóng trầm biển dựng” của Đoàn Văn Mật đã dựng nên vẻ đẹp đầy mạnh mẽ, khát vọng và hy sinh to lớn trong quá trình khai phá, bám đảo, giữ đảo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Điều đáng quý là những cây bút kể trên chỉ cần sau một chuyến đi thì họ đã xuất bản tới vài đầu sách với nhiều thể loại khác nhau. Qua quá trình đọc, quan sát hành trình văn chương của họ, tôi đấy đó là những tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện nhưng bi tráng và rộng lớn về một đề tài mà dễ “gục ngã” nhất vì chính nội dung của nó. Các tác giả đã vượt qua cái “hố sâu” của một đề tài rất quen thuộc. Cách triển khai tác phẩm của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và đủ sức gợi mở”. Hình ảnh quê hương, bản sắc vùng miền, tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế… được các tác giả lưu ý đan xen, điểm xuyết để tạo nên mạch kết nối vững vàng, khỏe khoắn.
Giải thưởng trao cho các tác giả trẻ thể hiện sự ghi nhận của Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức, đơn vị… đối với tâm huyết, đóng góp của thế hệ trẻ. Đây là yếu tố quan trọng nhằm động viên, khích lệ họ có thêm động lực, cảm hứng để tiếp tục chinh phục những đề tài mang tính thử thách. “Suốt những năm qua tôi vẫn luôn đọc sáng tác của thế hệ trẻ. Ở đó, họ luôn nỗ lực kiếm tìm thi pháp mới, tiếp cận tốt các nền văn hóa, tri thức sâu rộng của đất nước và thế giới. Điều này có khác với thế hệ của tôi. Thời đó, chúng tôi vẫn còn điều gì đó ngây thơ, mong manh, dè dặt. Trong thời đại đầy rẫy sự thách thức, người viết trẻ đầy bản lĩnh và họ thể hiện điều đó bằng giọng điệu, ngôn ngữ, cấu trúc mới... mà vẫn chứa đựng những phẩm tính, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, vẫn áp sát với đời sống qua cách phản ánh từng mối đe dọa, sợ hãi, giấc mơ, ý chí của con người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Trao đổi về vấn đề phát hiện, bồi dưỡng nhà văn trẻ tập trung sáng tác và nâng cao trách nhiệm công dân, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ này, ngoài Giải thưởng Tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm; tạo ra những diễn đàn như: tạp chí, chuyên đề, sách… với chủ thể chính là người viết trẻ.