Nhà văn trẻ đồng hành cùng thời cuộc

Thứ Hai, 20/06/2022, 12:18

Sau thời gian tạm hoãn vì đại dịch COVID-19, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X chính thức diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng trong 2 ngày 18 và 19-6. Chủ đề của Hội nghị lần này nhấn mạnh về thái độ, trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút với đời sống, xã hội.

Hội nghị hy vọng khơi dậy mạnh mẽ lòng nhiệt huyết, đam mê của những người trẻ với công việc sáng tác văn học, củng cố lực lượng trẻ, sung sức bổ sung vào đội ngũ những người cầm bút, hứa hẹn một tương lai  tiềm năng cho văn học nước nhà.

Điểm danh lực lượng

Trong số 138 đại biểu dự Hội nghị lần này có 19 đại biểu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có tuổi đời từ 35 trở xuống. Như vậy, tỷ lệ nhà văn trẻ trong Hội Nhà văn rất thấp (khoảng 1%). Dù con số này không thể hiện chất lượng  văn học trẻ nhưng ít nhiều nó cũng cho thấy diện mạo của văn học Việt trong những năm gần đây, cũng như sự quan tâm của tổ chức Hội nghề nghiệp đối với việc phát hiện, tìm kiếm, khích lệ, kết nạp những người cầm bút trẻ tài năng vào tổ chức chính thống lớn nhất của văn học trong nước.

Nhà văn trẻ đồng hành cùng thời cuộc -0
Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại cuộc Họp báo về Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X

Trong thời kỳ công nghệ số, với sự hỗ trợ của các công cụ trên Internet, việc mang tác phẩm đến độc giả của nhà văn trở nên dễ dàng hơn, cùng với đó là sự nở rộ của nhiều bút nhóm, câu lạc bộ sáng tác trên mạng. Người cầm bút trẻ không phải chịu nhiều thử thách như thế hệ trước trong việc công bố tác phẩm, bởi có khi chỉ cần một trang cá nhân trên mạng, họ đã có thể đo được mức độ tương tác, mức độ quan tâm của người đọc với trang viết của mình. Chưa có một cuộc thống kê chính thức nhưng chỉ bằng quan sát đời sống văn học có thể thấy, số lượng người trẻ viết văn hiện rất đông, thậm chí đông hơn các thời kỳ trước nhiều. Một số tác giả trở nên nổi tiếng nhanh và được cộng đồng mạng săn đón, sách in ra bán chạy, tái bản nhiều lần là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu hiểu theo đúng nghĩa một lực lượng cầm bút trẻ tuổi, với thái độ cầm bút nghiêm cẩn, dấn thân, đau đáu thời cuộc, cống hiến cho những giá trị nghệ thuật thực sự thì có vẻ như chưa có nhiều điểm sáng. Phần đông người viết trẻ hiện đến với văn chương với tâm lý của một cuộc thử nghiệm, kiểu như “chơi một game” là chính. Một số người chạy theo đám đông, viết những gì đám đông chú ý, không cần nghĩ chuyện đường xa, đường dài và cũng ít đặt nặng vấn đề học thuật, lý luận. Một số người viết văn nhưng cặp mắt vẫn nhìn về phía nhiều phương tiện giải trí khác để tìm kiếm cách thức lập thân, chứ không xác định “sống chết” với nghề chữ, vốn đi một hồi đã thấy mỏi, thấy khó, thấy gập ghềnh.

“Nguyên nhân của tâm lý “ăn xổi” của một số người cầm bút là tốc độ quá nhanh của đời sống hiện đại. Sự mời mọc sôi động của nhiều phương tiện khiến người trẻ bị phân tán. Một số người có tài năng thực sự nhưng lại tỏ ra sốt ruột, khi thấy quả ngọt của nhiều công việc vào đời khác đến nhanh hơn, dễ hơn văn học. Thái độ coi văn chương như một thú chơi là một thử thách lớn nhất hiện nay với người cầm bút trẻ. Những năm gần đây, tác phẩm có ấn tượng của người viết trẻ không nhiều. Hiện tượng thiếu tác phẩm và tác phẩm tốt mang tính đột phá của người viết trẻ diễn ra trong quãng thời gian dài. Theo cảm quan của tôi, ngày nay, sau khi hoàn thành công việc học hành, các bạn trẻ bước vào đời là bước ngay vào cuộc mưu sinh thực sự. Nào là nơi ăn chốn ở, chi tiêu hàng ngày, nuôi sống gia đình, phấn đấu cho cơ hội nghề nghiệp…Cuộc sống diễn ra nhanh tới mức nếu anh chậm bước thì sẽ tự mất đi cơ hội. Áp lực đó khiến cho tình yêu văn chương của người viết trẻ phải tạm gác sang bên dành chỗ cho cơm, áo, gạo, tiền trước mắt”, nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ- Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định.

Nhà văn trẻ đồng hành cùng thời cuộc -0
Các đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX năm 2016.

Hội Nhà văn Việt Nam nhìn rõ khoảng trống này và đang nỗ lực cho những thay đổi, với mong muốn xây dựng một đội ngũ những người cầm bút trẻ không chỉ đông về số lượng mà còn chất lượng trong sáng tác. Bởi xét cho cùng, khi chúng ta nói về một nền văn học thì không dựa trên số đếm tác phẩm, tác giả, mà quan trọng hơn cả là chất lượng của tác phẩm.  Hội đã tổ chức Giải thưởng Tác giả trẻ hàng năm và lần trao giải đầu tiên diễn ra vào đầu năm 2022, trao cho các tác giả xứng đáng ở các hạng mục Văn xuôi, Thơ, Văn học dịch, Lý luận phê bình, vinh danh một số gương mặt đáng chú ý như Nguyễn Bình, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Phương Đặng. Hội nghị những người viết văn trẻ lần này cũng là một sự kiện quan trọng, giúp cho những người làm công tác Hội nhìn rõ hơn các vấn đề của văn học trẻ cũng như phát triển đội ngũ người viết trẻ, sao cho không chỉ đông về số lượng mà còn giàu có về chất lượng tác phẩm. Chắc chắn là vấn đề tăng cường chất lượng hội viên không thể bỏ qua câu chuyện bổ sung vào Hội những cây bút trẻ có năng lực, nhiệt huyết. Làm sao để những người viết trẻ hào hứng với Hội, muốn tham gia vào tổ chức Hội, làm cho Hội thêm vững mạnh.

Viết để làm gì?

Vì sao chúng ta viết, hay nói cách khác viết để làm gì, là câu hỏi xoay quanh Hội nghị những người viết văn trẻ lần này. Với vai trò nhà tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam muốn đề cập vấn đề trách nhiệm, lương tâm, thái độ của người viết văn trẻ. Đây là cách đặt vấn đề phù hợp, cần thiết, trong thời điểm đất nước ta cũng như toàn nhân loại đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, và thực tế như đã nói ở phần đầu, nhiều người cầm bút trẻ chưa xác lập một thái độ đúng với việc viết văn.

Nhà văn trẻ đồng hành cùng thời cuộc -0

Đồng ý rằng không nên quá nặng nề với sáng tác văn học, không nên trút lên đôi vai của nhà văn quá nhiều gánh nặng, nghĩa vụ, và văn học, ở một nghĩa nào đó cũng được xem như một hình thức giải trí của con người. Nhưng như thế không có nghĩa là nhà văn không có sứ mệnh, trách nhiệm với đời sống. Thái độ của một người cầm bút sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc họ viết gì và viết như thế nào. Nếu coi sáng tác văn học chỉ là một thú chơi thì rất có thể người viết sẽ lấy việc câu view, giật gân, chạy theo thị hiếu, viết để chiều chuộng một đối tượng bạn đọc nhằm tìm kiếm danh lợi. Nhưng nếu người cầm bút xác định thái độ, trách nhiệm của mình ở một mức độ cao hơn, họ sẽ nghiêm túc hơn từ cách chọn đề tài, cách viết và từ đó mới hy vọng họ sẽ đóng góp cho nền văn học những tác phẩm giá trị nghệ thuật.

Nhìn vào quá khứ, Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 16 tuổi, Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” năm 20 tuổi, Vũ Trọng Phụng viết nhiều tác phẩm lớn như “Số đỏ”, “Giông tố”, thậm chí hoàn thành sự nghiệp văn học lẫy lừng trước 27 tuổi...Những nhà văn đó ngay từ khi còn rất trẻ đã xác lập một thái độ với nghề văn, đã lựa chọn dấn thân đi cùng với thời cuộc, phản ánh lương tâm con người, lương tâm thời đại thông qua những trang viết bằng cả tài năng và tâm huyết. Bằng cách sử dụng sức mạnh của ngôn từ, nhà văn hy vọng vào sự thay đổi đời sống, với mong muốn làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.

Nhà văn trẻ đồng hành cùng thời cuộc -0
Tác giả trẻ Phát Dương (Cần Thơ) đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.

Quan sát đội ngũ người viết trẻ hôm nay, thấy mừng là có một số người đã dũng cảm vượt qua thử thách, sẵn sàng dấn thân với nghề. Tác phẩm của họ đã bỏ qua được những thông thường vụn vặt đời sống, không đắm chìm trong những nỗi buồn cá nhân mà hướng sự quan tâm đến những vấn đề hệ trọng, lớn lao của đất nước. Xu hướng toàn cầu hóa với nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nhưng cũng mang tới không ít hệ lụy: bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một, những biến đổi về lối sống con người, các giá trị nhân văn mất dần đi...đang là những dấu hỏi đối với người nghệ sĩ sáng tạo trong mọi lĩnh vực nói chung và văn học nói riêng.

Nhà văn trẻ càng phải nhận thức được những đổi thay quan trọng đó. Mỗi khi ngồi trước trang giấy, bạn phím, một nhà văn thực sự không thể nào lại thiếu đi cuộc độc thoại riêng tư, sòng phẳng, rằng mình viết cho ai và viết để làm gì? Nếu không có một tình yêu đủ lớn với con người, với đời sống thì mọi ngôn từ nhà văn viết ra có thể chỉ là cái vỏ trống rỗng vô hồn. Nhà văn phải bước đi cùng với thời cuộc. Những trăn trở trong từng trang viết là chứng minh lương tri, trách nhiệm của người cầm bút.

Một hội nghị trong 2 ngày chắc chắn không thể mang đến một sự thay đổi ngay lập tức đối với văn học, nhưng nó giúp cho Hội Nhà văn Việt Nam hình dung về tương lai văn học để có những chiến lược phù hợp trong phát triển đội ngũ cũng như khích lệ người cầm bút sáng tác. Còn với các nhà văn trẻ, một cuộc gặp gỡ bạn bè cùng thế hệ, cất tiếng nói trên một diễn đàn dành riêng cho mình và được lắng nghe để mở ra thêm nhiều suy ngẫm về công việc sáng tác, thiết nghĩ chỉ thế thôi cũng đã là  hữu ích rồi.

Vũ Quỳnh Trang
.
.