Nhân vật và nguyên mẫu điện ảnh: “Thêm mắm, giặm muối” bao nhiêu cho vừa?

Thứ Hai, 17/10/2022, 13:19

“Tôi không có đút sữa chua cho ông Sơn”, lời phủ định của danh ca Khánh Ly về chi tiết hư cấu trong “Em và Trịnh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) từng khiến bộ phim vốn đã ồn ào lại gặp thêm nhiều sóng gió.

Thậm chí, 3 tháng sau khi ra rạp, phim vẫn bị bà Michiko Yoshii – nguyên mẫu nàng thơ Nhật Bản của Trịnh Công Sơn - yêu cầu nhà sản xuất (NSX) xin lỗi vì khai thác đời tư không xin phép. Từ tranh cãi của “Em và Trịnh”, có hay không các nguyên tắc hay giới hạn khi làm phim điện ảnh về một nhân vật có thật?

Lời xin lỗi muộn màng của NSX “Em và Trịnh”

Trong thông báo gửi đi ngày 30-9, NSX “Em và Trịnh” cho biết trong quá trình xây dựng kịch bản, đơn vị nhiều lần liên hệ với gia đình giáo sư Michiko Yoshii để mong muốn được nghe thêm câu chuyện phía sau, nhưng không có kết quả. “Chúng tôi đã ngộ nhận sự im lặng đó là đồng ý, nên đã sản xuất bộ phim khi chưa có được sự chấp thuận bằng văn bản của giáo sư Michiko Yoshii. Dù không cố ý, chúng tôi cũng đã gây ra những tổn thương nhất định với giáo sư Michiko Yoshii và gia đình. Chúng tôi thành thật xin lỗi và mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông và rộng lượng của giáo sư”, phía NSX cho biết. Ngoài ra, đại diện đơn vị sản xuất cho biết êkíp sẽ thêm nội dung xin lỗi vào bản phim công chiếu sau này.

Nhân vật và nguyên mẫu điện ảnh: “Thêm mắm, giặm muối” bao nhiêu cho vừa? -0
Biên kịch Châu Quang Phước.

Chuyện tình Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii là một trong những tuyến truyện chính của phim “Em và Trịnh”. Trong thực tế, cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt - trong đó có nhạc Trịnh. Dù có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Michiko đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả bà ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho mối quan hệ của họ. Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh trai bà và Michiko từng quyết định làm đám cưới. Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói, vì một số lý do, hôn sự của cả hai không thành.

Trước đó, danh ca Khánh Ly (ngoài đời thực) cũng bức xúc khẳng định, bà chưa khi nào đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn. Giữa bà và nhạc sĩ họ Trịnh không có tình yêu đôi lứa, bà luôn coi ông Trịnh như cha như chú. Ngoài ra, nữ danh ca cũng khẳng định, bà chưa từng từ Đà Lạt lên Blao thăm Trịnh Công Sơn. Nhưng trong phim có cảnh Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đứng ôm nhau bên lửa trại trước căn chòi của nhạc sĩ tại Blao. Theo danh ca, đại diện đoàn phim đã liên lạc, cho bà xem kịch bản những phân đoạn Khánh Ly, nhưng bà không đồng ý những cảnh đó. Bà thậm chí còn đề nghị thay đổi tên nhân vật gì đó chứ đừng để Khánh Ly nữa. Tuy vậy, các cảnh bà phản đối và tên nhân vật vẫn được giữ khi lên phim.

Nhân vật và nguyên mẫu điện ảnh: “Thêm mắm, giặm muối” bao nhiêu cho vừa? -0
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bà Michiko ngoài đời thật.

“Nhưng họ vẫn cố tình gán ghép chúng tôi thành một đôi. Để làm gì, tôi không hiểu? Quan trọng lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn? Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau. Tôi chỉ nghĩ một điều là vì sao người ta làm như thế trong khi tôi còn sống? Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình”, Khánh Ly nói.

Trả lời những tranh cãi của bà Khánh Ly, ngày 27-6, trong văn bản gửi đi, ông Lương Công Hiếu – đại diện NSX giải thích, nhân vật Khánh Ly trong “Em và Trịnh” có hành xử, lời nói, trang phục khác biệt hẳn với các bóng hồng khác trong phim, là ý đồ của nhà làm phim muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Phim truyện phải theo mạch truyền tải cho chủ đề và góc nhìn tác giả. Đoàn phim đã thực hiện với tấm lòng ngưỡng mộ và yêu quý các nhân vật chứ không có ý định bôi xấu bất kỳ cá nhân nào…

Tiến thoái lưỡng nan

Trong lịch sử điện ảnh Việt, các nhân vật có thật tuy cũng được đưa lên phim, nhưng chỉ được khai thác như cá thể trong đường dây một câu chuyện có bối cảnh lịch sử. Gần như chưa có một tác phẩm riêng xuyên suốt về cuộc đời với nhiều tuyến nhân vật như “Em và Trịnh”. Phía NSX phim từng thừa nhận, cái khó của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột, là chắt lọc được trong hàng ngàn tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn, để xây dựng góc nhìn của bản thân và kể về người nhạc sĩ.

Dù được sự hỗ trợ lớn từ phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, song, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phải thừa nhận: “Làm phim về nhân vật có thật rất khó. Quá trình làm phim, chúng tôi mất 2 năm nghiên cứu, tham khảo tư liệu... Một điều thú vị, cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người kể theo cách khác nhau. Nếu làm phim theo lời kể của một người, những người khác sẽ nói câu chuyện không phải như vậy. Khi “bơi” trong tư liệu, chúng tôi quyết định ngừng tìm kiếm. Vì quá mải miết chạy theo điều đó, chúng tôi bị cuốn đi và quên mất ý định ban đầu. Chúng tôi nghiệm ra, tất cả đều là ký ức của mọi người. Tôi chọn theo cách mình muốn kể. Câu chuyện của nhạc sĩ chỉ là cảm hứng để tôi kể câu chuyện mang tính cá nhân hơn. Hầu hết nhà làm phim đều làm như vậy. Đương nhiên, khán giả sẽ có ý kiến và đó là quyền của họ. Làm phim xong, tôi chấp nhận phán xét của khán giả”.

Với các nhà làm phim, mục tiêu làm phim tiểu sử ngoài sự tôn vinh nhân vật, vẫn phải hướng đến doanh thu. Vì vậy, chuyện “thêm mắm, dặm muối” để phim thêm kịch tính là điều dễ hiểu. Nhà biên kịch, chuyên gia truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước khẳng định, điện ảnh là một ngành nghệ thuật sáng tạo, sẽ chẳng có bất kỳ “công thức” nào trong chuyện làm phim ở bất kỳ thể loại nào. Tuy nhiên, với dòng phim tiểu sử, phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật, nếu liên quan đến các nhân vật còn sống, cho dù là nguyên mẫu chính hoặc phụ về các nhân vật trên phim, bằng tên thật được giữ lại, cần phải có một sự trao đổi với nhau một cách tối thiểu giữa người làm phim và nguyên mẫu. Trong khi đó, một vài góp ý thiết yếu của nữ danh ca dường như cũng không được những người làm phim lưu tâm, dù vẫn có động thái hỏi ý từ kịch bản liên quan trước lúc bấm máy. “Đây dĩ nhiên cũng là thế khó của người làm phim khi thực hiện phim tiểu sử về người nổi tiếng, trong lúc vẫn còn nhiều chứng nhân của lịch sử, nhưng vì một số lý do nào đó đã ơ hờ bỏ qua hoặc tham khảo thiếu thành ý với nhân vật liên quan”, ông Phước bày tỏ.

Bài học từ “Em và Trịnh”

Thực tế, không riêng ở Việt Nam, nhà làm phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood vẫn thường đối mặt áp lực khi thực hiện các dự án phim tiểu sử hoặc lấy cảm hứng từ người thật việc thật. Đơn cử, “Bohemian Rhapsody” - phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao nhất thế giới, được ban nhạc Queen ủng hộ, thì Jim Hutton - người yêu đồng giới của Freddie Mercury trong 6 năm cuối đời lại bị khắc họa mờ nhạt. Còn “The Social Network” khắc họa Mark Zuckerberg như một người tài năng nhưng lập dị, tạo ra Facebook do thất tình, sẵn sàng lật kèo với đối tác hoặc bạn bè. Ngay sau đó, Zuckerberg chỉ trích phim vì kịch tính hóa quá mức và bịa ra những tình huống hào nhoáng để phim hấp dẫn hơn.

Nhân vật và nguyên mẫu điện ảnh: “Thêm mắm, giặm muối” bao nhiêu cho vừa? -0
Một cảnh trong “House of Gucci”.

Ông Châu Quang Phước nhắc đến trường hợp của ê-kíp phim “House of Gucci” (đạo diễn Ridley Scott, 2021). Giới phê bình quốc tế và khán giả đại chúng đánh giá cao về phim này, thế nhưng gia tộc Gucci lại cảm thấy bị phỉ báng, xúc phạm với cách hình dung của những người làm phim về nhân vật Patrizia Reggiani (Lady Gaga thủ vai), vợ cũ của nhà thiết kế thời trang Maurizio Gucci. Chỉ là chưa đến mức xảy ra kiện tụng nhau, nên xem như mọi thứ vẫn còn nằm trong giới hạn cho phép, ông Phước cho hay. Do đó, ông Phước cho rằng, điều thuyết phục khán giả ở phim tiểu sử không phải là yếu tố hư cấu bao nhiêu là đủ, mà nằm ở ngôn ngữ điện ảnh của người làm phim. Nếu làm tốt đều này, ngay cả có xảy ra bất đồng liên quan một tiểu sử hư cấu, mọi thứ cũng sẽ được công chúng chia sẻ và đồng cảm.

Đây cũng là điều đạo diễn Đinh Tuấn Vũ lưu tâm. Anh cho rằng, khi làm phim về một nhân vật có thật, thì sự tôn trọng họ và gia đình họ phải được đặt lên hàng đầu. Bộ phim được làm ra có thể có nhiều tình tiết hư cấu, nhưng chắc chắn không được làm tổn thương hay tổn hại đến nhân vật và gia đình họ. “Việc dung hòa chi tiết có thật và hư cấu là một quá trình rất dài. Về cơ bản cũng không quá khác biệt so với việc xây dựng một kịch bản phim về những nhân vật được hư cấu hoàn toàn. Bởi xét cho cùng, khi nhà làm phim đã có một cơ sở vững chắc về nhân vật mình muốn kể, những gì hư cấu sẽ không đi chệch khỏi bản sắc của nhân vật đó. Như vậy, một cách rất tự nhiên, yếu tố hư cấu và các chi tiết thật sẽ dung hòa với nhau dễ dàng”, nam đạo diễn cho hay.

Có thể thấy, lời giải thích và xin lỗi của “Em và Trịnh” được nhìn nhận như một động thái để “làm dịu” dư luận và tránh những lùm xùm, thậm chí tránh kiện tụng có thể xảy ra. Tuy nhiên, hơn cả một lời xin lỗi, đây có lẽ là bài học quan trọng cho những nhà làm phim sau này khi tiếp cận thể loại phim tiểu sử, lấy cảm hứng từ nhân vật có thật. Việc khoác lên bộ phim mác “hư cấu” không thể là cách đoàn phim rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm với nhân vật, sự kiện được nhắc tới. NSX cần quan tâm tới các điều luật về quyền riêng tư, tránh tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu tới tinh thần nhân vật. Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, Khoản 1 và Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015; Khoản 3, 4 trong Điều 11 Luật Điện ảnh 2006 cũng đã có quy định về những vấn đề này.

Trước câu hỏi “Có cần xin phép nguyên mẫu không?”, đáp án không đơn thuần dừng lại ở “Không” và “Có”. Các nhân vật và những người liên quan đến phim luôn có thể kiện nhà sản xuất tội phỉ báng. Như trường hợp của bà Khánh Ly, luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, đoàn phim đã xin phép về kế hoạch bộ phim và có khuyến cáo người xem về tác phẩm có chi tiết hư cấu nhưng bà Khánh Ly cảm thấy nội dung bộ phim có tình tiết gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, uy tín cá nhân thì vẫn có thể kiện. Đó còn chưa kể, những nhân vật bị hư cấu còn có những tổn thương về mặt tinh thần hay vấn đề cá nhân do phim gây ra mà không được quy định trong luật. Đây chính là ranh giới mong manh mà các nhà làm phim phải cân nhắc kỹ càng trước khi đưa cuộc đời của họ lên màn ảnh.

Bạch Dương
.
.