Nhà kính và mối nguy hiện hữu ở Đà Lạt

Thứ Tư, 30/11/2022, 12:12

Đã đến lúc nhà kính, nhà lưới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng) phải chấm dứt sứ mệnh lịch sử sau hàng chục năm đưa nền nông nghiệp của địa phương này vươn tới đỉnh cao. Bên cạnh “công”, nhà kính, nhà lưới cũng không ít “tội” khi đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài, đang góp phần đánh mất bản sắc đặc trưng của Đà Lạt...

Được, mất từ nhà kính

Đã có thời gian dài, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng quy mô, diện tích nhà kính, nhà lưới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, dành chỗ cho những mục đích khác.

nha kinh 1.jpg -0
nha_kinh_2-1669774433276.jpg
Nhà kính phủ kín diện tích đất nông nghiệp ở Đà Lạt đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp bắt đầu du nhập vào Đà Lạt năm 1994. Doanh nghiệp sở hữu nhà kính đầu tiên ở thành phố này (cũng là đầu tiên cả nước) là Công ty TNHH Dalat Hasfarm (một doanh nghiệp đến từ Hà Lan). Sau một thời gian dài tò mò, lạ lẫm với cách sản xuất hoa “rất lạ” của doanh nghiệp trên, những nông dân của Đà Lạt bắt đầu “học lỏm” được cách làm hoa ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những người Đà Lạt đầu tiên dựng nhà kính, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp phần lớn từng là công nhân đã trực tiếp làm việc cho Công ty TNHH Dalat Hasfarm. Họ nắm bắt và làm chủ được kỹ thuật làm nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới với các quy trình ngày càng được tự động hóa. Hiệu quả vượt trội khi các loại rau, hoa được sản xuất theo phương thức mới này trở thành động lực thúc đẩy người người, nhà nhà ở Đà Lạt đua nhau dựng nhà kính, nhà lưới.

Nhà kính bắt đầu mọc lên nhiều từ năm 2004, khi Đà Lạt đưa ra chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Tốc độ xây dựng nhà kính mạnh nhất là vào năm 2012, khi đó các vật liệu không còn phải nhập khẩu mà đã được một số công ty Việt Nam tự sản xuất và phân phối.

Đà Lạt trở thành địa phương kiểu mẫu, tiên phong trong cả nước về năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp. Trung bình, mỗi hecta sản xuất nông nghiệp trên thành phố này cho doanh thu trên 500 triêu đồng. Nếu trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, 1ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính ở Đà Lạt có thể đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới, Đà Lạt chủ yếu vẫn gieo trồng các loại rau, hoa truyền thống, thì nay hàng trăm giống rau, hoa mới đã được nhập khẩu về trồng thành công ở Đà Lạt.

Đến nay, hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt đều đã được phủ kín nhà kính, nhà lưới. Các địa phương lân cận như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… vốn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp cũng đã nhanh chóng học theo mô hình của Đà Lạt, nâng tổng diện tích nhà kính, nhà lưới của tỉnh Lâm Đồng lên hàng chục nghìn hecta.

Thế mạnh của sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới là nông dân, doanh nghiệp không bị tác động của thời tiết tự nhiên do cây trồng ít phải chịu những tác động thâm nhập từ bên ngoài, thậm chí làm nông nghiệp không cần đất mà trồng trên giá thể hoặc theo phương pháp thủy canh, khí canh. Người làm nông nghiệp không chỉ chủ động được thời gian xuống giống, áp dụng được các quy trình chuyên môn hóa, tự động hóa trong sản xuất mà năng suất cây trồng còn cao ít nhất gấp đôi so với lối sản xuất truyền thống ngoài trời. Chính vì thế, giá trị sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới cũng cao vượt trội, đem lại doanh thu lớn cho nhà nông, doanh nghiệp.

Nhà kính và  mối nguy hiện hữu ở Đà Lạt -0
Diện tích nhà kính ở Đà Lạt liên tục được mở rộng trong những năm qua.

Thế nhưng, khi loại hình nhà kính, nhà lưới phát triển đến mức mất kiểm soát, gây ra những tác hại trực tiếp, rõ ràng thì nhà chức trách địa phương mới bắt đầu “giật mình”. Những trận lũ lụt chóng vánh xảy ra vào mùa mưa là cảnh báo cho Đà Lạt và các huyện lân cận bởi tác hại khôn lường do nhà kính, nhà lưới gây ra.

Cùng với việc bê tông hóa ở khu vực nội ô, đất đai các phường, xã vùng ven ở Đà Lạt bị che phủ gần như toàn bộ bởi nhà kính, nhà lưới đã khiến nước mưa không thể ngấm xuống đất. Dĩ nhiên, trong những trận mưa dù lớn, dù nhỏ, nước chỉ còn cách đổ dồn về những vùng trũng, thấp và các con mương, gây ra tình trạng lũ quét, ngập lụt cục bộ chóng vánh, làm thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân. Nhà kính, nhà lưới cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, khí hậu và hệ sinh thái của nơi lâu nay vẫn được ví là “Thiên đường nghỉ dưỡng”, vốn có cảnh quan, khí hậu tốt bậc nhất cả nước.

Nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Đức Thi và kỹ sư Nguyễn Thu Bình, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đã ghi nhận sự biến đổi rõ rệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên. Nhiệt độ ở TP Đà Lạt đang nóng dần lên, sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt giãn cách đột biến chưa từng thấy: chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-10 độ C trong những năm trước đây, nay tăng lên 12-15 độ C. Đã có thời điểm, Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận nhiệt độ ngoài trời của Đà Lạt đã vượt ngưỡng 30,5 độ C, đó là ngày 20/4/2016.

Nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp nhưng lại đang làm thời tiết Đà Lạt nóng lên, đánh mất bản sắc đặc trưng của thành phố này. Bên cạnh đó, do nước mưa bị cản lại bởi nhà kính, nhà lưới, sau đó trôi dồn về vùng trũng, thấp cũng đã khiến mực nước ngầm của Đà Lạt đang có chiều hướng giảm mạnh và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.

“Xét lại” nhà kính, nhà lưới

Mới đây, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này phải bổ sung lộ trình giảm diện tích nhà kính tại khu vực nội ô của TP Đà Lạt và các thị trấn. Riêng TP Đà Lạt phải làm rõ tỉ lệ giảm dần diện tích nhà kính hàng năm theo hiện trạng để sau năm 2030, các phường của TP Đà Lạt sẽ không còn nhà kính, nhà lưới. Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.

Nhà kính và  mối nguy hiện hữu ở Đà Lạt -0
Đất nông nghiệp phủ kín nhà kính trong khi Trung tâm Thành phố Đà Lạt bị bê tông hóa.

Theo ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Lâm Đồng phải xem lại chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhà kính, nhà lưới. Hiện nay, chỉ tính riêng Đà Lạt đã có khoảng 2.800 ha nhà lưới, nhà kính trên tổng diện tích tự nhiên là 494 km2 là điều hết sức nguy hại cho môi trường, cảnh quan nếu diện tích này tiếp tục được tăng lên. “Phát triển nông nghiệp theo cách này là đi ngược với xu hướng thế giới. Đi trên máy bay nhìn xuống đã thấy nhà kính phủ trắng rồi. Nhà kính đã và đang tác động xấu lên Đà Lạt, hình thành một vùng tiểu khí hậu tiêu cực. Lũ, ngập lụt cục bộ là hậu quả trước mắt đã xảy ra!”, ông Trần Quý Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, ở các nước châu Âu và Úc, họ đã bắt đầu tháo dỡ hàng loạt nhà kính nông nghiệp để bảo vệ môi trường, cảnh quan sau khi nhận ra những tác hại của loại hình sản xuất nông nghiệp này. Do đó, cần phải nhìn nhận nhà lưới, nhà kính là một mối nguy hại tác động trực tiếp đến ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt là du lịch và đời sống của người dân. “Nếu không kịp thời điều chỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sạch, bền vững thì Đà Lạt được ít mất nhiều”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tán đồng với những nhận định, đánh giá về tác hại của nhà kính, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị Đà Lạt đánh giá lại những cái được, cái mất trong việc ứng dụng nhà lưới, nhà kính để phát triển nông nghiệp. “Tôi biết tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch lộ trình giảm dần diện tích nhà kính đến năm 2030. Tôi cho rằng cần quyết liệt và nhanh hơn. Biện pháp quản lý nhà lưới, nhà kính phải hữu hiệu, không nên chỉ dừng lại ở kế hoạch...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Để kiểm soát vấn đề nhà kính, nhà lưới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành đề án “Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, đồng thời gửi bản dự thảo đến các sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có sử dụng nhà kính, nhà lưới trên địa bàn để lấy ý kiến về đề án này. Mục tiêu chung của đề án là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính, nhà lưới tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt (sau năm 2030) và các huyện lân cận. Chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp.

Khắc Lịch
.
.