Nhạc sĩ Văn Dung: Trái tim thấm đẫm tình yêu cuộc đời

Thứ Hai, 14/03/2022, 15:45

Nhạc sĩ Văn Dung - một người tài hoa, hóm hỉnh và sâu sắc. Âm nhạc của ông đã đi vào trái tim người nghe nhiều thế hệ, vì sự trong sáng và gần gũi, về niềm lạc quan tha thiết với cuộc đời. Con người hiền hậu cùng nụ cười hồn nhiên thường trực trên môi ấy đã dừng cuộc rong chơi trần gian ngày 8 tháng 3 vừa qua, nhưng chúng ta sẽ còn mãi nhớ đến ông bởi những giai điệu vô cùng đẹp đẽ ông gửi lại.

Giống như nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ, sự nghiệp âm nhạc của Văn Dung đi cùng những giai đoạn khốc liệt đất nước. Ông đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến gian lao, vĩ đại của dân tộc. Từ một người làm công tác báo chí, không ngại lăn xả vào đời sống, nếm trải mọi khó khăn, gian khổ, máu và nước mắt, ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của thế hệ mình- người nhạc sĩ cách mạng với những ca khúc còn lưu dấu khó quên trong lòng khán giả.

Khi mới chập chững vào nghề, Văn Dung làm việc tại Ban Công nghiệp - Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi trở thành một biên tập viên âm nhạc. Chính công việc của một biên tập viên âm nhạc đã mở ra một cánh cửa lớn để Văn Dung bước vào sự nghiệp sáng tác. Ngoài thâu lượm tin tức, ông không ngừng đọc và học, bổ sung các kiến thức văn hóa, âm nhạc, rồi không ngại ngần dấn thân vào những chuyến đi thực tế thời chiến để có chất liệu, cảm hứng để viết ca khúc.

Nhạc sĩ Văn Dung: Trái tim thấm đẫm tình yêu cuộc đời -0
Nhạc sĩ Văn Dung và vợ, ca sĩ Tuyết Nhung

Trong những lần ngồi vui với bạn bè, ông xác nhận: “Tôi không được học bài bản về âm nhạc, nhưng bù lại tôi biết lắng nghe, học hỏi, lại cũng chịu đi. Tôi nghĩ rằng “đi” là một điều cực kỳ quan trọng. Mình làm nghề gì thì phải biết sâu về nghề đấy. Nhạc sĩ không phải chỉ cần biết các thể loại âm nhạc, mà cần thiết phải đi, phải bước vào hiện thực, thì âm nhạc mới sống được. Trong kháng chiến tôi đi để ghi chép lại hiện thực đầy gian khó và hy sinh của quân và dân ta. Trong hòa bình, dựng xây tôi đi để tìm cái hay cái đẹp, để đối tượng được phản ánh người ta thấy có mình trong đó”. Những chuyến đi luôn làm Văn Dung hồ hởi, dù là đi dưới mưa bom bão đạn, khi trên đầu máy bay địch quần thảo, mặt đất đầy sình lầy, hố bom, cái chết rình rập. Ông tự thấy mình phải “ba cùng” với đồng bào chiến sĩ, và nếu có trở thành nghệ sĩ thì chính là đã thấu hiểu những con người như vậy, đã chứng kiến họ chiến đấu vì quê hương ra sao, để viết lên những giai điệu chia sẻ, động viên tinh thần lạc quan cho mọi người.

Những chuyến đi thực tế Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 - Nam Lào đã mang cho ông những cảm xúc mãnh liệt để ông viết các ca khúc như “Giải phóng quân ta ra đi”, “Tiến về Khe Sanh”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng”. Đó là những ca khúc mà nếu chúng ta nói đến âm nhạc Việt Nam thời kỳ chống Mỹ đều không thể bỏ qua. Nếu thi ca có một Phạm Tiến Duật thì âm nhạc có một Văn Dung - những người chép sử bằng âm nhạc trong những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh. Nhưng chiến tranh trong tác phẩm âm nhạc của ông không khi nào chỉ dừng ở khốc liệt, đó còn là những giây phút đẹp của tình yêu, của tinh thần lạc quan ra trận, và niềm tin vào chiến thắng: “Giữa màn đêm ta vượt núi băng rừng/ Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau rộn bước/ Vì quê hương yêu dấu chờ ta bao năm tháng”, “Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua, vang giọng hát em ngân xa”.

Văn Dung buổi đầu không định làm một nhạc sĩ, chính là hiện thực đời sống đã khiến ông trở thành người cầm bút. Và dù trong tâm thế ghi chép lại hiện thực nhưng với tài năng và tấm lòng thiết tha với đời sống, những ca khúc của ông luôn vượt lên trên hiện thực, gieo vào người nghe những giá trị nhân văn sâu sắc. Hay nói cách khác, âm nhạc giúp ông (cùng người nghe của ông) thấm sâu hiện thực khốc liệt của đất nước nhưng không bị nhấn chìm bởi nó, vì trong từng ca khúc đều chứa đựng mạnh mẽ niềm lạc quan, tin tưởng vào hòa bình, vào tương lai.

Tuy nhiên nhắc đến Văn Dung chúng ta còn biết rằng ông là người có nhiều ca khúc hay về Bác như “Tên Người sáng mãi niềm tin”, “Tiếng Người nói ngày ấy”, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác”. Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Dung mang một vẻ đẹp riêng cả về hình ảnh, ca từ lẫn âm nhạc. Có lẽ hiếm có ca khúc viết về lãnh tụ nào khiến người nghe nhẹ nhõm, dễ chịu, đồng cảm nhiều đến vậy.

Ca từ và thanh âm giản dị, mộc mạc, không hề khoa trương mà vẫn thể hiện sâu sắc tình cảm của Nhân dân dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Nhạc sĩ Văn Dung từng kể lại, ông đã viết ca khúc này chỉ trong 1 giờ đồng hồ, nhưng trước đó ông đã trăn trở rất lâu về ý tưởng “mỗi người là một bông hoa đẹp”: “Trong mỗi chúng ta luôn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận, vì tình cảm của Nhân dân với Bác đã quá sâu nặng. Chính trong bầu không khí sôi sục của cách mạng đã tạo cảm hứng cho người sáng tác thể hiện được đúng tâm tư, tình cảm của mình đối với vị lãnh tụ kính yêu”.

Nhạc sĩ Văn Dung: Trái tim thấm đẫm tình yêu cuộc đời -0
Nhạc sĩ Văn Dung

Sau ngày đất nước hòa bình, trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc gây tiếng vang, Văn Dung vẫn tiếp tục những chuyến đi. Ông đến các công trường, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, về với người nông dân, xuống hầm mỏ… Mỗi chuyến đi như vậy đều cho ông rất nhiều câu chuyện, nhiều cảm hứng để tiếp tục viết ca khúc dâng tặng cuộc đời như: “Vinh quang công nhân Việt Nam”, “Trở về Bỉm Sơn”, “Nông trường ta yêu”, “Hương lúa chiêm xuân”, “Tình ca đất mỏ”, “Vì một hành tinh xanh”, “Chiều xa thành phố cảng”…

Có thể nói, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Dung không bắt đầu từ những kiến thức hàn lâm, mà nó được chắp cánh từ hiện thực cuộc sống. Đi đến bất cứ nơi đâu ông đều cố gắng lắng nghe âm thanh của đời sống và mang nó vào trong từng giai điệu. Với quan niệm người sáng tạo không thể xa rời hiện thực, nên khi ở cương vị Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Văn Dung đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các nhạc sĩ hội viên. Với tài quảng giao của mình, ông luôn biết cách tạo điều kiện thuận lợi để các đồng nghiệp đến được nhiều địa phương, tìm kiếm cảm xúc và chất liệu cho âm nhạc. Rất nhiều tác phẩm của ông và bạn bè đã được ra đời từ những chuyến đi như vậy. 

Những người đã từng gặp nhạc sĩ Văn Dung đều dễ dàng cảm nhận ông là một người vô cùng thú vị, vừa phóng túng, kiêu bạc vừa hóm hỉnh, lại cực kỳ thâm trầm, sâu sắc. Văn Dung xuất hiện ở đâu là ở đó rộn ràng tiếng cười. Đi nhiều, đọc nhiều, lại biết diễn đạt những kiến thức mình có một cách linh hoạt, tinh tế, ông khiến cho người đối diện nể phục về kiến thức triết học, lịch sử, nghệ thuật và âm nhạc. Cách tiếp cận các vấn đề âm nhạc của ông luôn bắt đầu từ cái gốc, ít khi hời hợt, xuề xòa trên bề mặt. Văn Dung nói nhiều về tầm quan trọng của việc đi, của trải nghiệm đời sống trong sáng tác, nhưng qua những gì ông thể hiện, chúng ta có thể thấy rằng ông chưa từng xem nhẹ kiến thức.

Có lần tôi gọi đùa ông là “cái giếng”, bởi mỗi khi cần một kiến thức liên quan đến âm nhạc, đều có thể gọi cho ông để được nghe ông trao đổi rất kỹ lưỡng. Ông vô cùng nhiệt tình với thế hệ trẻ, và dường như sẵn sàng xem họ như những người bạn của mình. Cá nhân tôi thấy mình giàu có hơn rất nhiều sau mỗi lần được trò chuyện cùng ông. Riêng về âm nhạc, tôi nhớ nhất một câu nói của ông: “Cái gốc của văn hóa âm nhạc là lòng nhân ái”. Vâng, chính là lòng nhân ái đã khiến cho các sáng tác của ông trở nên đầy ắp tính nhân văn, lạc quan mà không bi lụy, dù cho hiện thực mà ông nhắc đến có thể rất buồn, rất đau thương, khốc liệt.

Cũng chính là lòng nhân ái đã khiến cho âm nhạc của ông chinh phục người nghe nhiều thời, bằng những đề tài ngỡ như chỉ có giá trị trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Ông hay nói đại ý rằng, nghệ thuật bắt nguồn từ trái tim, bàn tay người nghệ sĩ dù có khéo đến đâu cũng không thể sáng tạo ra những giá trị cao hơn điều mà trái tim của họ hướng đến. Nhìn lại, có thể thấy những ca khúc của Văn Dung dù là những đề tài vô cùng giản dị, nhưng đều có được sự đón nhận của đông đảo người nghe, chính là bởi ở đó chứa đựng một sự hòa hợp của tâm hồn người nghệ sĩ với cuộc đời. Ông và rất nhiều nhạc sĩ thế hệ của ông, với tâm thế nhập cuộc, đã không ngại ngần lặn ngụp trong đời sống của nhân dân, nắm bắt được hơi thở đời sống và thể hiện nó bằng âm nhạc.

Văn Dung hay các nhạc sĩ cùng thời với ông có thể mang bất cứ đề tài gì vào âm nhạc, từ hình ảnh chị nông dân đi cấy, người nữ thanh niên xung phong mở đường, người lính lái xe trên Trường Sơn, người thợ lò vất vả trong hầm sâu đều có thể rung động trái tim người nghe vì ở đó thấm đẫm một tình yêu của nhạc sĩ dành cho cuộc đời. Nghĩa là, đề tài chưa khi nào chiếm vị trí quan trọng trong nghệ thuật, mà quan trọng hơn là một trái tim ấm nóng của người cầm bút. Phải chăng vì thế mà những ca khúc của Văn Dung không chịu dừng lại câu chuyện của một thời, mà còn vang vọng ý nghĩa đến hôm nay, để chúng ta chiêm nghiệm nhiều hơn trong sự nghiệp dựng xây và quê hương, đất nước.

Xin vĩnh biệt ông!

Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15-1-1936, mất ngày 8-3-2022, nguyên Trưởng phòng ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Một số ca khúc tiêu biểu: “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, “Giải phóng quân ta ra đi”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng”, “Tình ca đất mỏ”, “Chiều xa Thành phố cảng”.

Bài hát “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Văn Dung được sử dụng như chính ca của Đoàn và ông đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ”.

Nhạc sĩ Văn Dung được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Bình Nguyên Trang
.
.