Nhạc Tết 2025: Sôi động nhưng một màu

Thứ Sáu, 07/02/2025, 09:57

Tết Ất Tỵ càng đến gần thì những giai điệu nhạc xuân càng tưng bừng, rộn rã. Các ca khúc, MV mới dành cho dịp Tết của ca sĩ trẻ nối đuôi nhau ra đời, mang đến một bữa tiệc âm nhạc sôi động. Tuy vậy, so với mặt bằng những năm trước, dòng nhạc Tết 2025 vẫn kém nhiệt và thiếu đột phá.

Rộn ràng giai điệu đoàn viên

Mới đây, nhóm nhạc B.O.F (gồm năm thành viên bước ra từ gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai”: Jun Phạm, BB Trần, S.T Sơn Thạch, Kay Trần và Bùi Công Nam) mang đến giai điệu tươi vui và tràn đầy năng lượng tích cực qua MV “Tết đỉnh nóc”. Cụm từ “đỉnh nóc” hay “kịch trần” khởi đi từ phát ngôn của NSND Tự Long khi ông nói về sự đoàn kết, gắn bó của các “anh trai” tham gia gameshow.

Nhạc Tết 2025: Sôi động nhưng một màu -0
Soobin (giữa) trong MV “Em ơi, anh nhớ nhà”.

Từ đây, cụm từ này trở thành thương hiệu của “Anh trai vượt ngàn chông gai” với sức lan tỏa mạnh mẽ. Do đó không lạ khi nhạc sĩ Bùi Công Nam lấy “đỉnh nóc” để đặt tên cho ca khúc về Tết. Ca khúc có ca từ giản dị, kêu gọi những người con xa quê trở về với gia đình sau một năm làm việc vất vả: “Xách vali đi về/ Về về nhà ăn Tết với ba/ Mua vài ba cây quất để trước nhà/ Ngày 30 ngồi bên nhau/ Mình nhâm nhi/ Với gia đình với gia đình". Thay vì chọn giai điệu nhẹ nhàng, nhóm mang đến bản phối có màu sắc tươi vui, gợi nên không khí tưng bừng trong những ngày Tết. Thành viên Kay Trần chia sẻ: "Bài hát gợi cho tôi cảm xúc được sum họp với gia đình, với các anh em. Cứ mỗi năm Tết đến, điều tôi thích nhất là mọi người được quây quần bên nhau, bỏ hết những muộn phiền để tận hưởng một cái Tết đỉnh nóc với những người thân yêu. Hy vọng sản phẩm này sẽ mang năng lượng tích cực đến mọi nhà, mọi người dù ở bất cứ nơi đâu".

Ngoài “Tết đỉnh nóc”, Bùi Công Nam không hổ danh là nhạc sĩ chuyên trị nhạc xuân khi mùa Tết này anh là tác giả của loạt nhạc phẩm như “Tết này con lớn rồi”, “Tết phiền vẫn iu”, “Tết nhà là vô giá”, “Tết vỗ về”. Trong đó, “Tết này con lớn rồi” khắc họa bức tranh ấm áp về ngày Tết, nơi người trẻ dần trưởng thành để nhận ra và trân trọng những hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Loạt ca khúc này đều sở hữu giai điệu vui tươi cùng thông điệp đoàn viên gia đình.

Trong khi đó, nam ca sĩ chuyên “làm mưa làm gió” với nhạc Tết như Noo Phước Thịnh trình làng ca khúc “Khổ quá thì về mẹ nuôi” trong chương trình “Gala nhạc Việt” 2025. Ca khúc do Phát Huy T4 sáng tác có tiết tấu khá nhanh, sôi động, miêu tả sự chênh vênh của một người con ở thành phố xa hoa nhưng lại mệt mỏi vì những bộn bề công việc. Người con ấy chỉ muốn trở về với gia đình, trở về vòng tay mẹ để quên hết mọi xô bồ của dòng đời như lời nhắn nhủ của đấng sinh thành: "Nếu trên phố thị mệt quá/ Cứ bắt xe về đây ba mẹ chờ đón/ Gạt bỏ qua phố xá nơi xa/ Quay về đây nhà ta sum vầy", hay "Mẹ chẳng cần tiền con đâu/ Chẳng cần con phải lo cho gia đình/ Miễn sao con không đau ốm/ Thật mạnh khỏe quay về nhà mình". Noo Phước Thịnh chia sẻ: "Tôi đã gắn bó với “Gala nhạc Việt” hơn 10 năm, thể hiện nhiều thể loại ca khúc khác nhau, đặc biệt là những bài hát về mùa xuân đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Năm nay, tôi muốn gửi gắm thông điệp đến mọi người: “Tết này, hãy trở về bên gia đình, bởi dù cuộc sống có mệt mỏi và áp lực đến đâu, nhà vẫn luôn là nơi ấm áp nhất".

Nhạc Tết 2025: Sôi động nhưng một màu -0
Ca sĩ Noo Phước Thịnh thể hiện ca khúc “Khổ quá thì về mẹ nuôi” trong chương trình “Gala nhạc Việt” 2025.

Dịp Tết năm nay, ca sĩ Soobin tiếp tục là đại sứ của chiến dịch “Đi để trở về”. Tám năm trước, ca khúc “Đi để trở về” do Soobin thể hiện đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Mỗi khi xách ba lô về quê ăn Tết, không bạn trẻ nào lại quên câu ca xúc động: “Từng chặng đường dài mà ta qua/ Đều để lại kỷ niệm quý giá/ Để lại một điều rằng, càng đi xa ta càng thêm nhớ nhà/ Đi thật xa để trở về/ Đi thật xa để trở về/ Có một nơi để trở về; đi, đi để trở về”. Ở chiến dịch lần này, Soobin ra mắt MV “Em ơi, anh nhớ nhà” với sự trưởng thành, chín chắn của người con nơi phương xa. Ca khúc theo dòng RnB bắt tai, trẻ trung, nhấn mạnh giá trị của tình thân trong dịp Tết đến xuân về. Cũng khai thác chủ đề đoàn viên, sum họp gia đình, ca sĩ Đức Phúc góp mặt với “Tết này để con lo” do Kai Đinh sáng tác. Bài hát vui tươi, dí dỏm, vẽ nên bức tranh Tết ấm áp bên người thân.

Ca sĩ Thành Đạt trình làng “Tết này con vắng nhà”. Đây là ca khúc hiếm hoi mang màu sắc trầm buồn của dòng ballad. Ca khúc thể hiện tâm tư của đứa con ở xa không thể về quê đón Tết cùng cha mẹ. Cũng chọn lối đi khác biệt so với các bản nhạc xuân ra mắt cùng thời điểm, MV “Rộn ràng xuân đến” của ca sĩ Ngọc Anh tái hiện cảnh hội làng vui nhộn khi đất trời vào xuân với những nét văn hóa đặc sắc. Khai thác màu sắc dân gian đương đại, MV quy tụ gần 100 diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam để làm nên đại cảnh hoành tráng. Đường đua nhạc Tết Ất Tỵ còn có sự tham gia của ca sĩ - diễn viên Duy Khánh với “Con về rồi”, Ngô Kiến Huy và Karik với “Tết về đi con”, Hồ Phi Nal - “Xuân tới nơi”, Wxrdie và JustaTee - MV “Trở về”, ca sĩ Dương Quốc Hưng - MV "Tết về"…

Thiếu đột phá để lan tỏa

Mặc dù thị trường nhạc Tết khá sôi động với hàng chục bài hát thi nhau trình làng, các nghệ sĩ nỗ lực không ngừng để làm mới mình nhưng nhìn tổng quan, đường đua nhạc Tết 2025 vẫn kém sức hút hơn so với mọi năm. Trước hết, các ca khúc cứ na ná nhau khi đa số đều ưu ái thể loại nhạc sôi động, rộn ràng như RnB, pop rock… khiến màu sắc âm nhạc khá nhạt nhòa. Về nội dung, chủ đề đoàn viên, sum họp gia đình đều được tác giả thi nhau lựa chọn khi sáng tác nhạc Tết. Các chủ đề khác như tình yêu, quê hương, thiên nhiên, xã hội, châm biếm thói hư tật xấu… đều thiếu vắng. Tuy chủ đề tình thân, vui vầy dịp Tết dễ tạo được sự gần gũi nhưng việc trùng lặp một chủ đề, một thông điệp khiến khán giả nhanh chán ngán. Chính điều này khiến loạt ca khúc năm nay thiếu đi điểm nhấn để đột phá thành hit (bài hát ăn khách).

Nhạc Tết 2025: Sôi động nhưng một màu -0
Cảnh trong MV “Tết về” của Dương Quốc Hưng.

Nếu những năm trước thị trường nhạc Tết từng chứng kiến những “hit” lớn như “Năm qua đã làm gì” của Noo Phước Thịnh; “Đi để trở về” của Soobin; “Bao giờ lấy chồng”, “Chuyện cũ bỏ qua”, “Em chào Tết” của Bích Phương; “Đem tiền về cho mẹ”, “Đi về nhà” của Đen Vâu… thì số bài hát năm nay dù chất lượng âm nhạc tạm ổn nhưng không có một bài nào đủ sức bật để chiếm lĩnh thị trường nhạc Tết. Ca khúc sở hữu câu chuyện riêng hay câu hát giàu sức nặng, đóng đinh vào tâm trí và chạm vào cảm xúc khán giả như mọi năm gần như thiếu vắng. Ngay ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng thừa nhận anh suýt từ chối tham gia chương trình “Gala nhạc Việt” xuân Ất Tỵ vì: "Tôi đã thể hiện quá nhiều ca khúc xuân trước đây, nên chưa biết phải làm gì hay hát gì để tạo sự mới mẻ khi tham gia chương trình. Tìm một bài hát đủ sức nặng khiến tôi đặc biệt yêu thích cũng không hề dễ dàng”. Việc anh lựa chọn bài hát “Khổ quá thì về mẹ nuôi” chỉ đến vào phút 90. Nhưng cho đến nay, bài hát vẫn chỉ dừng chân ở top 6 thịnh hành trên YouTube, chưa đủ sức vượt qua loạt hit như “Năm qua đã làm gì” hay “Những ngày xuân rực rỡ” của anh trước đó.

“Gala nhạc Việt” được coi là cái nôi để nhiều bản nhạc xuân ra đời và đi vào đời sống nhân dân. Mười hai năm qua, nhắc đến “Gala nhạc Việt” là nhắc đến nhạc Tết. Đạo diễn Trần Thành Trung, nhà sản xuất của chương trình “Gala nhạc Việt”, cho biết thập niên 1990 hay đầu 2000, các bản nhạc xuân dễ trở thành hit vì khi ấy không nhiều ca khúc mới, ca sĩ cũng không cạnh tranh quá gắt gao. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, không dễ để một nhạc phẩm về Tết và mùa xuân lan tỏa khắp đường phố ngõ hẻm. Để cung cấp bài hát mới cho thị trường, ê-kip sản xuất phải đau đầu cân nhắc, lựa chọn rất kỹ càng.

Nhạc Tết 2025: Sôi động nhưng một màu -0
Nhóm BOF trong MV “Tết đỉnh nóc”.

Ngẫm kỹ loạt bài hát từng khuynh đảo thị trường sẽ thấy “công thức” để nhạc Tết thành công không chỉ cần chất nhạc bắt tai, dễ nhớ, nội dung phù hợp ngày Tết mà còn hội tụ sự sáng tạo mới mẻ của nhạc sĩ. Đồng thời nhạc sĩ phải nhanh nhạy nắm bắt xu hướng hay những vấn đề đương đại mà số đông quan tâm nhưng chưa được khai thác trong âm nhạc. Chẳng hạn “Năm qua đã làm gì” được xem là bảng tổng kết của một người trẻ khi nhìn lại một năm đã qua. Hay “Bao giờ lấy chồng” xoáy sâu vào câu chuyện muôn thuở dở khóc dở cười của các cô gái độc thân khi về quê ăn Tết bị bà con hàng xóm hỏi han chuyện chồng con. “Chuyện cũ bỏ qua” cổ vũ tinh thần bỏ qua chuyện cũ rắc rối để mọi người hòa hợp và vui vẻ đón năm mới bằng lời ca và MV hài hước, dí dỏm. “Điệu đà” của Phương Mỹ Chi lại đi vào khía cạnh thời trang, khuyến khích mọi người diện những bộ cánh hợp thời nhưng vẫn đậm tinh thần truyền thống vào dịp năm mới. Nếu khai thác chủ đề đoàn viên, nhánh khai thác cũng phải chuyên chở thông điệp gần gũi mà sâu sắc, chạm vào cảm xúc của người nghe như Đen Vâu đã làm được ở “Đem tiền về cho mẹ” hay Soobin với “Đi để trở về”. Nếu không bài hát chỉ là lời hô hào vô nghĩa, sáo rỗng.

Lý giải nguyên nhân “một màu” của nhạc Tết Ất Tỵ, giới chuyên môn cho rằng tình trạng này ít nhiều là hệ quả từ sự khó khăn của nền kinh tế trong năm vừa qua. Bây giờ hầu hết ca khúc hay MV nhạc xuân đều do các nhãn hàng tài trợ hay đặt hàng nghệ sĩ để quảng bá thương hiệu một cách khéo léo. Sự khó khăn của nền kinh tế trong năm 2024 buộc các nhãn hàng cắt giảm kinh phí đã khiến nhạc xuân giảm về cả lượng và chất. Ngoài ra, vì nhạc Tết là nhạc mùa vụ, chỉ tồn tại một thời gian ngắn nên không ít nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ chọn cách cắt giảm đầu tư hoặc chỉ đầu tư theo kiểu “ăn xổi”. Nguồn lực dồi dào còn lại họ để dành đầu tư cho những dự án quan trọng khác trong năm.

Vẫn biết rằng “có thực mới vực được đạo”, tuy vậy không cần trông chờ vào sự đầu tư mạnh tay từ các nhãn hàng hay Mạnh thường quân, người nghệ sĩ đích thực vẫn có thể viết nên ca khúc nhạc Tết chất lượng, đi sâu vào lòng người để thế nhân ngân nga từ mùa xuân này đến mùa xuân khác. Những bản nhạc xuân bất hủ của loạt nhạc sĩ tiền bối đi trước như “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Đoản xuân ca” (Thanh Sơn), “Ngày Tết quê em” (Từ Huy), “Thì thầm mùa xuân” (Ngọc Châu)… là minh chứng tiêu biểu. Điều cốt lõi vẫn là tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ dành riêng cho dòng nhạc này.

Mai Quỳnh Nga
.
.